10 tháng trước
Thuyết Gắn Bó: Kiểu Tính Cách Né Tránh Ảnh Hưởng Đến Mối Quan Hệ Của Bạn Như Thế Nào
1302

20.7K
Lượt xem
148
Lượt chia sẻ
5
Lượt bình luận

Hầu hết chúng ta đều có những mối quan hệ tuyệt vời.

Các mối quan hệ tuyệt vời là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Đó là mối quan hệ vợ chồng hoặc mối quan hệ bền chặt với người bạn đời. Hay một mối tình đang ở giai đoạn lãng mạn thuở ban đầu. Rồi mối quan hệ tương tác với cha mẹ hoặc con cái của chúng ta. Và những mối quan hệ với đồng nghiệp và bạn bè. Những mối quan hệ này sẽ xuất hiện trong suốt cuộc đời của bạn, trừ khi bạn là một kẻ ở ẩn, tránh xa loài người.

Xây dựng được những mối quan hệ không phải là điều luôn dễ dàng và để có được mối quan hệ tốt đẹp nhất thường tốn rất nhiều công sức, hãy hỏi những cặp đôi đã cưới nhau hơn 10 năm thì bạn sẽ rõ.

Có quá nhiều động lực khiến con người chúng ta đôi lúc coi việc đến với nhau như một điều diệu kỳ. Rồi sau đó, nhiều sự khác biệt về tính cách mà chúng ta học được từ tấm bé đôi khi giúp ta củng cố nhưng đôi khi chính nó lại cản trở mối quan hệ người lớn của chúng ta.

Tính cách gắn bó né tránh là một trong những tính cách được hình thành từ khi ta còn nhỏ và có ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ trong cuộc sống.

Chúng ta sẽ cùng xem xét tính cách gắn bó né tránh là gì, nó có tác động đến các mối quan hệ ra sao và cách để đối mặt với các mối quan hệ theo kiểu gắn bó né tránh mà chúng chiếm phần lớn trong cuộc sống trưởng thành của chúng ta.

Để có thể khai thác tối đa bài viết này, điều đầu tiên chúng ta nên tìm hiểu thế nào là gắn bó né tránh. Kiểu hành vi gắn bó là hành vi thực ra được hình thành và phát triển từ khi chúng ta còn nhỏ.

Khi còn là trẻ sơ sinh, chúng ta cần rất nhiều thứ mà chúng ta không thể tự làm cho mình được. Chúng ta cần được cho ăn khi đói, được vỗ về khi sợ hãi, được xoa dịu khi bị tổn thương, v.v. Mối quan hệ giữa những người chăm sóc chính, thường là cha, mẹ hoặc cả hai và đứa trẻ hình thành một trong 4 kiểu tính cách gắn bó là: an toàn, lo lắng, hỗn độn và né tránh.

Khi cha mẹ hay người chăm sóc tự nhiên "bắt được sóng" và lưu tâm tới những nhu cầu của một em bé thì tính cách gắn bó an toàn sẽ được hình thành. Em bé, sau này là đứa trẻ sẽ cảm thấy an tâm rằng cha mẹ/người chăm sóc nó sẽ ở bên mình mỗi khi nó cần thứ gì đó như thức ăn hay sự vỗ về, đồng nghĩa với việc nó cảm thấy yên tâm khi dựa vào cha mẹ mình. Do đó, nó sẽ thấy thoải mái hơn khi khám phá môi trường xung quanh và có thái độ tích cực với những mối quan hệ sau này trong cuộc đời.

Mặt khác, nếu bố mẹ đứa trẻ không lưu tâm hay không đáp ứng những nhu cầu về mặt thể chất và tinh thần của nó thì điều đó sẽ gây ra áp lực lớn tới đứa trẻ. Cách đứa trẻ thích nghi với môi trường thiếu sự quan tâm và hỗ trợ là xây dựng một cơ chế phòng vệ (kiểu né tránh) giúp chúng cảm thấy an toàn hơn và xoa dịu nỗi đau chúng phải chịu đựng từ việc thiếu sự quan tâm, chăm sóc. 

Với tình trạng thiếu sự quan tâm, có khoảng cách từ bố mẹ, thông thường sẽ tạo ra các kiểu tính cách gắn bó không an toàn: lo âu, trốn tránh và hỗn độn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào kiểu tính cách gắn bó né tránh.

