4 tháng trước
Tháp Nhu Cầu Của Maslow: Vì Sao Ta Cần Đáp Ứng Các Nhu Cầu Của Mình
575

9289
Lượt xem
72
Lượt chia sẻ
12
Lượt bình luận

Khi còn đi học, câu hỏi mà mọi người luôn đặt ra là: "Vậy, bạn muốn làm gì?". Thông thường, bạn có thể trả lời bằng cách tóm tắt ngắn gọn chuyên ngành của mình, hoặc giải thích chi tiết về những hy vọng và ước mơ cao vời nhất của bạn. Dù bạn nói gì đi nữa, ngay cả khi đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, câu hỏi này vẫn có thể khiến bạn băn khoăn. Bạn muốn làm gì? Làm thế nào chúng ta có thể biết những gì mình n làm, và hơn thế nữa, làm sao ta biết được việc này có cần làm không? Câu hỏi này nằm ngoài khả năng giải đáp của trình độ học vấn.

Chúng ta buộc phải đưa ra nhiều lựa chọn mỗi ngày. Một số lựa chọn rất đơn giản, và một số lại dường như vô cùng phức tạp. Nhưng với mỗi lựa chọn đưa ra, chúng ta đang xác định những gì mình muốn hơn là những gì mình cần.

Video Summary

Có một cách để biết liệu những lựa chọn bạn đưa ra mỗi ngày có phải là tốt nhất cho bạn không

Vào năm 1943, Abraham Maslow đã đề xuất lý thuyết mà sau này được biết đến với tên Tháp Nhu Cầu của Maslow.[1] Maslow đưa ra giả thuyết rằng bộ não con người - một hệ thống phức tạp với hàng loạt các quá trình và thứ tự ưu tiên luôn luôn thay đổi - liên tục bị thúc đẩy bởi nhiều mức độ nhu cầu khác nhau. Tháp nhu cầu được mô tả dưới hình dạng một kim tự tháp để dễ dàng mô tả những gì ta cần nhất và những gì ít đem lại động lực cho ta nhất.


Ngày nay, Tháp Nhu Cầu của Maslow vẫn là một cơ sở hữu ích cho quá trình nghiên cứu xã hội học, đào tạo quản lý và tâm lý học.

Để đưa ra lựa chọn đúng đắn, trước tiên hãy xác định nhu cầu cấp thiết nhất của bạn

Tháp của Maslow liệt kê tất cả các nhu cầu của con người, trong đó gồm những nhu cầu cơ bản (như nhu cầu sinh lý và an toàn) và một số nhu cầu khác mà gần đây, con người mới nhận thấy tầm quan trọng của nó (ví dụ, nhu cầu xã hội và bản ngã).[2]

Để phân tích sâu hơn các nhu cầu trong tháp, sau đây ta sẽ chia ra thành các tầng nhu cầu, bắt đầu từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất.

  • Nhu cầu sinh lý: Thở, thức ăn, nước, tình dục, giấc ngủ, cân bằng nội môi, bài tiết.
  • Nhu cầu an toàn: An toàn thân thể, việc làm, tài nguyên, đạo đức, gia đình, sức khỏe và tài sản.
  • Nhu cầu tình cảm: Tình bạn, gia đình, sự thân mật tình dục.
  • Nhu cầu được quý trọng: Lòng tự tôn, sự tự tin, thành tích, sự tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng.
  • Nhu cầu thể hiện bản thân: Đạo đức, sáng tạo, sự chủ động, khả năng giải quyết vấn đề, không bị định kiến, chấp nhận sự thật.

Các tầng nhu cầu Sinh lý, An toàn, Tình cảm và Được quý trọng của tháp được gọi là các nhu cầu căn bản. Nếu những nhu cầu này (ví dụ: ăn uống, ngủ nghỉ) không được thỏa mãn, khi đó chúng ta sẽ không thể cảm thấy an toàn về thể lý cũng như tâm lý. Điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thỏa mãn nhu cầu về tình bạn và địa vị xã hội, từ đó tác động mạnh đến nhu cầu được quý trọng. Nhưng nếu có thể đáp ứng những nhu cầu căn bản đó, thì chúng ta có thể bắt đầu hướng tới nhu cầu thể hiện bản thân.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ một số người có thể đáp ứng nhu cầu hiện thực hóa bản thân này, vì nó đòi hỏi sự trung thực, độc lập, nhận thức, tính khách quan và sáng tạo. Những đặc tính này không dễ để ai cũng có được.

