8 tháng trước
Những Triệu Chứng Lo Âu Mà Nhiều Người Bỏ Qua
135

1758
Lượt xem
308
Lượt chia sẻ
89
Lượt bình luận

“Lo âu” là một từ có hai cách hiểu. Đôi khi nó có nghĩa là háo hức. Chúng ta nói "Tôi rất háo hức gặp bạn" khi chúng ta kết thúc cuộc nói chuyện với người bạn mà chúng ta đến thăm. Mặt khác của sự "lo âu" là một chút lo lắng. Chúng ta nói "Tôi đã lo lắng về bài kiểm tra đó" khi chúng ta lo ngại về kết quả. Chúng ta gọi đó là ý nghĩa thứ hai, lo lắng, và hầu hết chúng ta đều trải nghiệm nó.

Cả hai nghĩa phổ biến của từ "lo lắng" đều mô tả phản ứng của chúng ta đối với các sự kiện thoáng qua và sự kiện có giới hạn thời gian. Nhưng sự lo âu có thể có ảnh hưởng đến nhiều người trong chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Nếu không có sự quan tâm đúng mức, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.

Tôi là một nhà trị liệu tâm lý tư nhân ở phía bắc Boston, Massachusetts và tôi đã làm việc với nhiều khách hàng có tâm trạng lo âu. Trong đó, bài viết đầu tiên trong số hai bài viết về quan điểm trị liệu của nhà tâm lý về sự lo âu, tôi sẽ nói về định nghĩa sự lo âu là gì và làm sao để nhận ra bạn hay ai đó thân thiết với bạn đang phải chịu đựng nó. Trong phần II, tôi sẽ đi sâu vào nguyên nhân và phương pháp điều trị cũng như những cách tốt nhất giúp chữa lành chứng rối loạn lo âu.

Lo lắng phổ biến hơn những gì mọi người nghĩ

Ở Hoa Kỳ, người bị rối loạn lo âu nhiều hơn so với bất kỳ bệnh tâm thần nào khác. Sự lo âu đã ảnh hưởng tới hơn 40 triệu người trưởng thành và 1/8 trẻ em ở Mỹ. Một số chuyên gia còn đưa ra ước tính cao hơn nhiều bởi nhiều người không hề biết rằng họ có triệu chứng của sự lo âu, vì họ được chẩn đoán không chính xác hoặc không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Trong phương pháp tâm lý trị liệu của tôi, đa phần các khách hàng của tôi đều có chung một số dạng lo âu. Đôi khi đó là lý do chính khiến họ tìm đến sự trị liệu, và đôi khi đó là một vấn đề tiềm ẩn xuất hiện ngay sau khi chúng tôi xử lý nguyên nhân vấn đề mà họ đang gặp phải.

Chỉ có khoảng 1/3 số người bị rối loạn lo âu tìm cách điều trị.

Nhiều người biết rằng bản thân họ đang có triệu chứng lo âu, nhưng cũng có nhiều người thì không. Họ nghĩ về thảm họa, chờ đợi điều tồi tệ nhất, lo lắng về bản thân họ trong mắt người khác, hoặc ban đêm không ngủ mà lo lắng về mọi thứ là chuyện bình thường.

Điều này bình thường bởi vì đó là những gì họ đã quen với hầu hết mọi thứ trong cuộc sống của họ - nhưng nó lại không đúng. Hầu hết những người bị rối loạn lo âu có thể khắc phục bằng các quy trình điều trị, hỗ trợ và tự giúp đỡ.

Sự khác biệt giữa cảm giác lo lắng bình thường với rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu khác với cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi. Lo lắng về các tình huống mới hoặc không chắc chắn là hết sức bình thường và cảm thấy sợ hãi trong các tình huống tiềm ẩn nguy hiểm không những bình thường mà đôi khi còn có thể cứu sống bạn. Lo lắng về bài kiểm tra sắp tới có thể thúc đẩy bạn học tập chăm chỉ hơn. Lo lắng về người lái xe trước mặt bạn thất thường có thể giúp bạn lái xe an toàn hơn. Lái xe trên một con đường quanh co trong cơn bão khiến bạn sợ hãi có thể khiến bạn chờ thời tiết an toàn hơn mới khởi hành.

Ngoài ra không phải ai lo lắng nhiều cũng bị rối loạn lo âu. Bạn có thể cảm thấy lo lắng vì làm việc quá sức, quá nhiều căng thẳng, ngủ quá ít, uống quá nhiều cà phê hoặc lượng đường trong máu thấp.

