6 tháng trước
Cách Dạy Con Tự Tin Kể Cả Khi Bạn Là Người Thiếu Tự Tin

Bạn muốn con mình có được sự tự tin bước vào đời và sống một cuộc sống ý nghĩa không?

Đồng thời, bạn cũng muốn bảo bọc con khỏi bị tổn thương ư?

Liệu thiện chí muốn bảo bọc cho con an toàn của bạn có ngăn cản sử phát triển lòng tự tin của con trẻ không?

Là một nhà giáo dục với hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc cùng trẻ em và thanh thiếu niên, tôi muốn đưa ra một số hướng dẫn đã được chứng minh qua nghiên cứu sẽ giúp con bạn có được sự tự tin để đối mặt với mọi thử thách.


Screen Shot 2014-02-10 at 8.29.30 PM

Tự tin bắt nguồn từ đâu?

Hình mẫu Vùng An Toàn là sự khởi đầu của sự tự tin.

Mọi người đều có ba khu vực riêng: Vùng An Toàn, Vùng Thử Thách và Vùng Hoảng Sợ.

Dù chúng ta đều có ba khu vực này nhưng ranh giới của chúng khác biệt với từng cá nhân. Thêm vào đó, chúng cũng thay đổi khi tuổi tác chúng ta thay đổi.

Vùng an toàn

Khi mọi việc tiến hành trong Vùng An Toàn, chúng ta cảm thấy an toàn. Mọi việc đều dễ đoán trước được. Khi buồn chán, chúng ta có thể tìm được sự kích thích cần thiết. Chúng ta thấy mình thật đặc biệt, được yêu thương, gắn bó.

Hạt giống của sự tự tin nảy mầm từ Vùng An Toàn này, vì chúng ta biết chính xác làm thế nào để đạt được điều mình mong muốn.

Chúng ta không học được điều gì khi ở trong khu vực này, vì mọi điều cần đều có thể đạt được chỉ bằng việc vận dụng những gì đã biết.

Vùng thử thách

Mỗi khi chúng ta cảm thấy không thoải mái, chúng ta bước vào Vùng Thử thách.

Mặc dù nó không chắc chắn và thật đáng sợ, khu vực này lại chính là địa hạt của sự hứng thú và phát triển. Chúng ta học được nhiều điều mới về thế giới, khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân mà trước nay chúng ta không nhận ra.

Hãy tưởng tượng một lực sĩ cử tạ. Để tăng sức đẩy của mình, cô ta phải nhấc tạ thường xuyên. Và khi làm như vậy, khối lượng cô ta có thể nhấc lên tăng dần.

Cũng giống như thế, chúng ta càng dấn thân vào Vùng Thử Thách, thì Vùng An Toàn của chúng ta cũng thay đổi theo, vì những điều trước đây khiến chúng ta không thoải mái dần trở thành thoải mái. Nó cũng sẽ giúp mở rộng cả Vùng Thử Thách của chúng ta, vì chúng ta sẽ học được những chiến thuật sáng tạo để xoay sở với áp lực mà không bị hoảng sợ.

Lực sĩ cử tạ phải tiếp tục nâng tạ để duy trì sức lực của mình. Nếu ngừng lại, cô sẽ mất đi sức lực đó và rồi sẽ không thể nhấc được những mức tạ mà trước đây cô ta từng có thể.

Chúng ta phải liên tục dành thời gian để dấn thân vào Vùng Thử Thách trong suốt đời mình, nếu không ngay cả Vùng An Toàn của chúng ta cũng sẽ bị thu hẹp lại. Vì ranh giới của Vùng Thử Thách luôn luôn thay đổi, chúng ta cũng phải tập đối diện với khó khăn ở mức độ ngày một cao hơn mới tiếp tục giữ được sự thử thách.

Vùng hoảng sợ

Nếu nhà lực sĩ cử tạ của chúng ta nhấc quá nặng hay phải nhấc tạ quá thường xuyên, không kịp để thời gian cho các cơ nghỉ ngơi hồi phục, cô ta sẽ bị chấn thương. Việc bị chấn thương cũng như khi bạn rơi vào Vùng Hoảng Sợ vậy.

