8 tháng trước
Cách Đàm Phán Với Gia Đình Bạn Mà Không Làm Tổn Thương Mối Quan Hệ
442

5572
Lượt xem
298
Lượt chia sẻ
90
Lượt bình luận

Không có gia đình nào là hoàn hảo. Mọi gia đình đều có vấn đề, nhưng ta có thể giữ các mối quan hệ tốt với người thân nếu ta biết cách tốt nhất để giao tiếp. Khi giải quyết các vấn đề căng thẳng trong nhà, tốt hơn nên có cách tiếp cận mềm mỏng, ân cần thay vì khắt khe, cục cằn. Người thân sẽ tỏ ra chống đối nếu ta đề cập đến một vấn đề với họ theo cách gay gắt.

Các mối quan hệ gia đình thường bị huỷ hoại bằng lời nói, nên mọi người trong nhà cần phải cẩn thận về những gì họ nói và cách họ nói ra với những người khác.

Khi đối đầu với những chủ đề nhạy cảm trong gia đình, sẽ luôn tốt hơn nếu bạn nghĩ đến mối quan hệ lâu dài. Nếu ai đó tiếp cận với một người thân bằng sự gay gắt, chua cay, bủn xỉn, hay giận dữ, thì đối phương sẽ lùi bước, và khả năng cao là mối quan hệ sẽ chịu thiệt hại. Tuy nhiên, nếu các thành viên trong gia đình dùng một cách tiếp cận nhẹ nhàng và trìu mến hơn, thì họ sẽ cải thiện mối quan hệ lâu dài thay vì cản trở nó. Nếu các gia đình muốn có đời sống lành mạnh, thì khi bàn luận những chủ đề phức tạp, họ phải lựa chọn cẩn thận ngôn từ của mình và cách họ truyền đạt chúng, bởi vì lời nói và cách nói có thể có những tác động lâu dài lên các mối quan hệ trong nhà.

Ngay cả các vấn đề nhỏ nhặt cũng có thể gây hậu quả tai hại lên gia đình, nếu nó không được đàm phán và truyền đạt một cách đúng đắn.

Ví dụ, hãy tưởng tượng nếu bạn phải chuyển vào sống chung cùng bố mẹ chồng trong một thời gian ngắn, vì chồng bạn mới thay đổi công việc. Bố mẹ chồng bạn viết ra một danh sách các nội quy và trách nhiệm trong nhà mà bạn cảm thấy là quá khắt khe và không thể thực hiện được, nhất là khi bạn có ba con nhỏ. Bạn muốn đóng góp vào bổn phận gia đình và tuân thủ các quy tắc của họ, nhưng bạn nhận ra chính bạn cũng đã lo đủ chuyện rồi, đặc biệt là chăm sóc con cái. Bạn muốn đề cập đến vấn đề này, nhưng không chắc nên nói gì hay nói như thế nào. Nếu bạn nói với họ rằng họ đang hết sức nực cười, thiếu thực tế và vô lý, khả năng cao là họ sẽ không phản ứng tốt với nhận xét của bạn. Tuỳ vào mức độ gay gắt trong giọng nói của bạn và từ ngữ bạn lựa chọn, họ thậm chí có thể đuổi bạn ra khỏi nhà và bảo bạn đến khách sạn mà sống. 

Đôi khi một chủ đề nhỏ nhặt như việc nhà cũng có thể chia rẽ một gia đình, bởi chúng ta nhạy cảm hơn với các cảm xúc và suy nghĩ của người thân. Ta có xu hướng dễ tự ái hơn khi đối mặt với gia đình. Khi vấn đề được nhắc đến một cách gay gắt, phản ứng cũng dữ dội hơn. Có nhiều cách để tiếp cận một chủ đề khó nói như thế này mà không làm mất hoà khí trong nhà. Tôi sẽ giới thiệu các bước dưới đây, để bạn có một ví dụ thực tiễn về cách đàm phán một chủ đề nhạy cảm với gia đình. Sau đây là một số bí quyết để thương lượng trôi chảy với gia đình bạn.