Người ta ước tính rằng có khoảng 30% dân số có tính cách theo kiểu gắn bó né tránh. Cha mẹ của những đứa trẻ có tính cách gắn bó né tránh thường ít gắn bó với con của họ.

Vì bất kỳ lý do gì, họ thiếu trách nhiệm, ít bày tỏ tình cảm và đôi khi còn không ở bên đứa con của mình. Họ không chú ý nhiều đến những nhu cầu của con mình và nhiều lần còn khuyến khích sự tự lập sớm ở con ngay cả khi đứa trẻ chưa thực sự sẵn sàng. Nhiều lần, họ còn kịch liệt ngăn cản con mình khóc và thậm chí có xu hướng vắng mặt ngay cả khi con bị ốm hay bị đau.

Do không nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ khi đứa trẻ cần, đứa trẻ sẽ học cách không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bố mẹ chúng. Chúng sẽ cố gắng ghìm hay kìm nén cái mong muốn bẩm sinh của mình là tìm kiếm người chăm sóc hay cha mẹ mỗi khi chúng cần.

Nhiều lần, đứa trẻ học được cách lờ đi các nhu cầu cơ bản của bản thân hay ít nhất ngăn chặn chúng. Chúng trở thành những đứa trẻ mà mọi người nghĩ rằng chúng có tính tự lập rất cao và về cơ bản có thể tự chăm sóc bản thân từ khi còn rất nhỏ.

Bởi vì những đứa trẻ có tính cách gắn bó né tránh được dạy không dựa vào cha mẹ chúng để có được sự thoải mái, chúng học cách không cần tìm điều đó ở bất cứ ai. Chúng được dạy rằng chúng không nhận được hỗ trợ từ người chăm sóc khi chúng cần.

Nhiều lần, chúng bị nói thẳng là không được khóc hay tự đi mà lo cho bản thân. Vì vậy chúng trở thành những đứa trẻ khép kín, học cách tự dựa vào bản thân tới mức gần như cô độc.

Chúng sớm được dạy dỗ trong cuộc đời về cơ chế phòng vệ với tất cả mọi người. Không bao giờ được thể hiện ra bên ngoài điều chúng cần hay mong muốn như sự gần gũi, tình cảm hay sự thân mật. Chúng được dạy rằng khi chúng muốn bày tỏ tình cảm hay có yêu cầu thì những người gần gũi với chúng sẽ không đáp ứng lại. Thậm chí những người thân thiết nhất với chúng không những không đáp ứng chúng mà còn quay lưng lại với chúng theo nhiều cách.

Chúng học được cách không thể hiện sự cần thiết phải gần gũi với bất kì ai bởi vì điều đó không đem lại lợi ích gì cho chúng. Chúng không nhận được sự an ủi hay chăm sóc từ người khác.

Tóm lại, điều này tạo cho chúng một dấu ấn ảm đạm kéo dài suốt cuộc sống trưởng thành của chúng sau này. Chúng chẳng cần hay chẳng mong muốn sự thân thiết hay tình cảm nồng ấm từ người khác.

Khi một đứa trẻ hình thành tính cách gắn bó né tránh đối với cha mẹ nó thì khi trưởng thành, tính cách này sẽ chuyển thành tính cách gắn bó lãnh đạm. Về cơ bản có hai kiểu gắn bó lãnh đạm là né tránh - sợ hãi và né tránh - dửng dưng. Cả hai đều có nhiều điểm tương đồng.

Những người có kiểu tính cách gắn bó lãnh đạm đã được dạy rằng mọi người đều không đáng tin cậy nên họ hành động theo suy nghĩ đó khi ở tuổi trưởng thành. Họ thường né tránh các mối quan hệ thân mật và cảm thấy họ không cần dựa vào bất kì ai.

Họ đối mặt với các mối quan hệ khi trưởng thành bằng cách tỏ ra lạnh lùng và không bám víu hoặc quá thân mật với bất kì ai. Họ có thể vượt qua một mình và bằng nhiều cách. Họ cảm thấy họ có thể tự lo mọi thứ bởi vì trước đây họ cũng từng sống như vậy.

Họ có thể chia sẻ với người yêu của họ nhưng sẽ không cảm thấy thoải mái khi mối quan hệ trở nên quá thân mật. Nhiều lần, khi họ cảm thấy người yêu của họ quá gần gũi hay đòi hỏi quá nhiều, đặc biệt khi người yêu của họ muốn thân mật hơn. Người có tính cách gắn bó né tránh có xu hướng tập trung vào bản thân họ hơn và không quá chú ý đến cảm nhận và nhu cầu của người khác.

