4 ngày trước
Người Cố Vấn: Ngôi Sao Dẫn Đường Cho Những Nhân Viên
413

4522
Lượt xem
190
Lượt chia sẻ
31
Lượt bình luận

Muốn thành công trong thế giới cạnh tranh ngày nay, bạn phải nắm lấy mọi cơ hội mình có.

Trong khi nền văn hóa của chúng ta luôn kể câu chuyện về những con sói cô đơn hay các chàng cao bồi chơi theo luật riêng của mình mà vẫn thành công thì trong thực tế, không ai có thể đơn thương độc mã mà đạt đến thành công đỉnh cao.

Hầu như tất cả những người thành công trong đời mình đều chịu ảnh hưởng từ một cố vấn, dù đó là thầy cô, cha mẹ hay sếp tại nơi làm việc, một người đóng vai trò như một hình mẫu lý tưởng, huấn luyện viên hoặc người cổ vũ, những người giúp họ vượt ra khỏi vùng an toàn để đạt thành công.

Nhưng có phải nghệ thuật cố vấn đang chết dần không? Bạn tìm kiếm gì từ một người cố vấn? Làm thế nào bạn tìm ra họ? Và bạn có thể mong đợi điều gì từ quá trình kèm cặp? Trong bài này, chúng tôi sẽ trả lời tất cả những câu hỏi trên và còn hơn thế.

Cố vấn, trong phạm vi bài viết này, là một người thầy thông thái. Vậy chính xác thì "thông thái" là gì? Đó là sự kết hợp giữa kiến thức và kinh nghiệm.

Cố vấn thường là người đã hoạt động trong một lĩnh vực được một thời gian và thành công với những gì họ làm. Cố vấn bản thân nó được định nghĩa là mối quan hệ giữa một người có nhiều kinh nghiệm hơn (cố vấn) với người mà họ trợ giúp và khuyến khích (học trò) trong công việc hoặc sự nghiệp của mình.[1] Nói chung, cố vấn đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ các học trò mà không quản trị họ một cách chi tiết.


Giống nhiều người, trong đời mình tôi đã nhận được sự trợ giúp từ những người thầy khác nhau, và họ đã chứng tỏ là một nguồn vô giá cho sự phát triển và thành công của tôi. Thực tế, cú đột kích đầu tiên của tôi vào lĩnh vực E-marketing là vì tôi thấy một anh bạn đã rất thành công khi làm việc tại nhà cùng chiếc máy tính của mình. Khi tôi gặp anh để xin giúp đỡ học nghề, anh đã đồng ý, nhưng chỉ khi chúng tôi đặt ra một số quy tắc căn bản.

Mặc dù đó là một sự thỏa thuận "nghiêm trọng" hơn tôi nghĩ, khi nhìn lại tôi hiểu ra giá trị phương pháp của anh. Dưới đây là các quy tắc mà chúng tôi đã thỏa thuận:

Các buổi gặp

Chúng tôi sẽ gặp nhau trong các bữa ăn trưa vào thứ Tư hàng tuần, mỗi buổi gặp kéo dài chừng một giờ, và nếu một trong hai người không thể có mặt, chúng tôi phải báo cho người kia trước 24 giờ. Việc này khiến công việc cố vấn được đặt lên mức ưu tiên.

Giống như bất cứ điều gì hệ trọng đối với thành công trong công việc của mình, tôi phải cam kết và nghiêm túc với nó.

Kể từ lần kèm cặp đầu tiên đó, giờ đây tôi có thêm nhiều mối quan hệ với nhiều người khác nhau sống cách xa tôi, thậm chí có người ở nước ngoài. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ gặp nhau qua điện thoại, tin nhắn trực tiếp hoặc hội nghị truyền hình, nhưng luôn có một thời gian cố định và lịch trình đều đặn.

Thời hạn

Anh nhất định yêu cầu công việc đào tạo của chúng tôi có thời gian giới hạn là ba tháng. Anh giải thích rằng mặc dù anh rất vui được giúp tôi, nhưng anh không muốn trở thành cái nạng mỗi khi tôi gặp rắc rối. Ngoài ra, tôi không đủ khả năng trả công cho anh, và như anh giải thích "tớ còn có cuộc sống ngoài công việc".