Bất đồng ý kiến trong gia đình là chuyện bình thường

Một người có thể bị tổn thương, giận dữ, và cảm thấy cần phải đối mặt với một người thân về chuyện gì đó. Họ cần tự hỏi mình rằng "mặt tích cực của việc nói chuyện này với người đó là gì" và "đây có thực sự là việc của họ không". Nếu động cơ của họ mang tính cá nhân và họ không đóng vai trò gì trong vấn đề ấy, ví dụ như cách một thành viên trong gia đình dạy con cái của họ hay cách người đó đối xử với vợ/chồng mình, thì họ cần đứng ngoài chuyện ấy.

Mọi thành viên trong gia đình đều có cách sống khác nhau, dù đó là việc dạy con, nấu ăn, quan hệ vợ chồng, tín ngưỡng, v.v. Chỉ vì mọi người lớn lên dưới cùng một mái nhà, không có nghĩa là họ giống hệt nhau. Các thành viên trong một nhà có thể khác nhau như ngày và đêm. Không sao. Thế giới này hay ho vì nó đa dạng. Các gia đình đôi khi có thể có quãng thời gian khó khăn nhất để chấp nhận sự khác biệt vì quả thực họ là gia đình, nhất là với những người ruột thịt. Vì một lý do nào đó, họ nghĩ rằng vì là một gia đình, họ phải làm mọi thứ hay nghĩ giống nhau. Nhưng mọi thứ không hoạt động như vậy.

Mọi người đều khác biệt và có cách sống khác nhau, dù họ là máu mủ ruột rà. Ví dụ, chỉ vì một cô chị gái năm nào cũng đưa chồng con về nhà đón Giáng Sinh cùng bố mẹ, không có nghĩa là các anh chị em khác phải tự động làm thế. Nếu họ muốn tạo ra một truyền thống đón Giáng Sinh mới ở nhà với con cái họ, thì lựa chọn này nên được khuyến khích và tôn trọng.

Gia đình nên tạo điều kiện cho các thành viên có các truyền thống và thói quen khác nhau. Không cần phải đối đầu hay cãi nhau về chuyện này, mọi người đều đã trưởng thành và chọn con đường, lối sống của riêng họ. Sự khác biệt không chỉ cần được cho phép trong gia đình, mà còn phải được công nhận và tôn trọng bởi các thành viên khác.

Có quá nhiều gia đình bị chia rẽ vì họ xen vào chuyện của nhau trong khi họ không cần phải làm thế. Ví dụ, một người có thể nghĩ rằng chị gái mình cho các con của cô ấy một chế độ ăn tệ hại. Bọn trẻ ăn vặt cả ngày và không ăn thứ gì hữu cơ. Trong khi người đó thì chỉ ăn đồ hữu cơ và mọi đồ ăn vặt đều bị cấm trong nhà. Mặt tích cực của việc người này nói chuyện với chị gái mình về thói quen cho con ăn là gì? Khả năng cô ấy có thể thực sự thay đổi cách nuôi dưỡng con mình là bao nhiêu? Điều đó sẽ đòi hỏi một sự cam kết khổng lồ từ phía cô ấy, và để cô ấy thực sự thay đổi cũng như muốn thay đổi thì sẽ cần nhiều hơn là ý kiến của người thân về chủ đề này. Sẽ chẳng có mặt tốt nào nếu dường như chúng sẽ không tạo ra bất cứ thay đổi gì. Khiến cô ấy ý thức rằng mọi người biết chuyện cô ấy không cho con ăn uống tử tế sẽ không tạo ra thay đổi gì. Mỗi người đều có một quan điểm khác nhau về chuyện nuôi dưỡng con cái.

Một lần nữa, khuyến khích sự khác biệt trong cách các thành viên của gia đình nuôi con, sống cuộc đời của họ, và coi trọng những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, tất cả đều là một phần của việc tạo dựng những mối quan hệ chín chắn và bền vững trong gia đình. Mọi người trong nhà không chỉ cần được phép sống như cách mà họ muốn, các lựa chọn của họ cũng cần được tôn trọng. Đối đầu người thân về các lựa chọn cuộc sống của họ mà không hề liên quan gì đến những người khác, là không cần thiết và thường làm tổn hại các mối quan hệ trong gia đình.

