4 tháng trước
Tình Yêu Là Gì? Và Đâu Không Phải Là Tình Yêu Thật Sự
630

10.8K
Lượt xem
68
Lượt chia sẻ
13
Lượt bình luận

"Tình yêu" là một từ có lẽ đã hiện lên trong tâm trí bạn một đôi lần rồi. Nó có thể làm dâng trào nỗi sợ trong tim một số người hoặc tiếp thêm động lực cho những người khác. Sự tồn tại và ý nghĩa của nó là chủ đề được tranh luận và bàn thảo suốt nhiều thế kỷ nay. Vấn đề chỉ là: tình yêu là gì?

Câu hỏi lâu đời này đã được đặt ra bởi tất cả mọi người, từ những cô cậu thiếu niên ngỡ ngàng trước tình yêu cho đến các nhà thơ và các triết gia lãng mạn và giới khoa học đầy hiếu kỳ. Đoán thử xem chuyện gì đã xảy ra nào? Chúng ta đã có lời giải đáp cho câu hỏi "Tình yêu là gì" rồi. Và câu trả lời là... (xin nổi trống lên đi ạ)...

Nó tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Hãy cùng xem qua một vài ý tưởng trước đã:

Những định nghĩa khác nhau về tình yêu

Từ quan điểm lãng mạn: Tình Yêu là sự hoàn hảo

Với bạn tình yêu là gì? Bạn có cho rằng nó sẽ tiến triển dễ dàng mà không xảy ra bất kỳ sự bất đồng nào không? Hoặc có thể bạn sẽ cho rằng những người bạn đời lãng mạn sẽ phải luôn luôn thấu hiểu lẫn nhau? Nếu đó là quan điểm của bạn về tình yêu thì có lẽ bạn thực sự là một người lãng mạn đấy.

Tôi ghét phải nói thẳng với bạn điều này, nhưng tình yêu đích thực ngay từ cái nhìn đầu tiên là điều không thể xảy ra đâu. Bạn thực sự phải tốn công sức để duy trì cảm giác đó. Theo Sally Connolly, một chuyên gia trị liệu cho các mối quan hệ với 30 năm kinh nghiệm, thì việc khăng khăng bám lấy ý tưởng về một tình yêu hoàn hảo có thể thực sự khiến cho mối quan hệ của bạn diễn tiến xấu đi đấy.[1]

Từ quan điểm của một nhà khoa học: Tình Yêu liên quan đến khứu giác của chúng ta

Nếu bạn là người có thiên hướng thích phân tích mọi việc một cách cẩn thận thì có thể bạn sẽ tin rằng tình yêu có liên quan đến sinh học. Ý tưởng này về bản chất của tình yêu trên thực tế đã được ủng hộ bởi các bằng chứng khoa học. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Thụy Sĩ tại Bern đã tiến hành nghiên cứu về mối liên hệ giữa khứu giác của chúng ta với sự hấp dẫn mà ta cảm nhận được ở một ai đó. Họ đã khám phá ra rằng các gene trong DNA của con người mã hóa cho các phân tử phức hợp hòa hợp mô chủ yếu (MHC) có thể khiến chúng ta cảm thấy yêu một người khác.[2]

Từ quan điểm của một người sống thực tế: Tình Yêu giống như đại dương

Một quan điểm mang tính thực tế về tình yêu là hãy hiểu rằng tình yêu cũng giống như đại dương, chứa đầy những cơn sóng và đợt triều luôn luôn thay đổi. Cách cảm nhận này về tình yêu sẽ mang lại một định nghĩa có tính cân bằng hơn và bình thường hơn cho thứ cảm xúc vốn rất khó nắm bắt này. Việc hiểu rõ về câu hỏi "tình yêu chính xác gì" là không dễ dàng. Tình yêu cần được đầu tư rất nhiều công sức, về lâu dài điều đó sẽ giúp bạn chuẩn bị cho một mối quan hệ lành mạnh hơn, mãn nguyện hơn và bền vững hơn.

Đâu không phải là Tình Yêu?

Trong khi định nghĩa về tình yêu có thể sẽ tùy thuộc vào quan điểm của bạn thì có một vài thứ rất rõ ràng khác nhất định không phải là tình yêu. Vậy đâu không phải là tình yêu? Hãy xem qua nhé:

Sự say mê ba​​​​​​​n đầu vs Tình Yêu

Sự say mê lúc ban đầu là cảm giác mà chúng ta trải qua khi mới bắt đầu một mối quan hệ. Thứ tình yêu khiến chúng ta thao thức về đêm, làm ta rối trí suốt cả ngày, và khiến ta cảm thấy vui tươi phấn khích - thứ tình yêu đó thực chất chính là sự say mê ban đầu. Bởi vì đó là cảm giác của bạn trong giai đoạn phải lòng một ai đó nên rất dễ nhầm tưởng sự say mê đó chính là tình yêu. Việc sống trong cảm giác say mê ban đầu thay vì tình yêu thật sự là một cái bẫy mà rất nhiều người trong số chúng ta cứ rơi vào đó hết lần này đến lần khác.[3] Bạn tự hỏi mình, "Tình yêu là gì?" và rồi tự thuyết phục mình rằng ắt hẳn chính là cảm giác này đây. Nếu đó là điều mà bạn tin tưởng thì ngay lần đầu tiên mối quan hệ của bạn bị thử thách, nó sẽ khó có thể vượt qua được để tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên tình yêu đích thực thì lại rất lâu bền.

