7 tháng trước
4 Cách Để Xây Dựng Sự Tự Tin Vào Năng Lực Bản Thân
459

6797
Lượt xem
987
Lượt chia sẻ
84
Lượt bình luận

Khi gặp trở ngại hay thất bại, liệu bạn sẽ ngồi yên, bỏ cuộc và ngưng chiến đấu để đạt tới mục tiêu, hay là bạn sẽ đứng lên đối diện với thử thách đang chặn đường tiến của bạn? Liệu bạn sẽ giống như một cỗ máy liên tục nói với bản thân rằng: “Tôi tin là tôi có thể, tôi có thể làm được!”, hay bạn sẽ để sự tự hoài nghi kiểm soát chính mình? Bạn sẽ kiên nhẫn chịu đựng gian khổ với niềm tin về một kết quả tốt đẹp nơi cuối con đường, hay bạn sẽ buông xuôi và nghĩ rằng mình không thể nào thành công?

“Họ chiến thắng đơn giản vì họ tin rằng họ sẽ làm được.”
— Virgil

Những câu hỏi như trên đây là cơ sở để ta đi đến hiểu biết sâu xa hơn về Niềm tin vào năng lực bản thân (self-efficacy). Chúng ta trở thành người thế nào, đạt được thành quả gì trong cuộc sống được quyết định chủ yếu bởi việc ta tin tưởng như thế nào vào khả năng của mình. Tâm lý học đại chúng (Pop psychology) nhấn mạnh rằng niềm tin vào bản thân có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống. Và không phải ngẫu nhiên mà quan điểm này được đưa vào các sách phát triển bản thân hay các bài phát biểu truyền cảm hứng. Nhà tâm lý học Albert Bandura, khi trình bày lý thuyết về nhận thức xã hội, đã định nghĩa như sau: Sự tự tin vào năng lực bản thân (Self-efficacy) là niềm tin của một cá nhân vào năng lực hoàn thành nhiệm vụ/đạt tới mục tiêu của mình..

Tin vào khả năng của bạn

Theo Bandura, thái độ, nhận thức, niềm tin và năng lực cá nhân đóng vai trò quan trọng cấu thành nên hệ thống cái tôi của con người (self-system). Hệ thống này ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận vấn đề và đánh giá người khác. Bên cạnh đó, nó cũng tác động đến cách chúng ta hành xử, phản ứng đối với nhiều tình huống khác nhau. Niềm tin vào bản thân đóng vai trò quan trọng ở chỗ nó ảnh hưởng đến cách thức ta hành động để đạt tới kết quả/mục tiêu mong muốn.

Từ khi Bandura cho công bố phát hiện mang tính đột phá của mình trong nghiên cứu “Niềm Tin Vào Năng Lực Bản Thân: Một Lý Thuyết Thống Nhất về Thay Đổi Hành Vi” (Self-Efficacy: Toward a Unifying Theory of Behavioral Change), chủ đề này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như được các nhà tâm lý và giáo dục sử dụng để minh họa cho ảnh hưởng của niềm tin vào bản thân đối với các trạng thái tinh thần, lựa chọn hành vi và cả động cơ hành động của con người. Tất cả mọi người đều có một mục tiêu và mơ ước trong đời, nhưng “nói thì dễ hơn làm”. Việc tin tưởng vào năng lực cá nhân sẽ vạch đường cho ta thấy cách thức để đạt được những mục đích này.

Nỗ lực hết mình

Niềm tin vào năng lực bản thân tác động đến lựa chọn hành vi, động cơ hành động, lối suy nghĩ, phản ứng tình huống, năng suất làm việc và học tập, cũng như ý niệm về số mệnh của chúng ta. Những người có niềm tin vào bản thân mạnh mẽ xem thử thách và khó khăn là cơ hội để học tập và phát triển, trong khi những người có niềm tin yếu kém thì tìm cách lảng tránh khó khăn. Người giàu niềm tin luôn vững lòng về khả năng đạt tới thành công của mình; người yếu niềm tin luôn trong tình trạng thiếu tự tin, không hiểu rõ về bản thân và nghi ngờ năng lực của chính mình.