Suy nghĩ theo quan điểm của họ trước khi bạn đề cập đến vấn đề

Đặt mình vào vị trí của người khác là điều cơ bản để hiểu họ. Những người chỉ xem xét hoàn cảnh từ góc nhìn của họ và không quan tâm đến góc nhìn của người khác, thì rất có khả năng đề cập đến một vấn đề với người thân theo cách hết sức phiến diện.

Tạo cơ hội cho sự cởi mở và sự tổn thương khi xem xét tình hình từ góc nhìn của đối phương có thể soi sáng cho bạn. Các thành viên trong gia đình cần phải đem lại cho nhau sự tôn trọng và yêu thương mà họ xứng đáng, bằng cách cố gắng nhìn cuộc sống qua con mắt và hoàn cảnh của nhau. Nếu họ không làm được việc này và chỉ suy nghĩ từ quan điểm riêng của mình, họ có khả năng làm tổn hại mối quan hệ bằng những cuộc nói chuyện thiếu nhạy cảm và không thích đáng.

Hãy tử tế và mềm mỏng trong cách bạn tiếp cận

Tốt hơn là nên nhân nhượng khi cần nói về những chủ đề khó. Sự cứng rắn khiến mọi người ngần ngại và không muốn nói chuyện. Người ta chỉ mở lòng khi cảm thấy an toàn và thoải mái để chia sẻ với đối phương. Nếu cảm thấy mình sẽ bị trách móc, đánh giá, chỉ trích, hoặc đối xử tồi tệ, họ sẽ không sẵn sàng thảo luận.

Sự tử tế không chỉ nằm ở giọng nói hay ngôn từ, mà cũng bao gồm một quyết định có ý thức để bỏ đi mọi sự chỉ trích ra ngoài cuộc nói chuyện. Đánh giá người khác chỉ khiến họ phòng thủ và do đó người mở lời trước sẽ trở thành kẻ thù đối với họ. Đây không phải là điều mà bất cứ thành viên nào trong gia đình sẽ cố ý làm nếu họ muốn giữ mối quan hệ tốt.

Để giữ các mối quan hệ lành mạnh trong gia đình, các thành viên phải nói chuyện theo cách mà họ muốn người khác nói chuyện với mình, nghĩa là với sự tử tế và tình yêu thương, chứ không phải sự chỉ trích hay sự khắc nghiệt. 

Tránh cứng rắn khi thương lượng với gia đình

Sự trách móc dưới hình thức câu nói ở ngôi thứ hai ("You" statements)

Sự trách móc thường đến dưới dạng những câu nói bắt đầu bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. Hãy loại bỏ từ đó ra khỏi từ vựng của bạn khi đang bàn luận một chủ đề quan trọng hay nhạy cảm với gia đình. Khi cảm thấy cần phải nói từ đó, thay đổi ngữ cảnh và suy nghĩ bằng cách biến nó thành các câu "Tôi cảm thấy". Ví dụ, nếu chị gái bạn muốn đặt mức giá tối thiểu cho việc trao đổi quà trong kỳ nghỉ là 50$, và bản năng của bạn muốn nói "chị luôn kỳ vọng bọn em tiêu nhiều hơn là bọn em có thể chi trả, bọn em không phải ai cũng khá giả như chị". Câu nói dùng từ "chị" đó khá gay gắt và có thể khơi mào một trận cãi vã.

Thay vào đó, nghĩ khác đi và thay đổi thông điệp thành một câu "Tôi cảm thấy". Câu này không đổ lỗi lên đối phương, mà giúp họ nhìn nhận mọi thứ từ phía bạn. Ví dụ, một câu nói tốt hơn sẽ là "Em cảm thấy không thoải mái với số tiền 50$, nó quá lớn cho gia đình mình lúc này, vì gia đình mình có một ngân sách eo hẹp cho kỳ nghỉ". Bạn có thể nói tiếp bằng cách gợi ý một khoản tiền khác, hoặc hỏi xem liệu có thể thương lượng một mức giá khác, hoặc một tầm giá dao động trong khoảng nào đó.

