9 tháng trước
Tại Sao Một Số Người Lại Thiếu Sự Đồng Cảm?
378

5729
Lượt xem
14
Lượt chia sẻ
4
Lượt bình luận

​​​​​​​ Vào một thời điểm nào đó trong đời, chúng ta đều đã từng tiếp xúc với những người dường như không có sự đồng cảm. Tôi biết những trải nghiệm đó có thể để lại cho chúng ta cảm giác ức chế, bất an, tức giận, thất vọng, và thậm chí bị phản bội, chủ yếu vào những thời điểm chúng ta cần sự giúp đỡ.

Cảm giác đó thậm chí còn khó chịu và đau đớn hơn nếu bạn đang trong mối quan hệ với một người không có khả năng tự đặt mình vào vị trí của bạn. Nhất là khi chúng ta coi một số người trong họ là bạn bè của mình, hay có thể tệ hơn, khi những người đó là thành viên trong gia đình và chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với họ.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn những dấu hiệu của một người thiếu sự đồng cảm, tại sao một số người dường như không có sự cảm thông, và làm cách nào đối phó với họ để bạn không cảm thấy ức chế hay thất vọng, và có thể có được một cuộc sống hạnh phúc.

Sự đồng cảm, theo Từ điển là:

sự hòa hợp tâm lý, hoặc trải nghiệm gián tiếp cảm xúc, suy nghĩ, hoặc thái độ củ a một người khác.

Từ này có nguồn gốc là từ “empatheia” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là sự âu yếm, đam mê về thể chất.

PsychologyToday.com định nghĩa Đồng cảm là:

cảm giác thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc, và tình trạng của một người khác từ quan điểm của họ hơn là theo quan điểm của mình. Bạn cố gắng hình dung bản thân mình ở vị trí của người khác để hiểu được họ đang cảm thấy hoặc trải qua điều gì. ​​​​​​​

Họ cho rằng sự đồng cảm khuyến khích những thái độ có ích cho xã hội (thái độ hỗ trợ) xuất phát từ bên trong hơn là do bắt buộc, để từ đó chúng ta cư xử một cách nhân ái hơn.

Nói cách khác, đồng cảm là khi bạn có thể đặt mình vào vị trí người khác, trên cả phương diện cảm xúc và trí tuệ.

Thêm vào đó, Đồng cảm là một trong những đặc tính và yếu tố cơ bản của trí tuệ xúc cảm.

Sự cảm thông thực sự nghĩa là không chỉ cảm nhận được nỗi đau của người khác mà còn bị tác động để giúp xoa dịu chúng ~ Daniel Goleman

Mặc dù con người bản chất là những động vật xã hội, nhưng không phải tất cả chúng ta đều tự nhiên có sự đồng cảm. Một số người thấu cảm hơn những người khác. Trong những trường hợp đặc biệt hơn, một số người mắc chứng Rối loạn Thiếu sự Đồng cảm (Empathy Deficit Disorder - EDD).

Như Tiến sĩ Douglas LaBier, nhà tâm lý học doanh nghiệp, chuyên gia tâm lý trị liệu tâm thần học và Giám đốc Trung tâm Phát triển Liên tục (Center for Progressive Development) tại Washington DC. đã nói:

Rối loạn Thiếu sự Đồng cảm (EDD) là tình trạng phổ biến nhưng đã bị xem nhẹ. Thực tế, nền văn hóa ngày càng phân cực về xã hội và chính trị của chúng ta trong vài năm qua cho thấy tình trạng EDD đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó có những hậu quả sâu sắc đối với sức khỏe tâm lý cả về mặt cá nhân lẫn xã hội.

Ông giải thích rằng khi mắc chứng EDD, bạn không thể vượt ra ngoài bản thân và cảm nhận những gì người khác trải qua, đặc biệt với những người có cảm nhận, suy nghĩ và niềm tin khác với bản thân. Đó là nguồn cho những xung đột cá nhân trong các mối quan hệ thân mật do thiếu sự giao tiếp, và thái độ đối nghịch – bao gồm thù ghét – đối với những nhóm người khác biệt về niềm tin, truyền thống hoặc cách sống với bản thân mình.

Sau đây là vài dấu hiệu giúp bạn xác định ai đó gần mình có thiếu sự đồng cảm hay không:

  • Họ rất nhanh xông vào chỉ trích người khác mà không đặt mình vào vị trí của họ.