Sự khác biệt lớn nhất giữa lo lắng, sợ hãi với rối loạn lo âu đó là: lo lắng cản trở hoạt động bình thường còn rối loạn lo âu liên quan đến một số rối loạn mãn tính.

7 dạng rối loạn lo âu cụ thể

Có một số dạng rối loạn lo âu, mỗi loại lại có đặc điểm khác nhau. Có người có thể bị hoảng loạn tột độ, người khác né tránh các tình huống xã hội, cũng có người có thể sợ chó mà không có lý do và một người khác có thể lo lắng về hầu hết mọi thứ.

Đặc điểm của các rối loạn lo âu là đều có chung nỗi sợ hãi hoặc lo lắng trong những tình huống mà hầu hết mọi người thấy bình thường. Các dạng rối loạn lo âu cụ thể thì có các triệu chứng cụ thể của riêng nó.

1. Rối loạn lo âu xã hội

Những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội thường sợ hãi quá mức, nhút nhát với các tình huống trong xã hội và có thể bị đỏ mặt, nói lắp, ngây người, nhịp tim tăng nhanh hoặc có dấu hiệu lo lắng khác trong những tình huống đó. Họ sẽ tránh các tình huống xã hội bất cứ khi nào có thể. 

2. Chứng ám ảnh đặc biệt

Những người mắc chứng ám ảnh đặc biệt có thể sợ hãi một cách vô lý với động vật như chó hoặc nhện, các hiện tượng tự nhiên như bão hoặc sét, sợ độ cao, không gian lớn, không gian hẹp và các thứ khác của thế giới bình thường. Họ có thể có những hành vi cực đoan để tránh những điều này.

3. Rối loạn lo âu toàn thể

Các triệu chứng của rối loạn lo âu toàn thể (GAD) đặc trưng bởi cảm giác hồi hộp trong hầu hết thời gian, cảm giác rằng bản thân sắp chết, cảm thấy bất lực, thở nhanh, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, cảm giác khó chịu và căng thẳng ở cổ, vai, hoặc cả hai.

4. Rối loạn căng thẳng cấp tính và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD)

Đôi khi cả hai rối loạn lo âu này xảy ra khi mọi người chứng kiến hoặc trải qua một mối đe dọa thể chất. Các triệu chứng bao gồm ký ức bị xáo trộn, khó ngủ hoặc khó tập trung hoặc cảm thấy căng thẳng, tê liệt. Các triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính bắt đầu trong vòng một tháng của sự kiện chấn thương, trong khi các triệu chứng PTSD thường bắt đầu sau đó. Các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều năm nếu không có sự điều trị.

5. Rối loạn hoảng sợ

Những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ có những cơn lo âu bất ngờ hết sức nghiêm trọng, trong đó họ sợ rằng họ có thể chết, bất tỉnh hoặc bị ngạt thở. Họ thường tránh những nơi xảy ra các cuộc tấn công hoảng loạn, có thể dẫn đến chứng sợ khoảng trống.

6. Bệnh tưởng

Những người mắc bệnh hypochondria (hiện được gọi là rối loạn lo âu bệnh tật) lo lắng về việc mắc những bệnh mà đáng lẽ họ không mắc phải. Họ phóng đại các triệu chứng nhỏ hoặc tưởng tượng ra một trường hợp xấu nhất. Ví dụ họ có thể cho rằng đau đầu có nghĩa là họ có khối u não gây tử vong.

7. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Những người mắc chứng rối loạn này có thể kiểm tra mọi thứ một cách ám ảnh, đếm đi đếm lại khi không cần thiết, nói chung là thực hiện các hành vi mang tính nghi thức. Họ cảm thấy lo lắng hoặc sẽ không chịu nổi nếu không thực hiện các hành vi mang tính nghi thức này.

Các rối loạn lo âu phổ biến nhất theo thứ tự này là: Rối loạn lo âu xã hội, Rối loạn ám ảnh đặc biệt, Rối loạn lo âu toàn thể, Rối loạn căng thẳng cấp tính và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý, Rối loạn hoảng sợ, Bệnh tưởng và Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Trong thực tế, tôi thường gặp người bị Rối loạn lo âu toàn thể và PTSD nhiều hơn, mặc dù tôi vẫn có những khách hàng bị Rối loạn hoảng sợ, Bệnh tưởng, Rối loạn lo âu xã hội và Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đôi khi họ đến đây với nhiều hơn một dạng rối loạn lo âu. Chẳng hạn, bệnh tưởng và Rối loạn lo âu toàn thể thường xuất hiện ở cùng một người, cũng như Rối loạn lo âu xã hội và chủ nghĩa cầu toàn, mặc dù không phải là rối loạn lo âu chính thức nhưng lại có mặt khá nhiều trong các dạng lo âu.

