13 phút trước
Hướng Tới Sự Gắn Bó An Toàn: Làm Thế Nào Để Sắp Xếp Lại Suy Nghĩ Của Bạn
4930

9893
Lượt xem
62
Lượt chia sẻ
13
Lượt bình luận

Bạn nghĩ sao nếu có thể khám phá ra một số công cụ và phương pháp giúp cải thiện mối quan hệ của mình? Sẽ thế nào nếu nhờ có thêm một chút kiến thức bạn có thể hiểu rõ hơn về sự tương tác trong mối quan hệ và giúp nó phát triển?

Bằng cách tìm hiểu sự gắn bó an toàn là gì và làm thế nào điều chỉnh lại suy nghĩ của mình, bạn có thể hiểu rõ hơn về sự tương tác trong mối quan hệ của mình. Sau khi đã có thêm hiểu biết thì bạn có thể thực hiện vài bước để giúp trở lên chúng tốt đẹp hơn bao giờ hết. Đó là điều mà nhiều người trong chúng ta có thể thu nhận được.

Khi nghe nói đến sự gắn bó an toàn ta thường nghĩ tới một mối quan hệ tình cảm. Và đó chính là điều chúng ta sẽ bàn tới.

Trong bài này tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về khái niệm gắn bó an toàn, và làm cách nào mà việc sắp xếp lại suy nghĩ có thể giúp bạn hướng tới đạt được một mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Quan hệ tình cảm là một phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, và bất kỳ điều gì ta có thể làm để cải thiện mối quan hệ đều tốt cho tất cả mọi người liên quan.

Hãy có một cái nhìn khái quát về khái niệm thuyết gắn bó, nó sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc cho toàn bộ bài viết này.

Nhà tâm lý học về cái tôi John Bowlby là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “thuyết gắn bó” vào cuối những năm 60. Bowlby đã có những nghiên cứu sâu rộng liên quan đến sự nuôi dưỡng thời thơ ấu, và những gì ông phát hiện được rất thú vị.

Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng khi một đứa trẻ sơ sinh có sự gắn bó mật thiết với người chăm sóc, đứa trẻ sẽ có cảm giác có nguồn cội và an toàn. Mặt khác, nếu không có sự gắn bó an toàn, đứa trẻ thường mất nhiều năng lượng dành cho sự phát triển để tìm kiếm sự an toàn và ổn định. 

Đứa trẻ không có được sự gắn bó an toàn có xu hướng trở nên sợ hãi, nhút nhát và chậm chạp hơn trong việc khám phá những tình huống mới hoặc môi trường của chúng.

Khi đứa trẻ phát triển một sự gắn bó mật thiết, cậu hoặc cô bé đó sẽ có xu hướng mạo hiểm hơn và tìm kiếm những trải nghiệm mới vì chúng cảm thấy an toàn hơn. Chúng biết rằng người trông nom chúng sẽ luôn có mặt khi cần.

Đồng nghiệp của Bowlby, Mary Ainsworth đã phát triển lý thuyết trên xa hơn. Bà đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu xung quanh sự tách rời giữa trẻ sơ sinh và cha mẹ, và đưa ra một bộ khung hoàn thiện hơn cho các dạng gắn bó khác nhau.

Nói một cách đơn giản, gắn bó là mối liên hệ cảm xúc với một người khác. Gắn bó không nhất thiết diễn ra hai chiều, nó có thể là một người cảm thấy gắn bó với một người khác mà không có sự đáp lại. Phần lớn trường hợp, ở một mức độ nào đó, điều này xảy ra giữa hai người.

Sự gắn bó bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ. Theo thời gian, khi đứa trẻ có thể duy trì khoảng cách gần gũi hơn với người chăm sóc đáp ứng nhu cầu cho chúng, một sự gắn bó mật thiết sẽ hình thành.

Ban đầu người ta cho rằng khả năng cung cấp thức ăn hay dinh dưỡng cho một đứa trẻ là động lực chính của một mối quan hệ mật thiết.

Sau này người ta khám phá ra rằng động lực chính của sự gắn bó được đã được chứng minh là sự đáp ứng của cha mẹ/người chăm sóc đối với đứa trẻ, cũng như khả năng giáo dục trẻ theo nhiều cách khác nhau. Những hành động như hỗ trợ, quan tâm, nuôi dưỡng, và bảo vệ đều là thành phần của việc giáo dục một đứa trẻ.