Ham muốn tình dục vs Tình Yêu

Bạn có thể sẽ lẫn lộn giữa ham muốn tình dục và tình yêu, nhưng chúng không phải là một đâu. Làm thế nào để nhận ra điểm khác biệt? Vâng, nếu bạn có hứng thú với giường ngủ hơn là những cuộc nói chuyện, hoặc bạn tập trung vào vẻ ngoài của người ấy, hay bạn không thích ngủ lại tại nhà người ấy sau khi đã có một cuộc "thân mật", thì có lẽ là bạn đang có cảm giác ham muốn tình dục hơn là tình yêu.[4] Đây có thể là một cái bẫy mà chúng ta rất dễ rơi vào, bởi vì phản ứng tự nhiên của chúng ta là luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất và đôi lúc ta hy vọng quá nhiều đến mức cuối cùng tự thuyết phục mình chấp nhận một thứ chẳng đúng chút nào. Luôn rất dễ dàng để bỏ qua một điều gì đó có vẻ sai sai trong một mối quan hệ, bởi vì việc chia tay với người mà ta quan tâm yêu quý quả là rất khó khăn. Khi dùng cảm giác ham muốn tình dục để trả lời cho câu hỏi "tình yêu là gì", bạn có thể sẽ bị đẩy vào một mối quan hệ kiểu "vui chơi" thoáng qua thay vì cho phép bản thân mình tìm được tình yêu đích thực.

Tình Bạn vs Tình Yêu

Tình bạn và tình yêu thường có vẻ tương tự nhau, từ đó có thể gây nhầm lẫn. Đó là vì chúng ta có thể cảm thấy yêu một người bạn hoặc cảm giác như người tình lãng mạn của mình cũng là một người bạn vậy. Rất dễ nhầm lẫn tình yêu với tình bạn bởi vì chúng ta thường dành quá nhiều thời gian cho bạn bè đến mức không thể hình dung được cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không có họ ở bên. Điều đó tất nhiên cũng chính là cảm giác mà chúng ta cảm nhận về người đặc biệt ấy của mình. Ranh giới đôi khi là rất mong manh. Thế nên nếu bạn đang cảm thấy bối rối về mối quan hệ của mình với một người nào đó thì hãy thử tập trung vào trực giác của mình, mức độ thân mật và cường độ của các cảm giác. Nói chung, cảm giác của bạn về một người khác càng mãnh liệt thì càng có khả năng đó thực sự là tình yêu chứ không phải là tình bạn.[5]

Sự lệ thuộc về mặt cảm xúc vs Tình Yêu

Đôi lúc chúng ta có thể cho là mình đang yêu, nhưng thực ra đó lại là sự lệ thuộc về mặt cảm xúc. Làm thế nào để biết được? Vâng, có một vài câu hỏi mà bạn có thể tự đặt ra cho mình. Bạn có thường lý tưởng hóa người ấy không? Hay bạn có một nỗi sợ hãi thầm kín rằng mình có thể đánh mất người ấy? Hoặc đối với bạn, cái cách mà họ đối xử với bạn là quan trọng hơn bản thân việc người đó là ai? Nếu bạn trả lời "có" với những câu hỏi này thì có lẽ bạn thực sự đang có một mối quan hệ lệ thuộc về mặt cảm xúc, và đó không phải là tình yêu.[6] Nếu bạn phát hiện ra mình thực sự đang trải qua sự lệ thuộc về cảm xúc chứ không phải tình yêu thì cũng đừng tự dằn vặt bản thân mình. Chúng ta rất dễ bị lệ thuộc về mặt cảm xúc. Nhiều đặc điểm của tình trạng lệ thuộc về cảm xúc, chẳng hạn như việc lý tưởng hóa người ấy của mình và sợ đánh mất họ, là những điều bình thường. Những cảm giác đó thậm chí còn nên có trong các mối quan hệ tình cảm lãng mạn, nhưng đôi khi chúng ta lại đẩy chúng đi quá xa. Hãy nhớ rằng chính bạn làm chủ con người bạn, và người ấy của bạn cũng vậy. Tình yêu cho chúng ta được sống thật với chính mình.

Tình Yêu là gì?

Được rồi, vậy là giờ chúng ta đã biết đâu không phải là tình yêu. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi chưa được trả lời: Tình yêu là gì? Tình yêu thì mơ hồ khó tả, độc lập không phụ thuộc, có ở khắp nơi, là sự quan tâm chu đáo, không thể đoán trước, và tự nhiên. Nó còn lâu mới hoàn hảo và nó cho chúng ta sự linh động để trải nghiệm tất cả các cảm xúc khác, bao gồm sự tức giận, nỗi sợ hãi, u buồn, và đau đớn.[7] Tình yêu không phải là thứ mà chúng ta có thể đi mua hay trao tặng như một phần thưởng khi hoàn thành tốt công việc, cũng chẳng phải thứ mà ta có thể đo đếm tính toán được. Và quan trọng nhất, tình yêu là thứ được cho đi miễn phí mà không cần có điều kiện gì đặt ra trước. Việc hiểu rõ những điều này là bước đầu tiên để tiến tới việc tìm thấy tình yêu đích thực.

Tài liệu tham khảo