Các dấu hiệu của rối loạn lo âu

Nếu bạn xác định được bất kì triệu chứng nào sau đây, rất có thể bạn đang phải đối phó với chứng rối loạn lo âu đấy.

  • Bạn gần như lúc nào cũng lo lắng hoặc cảm thấy nguy khốn.
  • Bạn có những nỗi sợ phi lý mà bạn không thể rũ bỏ.
  • Bạn hay sợ rằng những điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu bạn không làm mọi thứ theo một cách riêng.
  • Bạn tránh các tình huống hoặc hoạt động hằng ngày vì chúng làm bạn lo lắng.
  • Bạn có những cơn đau tim đột ngột, không thể đoán trước.
  • Bạn hầu như luôn mong đợi điều tồi tệ nhất.
  • Bạn khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
  • Các cơ bắp của bạn luôn căng thẳng.
  • Bạn thường cảm thấy choáng ngợp.
  • Bạn mong đợi ở bản thân nhiều hơn là mọi người.
  • Bạn có xu hướng tập trung vào sức khỏe và cá vấn đề cá nhân của bản thân nhiều hơn những thứ khác trong cuộc sống của bạn.
  • Sự lo lắng của bạn gây cản trở tới công việc, trường học hoặc cuộc sống gia đình.
  • Bạn có một hoặc nhiều triệu chứng thực thể sau đây: tim đập nhanh, đổ mồ hôi khi bạn không vận động hoặc ở nơi ấm áp, đau đầu, đau bụng thường xuyên hoặc tiêu chảy, chóng mặt, khó thở, run rẩy.


Một số rối loạn lo âu khó phát hiện hơn

Với kinh nghiệm trị liệu tâm lý cho các khách hàng của tôi, PTSD thường khó phát hiện nhất vì các triệu chứng của nó không phải lúc nào cũng giống với các định nghĩa chuẩn. PTSD có thể giống như trầm cảm, một số dạng rối loạn lo âu khác, ADHD, hoặc kết hợp với các bệnh tâm thần.

Một ví dụ: tôi đã từng làm việc với một khách hàng dường như bị xoay vòng với một số rối loạn lo âu trong vài tháng. Lần đầu tiên cô ấy thể hiện các rối loạn hoảng sợ điển hình và chúng tôi đã nhanh chóng xử lý chúng. Nhưng sau đó các triệu chứng OCD xuất hiện. Một lần nữa, chúng tôi đã làm việc thông qua chúng trong quảng thời gian có vẻ là kỷ lục. Nỗi sợ hãi vô lý và những suy nghĩ xâm phạm, xáo trộn ngay sau đó lại đến với cô ấy.

Và một vài tháng trước, chúng tôi cuối cùng cũng hiểu rằng những gì cô ấy thực sự phải chịu đựng là hậu quả của chấn thương thời thơ ấu. Những gì bây giờ cô ấy biểu hiện tôi nghĩ là những lo lắng trôi nổi tự do - một dạng lo lắng vô thức gắn liền với các hội chứng lo âu khác. Một manh mối để hiểu ra nguyên nhân vấn đề là do cô ấy học chuyên ngành tâm lý và biết về các bệnh tâm thần khác nhau. Kiến thức không đầy đủ của cô ấy về các rối loạn lo âu thông thường đã tạo ra một nỗi lo lắng tự do trôi nổi. Việc trị liệu những vết thương trong quá khứ đã giúp cô ấy giải quyết tất cả các lo lắng của mình.

Hãy theo dõi!

Trong bài viết này, chúng ta đã xem xét các lo lắng và sợ hãi khác với rối loạn lo âu và đã xác định các triệu chứng chính phổ biến của rối loạn lo âu. Trong Phần II của loạt bài hai phần này, chúng tôi sẽ đi sâu vào nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu, phương pháp điều trị và một số thực hành tự giúp đỡ những người mắc chứng rối loạn lo âu và người thân của họ có thể làm.