Hãy hướng về giải pháp, nhưng đừng bắt đầu bằng việc đổ lỗi, nếu không toàn bộ cuộc nói chuyện sẽ hỏng bét. Bạn có thể đạt được cái mình muốn bằng bất cứ kịch bản nào, nhưng một trong hai kịch bản sẽ phá hỏng mối quan hệ. Khi bạn trách móc người khác và đổ lỗi, bạn đang khiến họ trở nên đáng ghét. Do đó, mối quan hệ đổ vỡ khi bạn chọn con đường đổ lỗi. Hãy chọn con đường lớn, và sử dụng các câu nói "Tôi cảm thấy" để giúp họ hiểu và cảm thông với quan điểm của bạn.

Chỉ trích

Các thành viên trong gia đình thường chỉ trích vì họ thấy điều gì đó không ổn và muốn giúp sửa chữa nó bằng cách chỉ ra lỗi sai. Ý định giúp đỡ là tốt. Tuy nhiên, phương pháp này có vấn đề vì người nhận sự chỉ trích không coi đó là sự giúp đỡ. Thay vào đó, họ coi sự phê bình như là ai đó đang nói với họ rằng họ có vấn đề, hoặc họ làm sai điều gì đó. Điều đó không giúp đỡ họ mà chỉ khiến họ bực tức với người đưa ra phê bình. Nên tránh mọi sự chỉ trích khi đàm phán trong gia đình.

Lời khuyên

Không ai muốn nghe lời khuyên mà họ không yêu cầu. Nếu họ không hỏi ý kiến hay lời khuyên của bạn, thì đừng đưa ra. Trang Tâm Lý Học Ngày Nay (Psychology Today) giải thích rằng sự khuyên bảo có thể bị coi như một hành động cố gắng kiểm soát đối phương, hay vi phạm đến sự tự do của họ, cũng như các động cơ đáng tranh cãi sau:[1]

Họ cho rằng lời khuyên, dù chính đáng hay không, tạo ấn tượng như là một dạng giành lợi thế đối với người khác, hoặc khẳng định thế thống trị, hoặc phê bình, hoặc ngờ vực, hoặc thất bại trong việc coi trọng các mục tiêu và ưu tiên của riêng chúng ta.

Đọc thêm về cách mà lời khuyên không mong muốn có thể làm tổn thương nghiêm trọng một mối quan hệ: Đây Là Cách Bạn Khiến Mối Quan Hệ Tồi Tệ Hơn Mà Không Hề Hay Biết

Tối hậu thư

Đưa ra tối hậu thư là một hình thức bắt nạt. Đó là một cách ép ai đó làm gì đó bằng cách khiến hậu quả đau đớn đến mức họ không có lựa chọn nào khác là phải thuận theo bạn. Vấn đề thực sự là đối phương không tự mình đưa ra lựa chọn. Họ bị ép buộc hoặc bị bắt nạt phải thoả thuận bằng một tối hậu thư.  

Tối hậu thư không công bằng và chỉ làm hại mối quan hệ lâu dài vì bên nhận tối hậu thư rất có thể cảm thấy họ bị ép buộc làm gì đó.

Ngồi lê đôi mách với người khác về vấn đề phát sinh

Đừng nói chuyện phiếm với bạn bè hay những người thân khác nếu bạn có vấn đề với một người trong nhà. Bạn cần gặp người đó trực tiếp. Đừng nói xấu sau lưng họ. Rồi một ngày họ sẽ phát hiện ra là bạn kể lể về họ sau lưng, và họ sẽ cảm thấy bị phản bội.

Bỏ qua phần ngồi lê đôi mách và gặp trực tiếp người thân để bàn luận về vấn đề. Đừng lôi kéo những người không liên quan đến tình hình vào.

Có lý

Nếu mục tiêu cuối cùng bạn đề ra cho cuộc nói chuyện là "có lý" hay "thắng", thì thái độ của bạn sai rồi. Kiểu thái độ này sẽ không dẫn đến những mối quan hệ lành mạnh với người thân. Bạn cần quan tâm hơn đến việc đạt được một giải pháp mà cả hai bên cùng đồng thuận, mà điều này thường bao gồm sự thoả hiệp. Nếu bạn chỉ chăm chăm có lý, bạn sẽ không nghĩ đến sự thoả hiệp.