Người tự tin có xu hướng sẵn sàng đầu tư công sức để hoàn thành nhiệm vụ và nỗ lực đến cùng cho đến khi hoàn tất hơn rất nhiều so với những người thiếu tự tin. Bandura cũng cho rằng niềm tin vào bản thân có một mối liên hệ mật thiết với thế giới quan của chúng ta. Những người luôn tin tưởng vào bản thân thường quan niệm rằng họ làm chủ cuộc sống và có thể quyết định nó thông qua các lựa chọn và hành động của mình. Trong khi đó, người thiếu niềm tin vào bản thân thì tâm niệm rằng cuộc sống này nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, chịu ảnh hưởng bởi một người khác, hoặc hoàn toàn không thể làm chủ được.

Trong khi chúng ta dừng phát triển về thể chất, và với thời gian, một số quan điểm của ta cũng sẽ ngừng thay đổi, thì trái lại, niềm tin vào bản thân không bao giờ ngừng lại, mà tiến triển qua nhiều giai đoạn của cuộc đời. Gần đây, khi nói về tâm lý học phát triển (developmental psychology), chúng ta đã bàn về niềm tin vào bản thân và cách để có được niềm tin này trong cuộc sống. Dưới đây là 4 phương thức bạn có thể áp dụng để xây dựng sự tự tin vào năng lực bản thân, làm nền tảng cho các bước tiến trong tương lai:

1. Xây dựng thành công trên nền tảng thành công

Tất cả những người thành đạt đều bắt nguồn từ những khởi đầu tầm thường. Đừng xem thường những thành tích nhỏ, bởi đây chính là nền tảng cho các bước đi tiếp theo. Thành công không tự động mà đến. Nó bắt nguồn từ niềm tin “Tôi có thể” và những bước đi nhỏ để tiến dần tới. Với mọi nhiệm vụ đơn giản bạn được giao phó, hãy tìm cách trở nên thành thạo, làm tốt nhất có thể và để cho bản thân được phát triển, dù có gặp phải thật nhiều khó khăn.

2. Chiêm nghiệm sự kiên trì và thành công của người khác

Quan sát người khác hoàn tất nhiệm vụ hay đạt tới mục tiêu là một yếu tố quan trọng để đem lại niềm tin vào bản thân, đồng thời mang đến nguồn động lực hành động cho bạn. Bạn sẽ tự nghĩ rằng: “Nếu anh ta làm được, thì tôi cũng làm được” hay “Nếu cô ta có thể thành công từ khởi đầu đó, thì tôi cũng có thể”. Việc chiêm nghiệm thành công bằng nỗ lực của người khác giúp nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân, rằng chúng ta cũng có thể cố gắng để đạt tới thành công như vậy.

3. Tìm đến những ai có niềm tin vào năng lực của bạn

Ảnh hưởng xã hội (Social persuasion) có vai trò rất to lớn. Hãy tìm đến những ai luôn tin tưởng vào bạn. Sẽ có những người thuyết phục bạn đặt niềm tin vào khả năng đạt tới thành công của mình. Đôi khi, họ có thể là cha mẹ, huấn luyện viên, giáo viên, cố vấn, thậm chí là bạn bè của bạn. Những lời nói khuyến khích từ người xung quanh sẽ giúp bạn vượt qua sự tự hoài nghi và tập trung vào việc cố gắng hết sức để đi tới.

4. Vượt qua phản ứng tâm lý cá nhân

Phản ứng của chúng ta đối với các tình huống trong cuộc sống được quyết định phần lớn bởi những quá trình nhận thức tâm lý vô hình. Trạng thái cảm xúc, mức độ stress, tâm trạng hàng ngày đều tác động đến cách chúng ta suy nghĩ về bản thân và năng lực của mình. Thông qua việc giảm bớt áp lực (không phải bằng cách lảng tránh khó khăn thử thách) và làm cho tâm trạng của mình luôn vui vẻ, bạn sẽ phần nào cải thiện được niềm tin vào bản thân.

“Nếu năng lực cho bạn cơ hội thì niềm tin sẽ dẫn bạn đến thành công.”
— Apollo

Nghiên cứu cho thấy rằng niềm tin vào bản thân có tác động mạnh đến hành vi và thành tích của con người hơn hẳn so với các nguồn động lực khác. Giáo sư môn Tâm lý phát triển của tôi, Tiến sĩ Chad Magnuson từng nói: “Thành công không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân, mà chủ yếu dựa vào niềm tin của chúng ta vào năng lực đó”.

Nguồn ảnh bìa: Azrul Aziz từ unsplash.com