9 tháng trước
Hãy Luôn Đứng Lên Sau Mỗi Vấp Ngã, Bạn Sẽ Chuyển Bại Thành Thắng Dễ Dàng
373

4239
Lượt xem
28
Lượt chia sẻ
5
Lượt bình luận

Chúng ta đều biết tới Milton Hershey với tư cách là nhà sáng lập của thương hiệu chocolate Hershey, một trong những hãng kẹo nổi tiếng nhất nước Mĩ. Nhưng thực ra Hershey đã từng lập nên 3 công ty kẹo đều kết thúc trong thất bại hoàn toàn trước khi đạt được thành công sau cùng kia. Khi còn là một doanh nhân trẻ, Hershey mở tiệm bán kẹo của riêng mình tại Philadelphia với chỉ 150 USD và đạt được rất ít thành công. Trong vài năm sau đó ông đã bắt tay vào làm lại từ đầu tại New York và Chicago nhưng cả hai lần đều thất bại. Không chịu từ bỏ và tin chắc rằng mình sẽ thành công, ông lại lập ra Công ty Kẹo Caramel Lancaster, và chỉ trong vài năm ngắn ngủi, cuối cùng ông đã có một công việc kinh doanh phát đạt dẫn tới việc thành lập Công ty Chocolate Hershey mà chúng ta đều biết đến và yêu thích như hiện nay.

Bất chấp những thất bại, Hershey đã dùng ý chí bền bỉ không nản lòng và niềm tin sắt đá để thực hiện và đạt được ước mơ của mình. Trong khi nhiều người sẽ dễ bị lôi kéo bởi ý nghĩ bỏ cuộc và tự đắm mình trong sự tiêu cực mà thất bại có thể mang đến, thì Hershey đã cho chúng ta thấy cách mà lòng quyết tâm, sự học hỏi và hoàn thiện bản thân đã tạo nên công thức thực sự dẫn tới thành công.

Theo bản năng mặc định, chúng ta không thể kiên nhẫn chờ đợi chiến thắng

Là con người, chúng ta sinh ra đã muốn đạt được những thành công tức thời và tất cả là vì sự sinh tồn. Thời còn ăn lông ở lỗ, việc sinh tồn nghĩa là phải lùng sục kiếm ăn và làm ra được lửa. Nếu chúng ta không có được kết quả nhanh chóng tức thời trong những việc đó, thì cuộc sống của ta sẽ gặp nguy hiểm.


Ngày nay đối với mỗi cá nhân, nhu cầu sinh tồn và muốn có kết quả tức thời của chúng ta lại bắt đầu ngay từ khoảnh khắc mới chào đời. Khóc là một cách để thu hút sự chú ý ngay lập tức mà chúng ta cần có được từ phía cha mẹ mình, nhằm đảm bảo mình sẽ được cho ăn và được chăm sóc. Do đó mà tâm lí muốn có kết quả tức thời đã ăn sâu bám rễ vào chúng ta ngay từ khi còn rất nhỏ và gắn chặt vào trí óc ta trong suốt cuộc đời.


Song thực tế chúng ta lại phải chờ đợi, và ta thua cuộc

Trong thời kì hiện đại, xã hội đã định hình nên cách mà chúng ta có được thành công. Chúng ta có thể muốn có tiền, nhưng thường sẽ chỉ nhận được lương sau khi đã hoàn thành một khoảng thời gian làm việc hoặc chỉ nhận được thưởng sau khi đã miệt mài làm một công việc nào đó. Vì vậy chúng ta thường bị buộc phải làm việc chăm chỉ và chờ đợi để nhận được sự thành công mà ta khao khát, và như vậy mối đe dọa thật sự trong cuộc sống mà tổ tiên ta vẫn phải đối mặt đã bị mất đi rất nhiều rồi.


Vậy là, mặc dù việc thiếu vắng những kết quả tức thời không phải là mối đe dọa cho sự sinh tồn của chúng ta, nhưng nhu cầu đó vẫn lẩn khuất trong tiềm thức của bộ não, và bản năng của ta thường sẽ bảo ta bỏ cuộc nếu không nhìn thấy rõ kết quả tức thời.


Song mấu chốt ở đây là, hãy hiểu rằng những lúc chờ đợi kia đóng vai trò như một khoảng thời gian mang ý nghĩa quyết định để bạn làm việc chăm chỉ và tự hoàn thiện mình, chứ không phải là để bỏ cuộc.

Từ chỗ "thua cuộc" đến việc trở thành một "kẻ thua cuộc"

Khi mới thất bại thì người ta chưa trở thành kẻ thua cuộc ngay đâu. Mà họ sẽ trở thành kẻ thua cuộc ngay khi họ bắt đầu tự trù dập bản thân. Họ tự nhủ với mình những "sự thật" hoặc những lời bào chữa để biện minh cho những điểm tiêu cực trong năng lực của bản thân.

Những niềm tin gây bó buộc đó được hình thành từ những trải nghiệm, những sai lầm hoặc những thời điểm bế tắc của họ trong quá khứ. Họ thường nói với bản thân mình hoặc bảo với người khác những lời kiểu như "Nếu còn trẻ hơn thì mình đã làm được rồi", hoặc "Nếu họ cho mình thêm nhiều cơ hội nữa thì mọi chuyện đã khác đi rồi."