Hóa ra chúng tôi đã giữ liên lạc với nhau trong nhiều năm trời và thường xuyên trao đổi suy nghĩ và ý kiến cùng nhau. Thật ra giờ đây việc anh đến tôi để xin lời khuyên không phải việc hiếm. Nhưng thời hạn ba tháng này rất quan trọng vì một số lý do.

Thứ nhất, nó làm tôi tập trung sự chú ý vào anh như một vốn quý. Biết rằng nguồn thông tin này sẽ có ngày hết nên khiến tôi coi trọng thời gian của anh hơn.

Thời gian trôi qua, tôi nhận ra mình cần mang theo một cuốn sổ bên mình để có thể ghi ra những câu hỏi và ý kiến cho cuộc gặp tiếp theo. Đây là thói quen tôi vẫn duy trì tới tận hôm nay, mặc dù cuốn sổ đã được thay bằng chiếc điện thoại.

Một điều nữa là nó cho anh ấy một lối thoát. Đó là điều mà tôi không nhận ra cho đến khi bắt đầu cố vấn cho người khác. Không phải ai cũng phù hợp để thành doanh nhân khởi nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp. Một số người không có định hướng tốt hoặc đơn giản thiếu tổ chức đến mức không làm chủ được chính mình.

Điều này có thể rất phiền lòng cho người hướng dẫn. Họ đã dồn khá nhiều sức lực vào mối quan hệ và nếu họ cứ dẫn con ngựa đến nguồn nước mà nó không chịu uống, thì việc có một thời hạn xác định sẽ khiến cho việc đào tạo những người này dễ chịu đựng hơn.

Mục tiêu

Ngay trong cuộc gặp đầu tiên, chúng tôi đã đặt ra (và viết ra) những mục tiêu cho mối quan hệ của chúng tôi. Thực ra tôi đã khá lúng túng khi anh hỏi mục tiêu của tôi cho những buổi gặp này là gì, nhưng may cho tôi là anh đã làm việc này trước đây và có thể giúp tôi vụ này.

Chúng tôi quyết định mục tiêu cho mối quan hệ hướng dẫn này bao gồm những việc sau:

  • Phát triển một trang web dành riêng cho các hoạt động tiếp thị trực tuyến của tôi.
  • Phát triển các chiến lược cho các sản phẩm và dịch vụ tôi đưa ra.
  • Theo dõi và phân tích các chiến lược tiếp thị bằng phương pháp thử nghiệm so sánh (đối chiếu A/B) để xác định quy trình nào tiết kiệm chi phí nhất.
  • Đưa ra kế hoạch dài hạn (5 năm) cho việc kinh doanh.

Giờ đây khi đã có các mục tiêu trong đầu, chúng tôi sẽ xem xét và chia chúng thành các bước nhỏ hơn để có thể đưa vào lịch trình ba tháng của mình.

Cố vấn giỏi giống như sao Bắc Cực, chứ không phải Hệ thống định vị toàn cầu.

Trời ơi, tôi yêu bộ định vị GPS của mình! Tôi chỉ cần gõ địa chỉ vào và sẽ nhận được chỉ dẫn từng bước tới đích. Tôi chưa từng bị lạc trong nhiều năm, ngay cả khi ở một thành phố lạ. Những loại mới hơn thậm chí còn dẫn đường giúp bạn tránh những chỗ kẹt xe, đang xây dựng hoặc có tai nạn.

Nhưng vào thuở ban đầu, sao Bắc Cực là một vật dẫn đường quan trọng.

Sử dụng một điểm cố định trên bầu trời, vị thuyền trưởng có thể định hướng đi qua đại dương bao la, từ lục địa này sang lục địa khác.

Do ngày nay các thuyền trưởng có thể đi chính xác từ cảng này đến một cảng khác qua hệ thống GPS vạch ra một hành trình chính xác, việc sử dụng sao Bắc Cực để định hướng kém chính xác hơn nhiều. Bạn có thể đi từ đại lục này tới đại lục khác, nhưng biển, gió, và những cơn bão chắc chắn sẽ khiến bạn không bao giờ thực hiện được cùng một hành trình lần thứ hai.

Một cố vấn giỏi giống như sao Bắc Cực, chứ không như Hệ thống GPS. Họ sẽ cho bạn một định hướng, không phải một hành trình cụ thể.