Hãy linh hoạt, khiêm tốn, và cho phép mình được sai lầm. Ai trong chúng ta cũng có lúc sai. Chúng ta không thể đúng mọi lúc được. Thông thường, sự thoả hiệp có thể đạt được nếu cả hai bên đều linh hoạt và không bên nào khăng khăng là mình "có lý" đến tận cùng.

Các bước đàm phán với gia đình và giữ các mối quan hệ lành mạnh

1. Quyết định trước điều cần nói và lối diễn đạt theo cách tử tế và cảm thông nhất

Đây cũng là lúc để bạn tự hỏi các câu sau:

  • Lợi ích của việc bàn luận chủ đề này là gì?
  • Đây có phải việc của mình không?

Nếu bạn cảm thấy bàn luận chủ đề này có thể dẫn tới giải pháp và cải thiện mối quan hệ, thì hãy lên kế hoạch làm việc đó. Nếu chủ đề này không liên quan đến bạn, như việc anh chị bạn nuôi dạy con hay màu sơn phòng bếp của họ, thì hãy đứng ngoài cuộc.

Một khi bạn đã quyết định chủ đề cần bàn luận là gì, lên danh sách các ý chính mà bạn muốn nói với người kia. Với mỗi ý, viết ra các câu trình bày vấn đề theo một cách tử tế, thông cảm, cởi mở và thấu hiểu. Ví dụ, quay lại với câu chuyện ở đầu bài viết này, tôi muốn bạn tưởng tượng bạn chuyển vào sống cùng bố mẹ chồng. Họ đặt ra những kỳ vọng thiếu thực tế cho chính bạn và con cái bạn trong nhà của họ. Dưới đây là một cách tốt để tiếp cận chủ đề này, và một số ghi chép mà bạn có thể viết ra trước khi nói chuyện với họ:

  • “Con cảm thấy quá tải với mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống của bọn con, việc chuyển nhà, nuôi ba đứa con và cách chúng thích nghi với cuộc sống mới, nên con mong mình có thể thảo luận thêm về những yêu cầu của bố mẹ”.
  • “Con cảm thấy mình cần phải phụ giúp việc nhà, nhưng con cũng cần cân bằng việc này với những trách nhiệm của riêng mình với chồng con”.
  • “Con muốn bàn lại danh sách cùng bố mẹ, để chúng ta có thể cùng quyết định những công việc gia đình nào nên được ưu tiên, để con có thể giúp đỡ trong việc nào cần nhất.”

Những câu nói "Con cảm thấy" và hướng đến giải pháp này sẽ tạo ra một khởi đầu tốt đẹp cho một cuộc thảo luận, mà không đổ lỗi cho ai. Thay vào đó, chúng được diễn đạt sao cho bố mẹ chồng có thể nhìn mọi thứ từ phía bạn. Các lối diễn đạt trên cũng thể hiện một tâm thế sẵn sàng thoả hiệp.

2. Đề nghị một thời điểm và địa điểm thích hợp để nói chuyện

Hãy hỏi ý kiến đối phương về một thời điểm và địa điểm thích hợp để cùng ngồi xuống nói chuyện. Đảm bảo là tất cả những ai liên quan đến vấn đề đều tham dự. Đừng gạt ai ra ngoài nếu họ có vai trò trong vấn đề này hoặc trong giải pháp. Đảm bảo tìm được một địa điểm nơi bạn sẽ không bị gián đoạn. Khi gặp mặt, cất mọi thiết bị điện tử đi để có thể tập trung bàn luận.

3. Nói, nhưng hãy lắng nghe nhiều hơn

Chúng ta đều có xu hướng nói quá nhiều. Chỉ nói những gì cần nói, không hơn. Bám sát vào các ý bạn đã vạch ra từ trước. Rồi lắng nghe đối phương nói. Trước khi trả lời, xử lý thông tin và dành chút thời gian suy nghĩ. Thông thường, trong các cuộc đàm phán trong gia đình, mọi người quá vội vã đáp lại, nhất là khi mọi thứ trở nên căng thẳng, và kết cục là những cảm xúc tiêu cực bị đẩy lên cao.