Nhưng nếu họ dám thành thật nhìn thẳng vào vấn đề, thì đó chỉ là những lời mà họ tự nhủ với bản thân để biện minh cho thất bại, và chẳng có ai thật sự quan tâm tới việc họ lẽ ra đã có thể làm được gì hay tại sao họ lại thất bại cả. Thất bại vẫn là thất bại thôi.


Nói ra điều này không phải để làm chói tai nhau, mà đúng hơn là để nhấn mạnh sự thật rằng chúng ta thường tự đóng khung mình vào cách suy nghĩ như vậy về sự thất bại, hoặc tự gán mác cho mình một cách cay độc. Trong thực tế, chúng ta thất bại là vì đã không kiên trì bền chí, không giữ được lòng thành cùng với niềm tin, và không dùng sự thất bại như một cách để học hỏi và hoàn thiện bản thân nhằm hướng tới thành công mà ta mong muốn.

Nhu cầu tiêu cực muốn ngụy biện cho thất bại của bản thân như vậy sẽ chẳng đưa ta đến đâu cả, như Ben Horowitz đã viết trong cuốn sách của mình là Sự Thật Khó Nghe Về Những Việc Khó Làm (The Hard Thing About Hard Things),

Một lí do hay tuyệt để giải thích cho thất bại cũng sẽ chẳng giữ được một đồng nào cho nhà đầu tư của bạn, chẳng giữ được một việc làm nào cho nhân viên hay giúp bạn có thêm nổi một khách hàng mới nào.

Hãy hành động như một người thắng cuộc và tiếp tục tiến tới

Chúng ta phải chiến đấu chống lại ý muốn đưa ra những lời bào chữa và suy nghĩ bỏ cuộc khi thất bại đến gõ cửa, và tất cả đều nằm ở cách tư duy.


Sẽ là tự nhiên khi nghĩ lại những thất bại trong quá khứ và dùng chúng như là bằng chứng rằng mình sẽ chẳng bao giờ thành công, song điều đó sẽ chỉ gây hại cho cơ hội của bạn để đạt tới những ước mơ của mình mà thôi. Hãy tập trung tâm trí vào mục tiêu và làm hết sức mình để đạt tới đó. Sẽ luôn có những chướng ngại dọc đường, nhưng điều mấu chốt là hãy từng bước vượt qua những khó khăn trắc trở, đừng đổ lỗi cho ai, đừng mù quáng đi theo những niềm tin sai lầm làm bản thân bị bó buộc, mà hãy dùng mỗi đoạn xóc trên đường như một cơ hội để học hỏi. Nói cách khác, hãy nghĩ về những trở ngại theo hướng là cuộc sống đang cho bạn một giải pháp mà bạn phải tự nhận ra - một bài học mà chỉ có tình huống đó mới dạy cho bạn để giúp bạn tiến xa tới những thành công trong cuộc đời.

Nếu bạn muốn có được thành công sau những thất bại, hãy bắt đầu suy nghĩ giống như một người thành công:

  • Hãy Mở Rộng Tầm Nhìn Của Bạn: Bức tranh tổng thể có lúc sẽ khó được nhận thấy khi chúng ta tập trung vào những việc đang xảy ra ở thời điểm hiện tại. Ý tưởng ở đây là hãy nhận thức rằng, mỗi cuộc hành trình đi đến thành công sẽ luôn phải trải qua những thăng trầm. Những nốt trầm có thể sẽ "đánh úp" làm ta bị choáng và khiến ta nghĩ rằng thành công là điều không thể. Hãy lùi lại một bước và luôn để mắt đến bức tranh tổng thể, bởi thường thì những nốt trầm kia sẽ được theo sau bởi những khoảng "thăng" tuyệt diệu.
  • Hãy Chia Nhỏ Những Thách Thức: Đôi lúc mục tiêu lớn của bạn có thể trông như vô vọng và khó đạt tới, đó là lí do mà việc chia nhỏ nó ra thành những phần dễ xử lí hơn chính là bí quyết giúp bạn duy trì được động lực. Cuộc sống luôn thay đổi, và những ý tưởng, niềm tin hay quan điểm của chúng ta cũng vậy. Mỗi khi vượt qua được một thử thách nhỏ là bạn sẽ có cảm giác rõ hơn về những thành tựu và khả năng đạt đến kết quả lớn lao hơn, và đó là lúc điều kì diệu xảy đến - bạn sẽ từ từ, nhưng chắc chắn, nhận thấy những điều mình mong muốn là hoàn toàn trong tầm tay.

Nếu thực sự muốn thành công, bạn phải nhận thức rõ rằng chẳng có ai thực sự quan tâm đến thất bại của bạn cả. Nếu bạn muốn tiếp tục tiến bước sau những vấp ngã, thì đừng đưa từ "bỏ cuộc" vào danh sách các lựa chọn. Bất luận là bạn cảm thấy mình đang phải vật lộn khổ sở thế nào, thì đó mới chính là những thời điểm thể hiện ra quá trình học hỏi và lĩnh hội cái mới mà bạn cần có để đạt được những mục tiêu lớn của đời mình.

Hãy đọc bài viết này để biết thêm về cách giữ vững lòng kiên trì trên hành trình hướng tới những điều lớn lao: Thời Điểm Duy Nhất Mà Sự Thay Đổi Không Giúp Bạn Trở Nên Tốt Hơn