9 tháng trước
Cách Phản Ứng Hay Nhất Khi Ai Đó La Lối Bạn Một Cách Giận Dữ
409

6353
Lượt xem
42
Lượt chia sẻ
20
Lượt bình luận

La lối gắt gỏng là một chủ đề liên quan đến tất cả mọi người trên hành tinh này, vì ai trong đời mình cũng đều đã từng lớn tiếng khi giận dữ. Một số người thường xuyên gắt gỏng. Nhưng chúng ta vào một lúc nào đó trong đời đều từng cảm thấy ân hận vì đã cao giọng. Có nhiều cách để để phản ứng trước một người la lối, giúp họ bớt giận thay vì tiếp tục làm tình huống trở nên căng thẳng hơn.

La lối không có lợi cho các mối quan hệ và không đem lại kết quả tích cực về mặt lâu dài. Một người có thể miễn cưỡng đồng ý với người la lối tại thời điểm đó để họ ngừng lại. Nhưng một khi mọi thứ trở lại bình thường, họ sẽ thường quay lại cách cư xử ban đầu, vì la lối không làm thay đổi suy nghĩ của họ về mặt lâu dài. Ví dụ: một bà Mẹ hò hét đứa con dọn dẹp đồ chơi có thể thực sự khiến đứa trẻ cất đồ chơi của chúng vào lúc đó, nhưng không làm đứa trẻ thay đổi suy nghĩ của chúng rằng chúng cần thường xuyên dọn dẹp đồ chơi của mình. Trẻ em sẽ học cách cất dọn nếu chúng được rèn luyện theo một hệ thống thưởng phạt và nhận ra tầm quan trọng và giá trị của việc cất dọn đồ chơi.

Việc lớn tiếng gây hại cho một mối quan hệ. Đó không phải một cách tích cực để đối phó với một tình huống khó khăn. Tuy vậy, mọi người đều góp phần vào la lối. Một số người la hét nhiều hơn người khác. Bạn nên nhận thức được bản thân mình khi đang la lối, hiểu vì sao một số người thường xuyên lớn tiếng, và biết cách đối phó lại một người đang om sòm nạt nộ.

Trong cuộc sống, nếu một người thường xuyên la hét vào mặt bạn, họ đang thể hiện sự áp chế về cảm xúc đối với bạn. Mục tiêu của họ là giành thế thượng phong trong tình huống đó, và la hét là phương tiện của họ để chế ngự được bạn. Đây là một hình thức hăm dọa. Quát nạt có thể có tác dụng tạm thời, nhưng không duy trì được kết quả một cách lâu dài, vì đó là cách bắt nạt người khác để buộc họ làm những gì mà người la hét muốn. Quát tháo không có lợi cho các mối quan hệ, thực ra, nó phá hỏng sự giao tiếp lành mạnh và sự gần gũi trong các mối quan hệ.

Tại sao người ta la hét?

“Giận dữ là chất axit gây hại cho chiếc bình chứa nó hơn bất kỳ vật gì được rót vào.” – Mark Twain

Khi một người giận dữ và la hét, có nhiều lý do khác nhau dẫn đến hành vi này. Hầu hết các lý do đều không thích hợp cho việc la hét, vì vậy điều quan trọng là người tiếp nhận có phản ứng phù hợp, đó là không nên phản ứng lại. Hiểu được vì sao một số người la hét là rất quan trọng, vì phần lớn các trường hợp la hét cho thấy nội tâm người đó có vấn đề, và không liên quan gì đến người tiếp nhận. Việc họ la hét phản ánh sự thiếu ổn định về cảm xúc của họ, ngay cả khi mục đích của việc nạt nộ là thể hiện sức mạnh và sự thống trị trong tình huống đó. Dưới đây là một số lý do vì sao người ta la hét khi giận dữ:

Kỹ năng sống kém

Nhiều người la hét vì đó là là cơ chế tâm lý họ thường viện đến để đối phó với những tình huống khó khăn. Nhưng cơ chế đối phó tâm lý này không mang lại kết quả tốt về lâu về dài. Nếu một người la hét vì đó là cách đối phó họ học được trong cuộc sống, thì họ cần được giúp đỡ để tìm ra phương pháp kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Họ có thể sử dụng những cơn thịnh nộ như một phương thức đối phó tâm lý trong cuộc sống, và điều này không có lợi cho bản thân họ hay người tiếp nhận cơn thịnh nộ của họ.