Về bản chất, đứa trẻ hình thành sự gắn bó mật thiết khi chúng cảm thấy người chăm sóc chúng dễ gần và quan tâm và có mặt khi chúng cần; rằng cha mẹ/người chăm sóc sẽ ở đó vì chúng. Nếu đứa trẻ không cảm thấy người chăm sóc luôn có mặt để hỗ trợ khi cần, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng.

Ở trẻ em, người ta đã xác định có bốn kiểu gắn bó. Đó là:

  • Gắn bó an toàn – loại này được mô tả chủ yếu bởi sự khó chịu hay lo lắng khi trẻ bị tách rời khỏi người chăm sóc, và niềm vui và sự an tâm khi người chăm sóc quay lại với đứa trẻ. Mặc dù ban đầu đứa trẻ cảm giác bứt rứt khi không còn người chăm sóc ở bên, nhưng chúng sẽ cảm thấy tin tưởng khi họ quay lại. Việc cha mẹ hay người chăm sóc trở lại sẽ được chào đón với cảm xúc tích cực, đứa trẻ thích cha mẹ hơn người lạ.
  • Gắn bó mâu thuẫn – những đứa trẻ này trở nên rất bất an khi cha mẹ hay người chăm sóc đi khỏi. Chúng cảm thấy không thể trông cậy vào sự hỗ trợ của người chăm sóc khi chúng cần. Mặc dù đứa trẻ có sự gắn bó mâu thuẫn có thể bực dọc hay lo lắng khi gặp lại cha mẹ hay người chăm sóc, nhưng chúng sẽ bám dính lấy họ.
  • Gắn bó né tránh – những đứa trẻ này thường né tránh cha mẹ hay người chăm sóc. Khi được lựa chọn được ở bên cha mẹ hay không, thì chúng thường không quan tâm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây có thể là hậu quả từ những người chăm sóc thiếu trách nhiệm.
  • Gắn bó hỗn độn – những đứa trẻ này thể hiện một hỗn hợp các kiểu cư xử mất phương hướng đối với người chăm sóc. Có thể đôi lúc chúng cần họ, lúc khác lại không cần. Điều này đôi khi được cho là liên quan đến cách cư xử thiếu ổn định từ phía cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Vậy một câu hỏi lớn là điều này ảnh hưởng tới chúng ta ra sao khi trưởng thành? Dễ thấy là hoàn toàn hợp lý nếu khi còn nhỏ, luôn có người có mặt khi ta cần họ, ta sẽ cảm thấy an tâm. Trái lại, nếu ta không chắc rằng sẽ có người đáp ứng cho nhu cầu của mình khi ta cần, chúng ta có thể trở nên lo lắng và sợ hãi.

Khi trưởng thành, chúng ta thường đi tới một trong ba kiểu gắn bó chính dựa trên trải nghiệm hồi còn nhỏ. Đó là an toàn, né tránh và lo lắng. Đúng ra còn có dạng thứ tư: lo lắng-né tránh, nhưng nó ít phổ biến hơn khá nhiều. Các kiểu gắn bó được mô tả như sau:

  • An toàn – Khi có một mối quan hệ gắn bó an toàn, bạn thoải mái thể hiện sự quan tâm và yêu thương với người kia, nhưng bạn cũng ổn khi ở một mình và độc lập. Dạng an toàn ít có xu hướng lo lắng quá mức về một mối quan hệ bất ổn, và dễ đương đầu với việc bị từ chối hơn. Người thuộc kiểu an toàn cũng có xu hướng ổn thỏa hơn những kiểu khác trong việc không bắt đầu mối quan hệ với những người có lẽ không phải là người bạn đời phù hợp nhất với họ. Họ kết thúc mối quan hệ nhanh hơn khi họ thấy những điều họ không thích từ phía người bạn đời tiềm năng. Những người gắn bó an toàn chiếm đa số trong các dạng gắn bó.
  • Lo lắng – Những người thuộc kiểu gắn bó lo lắng thường cần rất nhiều sự trấn an từ nửa kia của mình. Họ cảm thấy khó khăn hơn so với các kiểu khác rất nhiều khi phải ở một mình hoặc đơn độc, và thường hay rơi vào các mối quan hệ xấu hơn. Kiểu lo lắng chiếm khoảng 20% dân số. Người ta đã chỉ ra rằng nếu kiểu gắn bó lo lắng học được cách truyền đạt nhu cầu của họ tốt hơn, và học cách hẹn hò với những đối tượng an toàn, họ có thể chuyển sang dạng an toàn.
  • Né tránh –  Kiểu người né tránh chiếm khoảng 25% dân số trưởng thành. Những người né tránh thường gặp rất nhiều khó khăn trong một mối quan hệ vì họ khó tìm thấy sự thoả mãn. Nói chung, họ không thoải mái với các mối quan hệ gần gũi và thân mật, và khá độc lập. Họ là kiểu con sói cô đơn.
  • Lo lắng-né tránh – Kiểu lo lắng-né tránh khá hiếm. Đó là sự kết hợp của các dạng tính cách trái ngược: họ muốn được gần gũi nhưng cùng lúc đó lại đẩy người khác ra xa. Họ làm những việc để đẩy những người gần gũi nhất ra xa họ. Nhiều khi họ có thể gặp những rủi ro lớn hơn về trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tinh thần khác.