Làm thế nào bạn có thể nhận ra một cố vấn giỏi? Sau đây là một số dấu hiệu chính:

1. Họ cho phép bạn phạm sai lầm

Câu "Người thầy tốt nhất là kinh nghiệm" rất chính xác. Một cố vấn không phải để cứu bạn khỏi tất cả những sai lầm. Mặc dù việc lạc lối trong cơn bão thật đáng sợ, nhưng nó có thể khiến bạn bị chệch hướng đủ để cập bến một vùng đất tốt đẹp hơn.

2. Họ không muốn trở thành anh hùng

Mặc dù điều này liên quan đến điểm thứ nhất: họ phải cho phép bạn thất bại và phạm sai lầm, nó không chỉ có vậy. Công việc kèm cặp có thể thổi phồng cái tôi của người cố vấn.

Được coi là, và nghĩ về bản thân như một người có tất cả mọi câu trả lời có thể khiến họ vô thức muốn cố gắng thực hiện được sự mong đợi đó. Một cố vấn giỏi sẽ nhận ra điều đó và chỉ đưa ra lời khuyên mà họ có đủ khả năng đưa ra.

3. Họ sử dụng câu hỏi, không phải câu trả lời

Có một châm ngôn:

“Chúa cho ta hai tai và một miệng là có lý do. Ta nên lắng nghe nhiều gấp hai lần nói.”

Trong phương diện này, quá trình cố vấn rất giống quá trình trị liệu tâm lý. Một nhà trị liệu tâm lý giỏi có mặt để giúp bạn tự vượt qua những vấn đề của chính mình. Họ cho bạn công cụ, lời khuyên và gợi ý, nhưng người giải quyết công việc vất vả là bạn, họ sẽ không làm thay bạn.

Một cố vấn cũng làm y như vậy.

Chúng ta đã nói rất nhiều về việc cố vấn, người cố vấn, họ làm gì, làm thế nào, và điều gì tạo nên một người cố vấn tốt. Nhưng cố vấn là công việc hai chiều.

Nếu bạn thấy được lợi ích của việc có một người cố vấn, bạn cũng rất cần hiểu rằng là một học trò, bạn cũng có những nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cố vấn của mình. Hãy luôn nhớ rằng bạn đang nhờ một người chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm mà họ khó nhọc mới có được, có thể bằng cách miễn phí, có thể như tôi, để bạn có thể bước vào cùng lĩnh vực với họ và một ngày nào đó trở thành đối thủ cạnh tranh.

Có vài điều nghiêm túc bạn cần cân nhắc trước khi bắt đầu một mối quan hệ cố vấn:

Bạn có sẵn sàng học hỏi không?

Điều này có thể là vấn đề thực sự với những doanh nhân khởi nghiệp, nhiều khi chúng ta có những ý kiến và cách thực thực hiện công việc riêng.

Có thể trước đây chúng ta đã thành công trong những lĩnh vực khác và có những thành tích trong quá khứ. Ta cần nhận ra rằng những thứ đã đem lại thành công trước đây có thể sẽ không mang đến thành công cho ta lần này.

Việc phải bắt đầu từ con số không có thể là một liều thuốc đắng. Bạn phải có khả năng đặt sang một bên những gì mình từng biết và học những cách mới và khác để đạt được thành công.

Bạn có biết cách nhận lời khuyên hay phê bình không?

Không một người trưởng thành nào lại thích bị phê bình hoặc bảo phải làm gì, nhưng là một người trưởng thành đồng nghĩa với việc bạn có thể nhận sự hướng dẫn và phê bình mà không coi chúng là chuyện cá nhân.

Tất cả các cầu thủ bóng đá ở trường trung học đều biết rằng huấn luyện viên hò hét là để đội tuyển tốt hơn, không phải vì ông ghét bỏ bạn. Tương tự như vậy, những lời phê bình của cố vấn không hướng về bạn, mà để giúp bạn đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bạn có cam kết thực hiện không?

Thời gian đào tạo có thể kéo dài trong khoảng từ vài tuần đến vài năm. Nếu bạn không sẵn sàng cam kết về thời gian và nỗ lực cần bỏ ra thì xin bạn thậm chí đừng bắt đầu.