Mất kiểm soát

Một người có thể la hét vì họ cảm giác bị mất kiểm soát trước tình huống. Họ có thể thể bị các suy nghĩ, cảm xúc và tình cảm nhận chìm, và mất kiểm soát tất cả những điều đó cùng một lúc. Đó đúng là một mớ bòng bong rối bời với họ, vì vậy họ la hét để cố giành lại kiểm soát trước những gì mình đang trải qua. Họ không có kỹ năng xử lý cảm xúc phù hợp để lấy lại cảm giác kiểm soát được tình huống và môi trường xung quanh mình, nên họ viện đến la hét nhằm giúp mình cảm thấy đang kiểm soát. Họ có thể có được cảm giác kiểm soát đó, nhưng hầu hết chỉ tạm thời, vì phần lớn các vấn đề không giải quyết được qua việc quát tháo. Người khác có thể tỏ ra khen ngợi người nổi nóng, đơn giản để làm dịu người đó xuống, nhưng trên thực tế, chẳng có vấn đề nào được giải quyết về lâu về dài.

Cảm thấy bị đe dọa

Những kẻ bắt nạt thường là những người có nội tâm bên trong rất nhạy cảm và họ cố gắng bảo vệ nội tâm đó. Bất cứ khi nào họ nghĩ bị cái tôi đó đang bị đe dọa, họ sẽ phản ứng lại. La lối là một công cụ họ chủ động sử dụng bất cứ khi nào họ cảm thấy bị đe dọa.

Xu hướng bạo lực

Một số người đơn giản là những người hiếu chiến. Họ có thể la hét và sự hung hăng có thể leo thang đến mức ẩu đả thực sự. Hiếm có vụ đánh nhau nào mà không bắt đầu bằng việc to tiếng, quát tháo hay la hét. Nếu ai đó to tiếng với bạn và bạn không biết rõ người này, bạn nên đề phòng trường hợp to tiếng có thể dẫn đến xung đột bạo lực.

Điều quan trọng là cần tránh thái độ phản ứng dữ dội trước một người la hét hung hăng, vì điều đó như đổ thêm dầu vào ngọn lửa tức giận của họ, và mọi việc có thể chuyển thành bạo lực. Sự việc có khả năng chuyển sang bạo lực nếu họ có xu hướng này và bạn lặp lại thái độ của họ.

Cách cư xử học từ người khác

Một số người trở thành kẻ to tiếng vì lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ họ thường xuyên quát nạt. Họ học được rằng khi mâu thuẫn lên cao thì giọng nói cũng vậy. Họ chưa học được cách ứng xử phù hợp khi đối mặt với xung đột và những tình huống khó khăn. La hét luôn là phản ứng đầu tiên họ sử dụng trong những tình huống có bất kỳ sự bất ổn nào.

Cảm thấy không được lắng nghe

Một số người cao giọng và la hét giận dữ vì họ cảm thấy người kia không lắng nghe họ. Có thể thậm chí họ đã nhắc lại thông điệp của mình vài lần, và cuối cùng phải dùng đến biện pháp la lối giận dữ vì người kia không đáp lại những cách nói khác của họ. Đây thường là trường hợp quát nạt con của các vị phụ huynh. Các bậc cha mẹ cảm thấy những đứa trẻ không lắng nghe, nên thay vì tiếp tục nhắc đi nhắc lại một mình, họ quát mắng lũ trẻ. Vấn đề ở đây là việc này sẽ thực sự làm trẻ sợ hãi. La mắng khi giận dữ cũng rất có hại cho trẻ em và nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể gây hại không kém bạo hành về mặt thể xác.

Nếu bạn muốn biết cách làm thế nào để trấn tĩnh lũ trẻ khi chúng la hét, hãy đọc bài này:  Cách Duy nhất để Nói với Trẻ khi Chúng Không Nghe lời

Phản ứng cần tránh khi gặp người hay la hét

Phản ứng tệ nhất có thể có trước một người la hét là lặp lại thái độ của họ. Mọi việc sẽ không tốt đẹp khi bạn to tiếng với một người đang lớn tiếng với mình. Tình huống sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cả hai cùng tham gia la lối. Có những phản ứng khác có thể khiến tình huống xấu đi mà bạn cũng nên tránh, bao gồm: chọc tức người đang la hét, phản đối những gì họ nói, thái độ thủ thế và chỉ trích người kia trong khi đang tranh cãi.