Đây là lúc vấn đề thực sự trở nên thú vị:

Tin tốt lành là có thể chuyển từ một kiểu gắn bó này sang một kiểu gắn bó khác, đặc biệt có thể chuyển sang kiểu gắn bó an toàn hơn.

Lúc này, như bạn có thể hình dung, đây không phải là một quá trình dễ dàng hay nhanh chóng. Giống như bất kỳ thay đổi lớn nào, khi bạn cố gắng thay đổi một lối suy nghĩ đã khắc sâu, bạn cần ý chí mạnh mẽ để thành công.

Bước đầu tiên là hình thành ý thức về kiểu gắn bó của mình. Bước tiếp theo là có mong muốn và động cơ để chuyển kiểu gắn bó của bạn sang kiểu gắn bó an toàn hơn.

Nếu một người thuộc kiểu lo lắng hay né tránh có quan hệ lâu dài với một người kiểu an toàn, thì người lo lắng hay né tránh sẽ dần dần được nuôi dưỡng để chuyển sang kiểu an toàn nhiều hơn.

Điều ngược lại cũng đúng, họ cũng có thể hướng người an toàn sang kiểu gắn bó của họ nhiều hơn. Do đó, bạn phải ý thức được kiểu gắn bó của mình, và nếu bạn muốn chuyển sang kiểu an toàn hơn, bạn cần kiên nhẫn.

​​​​​​​Trị liệu tâm lý cũng là một sự lựa chọn. Thông thường, những người kiểu lo lắng cần điều chỉnh lòng tự trọng của họ, người tránh né đặc biệt phải điều chỉnh sự kết nối của họ và lòng cảm thông.

Bạn đã sẵn sàng học cách thực hiện chưa? Chúng ta bắt đầu nào:

Với Kiểu Né tránh

Như bất kỳ thay đổi nào ở mức độ sâu sắc như vậy, bước đầu tiên để thay đổi là nhận biết. Hãy nhận ra rằng bạn thuộc kiểu né tránh và hãy ý thức điều đó khi bạn giao tiếp với nửa kia của mình.

Hãy cố gắng hướng tới một môi trường có sự hỗ trợ qua lại và sự cho đi/trò chuyện. Cố gắng giảm bớt nhu cầu được hoàn toàn độc lập của mình. Hãy cho phép nửa kia của mình làm một số điều khiến bạn có chút không thoải mái mà bạn vẫn thường làm với bản thân.

Đừng lúc nào cũng tập trung vào sự thiếu hoàn hảo của người bạn đời. Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo, hãy nhắc mình điều đó.

Tự lập một danh sách những phẩm chất nửa kia có mà bạn cảm thấy biết ơn.

Tìm một nửa kia thuộc kiểu an toàn nếu có thể, ở bên họ sẽ tốt cho bạn.

Nếu bạn có xu hướng kết thúc một mối quan hệ trước khi nó đi quá xa, hãy ý thức được điều đó và cho phép mối quan hệ phát triển xa hơn.

Rèn thói quen chấp nhận và thậm chí khơi mào những đụng chạm thể xác. Tự nhắc mình rằng một chút thân mật sẽ tốt cho bản thân bạn. Sự thân mật có thể giúp bạn cảm giác an tâm và an toàn.

Theo thời gian, bạn có thể nhận thấy rằng việc dựa vào người khác là hoàn toàn ổn.

