5 tháng trước
12 Loại Thực Phẩm Có Tính Kiềm Giúp Cân Bằng Độ PH Của Cơ Thể Bạn
983

20.2K
Lượt xem
456
Lượt chia sẻ
23
Lượt bình luận

Bạn đã bao giờ bị ợ nóng chưa? Đó là một vấn đề gây khó chịu. Bạn cảm nhận được axit trong dạ dày dâng lên đến ngực gây đau đớn, rồi sau đó trào lên đến họng mình. Bạn có thể cũng đã nghe mọi người gọi nó là chứng trào ngược axit. Khoảng 19,8 phần trăm người trưởng thành mắc phải tình trạng ợ nóng tái diễn được gọi là Bệnh Trào ngược Dạ dày Thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD).[1][2] May mắn là một chế độ ăn có tính kiềm có thể giúp ngăn ngừa các tác động của chứng trào ngược axit. Chế độ ăn có tính kiềm giúp ích bằng cách cân bằng độ pH trong cơ thể bạn. Nó cũng giúp duy trì độ chắc của cơ và xương nữa.

Chế độ ăn của người Mĩ hiện đại bao gồm rất nhiều các thực phẩm giàu đạm và có tính axit, từ đó gây mất cân bằng giữa độ axit và độ kiềm. Theo Healthline, một nguồn chuyên cung cấp các thông tin y học đã được xét duyệt, thì có rất nhiều vấn đề liên quan với việc ăn quá nhiều các thực phẩm giàu đạm có tính axit:

  • Axit có thể sẽ tăng cao trong nước tiểu của bạn, dẫn đến hình thành một loại sỏi thận được gọi là sỏi axit uric
  • Axit có thể sẽ tăng cao trong máu, làm yếu cơ và xương, và dẫn tới các tình trạng như loãng xương, ung thư, bệnh tim, cũng như các vấn đề về gan

Để giúp cân bằng độ pH của cơ thể, làm dịu cơn ợ nóng, và giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề có hại đối với sức khỏe, hãy xem xét danh sách các thực phẩm có tính kiềm sau đây nhé.

Lưu ý: Một vài loại thực phẩm, như bắp ngô chẳng hạn, có giá trị pH cao nhưng khi vào cơ thể lại không được chuyển hóa thành các chất "tro" (sản phẩm chuyển hóa) có tính kiềm. Danh sách sau đây bao gồm các thực phẩm với tính chất là:

A) Có giá trị pH cao và cũng được chuyển hóa thành các chất tro có tính kiềm trong nước tiểu

B) Có thể không có độ pH cao nhưng đã được biết là có góp phần tạo ra các chất tro có tính kiềm cao hơn trong nước tiểu

Giá trị độ pH thay đổi từ 0 đến 14, trong đó 0 là độ axit cao, 7 là trung tính, và 14 ứng với độ kiềm cao.

Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn trước khi áp dụng bất kì một sự thay đổi đáng kể nào trong chế độ ăn của mình nhé.

Đậu Phụ


Độ pH của đậu phụ là 7,2. Đây cũng là một nguồn cung cấp chất đạm thực vật rất tốt. Bạn có thể thêm đậu phụ vào bất kì món ăn nào, bao gồm cả món xào, cà ri, và món hầm.

Dưa Mật (Honeydew)


Vâng, thật khó để tìm được một quả dưa mật chín đúng độ hoàn hảo, nhưng khi nói đến hương vị thì rất đáng để bỏ công tìm kiếm đấy. Về độ kiềm thì dưa mật có thể đạt đến độ pH 6,67. Hãy kết hợp nó với các loại dưa khác để có được cả hương vị tuyệt ngon lẫn các lợi ích cho sức khỏe nhé.

Bông Cải Xanh


Bạn có thể ghét nó, nhưng đây là loại thực phẩm tuyệt vời cho bạn đấy. Bông cải xanh chứa nhiều chất xơ, vitamin C, kali, vitamin B6 và vitamin A. Nó thực sự là một nguồn cung cấp chất đạm rất tốt, và độ pH của nó có thể đạt đến 6,85.

Bắp Cải


Bắp cải có thể đạt đến độ pH là 6,8. Để có một bữa ăn ngon miệng và lành mạnh với bắp cải, hãy thử món Súp Bắp Cải Mexico.