  • Họ có vẻ lạnh lùng hoặc thiếu thông cảm với những người đang đau khổ hoặc kém may mắn hơn.
  • Họ 100% tin vào sự đúng đắn của những ý tưởng và niềm tin của mình, và coi bất kỳ ai có niềm tin khác mình là sai, dốt nát và ngu ngốc.
  • Họ khó cảm thấy hạnh phúc cho người khác.
  • Họ khó kết thân hoặc giữ được bạn bè.
  • Họ khó hòa nhập với các thành viên trong gia đình.
  • Họ cảm thấy có quyền được nhận các đặc ân và sử dụng bạn để phục vụ cho nhu cầu của họ mà không thể hiện lòng biết ơn. Thậm chí họ sẽ cảm thấy tức giận nếu không có được thứ họ muốn. 
  • Trong một nhóm, họ sẽ nói rất nhiều về bản thân và cuộc sống của họ mà không thực sự quan tâm đến những gì người khác chia sẻ.
  • Họ nói hoặc làm những điều gây tổn thương cho bạn bè hoặc người thân, và có xu hướng đổ lỗi hành động của họ cho người kia. Họ thật sự tin rằng lỗi nằm ở người bị thương tổn vì những người đó đã không biết cách phản ứng, đã thô lỗ hoặc quá nhạy cảm.

Sự thật là, khi thiếu sự đồng cảm, ta khó có thể tạo được những kết nối cảm xúc sâu sắc với người khác. ​​​​​​​

Đồng cảm là một kỹ năng thuộc về bản năng và có thể học được, hình thành do cách chúng ta kết nối với xung quanh từ lúc sinh ra, và do môi trường và những trải nghiệm cuộc sống của ta. Cảm thấy đồng cảm, ở một mức độ nào đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải kết nối với cảm xúc của chính mình.

Những người thiếu cảm thông có thể đã được nuôi dưỡng trong các gia đình luôn tránh kết nối với cảm xúc của họ, thậm chí kết tội người khác vì có cảm xúc. Một số người trong cuộc sống sớm học được cách đóng chặt cảm xúc của mình đến mức độ họ khép trái tim mình lại và thậm chí không thể cảm nhận được cảm xúc của chính họ. Họ chắc chắn không thể kết nối hoặc cảm nhận được cảm xúc của người khác.

Kết quả là những người này đi tới sự thiếu cảm thông và tình yêu với bản thân và tách rời khỏi bản thể đích thực của chính mình, và mất sự kết nối thiêng liêng với vũ trụ. Có thể họ thậm chí không nhận ra sự né tránh này là một cơ chế tự vệ cho cái tôi của mình, vì nếu đồng cảm họ sẽ phải kết nối, chạm đến cảm xúc của họ và cảm nhận nỗi đau.

Trong phần lớn trường hợp, việc phát triển và nuôi dưỡng lòng cảm thông có thể thực hiện được chỉ khi một người sẵn lòng thay đổi cách họ kết nối với người khác và chủ động chọn lựa để huấn luyện lại trí óc của mình. Do tính linh hoạt thần kinh (neuroplasticity) của não bộ, chúng ta có thể tạo ra những khuôn mẫu mới cho bộ não.

Tuy vậy, có những trường hợp trong đó sự thiếu đồng cảm gắn với những rối loạn nghiêm trọng hơn như tính tự yêu bản thân, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, và bệnh thái nhân cách. Trong những trường hợp này, những người này cần sự giúp từ các chuyên gia nếu họ sẵn lòng.

Tôi biết đối phó với với một người thiếu sự đồng cảm khó khăn như thế nào nếu bạn là một người nhạy cảm và quan tâm. Khi bạn cố gắng bộc lộ cảm xúc của mình, thay vì được thông cảm và thấu hiểu, thì bạn nhận lại sự giận dữ và phê phán.

Điều đó đau đớn vì đôi khi ta mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn tàn nhẫn, khi ai đó càng không hiểu bạn, bạn càng cảm thấy bị tổn thương và càng muốn họ hiểu cảm xúc của mình. Nó gần như bạn đang cầu xin được thừa nhận.

Vấn đề ở đây là: Thông thường, trò chuyện với những người này không đưa bạn đến đâu cả, và để cho bạn một cảm giác cạn kiệt hoàn toàn.