Với Kiểu Lo lắng

Với kiểu người lo lắng, vấn đề #1 phải giải quyết là học cách truyền đạt mong muốn của mình tốt hơn. Đây là vấn đề lớn đối với những người thuộc kiểu lo lắng.

Đầu tiên và quan trọng hơn cả, nếu bạn truyền đạt nhu cầu của mình rõ ràng hơn, bạn sẽ giảm bớt được lo lắng, đó đã là một thắng lợi lớn. Điều này cũng cho phép bạn đánh giá tốt hơn liệu đối tượng tiềm năng có phù hợp với bạn hay không.

Hãy cố gắng bộc lộ cảm xúc của mình nhiều hơn, và quan trọng hơn cả là chia sẻ nó với nửa kia. Hãy nhớ rằng những người gắn bó an toàn thường truyền đạt rất tốt, đây là điều bạn đang hướng tới.

Với Kiểu Lo lắng - Né tránh

Lo lắng - né tránh chiếm một phần trăm rất nhỏ trong các kiểu gắn bó. Do đây là kiểu người có xu hướng lo lắng trong mối quan hệ VÀ ít nhiều là một kẻ cô độc, chìa khóa ở đây là hãy cố gắng thật nhiều để ý thức rõ ràng về hành động của mình.

Hãy sử dụng phần “cố gắng hướng tới sự gắn bó an toàn” trong lời khuyên dành cho kiểu lo lắng, và “điều chỉnh lại suy nghĩ của bạn” dành cho người né tránh, để chủ tâm hướng tới kiểu gắn bó an toàn hơn.

Khi nhận ra bản thân đang đẩy một ai đó ra xa, hãy tự hỏi tại sao. Nếu bạn lo lắng rằng nửa kia sẽ rời bỏ mình, một lần nữa hãy tự hỏi mình suy nghĩ đó từ đâu ra. Họ có thể hiện điều gì khiến bạn tin vào điều đó không? Rất nhiều khi, không có bằng chứng thật sự nào cả. Trong trường hợp đó, hãy cho phép bản thân bình tĩnh trở lại và cố gắng không bị ám ảnh về việc đó.

Với Kiểu An toàn

Do mục tiêu của chúng ta là hướng tới một kiểu gắn bó an toàn hơn, bạn có thể hình dung là không có gì nhiều phải làm ở đây.

Có một điều bạn cần nhận thức được là giữ một mối quan hệ chỉ vì nó “cũng được”. Đừng ở lại nếu đó không phải là một môi trường tốt cho bạn và người kia. Nếu nửa kia của bạn là kiểu gắn bó lo lắng hay né tránh, hãy cẩn thận để không bắt đầu phát triển những cá tính thuộc những kiểu này.

Trong lúc đi đến kết luận, hẳn bạn đã hình thành một ý tưởng khá đầy đủ về lợi ích của gắn bó an toàn. Nếu hiện tại bạn không thuộc kiểu gắn bó an toàn, sau đây là một số lợi ích của việc điều chỉnh lại suy nghĩ của bạn để hướng tới kiểu an toàn hơn:

  • Lòng tự trọng cao và một hình ảnh tích cực về bản thân
  • Những mối quan hệ gần gũi và dễ thích nghi
  • Cảm giác an toàn về bản thân và thế giới
  • Có khả năng sống độc lập cũng như ở trong một mối quan hệ
  • Có viễn cảnh tốt đẹp về cuộc sống và bản thân
  • Kỹ năng hành xử và chiến lược tốt cho các mối quan hệ và cuộc sống
  • Tin tưởng vào bản thân và người khác
  • Có những mối quan hệ gần gũi, thân mật
  • Quả quyết và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt

Nếu bạn thuộc kiểu lo hay né tránh hoặc kết hợp của lo lắng - né tránh, bạn hoàn toàn có thể hướng tới một kiểu gắn bó an toàn.

Để đến gần với mục tiêu trở nên an toàn, bạn cần hiểu chính mình, có lòng kiên nhẫn và mong muốn mạnh mẽ, nhưng điều đó có thể thực hiện được. Bạn sẽ nhận ra rằng những nỗ lực sẽ đem lại cho bạn một mối quan hệ cởi mở, thành thật và mãn nguyện hơn.

Nguồn ảnh bìa: Pexels từ pexels.com