Rau Chân Vịt


Những câu nói kiểu như "hãy ăn rau chân vịt, nó sẽ làm bạn mạnh hơn" (bạn nhớ nhân vật Popeye chứ?) có cơ sở từ những lợi ích mà loại thực phẩm này mang lại cho sức khỏe. Rau chân vịt có độ pH lên đến 6,8, và nó chứa nhiều chất xơ không hòa tan được, vốn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Một cốc rau chân vịt chứa một gram chất đạm cùng rất nhiều vitamin K, vitamin A, vitamin C và sắt.

Hạt Lanh Và Dầu Hạt Lanh


Hạt lanh rất giàu chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và các axit béo omega 3 thuộc loại ALA (Alpha-Linolenic Acid) giúp phòng ngừa bệnh tim và tình trạng tăng cholesterol máu.[3] Dầu hạt lanh cũng đem lại những lợi ích cho trái tim giống như hạt lanh mà không chứa chất xơ, và cả hai đều được chuyển hóa thành các chất tro có tính kiềm trong quá trình chúng được xử lí dọc theo hệ tiêu hóa của bạn.

Chanh Và Nước Cốt Chanh


Chanh có tính axit cao, nhưng cơ thể bạn lại chuyển hóa nó thành các chất tro có tính kiềm trong quá trình tiêu hóa. Một vài nguồn thông tin chỉ ra rằng, bên cạnh dưa hấu thì chanh là loại thực phẩm tạo ra độ kiềm cao nhất cho cơ thể bạn. Chanh tuyệt vời vì rất nhiều lí do - nước cốt chanh thậm chí còn giúp biến nước thường thành một loại đồ uống lành mạnh hơn, và chanh cũng chứa rất nhiều vitamin C nữa.

Củ Dền Và Nước Ép Củ Dền


Củ dền được đưa vào danh sách này với độ pH lên đến 6,6, và nó có thể đem lại lợi ích cho bộ não. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Wake Forest đã phát hiện ra rằng nước ép củ dền giúp cải thiện lượng máu cung cấp cho não bởi vì củ dền có chứa nhiều nitrate sẽ được cơ thể chuyển hóa thành nitrite. Tới lượt mình, nitrite làm các mạch máu giãn rộng hơn.

Rau Cải Xoăn


Đúng là một loại rau lá xanh tuyệt vời! Ngoài tác dụng nâng cao độ kiềm có lợi cho sức khỏe, rau cải xoăn còn chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin B6, và vitamin C hơn cả rau chân vịt.

Các Loại Búp Và Mầm


Búp cải Brussel có độ pH lên tới 6,3, và nó chứa đầy các hợp chất từ thực vật như isothiocyanate chẳng hạn. Isothiocyanate có thể ức chế sự tăng trưởng của các khối u và sự sản sinh các nội tiết tố. Trong khi đó mầm cỏ Alfalfa (cỏ linh lăng) lại chứa các amino acid thiết yếu, các chất chống oxi hóa, cùng các vitamin và khoáng chất.[4] Bên cạnh đó, bánh mì làm từ các loại hạt nảy mầm là một sự lựa chọn tuyệt vời để thay thế cho bánh mì làm từ bột và chứa nhiều chất bột đường mà chúng ta đã quen mua trong siêu thị.

Hạt Quinoa (Diêm Mạch)


Tất nhiên rồi! Hạt quinoa là nguồn cung cấp chất đạm tuyệt vời, bởi nó chứa chất đạm toàn phần.[5] Nó cũng có tác dụng cực tốt trong việc cân bằng độ kiềm của cơ thể. Phần lớn các nguồn chất đạm từ thịt đều có tính axit. Khi được kết hợp cân bằng với các loại thực phẩm khác được liệt kê trong bài này, hạt quinoa sẽ có tiềm năng thay thế cho thịt trong chế độ ăn của bạn.

Các Loại Thảo Mộc Và Gia Vị


Bên cạnh muối, mù tạt và hạt nhục đậu khấu, thì hầu hết các loại thảo mộc và gia vị cũng đều có tính kiềm. Do đó hãy nêm nếm thêm gia vị để bữa ăn của bạn đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt là capsaicin (một chất hóa học trong ớt) có thể giúp giảm đau và thậm chí có thể giúp chữa trị chứng ợ nóng nữa. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng vỏ quế có thể giúp giảm cân, giảm mức đường huyết, và thậm chí có thể đóng vai trò là một yếu tố chống lão hóa nữa.[6]

Tài liệu tham khảo