Sau đây là các bước dễ làm theo để bạn có thể đối phó với những người thiếu sự đồng cảm:

1. Đừng tổn thương vì sự tức giận và chỉ trích của họ

Bằng cách này bạn có thể thoát ra khỏi cái vòng cảm xúc luẩn quẩn. Đó không phải lỗi tại bạn. Hãy tự nhắc mình rằng họ mới là người có vấn đề trong việc kết nối cảm xúc ở một mức sâu sắc hơn với người khác. Bạn không có gì sai cả. ​​​​​​​

2. Đừng cố khiến họ hiểu cảm xúc của bạn

Những cố gắng gợi sự cảm thông và thấu hiểu ở họ chỉ lãng phí thời gian và năng lượng của bạn. Việc đó chỉ khiến họ tức giận và chỉ trích bạn nhiều hơn mà thôi.

3. Nói với họ về những sự việc thực tế

Thay vì nói với họ bạn cảm thấy ra sao, hay những điều họ nói hoặc làm khiến bạn cảm thấy thế nào, hãy nói về những sự kiện có thật và bạn nghĩ gì. Giao tiếp với họ theo cách này dễ dàng hơn vì họ không có cảm giác bị trách móc hay có lỗi.

4. Nếu bạn không sống cùng người này, hãy cố gắng tránh thân mật với họ

Bạn không cần phải chấm dứt tình bạn hoặc ngừng việc thăm hỏi người thân, nhưng bạn cần đặt ra giới hạn và lưu ý khi giao tiếp với họ. Giữ sự kết nối ở mức độ bề ngoài để tránh cãi cọ, và đừng trông chờ sự sâu sắc và thấu hiểu.

5. Vun trồng và nuôi dưỡng mối quan hệ với những người bạn tin tưởng

Dành thời gian ở bên những người bạn tin tưởng và khiến bạn cảm thấy an toàn để có thể thoải mái chia sẻ thế giới nội tâm và cảm xúc của mình với họ. Đó là những người có thể trước đây đã bộc lộ những dấu hiệu đồng cảm.

6. Biết rằng giá trị của bạn không phụ thuộc vào sự thừa nhận hay ý kiến của họ về bạn

Giá trị bản thân chúng ta không bao giờ nên dựa vào sự tán thành hay thừa nhận của người khác. Sau đây là hướng dẫn từng bước giúp bạn nhận ra giá trị thực của mình: Làm cách nào Xây dựng Lòng tự trọng (Cẩm nang giúp Bạn Nhận ra Sức mạnh Ẩn giấu của Bản thân)

7. Có những hành động yêu thương bản thân

Dành tặng bản thân mình sự tử tế và có những hành động phản ánh sự yêu bản thân – ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đủ, theo đuổi giấc mơ của bạn, phát triển đời sống tinh thần, ở giữa những người đáng mến và tích cực.

Để cung cấp cho bạn thêm ý tưởng, sau đây là danh sách 50 Điều Nhỏ nhặt Bạn Có thể Làm Mỗi ngày để Trở nên Thực sự Yêu Bản thân Mình

8. Sau cùng, nếu bạn cảm thấy quá tải, hãy tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia

Tìm một bác sĩ tâm lý hoặc một nhà khai vấn các vấn đề cuộc sống, người có thể có mặt khi bạn cần và đưa ra hướng dẫn trong những lúc phiền muộn. Không may cho ta là đôi khi bạn bè và người thân không thể luôn đưa ra tất cả những trợ giúp tâm lý mà chúng ta cần.

Nếu người mà bạn đang phải đối phó thể hiện một sự sẵn lòng thay đổi và trở nên cảm thông và quan tâm hơn, thì bạn đã có một cơ hội thực sự để củng cố mối quan hệ với họ.

Có nhiều lý do khiến một người thiếu đi sự cảm thông. Đối phó với những người này không dễ dàng và có thể để lại cho bạn cảm giác ức chế và thất vọng. Nhưng với những lời khuyên tôi đã đưa ra, bạn sẽ biết rằng mình không thể thay đổi ai đó, nhưng bạn có thể thay đổi thái độ của mình đối với họ.

Hãy nhớ rằng bạn không thể cứu giúp tất cả mọi người, nhưng bạn có thể yêu bản thân mình đủ lớn để không cho phép những người thiếu cảm thông áp chế mình. Hãy đặt ra những ranh giới và làm những việc khiến bạn hạnh phúc. Sau cùng, đừng ngần ngại tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia nếu bạn cảm thấy quá nặng nề.

Nguồn ảnh bìa: Stocksnap từ stocksnap.io