8 tháng trước
Tại Sao Người Hoang Tưởng Tự Cao Thường Tự Mãn
195

4272
Lượt xem
159
Lượt chia sẻ
57
Lượt bình luận

Bạn có thấy khó chịu không khi ai đó tỏ ra như kiểu họ cực kỳ ưu tú hơn bạn?

Tôi chắc chắn bạn biết ý tôi là gì. Bạn có thể gặp qua họ ở một bữa tiệc, và trong vòng vài phút họ đã kịp kể với bạn họ thành công thế nào, tại sao họ quan trọng đến vậy, và tại sao họ biết tất tần tật mọi thứ!

Những người như vậy có thể làm bạn cảm thấy nhỏ bé và vô giá trị.

Nhưng chờ đã. Tại sao bạn phải chịu đựng một người mắc chứng hoang tưởng tự cao?[1] Như chúng ta thấy, họ mới là người có vấn đề – không phải bạn.

Hãy xem tôi quan trọng thế nào!

Một người mắc chứng hoang tưởng tự cao tin rằng họ sở hữu những phẩm chất ưu tú hơn người bình thường.[2] Trong nhiều trường hợp, họ khẳng định một cách sai lầm rằng họ nổi tiếng, giàu có, hoặc thậm chí là thiên tài. Vì họ đã thuyết phục bản thân rằng họ quả thật có sở hữu những phẩm chất hoặc đức tính đó, họ có thể trở nên cực kỳ thuyết phục khi nói chuyện với người khác.

Khoảng 1% dân số được cho là mắc chứng hoang tưởng tự cao [3] (được biết đến với một cái tên khác là Rối loạn nhân cách ái kỷ - Narcissistic Personality Disorder), nên chắc chắn bạn sẽ gặp những người như vậy.

Nếu bạn không biết cách đối phó với một người kiêu ngạo, có lẽ bạn sẽ thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương mỗi khi bạn tương tác với họ. Đó có thể là những chuyện đơn giản như xếp hàng chờ lấy vé tàu... Quý Ngài Ngạo Mạn sẽ cố tình chen lấn, và thách bạn dám phản ứng với hành động của ông ấy. Vì không muốn làm to chuyện, bạn để ông ta bỏ đi sau khi đối xử với bạn như một người không hề quan trọng và thấp kém.

Bạn cảm thấy yếu đuối. Nhưng họ lại ngay lập tức thấy tăng giá trị bản thân, giá trị mà vốn đã được phóng đại quá mức.

Đương nhiên, tôi không đánh giá quá cao địa vị của mình trong cuộc sống

Chứng hoang tưởng tự cao có liên quan tới Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder - NPD). Đây là một chẩn đoán sức khoẻ tinh thần trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần.[4]

Như chúng ta đã thấy, những người mắc phải NPD thường có xu hướng đánh giá cao quá mức tầm quan trọng và đặc biệt của họ. Điều này có thể dẫn tới việc họ trở nên tách biệt và gần như không thể đối phó nổi. Họ luôn nghĩ rằng mình biết những gì tốt nhất, và họ luôn kỳ vọng được làm theo ý mình.

Người hoang tưởng tự cao có phải sinh ra đã như thế không? Theo Tiến sĩ Tâm lý học John M. Grohol, người ta thường gặp phải NPD như một triệu chứng của bệnh lý tâm thần, như là: rối loạn lưỡng cực, sa sút trí tuệ, rối loạn tinh thần, tâm thần phân liệt.[5] Grohol cũng nêu ra rằng việc sử dụng hay lạm dụng thuốc có thể kích hoạt NPD, hoặc có thể làm tăng thêm chứng hoang tưởng tự cao.

Sao bạn dám buộc tội tôi lừa đảo?!

Tôi vừa mới tiết lộ một vài lý do tại sao những người ngạo mạn lại hành xử như vậy.

Giờ hãy cùng đến bước tiếp theo và cùng xem cách nhận ra người ngạo mạn và rõ ràng đang mắc chứng NPD.

Những người hoang tưởng tin vào những gì họ nói, nên bề ngoài họ tỏ ra cực kỳ thuyết phục. Tuy nhiên, nếu bạn phân tích những khẳng định của họ theo một cách logic và khoa học, bạn sẽ có thể vạch trần những lời nói và hành động dối trá của họ.

Bất cứ lời nào dưới đây cũng nên là một hồi chuông cảnh báo cho bạn:

  • “Tôi là một ngôi sao nổi tiếng.”
  • “Tôi là CEO của một tập đoàn đa quốc gia.”
  • “Tôi là một nhà phát minh nổi tiếng.”
  • “Tôi là một vận động viên chuyên nghiệp.”
  • “Tôi là thành viên của gia đình hoàng gia.”
  • “Tôi nói chuyện trực tiếp với Chúa.”
  • “Tôi có những năng lực siêu nhiên.”