Khi cãi nhau với người có tính cách gắn bó né tránh, rất nhiều lần họ tự cô lập bản thân và trở lên lạnh lùng, xa cách. Đó là điều cực kì bực mình đối với người bạn đời của họ bởi vì dường như họ không sẵn sàng tham gia vào các cuộc nói chuyện có liên quan đến cảm xúc.

Thông thường người có tính cách gắn bó né tránh thường rất bảo thủ. Mặt khác, họ có xu hướng xem xét người khác với ánh mắt hoài nghi và/hoặc tiêu cực.

Trong hầu hết trường hợp, sự tự chủ cao thực chất là để che đậy và bảo vệ cái tôi mỏng manh. Thực tế, họ có tiếng nói quan trọng bên trong và không đánh giá cao về bản thân mình, họ chỉ đơn giản là cố tỏ ra bên ngoài theo cách đó với người khác.

Như các bạn có thể hình dung, một người có tính cách gắn bó né tránh phấn đấu để có được những mối quan hệ thân thiết, ý nghĩa. Điều này không phải là vấn đề lớn đối với người có tính cách gắn bó né tránh mà là một thử thách lớn đối với người yêu của họ. Sau đây là những ảnh hưởng tiêu cực của dạng tính cách này đến các mối quan hệ:

Luôn có một khoảng cách

Vì họ đã từng được học rằng họ có thể bị từ chối, nên họ tạo dựng một cách phòng vệ để không bị từ chối đó là tạo khoảng cách với mọi người. Họ không thể hiện cảm xúc của họ và cố gắng khoác lên mình vẻ xa cách khi trò chuyện. Cố gắng nói chuyện về cảm xúc của họ có thể khiến họ trở nên bực bội.

Kìm nén và tiêu cực

Những người có tính cách gắn bó né tránh kìm nén hầu hết cảm xúc của họ. Họ làm vậy để che giấu sự tổn thương và có xu hướng tự xử lý những cảm xúc của họ.

Kể từ khi họ quen với cách thể hiện như vậy, họ không thể phát triển kỹ năng bày tỏ những gì họ muốn. Cảm xúc của họ sẽ thể hiện dưới dạng phàn nàn, im lặng hoặc tiêu cực. Họ chỉ đơn giản là không thể bày tỏ những cảm xúc tích cực mà chỉ có thể thể hiện cảm xúc của mình một cách tiêu cực.

Hủy hoại mối quan hệ

Khi sự thân mật trong các mối quan hệ trở nên khó chịu đối với người có tính cách gắn bó né tránh, họ sẽ tìm cách làm rối tung các mối quan hệ này. Họ làm vậy vì họ không muốn mọi thứ trở nên quá gần gũi.

Họ có thể bịa ra những vấn đề không có thật hay đưa ra lý do tại sao mối quan hệ không nên tiếp tục. Lý do "anh không nghĩ rằng anh đã sẵn sàng cho một mối quan hệ lâu dài" nghe có vẻ quen thuộc đúng không? Đó có thể là một người có tính cách gắn bó né tránh.

Những biểu hiện không rõ ràng

Một người có tính cách gắn bó né tránh rất giỏi tạo ra những viễn cảnh trái ngược cho người yêu của mình. Chỉ vì không muốn mọi thứ trở nên quá gần gũi, nên họ rất giỏi khi lần lượt khiến cho bạn tin rằng "mọi thứ đang rất tuyệt" rồi lại thấy rằng "mọi thứ không tuyệt như bạn nghĩ". Điều này có thể khiến đầu óc người yêu họ quay cuồng lên và cảm thấy không biết điều gì đang xảy ra trong mối quan hệ này.

Bắt lỗi nhau

Khi ở trong một mối quan hệ với người có tính cách gắn bó né tránh, hãy chuẩn bị cho tình huống họ sẽ tìm hết lỗi này tới lỗi khác của bạn. Đó có thể là cách bạn ăn, cách bạn giặt đồ, cách bạn sử dụng máy rửa chén, v.v.

Điều này thực sự không thành vấn đề đối với họ bởi họ là bậc thầy trong việc tìm lỗi trong mọi việc bạn làm. Nếu bạn không phải là người tôn trọng cá tính của mỗi người thì điều này sẽ khiến bạn suy sụp.