Có những cách tốt hơn để đối phó với người đang la hét. Dưới đây là các bước bạn nên sử dụng để xử lý và hi vọng làm một người đang la hét hạ hỏa.

1. Bình tĩnh và không đổ thêm dầu vào cơn giận của họ. Hãy nhớ rằng khi một người la hét, thì người có vấn đề không phải là bạn, mà là họ! Kỹ năng sống của họ kém hay các lý do khác dẫn đến la hét không liên quan gì đến cá nhân bạn. Nếu bạn phản ứng, họ sẽ phản ứng lại thái độ của bạn, và mọi việc sẽ tiếp tục bùng phát căng thẳng hơn. Hãy giữ bình tĩnh, ngay cả khi bên trong bạn đang sôi máu. Việc tiếp thêm dầu vào cơn giận của họ là không đáng, vì tình huống sẽ chỉ xấu thêm, và mọi việc hiếm khi được giải quyết khi hai bên hét vào mặt nhau. Vấn đề có xu hướng được giải quyết khi người trong cuộc sử dụng giọng nói ôn tồn. Hãy trở thành một phần của giải pháp, đừng trở thành một phần của vấn đề bằng cách giữ bình tĩnh và sử dụng giọng nói điềm đạm.

2. Dùng lý trí lùi lại một bước để đánh giá tình huống. Trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào đối phó với tình huống, hãy dùng lý trí dừng lại để đánh giá mọi thứ. Điều này cho phép bạn xác định được có đáng để đợi người đang la hét hay không hay bước ra khỏi tình huống đó. Nếu bạn bị một người không thân thiết lắm la mắng và bạn không quan tâm việc mình bỏ đi có xúc phạm họ hay không, thì bằng mọi cách hãy bước đi. Bạn không cần phải buộc mình chịu đựng sự lạm dụng và ngược đãi của một người nếu người đó không quan trọng với cuộc sống của bạn. Nếu đó là ông chủ la hét bạn và bạn biết rằng bỏ đi trong khi sếp đang la hét giữa câu có thể để khiến bạn mất việc, có lẽ bạn cần nghĩ đến việc chờ cho xong và nói chuyện về việc này với sếp sau, nếu đó là việc thường xuyên xảy ra và lúc này làm cản trở khả năng làm việc hiệu quả của bạn.

3. Đừng đồng ý với người la hét để để làm họ hết giận, vì điều đó sẽ khuyến khích hành vi la hét sau này. Nếu bạn đồng ý với người đang la hét để làm họ hạ hỏa và và sau đó đồng ý làm hoặc nói những điều mà họ yêu cầu, bạn đang dung túng cho sự la lối của họ. Bằng việc tỏ ra đồng tình với người đang la hét mình, bạn chỉ đang khuyến khích họ nạt nộ để có được thứ họ cần trong tương lai. Hãy tránh phương pháp xoa dịu này vì nó sẽ trở lại hại bạn sau này, và bạn sẽ thấy mình phải chịu đựng sự la hét của họ thường xuyên hơn.

4. Bình tĩnh giải quyết thái độ la lối. Trong phần lớn trường hợp, khi ai đó gắt gỏng với bạn, cảm xúc của bạn bị kích thích và bạn cảm thấy cần phản ứng lại. Phản ứng lại, phê bình, hoặc những thái độ đáp trả tiêu cực khác sẽ làm tình huống xấu đi. Bạn cần làm mọi thứ trong khả năng để kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình, để có thể giải quyết vấn đề thực sự là thái độ gắt gỏng của họ. Hãy để người kia biết rằng bạn sẽ không chấp nhận việc bị quát tháo bất kể tình huống và vấn đề là gì. Hãy nói một cách lịch sự và bình tĩnh, và nhiều khả năng bạn sẽ nhận lại được một phản ứng tích cực như một lời xin lỗi hoặc ít nhất là làm họ ý thức được rằng họ đang la lối. Một số người thậm chí không nhận ra họ đang to tiếng. Sau đó, bước tiếp theo của bạn sẽ là đề nghị không tiếp xúc với họ một thời gian.