Bình tĩnh, nói chậm rãi, và suy nghĩ trước khi nói. Lắng nghe đối phương và cho họ biết là bạn muốn nghe sự việc từ phía họ và hiểu điều họ muốn nói. Sử dụng phương pháp lắng nghe chủ động để truyền đạt với người kia rằng bạn hiểu họ. Làm việc đó bằng cách diễn đạt lại với họ những ý quan trọng mà họ đã nói. Sau đây là một số bí quyết lắng nghe chủ động tuyệt vời nếu bạn muốn tìm hiểu thêm: Cách Làm Chủ Nghệ Thuật Lắng Nghe Chủ Động

4. Tập trung vào vấn đề

Gia đình nào cũng có vấn đề. Rất nhiều là đằng khác. Đừng để những vấn đề khác xen vào cuộc đàm phán hiện tại. Tập trung vào chủ đề đang bàn luận. Đừng đi chệch ra ngoài vấn đề đang bàn hay nhắc lại những vấn đề đã qua. Nếu lời nói của bạn không giúp tìm ra giải pháp, thì đừng lên tiếng. Nếu đối phương đi lạc đề, nhẹ nhàng hướng họ trở về với chủ đề đang bàn luận.

5. Tìm cách hiểu vấn đề từ phía họ

Sự thấu cảm là mấu chốt để đi đến giải pháp. Đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng hiểu góc nhìn của họ. Khi họ nói, lắng nghe với sự thấu cảm và tấm lòng rộng mở. Điều này dễ thực hiện hơn khi cảm xúc không trở nên cao trào và mọi thứ không căng thẳng. Việc bạn giúp tạo ra sự bình tĩnh là rất quan trọng. Cho đối phương biết rằng bạn có mặt để bàn luận vì bạn quan tâm đến họ và vì họ là người thân. Vấn đề không phải là "thắng" hay "có lý".

6. Rời đi khi mọi thứ trở nên quá căng thẳng

Khi mọi người bắt đầu la hét, vấn đề sẽ không được bàn luận một cách tử tế nữa và sẽ không tìm được giải pháp. Nếu mọi thứ trở nên quá căng thẳng và mọi người bắt đầu lớn tiếng, đó là lúc để bạn lùi bước hoặc bỏ đi. Hãy thử lại khi mọi người đã bình tĩnh và sẵn sàng nói bằng giọng bình thường. Đây là một số bí quyết hữu ích để đối phó với một người đang la hét với bạn: Cách Phản Ứng Tốt Nhất Khi Ai Đó Đang Giận Dữ La Hét Với Bạn

7. Tìm một sự thoả nhiệp nhượng bộ cả hai bên

Nghiên cứu từ Đại học Havard xem xét đàm phán gia đình và phát hiện ra rằng:[2]

Một lợi thế điển hình trong đàm phán gia đình là các thành viên thường thích đạt được kết cục mà đôi bên cùng chấp thuận trong đàm phán.

Những gia đình hoà thuận và yêu thương nhau sẽ muốn đi đến giải pháp khi có bất đồng. Mục tiêu là tìm ra giải pháp chấp nhận được với tất cả các bên liên quan. Đây là lý do vì sao bàn luận là cần thiết để tìm hiểu điều gì là đáng chấp thuận với mỗi bên, và tìm ra được một sự thoả hiệp

Không gia đình nào là hoàn hảo và cũng không cần có một gia đình hoàn hảo nơi mọi người đồng ý với nhau mọi lúc. Trong một gia đình, tồn tại các quan điểm và cách tiếp cận mọi thứ khác nhau là chuyện bình thường. Vấn đề là sự tôn trọng lẫn nhau và công nhận suy nghĩ của mỗi người. Nếu bạn rơi vào một tình huống đòi hỏi bạn đàm phán với gia đình, hãy thử các bước mà tôi đã gợi ý ở trên và tìm ra giải pháp tốt nhất cho mọi người cùng với những người thân của bạn.

Tài liệu tham khảo