Nếu bạn đang có một mối quan hệ với người có tính cách gắn bó né tránh thì bên dưới có một số cách bạn có thể áp dụng.

Có lẽ điều quan trọng nhất đối với những ai đang có mối quan hệ với người có tính cách gắn bó né tránh là trở nên tự tin với chính mình. Có một quan điểm đúng đắn về bản thân sẽ giữ mọi thứ luôn cân bằng. Một số cách dưới đây có thể giúp bạn trong trường hợp đang có một mối quan hệ với người có tính cách gắn bó né tránh​​​​​​​:

1. Đừng bàn về chuyện cá nhân

Đây là lời khuyên hữu ích trong cuộc sống nói chung và đặc biệt quan trọng ở đây.

Hãy biết rằng người có tính cách gắn bó né tránh, trong một mối quan hệ với bạn sẽ không làm gì vì bạn cả. Nó dựa trên những kinh nghiệm thời thơ ấu của họ. Điều này có thể giữ mọi thứ trong mức có thể kiểm soát.

2. Trở nên đáng tin cậy

Vì những người có tính cách gắn bó né tránh có những bậc cha mẹ hay người chăm sóc không đáng tin cậy, hãy cho họ thấy rằng bạn là người đáng tin cậy để có thể xây dựng một mối quan hệ bền vững.

Hãy sẵn sàng cho họ những thứ mà họ không quen được nhận - theo cách tốt đẹp nhất.

3. Đừng quá vồ vập

Hãy nhớ rằng họ không quen và cũng không thích chia sẻ cảm xúc của mình. Khi bạn cố gắng ép họ mở lòng thì tất cả những gì sắp xảy ra là một cánh cửa sẽ đóng lại.

Nếu bạn cứ giữ thái độ đáng tin cậy và kiên định, lòng tin sẽ được xây dựng nơi họ và khi tới thời điểm thích hợp, họ sẽ chia sẻ mọi thứ với bạn.

4. Cho họ không gian riêng

Như bạn biết, những người có tính cách gắn bó né tránh đã quen và thường thích làm mọi thứ một mình. Trong một mối quan hệ chân thành, hai người có thể chia sẻ công việc cùng nhau tuy nhiên cũng có thể họ muốn tự làm việc của mình.

Tôn trọng thời gian và không gian của nhau. Đừng cố gắng bám dính lấy nhau cả ngày, điều này sẽ không làm họ dành tình cảm cho bạn nhiều hơn.

5. Luôn là chính mình

Sẽ luôn luôn tốt nhất khi giữ vững con người thật sự của bạn cũng như những thứ thật sự quan trọng với bạn. Trong mối quan hệ với một người có tính cách gắn bó né tránh, hãy cho người ấy biết cái gì quan trọng với bạn.

Nếu người ấy không bao giờ muốn hẹn hò ở bên ngoài nhưng bạn lại muốn, hãy cho người ấy biết. Và ghi nhớ điều này.

Mọi thứ sẽ không bền vững nếu bạn đi quá xa những điều thuộc về bản thân bạn, điều này cũng đúng trong mọi mối quan hệ. Đừng đánh mất bản thân và luôn sống đúng với bản thân mình.

Hầu hết mọi người mà tôi biết đều muốn có những mối quan hệ tuyệt vời, đó là điều làm cho cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc hơn. Tất cả chúng ta đều khác nhau theo cách rất riêng của mình và được nuôi dạy theo những cách khác nhau ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta sau này.

Như chúng ta đã biết, những gì xảy ra trong thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống trưởng thành của chúng ta. Điều này đúng với tất cả mọi người. Chúng ta cũng đã xem xét điều gì mà người có tính cách gắn bó né tránh có thể gây ra đối với các mối quan hệ và cách giải quyết chúng.

Hơn 1/3 dân số bằng cách này hay cách khác đã biểu hiện tính cách gắn bó né tránh khi trưởng thành. Nếu bạn đang thuộc tính cách này, cách tốt nhất là hãy nhìn nhận nó và chú ý khi đang ở trong một mối quan hệ với ai đó. Nếu bạn có người yêu có tính cách này, có nhiều cách để đối mặt với nó; tuy nhiên bạn hãy luôn nhớ hãy luôn là chính mình trong mọi thời điểm.

Nguồn ảnh bìa :Unsplash từ unsplash.com