Công bằng mà nói, bất kỳ câu nào ở trên cũng có thể đúng với người bạn vừa mới gặp. Nhưng khả năng thì sao? Qua thống kê, khả năng cao là bạn đã gặp một người mắc chứng NPD nhiều hơn là gặp một người thực sự rơi vào một trong những trường hợp trên.

Để tìm ra sự thật, hãy thăm dò họ với các câu hỏi. Ví dụ: Kể cho tôi nghe nhiều hơn về công ty của bạn đi? Tôi có thể đọc thêm về những phát minh của bạn ở đâu? Bạn có thể miêu tả siêu năng lực của mình không?

Nếu bạn hỏi đúng câu hỏi, thì bạn sẽ có khả năng xác định xem người đó có thật sự đúng như những gì họ nói không.

Nếu bạn vẫn không chắc chắn, hãy xem liệu một trong năm đặc điểm này có được người đó bộc lộ ra không:

  1. Danh tính. “Chắc chắn bạn phải biết tôi là ai chứ?”
  2. Kiến thức. “Chắc chắn tôi biết về chủ đề này nhiều hơn bạn.”
  3. Quyền lực. “Bạn cần làm như tôi nói.”
  4. Giá trị bản thân. “Đừng lãng phí thời gian của tôi. Tôi có nhiều việc quan trọng hơn phải làm.”
  5. Mối quan hệ. “Thật khó để đối mặt với tất cả những sự chú ý này chỉ vì là em trai của George Clooney.”

Sao bạn lại ngáng đường tôi?

Nếu bạn đã xuất sắc nhìn ra được một người mắc chứng hoang tưởng, thì bạn cần sử dụng vài phương pháp để đối phó với họ.

Dưới đây là bảy cách để đối phó một cách hiệu quả với người mắc chứng hoang tưởng tự cao:

1. Tránh hết mức có thể

Một khi bạn nhận ra mình đang dính vào một người mắc NPD, thì lời khuyên tốt nhất là hãy tránh xa họ. Nếu không bạn sẽ bị kéo vào thế giới ảo tưởng của họ, nơi họ có quyền lực thống trị mọi thứ – kể cả bạn!

2. Duy trì sự tích cực

Đối với những lời bình luận hạ thấp bạn từ một kẻ ngạo mạn, bạn phải giữ lấy sự tích cực. Bạn càng đau khổ và căng thẳng thì họ càng đạt được mục đích, nên bằng việc duy trì được trạng thái tích cực, bạn sẽ đánh bại họ.

3. Giữ vững mục tiêu

Đừng để người ngạo mạn làm giảm sự tự tin và phá tan ước mơ của bạn. Hãy tránh những nhận xét của họ, và thật quyết tâm hướng tới mục tiêu của bạn. 

4. Duy trì khiếu hài hước

Sự chiếu cố và những hành vi tiêu cực đối với bạn có thể làm bạn thấy thật khổ sở. Đừng để điều này xảy ra. Hãy nhớ họ mới là người có vấn đề. Hãy duy trì khiếu hài hước của bạn, và chiến thắng họ!

5. Biết rõ bản thân

Một trong những sự phòng thủ tốt nhất của bạn đối với một người ngạo mạn và ra vẻ bề trên là phát triển sự nhận thức mạnh mẽ về bản thân. Bằng cách này, những lời nhận xét coi thường và làm giảm giá trị sẽ không thể làm tổn thương bạn. Bản chất bạn sẽ hơn hẳn kể cả những người kiêu ngạo và xúc phạm nhất mà bạn có thể gặp phải.

6. Hãy hỏi họ: "Mọi người sẽ nghĩ gì?”

Người mắc chứng NPD không thấy tội lỗi, nhưng họ có thấy xấu hổ. Họ luôn muốn duy trì vẻ quyền lực và quan trọng của mình. Nếu bạn hỏi họ: "Mọi người sẽ nghĩ gì?" họ có thể sẽ thay đổi hành vi để bảo vệ danh tiếng của minh.

7. Tìm sự giúp đỡ cho người đó

Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, có thể cũng phù hợp để bạn tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp cho người hoang tưởng tự cao. Bạn có thể giới thiệu họ với một nhà tâm lý trị liệu, người được huấn luyện để giúp đỡ những người mắc bệnh lý tinh thần. Sự giới thiệu của bạn có thể được làm âm thầm, bằng việc đặt thông tin của nhà trị liệu đó lên bàn của họ (ví dụ).

Một khi bạn nhận ra rằng những người kiêu ngạo rất không khoẻ mạnh về tinh thần, ngay lập tức bạn sẽ thấy tự tin hơn để đối phó với họ. Thường thì những nhận xét tổn thương của họ chỉ đơn giản là một dấu hiệu họ bị thiếu lòng tự trọng.

Thật sự rất quan trọng để ngăn những người này có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và bản thân bạn. Hãy ở vị trí cao hơn họ, luôn thoải mái và vui vẻ!

Tài liệu tham khảo