Có một ranh giới rất mảnh giữa Vùng Thử Thách và Vùng Hoảng Sợ. Khi bạn vượt qua ranh giới ấy, thì không còn sự học hỏi và phát triển nữa.

Bạn sẽ bị chấn thương. Không nhất thiết phải là chấn thươnng nghiêm trọng. Chỉ chấn thương nhẹ, như rách một cơ nhỏ, cũng đủ gây tổn hại.

Vùng Hoảng Sợ sẽ bào mòn sự tự tin trong bạn, vì tất cả những điều bạn học được ở đó là “Tôi không thể làm được chuyện này.”

Vùng hoảng sợ bất tận


Screen Shot 2014-02-16 at 1.02.21 AM

Khi người ta rất ít trải nghiệm ở Vùng Thử Thách, họ sẽ không có cơ hội để mở rộng Vùng An Toàn của mình. Họ chỉ cảm thấy thoải mái tự tin trong một phạm vi rất hẹp.

Thêm vào đó, khả năng chịu đựng của họ ở Vùng Thử Thách cũng thấp hơn. Họ sẽ nhanh chóng rơi vào Vùng Hoảng Sợ. Họ bị hoảng loạn, phản ứng thái quá, điều này khiến mọi người xung quanh phải nhảy vào để xoa dịu cơn hoảng loạn của họ, và giúp họ cảm thấy an toàn trở lại.

Đây là kiểu mẫu của một em bé, và chỉ còn thích hợp khi chúng ta còn phải hoàn toàn lệ thuộc vào người khác để đáp ứng nhu cầu của mình.

Khi trẻ em hay người lớn cứ ở mãi trong Vùng An Toàn mà không có đủ sự trải nghiệm cần thiết ở Vùng Thử Thách, họ sẽ tự tạo cho mình một Vùng Hoảng Sợ Bất Tận. Khi gặp khó khăn, họ không biết cách để xoay sở với cảm xúc của mình. Khi hết cách, họ rơi ngay vào Vùng Hoảng Sợ. Vùng Hoảng Sợ Bất Tận khiến họ mắc kẹt mãi, và làm nảy sinh những quyết định nông nổi.

Lối thoát duy nhất là hãy bắt đầu mở rộng Vùng An Toàn và Vùng Thử Thách của bạn bằng cách đối diện với những thách thức mới.

Hình ảnh của sự tự tin


Screen Shot 2014-02-16 at 1.00.52 AM

Người tự tin có một Vùng An Toàn rộng lớn khiến họ cảm thấy thoải mái trong nhiều trường hợp khác nhau. Họ cũng đã tập chịu đựng được nhiều biến động, cho nên Vùng Thử Thách của họ cũng khá lớn.

Những người tự tin không sợ gì cả. Những trường hợp khiến họ rơi vào Vùng Hoảng Sợ là vô cùng hiếm hoi.

Vì thế, người tự tin nhất là người đã dấn thân nhiều nhất vào Vùng Thử Thách. Nhiều người làm thế bởi cuộc sống bắt buộc họ làm thế. Những người khác làm được là do họ tự chọn chiến lược cho mình, đối diện với khó khăn thách thức buộc mình phải nỗ lực hết sức cả về thể chất, tinh thần, tình cảm, và tâm linh. Những trải nghiệm này hết lần này qua lầ khác đã chứng minh cho họ thấy họ có khả năng tìm hiểu mọi thứ và cảm thấy thoải mái với những điều từng là ẩn số.

Làm cách nào để mở rộng Vùng An Toàn

Bạn mở rộng Vùng An Toàn bằng cách thử những điều thách thức. Điều có thể làm chúng ta cảm thấy không thoải mái. Mặc dù vậy, sự không thoải mái này có ý nghĩa. Nó sẽ giúp mở rộng ranh giới của Vùng An Toàn và Vùng Thử Thách, giúp chúng ta phát triển sự tự tin và lòng quyết tâm.