Khi ai đó kèm cặp bạn, họ đã giành thời gian và năng lượng để giúp bạn. Không gì làm một cố vấn thất vọng bằng một người thiếu kế hoạch, lỡ các cuộc hẹn hoặc không sẵn sàng bỏ ra thời gian và nỗ lực cần thiết.

Thêm nữa, bạn cần có những mong đợi thực tế về mối quan hệ cố vấn. Tôi đã thấy nhiều người tiếp cận các cố vấn tiềm năng chỉ vì mạng lưới và các mối quan hệ của họ. Người học trò xem cố vấn như một cánh cửa đến với những người mà anh ta nghĩ có thể giúp cho sự nghiệp của mình. Đây là điều cực kỳ cấm kỵ.

Thứ nhất, đó là một cách thiếu trung thực để bắt đầu một mối quan hệ kèm cặp. Thứ hai, chưa bao giờ tôi thấy nó thành công, và thường phản tác dụng.

Cố vấn, như tất cả chúng ta, không thích bị lợi dụng cho một mục đích phía sau nào đó. Và khi mục đích của bạn trở nên rõ ràng, nó sẽ không chỉ kết thúc mối quan hệ, mà còn khiến người học có nguy cơ bị tai tiếng.

Nên nếu cố vấn của bạn giới thiệu bạn với mạng lưới của họ, hãy luôn tôn trọng và hỏi cố vấn của bạn trước khi bắt đầu liên hệ với những người họ đã giới thiệu với bạn.

Rất nhiều người hết sức sẵn lòng giúp đỡ đưa ra lời khuyên và định hướng cho những người "mới" trong nghề. Nhưng trở thành một cố vấn là một quá trình phức tạp hơn nhiều.

Trước khi đề nghị ai đó làm cố vấn cho mình, bạn phải có giá trị gì đó để đưa ra. Suy cho cùng, một cố vấn đồng ý bảo bọc giúp đỡ bạn nên thái độ, danh tiếng và thành công của bạn là sự phản chiếu trực tiếp của họ.

Trong môi trường làm việc, những cố vấn tiềm năng luôn quan sát và đánh giá những người mới. Họ chú ý những ai đến vào đúng 9h sáng và về đúng lúc 5 giờ chiều. Và họ cũng chú ý những người đến sớm, ở lại muộn và không kêu ca về việc phải làm những việc mà không ai muốn làm.

Vì vậy bằng cách thêm một chút nỗ lực, bạn sẽ trở thành ứng viên hấp dẫn hơn nhiều trong mắt một cố vấn.

Mẹo #2 – Đối xử với mọi người như người "gác cổng" vận may của bạn.

Người "gác cổng" là người có thể tiếp cận với người có tầm ảnh hưởng. Người "gác cổng" rõ ràng nhất là thư ký hay trợ lý cá nhân của sếp. Đó là những người mà bạn không muốn trêu gan!

Phần khó nhằn hơn là bạn không biết tất cả những mối quan hệ mà người gác cổng có. Nên ngay cả khi bạn có thể có mối quan hệ tốt với người gác cổng, nhưng bạn có thể đã thô lỗ hay thiếu chuyên nghiệp với một đồng nghiệp là bạn với trợ lý của sếp. Bạn đã vừa làm cho cuộc sống mình phức tạp hơn mức cần thiết rồi đấy!

Mẹo # 3 – Hãy đề nghị!

Một khi bạn đã tỏ ra tận tụy, chăm chỉ và có giá trị với tổ chức, bạn sẽ cần đề nghị thẳng thắn và yêu cầu được kèm cặp.

Đừng hy vọng cố vấn sẽ tìm đến bạn. Bạn sẽ phải là người khơi mào mối quan hệ.

Một người cố vấn tốt có thể đem lại những lợi ích không kể xiết cho sự nghiệp hoặc đời sống kinh doanh của bạn. Nhờ kết nối với cố vấn, bạn sẽ nhận được giá trị từ những kinh nghiệm và kiến thức của họ. Nhưng quan trọng hơn, một mối quan hệ kèm cặp sẽ mang đến cho bạn trách nhiệm, những cột mốc phải đạt được, và một sự đánh giá chính xác về kỹ năng của mình.

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com

Tài liệu tham khảo

[1]^Đào tạo trong Kinh doanh: Cố vấn là gì