2 tháng trước
8 Thói Quen Khiến Bạn Tiêu Phí Tiền Bạc Của Mình
338

3993
Lượt xem
76
Lượt chia sẻ
7
Lượt bình luận

Việc tiết kiệm tiền trong điều kiện kinh tế như hiện nay đôi lúc có thể cảm giác như bất khả thi vậy. Bạn có thường nhận thấy bản thân mình kiếm được một khoản kha khá nhưng đến cuối tháng dường như lại không đủ tiêu dùng không? Việc nhìn nhận đúng đắn về những thói quen chi tiêu và ý thức về cách mà ta sử dụng số tiền của mình có thể dẫn đến việc đánh giá lại và tạo dựng một cuộc sống mà ta chỉ tiêu xài cho những thứ cần thiết mà thôi.

8 thói quen hằng ngày vô tình làm cạn kiệt số tiền của bạn

Bạn có thể làm gì để giúp bản thân luôn ý thức rõ về việc chi tiêu của mình? Tất cả đều quy về việc áp dụng những thói quen giúp bạn ý thức về cách tiêu tiền của mình, nhưng sau đây là những thói quen phổ biến dễ dàng làm cạn kiệt số tiền của chúng ta.

Bạn biện minh cho việc mua đồ rẻ

Chúng ta nghĩ rằng mình đang tiết kiệm tiền nếu chọn mua những món đồ rẻ hơn, nhưng sự thật là chất lượng mới là thứ lâu bền hơn. Việc xem những món đồ đắt tiền hơn như là một cách đầu tư chứ không phải là một khoản chi tiêu không cần thiết là lối tư duy tốt hơn mà bạn nên có, nhưng chúng ta lại hiếm khi suy nghĩ như vậy, bởi ngay lúc đó thì đắt hơn đồng nghĩa với nhiều tiền hơn.

Việc tiêu tiền cho những thứ lâu bền chứ không phải những món rẻ tiền cần được thay thế thường xuyên hơn sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền về lâu về dài đấy.

Bạn biện minh cho việc mua hàng giảm giá

Chúng ta thường mặc nhiên tin rằng việc mua hàng giảm giá là cách tiết kiệm tiền. Nếu bạn đang đi siêu thị và thứ mà bạn muốn mua lại đang được giảm giá thì thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta có thể bị cuốn theo ý nghĩ rằng mình đang được món hời, trong khi thực tế là ngay từ đầu chúng ta sẽ chẳng bao giờ mua món hàng đó nếu nó không được giảm giá! Do đó hãy kiểm soát những khoản mua sắm không cần thiết lại - đừng sa vào những món hàng giảm giá và biện minh cho việc mua chúng vì bạn tin rằng mình đang tiết kiệm tiền - không phải vậy đâu.

Bạn quá dễ dàng tiếp cận tài khoản tiết kiệm của mình

Ngày nay với dịch vụ ngân hàng qua mạng (Internet banking), thật dễ để chúng ta truy cập vào những khoản tiết kiệm của mình. Mặc dù những ý định đúng đắn của bạn đang từ từ tăng dần lên trong tài khoản tiết kiệm, nhưng nếu nó quá dễ tiếp cận thì đôi lúc bạn có thể sẽ tìm đến nó nếu cảm thấy mình đang eo hẹp về tiền bạc.

Do đó hãy tìm ra những tài khoản tiết kiệm không quá dễ để truy cập vào và không thể liên kết với tài khoản hiện tại của bạn. Cách này sẽ giúp bạn suy nghĩ kỹ càng hơn về việc chuyển tiền nếu việc đó không quá dễ dàng để làm được.