Loại tự tin bắt nguồn từ bên trong, được thử thách qua nỗ lực, là loại tự tin đích thực giúp con người bền chí đến cùng khi kinh qua những điều khủng khiếp nhất.

Rõ ràng là để nuôi dạy con tự tin, chúng ta cũng phải dám cảm thấy không thoải mái.

Vai diễn của người làm cha mẹ

Làm cha mẹ là một trong những điều dũng cảm nhất chúng ta làm trong cuộc đời mình.

Về cơ bản, nhiệm vụ của bạn là khuyến khích con trẻ dám dấn thân vào những tình thế ngặt nghèo, bước đi trên ranh giời của Vùng Thử Thách và Vùng Hoảng Sợ.

Trong phép loại suy này, nói rằng người làm chha mẹ hoàn toàn có thể an toàn đứng nhìn con trẻ của mình chao đảo trong thử thách nghe có vẻ đúng, nhưng sự thật không phải thế.

Không, cả bạn cũng đang đu đưa trên dây, bên cạnh con bạn, phạm sai lầm giống chúng. Cả hai người không ai đều đứng trên mặt đất vững chắc cả.

Nhiều lúc bạn tự thấy mình như một kẻ giả mạo chứ không phải cha mẹ, vì bạn cũng cảm thấy chao đảo và bất an như con mình vậy. Hãy biết rằng đây là chuyện bình thường.

Bạn không cần phải là bậc thầy về đi trên dây mới có thể giúp con mình được. Bạn chỉ cần cùng tham gia với con như một người bạn mà thôi. Sự thật là việc nhìn thấy chính bạn cũng đang học cách xoay sở, chứ chưa phải là bậc thầy, sẽ giúp bạn dễ thông cảm hơn với con mình, hiểu được những vấn đề con đang phải đối diện.

Những chỉ dẫn cho những ông bố bà mẹ muốn học đu dây cùng con

Vì bạn đã dũng cảm nhận lấy nhiệm vụ khó khăn này, hãy sử dụng những hướng dẫn này để giúp con bạn tự tin hơn:

1.  Chấp nhận sự tự do chọn lựa của con cái bạn

Mọi người đều có nhu cầu tự nhiên muốn phát triển và học hỏi. Con trẻ cần cảm thấy tự hào về chính mình, và biết rằng chúng có thể làm những điều khó khăn.

Khi chúng ta bắt buộc con trẻ phải học khi chúng chưa sẵn sàng, chúng ta đang lấy mất quyền của con.

Chấp nhận lựa chọn của con sẽ củng cố sự tự tin của con trẻ vào chính bản thân chúng.

2. Chia sẻ thông tin để giúp con đưa ra quyết định đúng đắn

Hãy nói với con lý do quan trọng nhất bạn muốn chúng làm một điều gì đó.

Hãy dùng những ngôn từ và lý lẽ phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ. Ngay cả khi còn nhỏ, con trẻ cũng có thể hiểu được những lời giải thích đơn giản.

3. Học cách nhận biết ranh giới giữa Vùng Thử Thách và Vùng Hoảng Sợ của con bạn

Hãy biết rõ cách con phản ứng khi bị thử thách. Một số trong chúng có thể là phản ứng tích cực, vì nhiều khía cạnh của Vùng Thử Thách cũng có sự hấp dẫn của riêng nó. Nhiều khía cạnh khác lại vô cùng đáng sợ, và bạn sẽ chứng kiến những cách hành xử hơi thái quá của con mình.

Khi con cái bạn dấn thân vào Vùng Thử Thách, hãy chừa một khoảng trống để chúng có thể tự nỗ lực xoay sở mà không thấy mình đang bị thăm dò xét nét.

Khi con trẻ rơi vào Vùng Hoảng Sợ, hãy trấn an con bằng những thông tin thực tế. Đừng xem nhẹ sự sợ hãi của con bạn.

