7 tháng trước
7 Lỗi Giao Tiếp Mà Các Cặp Đôi Thường Mắc Phải
257

5705
Lượt xem
328
Lượt chia sẻ
95
Lượt bình luận

Gìn giữ một tình yêu đẹp là điều tương đối khó, kể cả khi bạn là tuýp người toàn tâm toàn ý trong tình yêu. Giao tiếp với người bạn yêu sao cho hiệu quả có thể là cả một thử thách, bởi vì hai bạn có những suy nghĩ, quan điểm, cảm xúc và quá khứ khác nhau. Hãy thử kiểm tra danh sách dưới đây để xem các cặp đôi khi yêu thường mắc phải những lỗi gì, từ đó bạn có thể rút kinh nghiệm cho mối quan hệ của mình.

1. Cho rằng nói chuyện càng nhiều càng tốt

Bạn có tin không? Có những tình trạng mà người ta gọi là "giao tiếp quá nhiều". Bạn đã bao giờ tranh luận hoặc thảo luận về quan điểm của mình gay gắt tới mức bạn nói ra tất cả những gì nảy ra trong đầu chưa? Đôi khi những thứ bất chợt xuất hiện trong tâm trí bạn không phải là điều tốt nhất bạn nên nói ra... Nhưng thỉnh thoảng bạn vẫn lỡ miệng do bạn nói quá nhiều, tới mức kiếm chuyện chỉ kéo dài cuộc hội thoại. Đây chính là cái mà người ta gọi là "giao tiếp quá nhiều". Đôi khi bạn cần giữ những suy nghĩ của bản thân cho riêng mình, điều đó không có nghĩa là giấu diếm người bạn yêu, mà có nghĩa là bạn lựa chọn từ ngữ thật cẩn thận và nói ra những điều vừa đủ để xử lý vấn đề. Bạn chắc không muốn bắt đầu một vấn đề khác giữa lúc đang bù đầu xử lý vấn đề hiện tại chứ? 

2. Trông chờ người yêu đọc được suy nghĩ của mình

Bạn không muốn giao tiếp quá nhiều, nhưng bạn cũng không nên ngậm hột thị và trông chờ đối phương đọc được suy nghĩ của bạn. Nếu bạn cứ chờ đợi người yêu của mình biết được bạn nghĩ gì, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đây là một mối quan hệ bình đẳng. Bạn cần nói cho người bạn yêu điều bạn đang nghĩ, và nhớ làm rõ rằng đây là cảm xúc của bạn, chứ không phải điều bạn bắt ép người yêu mình.

3. Đồng ý mà không trình bày quan điểm của mình

Đừng bỏ qua những suy nghĩ của mình chỉ để sự việc được giải quyết nhanh chóng. Người yêu bạn không thể lúc nào cũng đúng. Bạn cần chắc chắn người ấy hiểu được cảm giác của mình và bản thân bạn cũng cần thu được gì đó từ mối quan hệ này. Nếu bạn chẳng bao giờ nói ra những điều bạn nghĩ chỉ vì muốn giữ cho mối quan hệ được yên ấm, cuối cùng bạn sẽ nhận thấy bản thân rơi vào trạng thái ức chế và bực bội với người bạn yêu.


5493261334_c8f24bc919_b

4. Phàn nàn về những vấn đề không thể thay đổi

Giữa hai người yêu nhau rất dễ xảy ra việc khơi lại những tranh cãi đã qua, hoặc la rầy nhau về những chuyện trong quá khứ, hoặc càu nhàu về đức tin hay những điểm khác biệt của nhau. Tuy nhiên hành động này thực sự không khôn ngoan. Chẳng những làm như vậy không thay đổi được điều gì, mà còn làm bạn trở thành kiểu người nhỏ mọn, thù dai. Hãy cư xử sao cho khi một cuộc tranh cãi đã qua thì không bao giờ nhắc lại nữa. Cụm từ "sống ở thời điểm hiện tại" nghe có vẻ như một lời khuyên ngớ ngẩn khi bạn đang cãi nhau với người yêu, nhưng đó thực sự là điều bạn cần làm để không kéo dài cuộc cãi vã của mình đến bất tận.

5. Không hiểu điều người yêu đang nói

Một vài cặp đôi có "chiêu" rất hiệu quả là tóm tắt lại những điều người kia vừa nói. Điều này nghe có vẻ như những gì bạn từng làm với bài tập hồi trung học phải không? Thực ra đó là cách rất tốt để các bạn hiểu nhau hơn. Sau khi đối phương vừa nói gì đó, bạn hãy tóm tắt lại bằng những câu kiểu như "Ồ, có vẻ như anh/em rất vui với X, nhưng cần Y thay đổi một chút để mối quan hệ có thể tiến triển hơn". Khi làm vậy, người yêu của bạn có thể đính chính, làm rõ một số điểm nếu cần thiết. Còn nếu bạn nắm bắt đúng ý của họ, bạn có thể bắt đầu trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề đó. Bằng cách này, cuộc trò chuyện của hai bạn sẽ không dẫn tới cãi vã chỉ vì hiểu nhầm.

6. Nghĩ cách phản bác thay vì lắng nghe

Phải thừa nhận rằng hầu hết chúng ta khi bắt đầu một cuộc tranh luận đều định hình sẵn trong đầu mình muốn thể hiện quan điểm gì, muốn người khác cảm thấy như thế nào, và muốn làm gì để chứng minh mình đúng. Tuy nhiên, thực tế đây lại là một thái độ không tốt, bởi vì mọi cuộc tranh luận bình đẳng đều cần có ít nhất hai bên tham gia. Khi bạn biết chính xác mình muốn nói gì, bạn thường nghĩ về nó thay vì lắng nghe điều người kia đang nói. Đừng chỉ tập trung vào một vài câu đầu tiên người đó nói, hãy nghe toàn bộ câu chuyện của họ, suy nghĩ về nó, rồi mới nghĩ xem bạn muốn trả lời thế nào. Nếu bạn thay đổi kế hoạch "tấn công" ban đầu, biết đâu đó lại là điều tốt.

7. Không để ý tới quan điểm của người kia

Con người là những bản thể hoàn toàn riêng biệt, và bạn biết rất rõ người yêu của mình. Bạn biết người ấy nghĩ về mọi việc như thế nào, biết những từ ngữ hay hoàn cảnh nhất định ảnh hưởng tới người đó như thế nào. Do vậy, đừng lờ đi những điều đó chỉ để chiếm thế thượng phong trong một cuộc tranh luận. Hãy suy nghĩ về những cảm giác, ý kiến và hoàn cảnh của người yêu bạn mỗi khi hai bạn trò chuyện. Bằng cách này, bạn có thể tránh được nhiều cuộc cãi vã và tổn thương cho người bạn yêu.