Bạn không đợi 30 ngày trước khi thực hiện những khoản mua sắm lớn

Đây là một mẹo hay nếu bạn là một tay mua sắm tùy hứng. Việc mua sắm tùy hứng như vậy có thể làm cạn kiệt số tiền của bạn cực nhanh, và chúng ta có thể rất giỏi trong việc biện minh rằng tại sao mình lại cần mua một món đồ nào đó. Nếu đó là một khoản mua sắm lớn thì hãy thực hiện quy tắc 30 ngày này trước khi bắt tay vào mua. Bạn sẽ bất ngờ về việc tâm trí mình có thể thay đổi nhiều đến thế nào trong khoảng thời gian đó, và thường thì bạn sẽ nhận ra là có lẽ mình không cần mua nó, hoặc thậm chí tốt hơn nữa là bạn sẽ tìm ra một sự lựa chọn rẻ tiền hơn trong khoảng thời gian đó.

Bạn không đặt ra những mục tiêu thực tế

Khi có ý định tiết kiệm tiền, chúng ta có thể nảy ra rất nhiều ý tưởng lớn về cách để làm được điều đó, nhưng trong hầu hết các trường hợp thì mặc dù việc đặt ra những mục tiêu lớn đó có vẻ hay và có hiệu suất cao, nhưng bạn lại không thể duy trì chúng một cách thực tế về lâu về dài. Rồi điều đó bắt đầu khiến bạn mất động lực. Vậy nên, lấy ví dụ là, thay vì đặt mục tiêu không đi ăn ở ngoài trong tháng tới đây, hãy đặt ra một mục tiêu dễ kiểm soát hơn, đó là cho phép mình ăn ở ngoài một lần mỗi tuần thay vì hai hay ba lần như bình thường bạn vẫn làm.

Bạn không viết ra danh sách những thứ cần mua trước khi đi mua sắm

Điều này cũng tương tự như việc mua sắm tùy hứng, nhưng thường xảy ra hơn khi chúng ta đi mua đồ ăn. Khi đói bụng bạn sẽ mua thức ăn nhiều hơn khoảng 20% so với khi đi mua sắm với cái bụng no. Việc ý thức rõ một cách có chủ đích trước khi bạn ra khỏi nhà, bằng cách lập ra một danh sách nghiêm ngặt những thứ mình cần mua, sẽ cắt giảm chi tiêu nhiều hơn mức mà bạn nhận ra đấy. Hãy nghiên cứu trước các công thức nấu ăn và hãy bám sát lấy đúng những thứ mà bạn đã viết ra thôi. Nếu một thứ gì đó không có trong danh sách, thì nó nên bị loại bỏ đi!

Bạn lãng phí thời gian để tìm ra những món hàng rẻ

Điều cần nhấn mạnh ở đây là thời gian. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu nhằm tìm ra những món hàng có mức giá tốt nhất, và thường thì trong những trường hợp như vậy những món hàng có giá tốt nhất thực ra lại bị bỏ qua hoặc đã bị bán hết mất rồi. Hãy xem thời gian cũng giống như tiền bạc vậy - việc suy nghĩ quá nhiều và phân tích quá kỹ có thể làm bạn lãng phí tiền bạc dù bạn cho rằng rốt cuộc là mình đang tiết kiệm nó.

Bạn không dành ra thời gian để dọn dẹp nhà cửa gọn gàng

Việc dọn dẹp gọn gàng không gian sống của mình là một trong những việc tốt nhất mà bạn có thể làm để tiết kiệm tiền. Không chỉ vì bạn có thể bán đi nhiều món đồ cũ của mình và thực sự kiếm được tiền, mà việc đó cũng làm thay đổi không gian trong trí óc của bạn nữa. Một khi bạn đã nhận ra rằng mình không cần sở hữu quá nhiều thứ để có được cảm giác hạnh phúc, thì việc đó sẽ thay đổi lối tư duy của bạn và khiến bạn ý thức hơn về những khoản chi tiêu không cần thiết trong tương lai.

Việc hình thành nên lối tư duy như vậy là cách sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền nhất về lâu dài và giúp bạn đánh giá lại những gì là quan trọng đối với mình. Do vậy hãy áp dụng thói quen ý thức rõ về cách tiêu tiền của mình nhằm tạo ra một cách thức tốt hơn để tiết kiệm nó.