4. Chủ động tao ra một lộ trình để tăng dần thử thách

Hãy tập cho con làm quen với những điều xa lạ và không thoải mái theo mức độ tăng dần. Hãy chừa khoảng trống, đừng đe dọa, để có thời gian cho việc xa lạ trở nên gần gũi, điều khó chịu trở nên thoải mái hơn với con.

Phát triển là cả một quá trình. nếu bạn biết chú trọng vào cách thục hiện, kết quả sẽ đến đúng hạn thôi

5. Hãy luôn là nguồn động viên vững chắc

Khi con tìm đến với bạn vì bị hoảng hốt, điều quan trọng là đừng để con thấy được nỗi hoảng hốt của chính bạn.

Hãy trấn an con bằng cách nói: "Con làm tốt lắm. Con đang thực sự thử thách bản thân đó. Con sẽ thấy tự tin hơn rất nhiều khi con vượt qua được điều này. Hãy nhìn xem con đã đi được xa chưa kìa.”

Dù kết quả có thế nào, hãy khen ngợi con trẻ vì những nỗ lực của chúng.

6. Hãy làm gương những kỹ năng và cách hành xử bạn muốn tạo cho con

Hãy thách vui con về một vài kỹ năng nào đó, và với mức độ khó ngày một tăng dần.

Hãy cũng làm gương cho con về việc cân nhắc rủi ro một cách khôn ngoan nữa. Hãy hỏi những câu sau:

  • Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thử điều đó?
  • Chúng ta có thể gây thiệt hại đến mức nào?
  • Điều đó có thể xảy ra không?
  • Chúng ta có thể làm gì để bảo đảm càng an toàn càng tốt nếu chúng ta thử điều đó?
  • Điều chúng ta học được và nhận dược có xứng đáng với sự rủi ro không?

7. Để con xoay sở và tự tìm ra giải pháp

Cũng giống như một huấn luyện viên cử tạ bạn phải luôn ở đó để khuyến khích động viên và bảo đảm người lực sĩ không bị chấn thương, nhưng bạn không nâng tạ hộ cô ấy .

Hãy cho con những lời khuyên từng đúng với bạn, và tôn trọng con nếu chúng chọn không làm theo cách của bạn. Hãy nói rằng: "Ba/Mẹ tin chắc con có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề này." Hãy thuật lại những phương cách con đã dùng trong những trường hợp giống vậy trong quá khứ.

8. Hãy cùng trải nghiệm với con để củng cố những bài học một cách sâu sắc

Chỉ cắm đầu làm mà không có sự so sánh sẽ tước mất của con những cơ hội học hỏi quý báu.

Hãy dùng những câu hỏi này để giúp con bạn học tập từ những kinh nghiệm qua thử thách:

  • Con biết thêm điều gì mới mà trước đây chưa biết?
  • Phần khó nhất với con là phần nào? Con đã làm gì để vượt qua nó?
  • Con có thấy tự hào về chính mình không? Đâu là khoảnh khắc con thấy đặc biệt tự hào nhất?
  • Điều con vừa học được sẽ giúp ích cho con thế nào trong một trường hợp tương tự?

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Thay đổi cách dạy con của bạn CŨNG CHÍNH LÀ tự dấn thân vào Vùng Thử Thách của bạn.

Lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái và không chắc chắn về chính mình. Hãy tin tưởng rằng bạn sẽ khá hơn và Vùng An Toàn của bạn cũng sẽ rộng mở hơn.

Hãy dạy con biết cách xoay sở trong tình hống ngặt nghèo và bạn sẽ nuôi dưỡng được sự tự tin cho con trẻ.

Hãy dạy con biết xoay sở, thất bại, và đứng dậy lần này, và lần sau nữa.

Hãy dạy con biết cách ngã gục mặt xuống đất mà vẫn cười về việc đó, không xấu hổ.

Hãy dạy con biết cách ứng xử khác người nếu con nghĩ việc đó là đúng đắn.

Hãy dạy con vững vàng hơn bạn, làm bạn phải nể vì năng lực của chúng, làm bạn phải xúc động bật khóc vì đam mê của chúng.