5. Đề nghị không tiếp xúc với người này trong một thời gian. Sau khi đã bình tĩnh nói chuyện về thái độ la lối, bước tiếp theo là bạn đề nghị không tiếp xúc với người kia một thời gian để suy nghĩ. Bạn cũng có thể cần thời gian để mình trấn tĩnh lại, vì vụ to tiếng đã làm mức adrenaline của bạn lên tận trời xanh, và bạn không biết mình có thể để kìm chế thêm được bao lâu nữa. Khi đề nghị không tiếp xúc với người kia một thời gian, đề nghị nên ở dạng khẳng định hơn là câu hỏi, đặc biệt nếu người đó không phải sếp bạn. Nếu đó là vợ/chồng, bạn bè hoặc ai đó, việc khẳng định bạn cần tránh mặt và cần có thời gian (vài phút, một ngày, hoặc bất kể thời gian nào BẠN cần) để suy nghĩ kỹ và có thái độ phản ứng phù hợp và bình tĩnh - là hoàn toàn hợp lý.

6. Khi thấy cảm xúc đã dịu xuống và bạn biết cách giải quyết bất kể vấn đề nào mà người kia đã lớn tiếng, lúc này bạn có thể quay lại và nói chuyện với người đó. Hãy cho mình thời gian để xử lý tình huống, điều gì đã được nói ra, và bạn muốn đáp lại ra sao. Trong một số tình huống, như các mối quan hệ dâu-rể, việc này có thể mất vài ngày, do cảm xúc cần nhiều thời gian để trở về bình thường. Nếu đó là ông chủ, và bạn biết bạn không còn nhiều thời gian để trì hoãn vì có hạn chót hoặc công việc của bạn có thể bị đe dọa, thì hãy sử dụng một số kỹ thuật trấn tĩnh như hít thở sâu, phương pháp hình dung tưởng tượng để xử lý tình huống nhanh chóng hơn, để bạn có thể trở lại với công việc càng sớm càng tốt. Sau đây là 3 Bài tập Thở sâu dành cho bạn.

Giải quyết vấn đề một cách thân thiện

Do bạn đã dành thời gian giúp người kia hiểu rằng việc to tiếng là không thể chấp nhận và ngay lập tức tránh mặt người đó sau cuộc to tiếng, nhiều khả năng là lúc này người đó sẽ không la lối bạn. Nếu họ muốn tiếp tục chủ đề này, họ cần giữ bình tĩnh để thảo luận chủ đề với bạn. Bạn không chỉ đứng lên bảo vệ bản thân và cho người đó thấy rằng bạn sẽ không chịu sự lạm dụng về mặt tinh thần, bạn còn giúp họ nhận ra hành vi của mình là không thể chấp nhận được. Nếu nhiều người thực hiện điều này khi có ai đó la hét họ, hẳn chúng ta sẽ đều học được cách tránh la hét ngay từ đầu.

Nếu la hét là việc đã trở thành thói quen và cách cư xử mới của bạn không thay đổi được họ, có lẽ đã đến lúc đề nghị họ ngồi xuống thảo luận về việc này. Khi ngồi xuống bàn bạc, hãy cho người đó biết việc lớn tiếng ảnh hưởng đến bạn ra sao. Ví dụ: bạn cảm thấy rất buồn sau một trận to tiếng và không muốn gần họ trong một thời gian. Bạn cũng cho họ biết việc đó ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn ra sao, ví dụ nó tạo ra vết nứt tình cảm giữa bạn và họ. Nếu họ đáp lại với câu “tôi là thế đấy”, hãy cho họ biết rằng điều đó là không thể chấp nhận được.

Cũng có một số người không biết cách thay đổi thái độ của mình bằng cách nào. Sự trợ giúp từ các chuyên gia (như trị liệu, tư vấn, hoặc các lớp học kiểm soát sự giận dữ) luôn có sẵn cho những người gặp phải vấn đề trong việc nổi nóng la hét. Họ cần nhận ra rằng vấn đề đó đang làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ, và việc thay đổi là cần thiết để có thể hàn gắn một mối quan hệ.

Lớn tiếng sẽ gây tổn thương, nên đừng cho phép họ tiếp tục gây tổn hại cho bạn hoặc mối quan hệ của bạn bằng cách chịu đựng sự la lối của họ.