Và những gì bạn cần nhất có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của bạn

Năm tầng nhu cầu của Maslow không nhất thiết phải được đáp ứng đồng thời, thậm chí trong cùng một năm. Trên thực tế, năm tầng nhu cầu này thường xuất hiện suốt quãng đời của một con người. Ví dụ, bạn đang cố gắng thanh toán các khoản nợ tín dụng, nhưng rồi một căn bệnh hiểm nghèo khiến bạn rơi vào tình trạng nợ nần. Khi đó, bạn đã mất đi sự đảm bảo về tài chính, về cơ bản là bắt đầu lại từ tầng nhu cầu đáy của tháp. Nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra.

Một số người chưa được thỏa mãn tầng nhu cầu này vẫn có thể được đáp ứng đầy đủ trong một tầng nhu cầu khác. Ví dụ, một người có sức khỏe kém, sự đảm bảo về tài chính thấp vẫn có thể là một phần của cộng đồng, có một đối tác thân mật và mối quan hệ chặt chẽ với gia đình và bạn bè. Do đó, nhu cầu an toàn của người đó không được đáp ứng đầy đủ, nhưng nhu cầu cộng đồng và tình cảm thì có.[3]

Maslow lập ra lý thuyết này để theo dõi sự tăng trưởng và phát triển ở con người. Ông bắt đầu với trẻ sơ sinh, vì rõ ràng nhu cầu của trẻ em là các nhu cầu cơ bản nhất (thức ăn, nước uống, chỗ ở, sự sạch sẽ). Nhưng với các tầng nhu cầu khác, Maslow xác định bằng cách xem xét con người trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời. Về sau này, ông thậm chí còn bổ sung một số tầng nhu cầu khác như Nhận thức và Thẩm mỹ. Cuối cùng, Viktor Frankl, một nhà tâm lý học thế kỷ 20, đã thêm vào tháp tầng nhu cầu Tự tôn bản ngã, đưa tổng số tầng nhu cầu lên 8.


Tuy chúng ta luôn đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu của mình, dù có ý thức về Tháp nhu cầu của Maslow không, việc hiểu biết về Tháp nhu cầu này có thể vô cùng hữu ích. Chính Maslow đã xác tín rằng việc một số nhu cầu nhất định không được đáp ứng ở các giai đoạn khác nhau của cuộc sống và quá trình phát triển có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thậm chí là bệnh tật. Nếu bạn cảm thấy thông tin này nghe có vẻ chói tai, thì hãy thử nghĩ xem: Nếu không cảm thấy an toàn, bạn hẳn sẽ trở nên lo lắng và hoang tưởng. Nếu không cảm thấy được yêu thương và là một phần của cộng đồng, bạn sẽ bị trầm cảm. Thiếu tự tin có thể ngăn cản ta thể hiện bản thân, thậm chí dẫn đến tự tử.

Khi hiểu rõ cơ chế hoạt động của nhu cầu con người, bạn sẽ biết cách thúc đẩy bản thân cũng như người khác

Vì bản chất Tháp nhu cầu là giải thích động cơ hành động trên cơ sở nhu cầu con người, việc nắm rõ cơ chế hoạt động của nó có thể hữu ích cho bạn cả trong cuộc sống cũng như công việc.

Nếu bạn đang tham gia một dự án nhóm hoặc là thành viên của một nhóm nhân viên nhỏ tại nơi làm việc, việc nhận thức lý do đem đến động lực cho mọi người xung quanh có thể giúp bạn biết cách giao tiếp với họ. Mô hình của Maslow sẽ cho bạn bạn hiểu rõ hơn về những gì đem lại động lực cho họ, từ đó giúp bạn đưa ra kế hoạch để giữ cho nhóm của bạn luôn vui vẻ. Hãy nhớ, không nên lúc nào cũng mặc định rằng mọi người đều quan tâm đến tiền bạc. Nếu ở thời buổi kinh tế khó khăn, tiền không phải lúc nào cũng là giải pháp. Khi đó, điều quan trọng là phải có những cách khác để giữ "lửa" cho nhóm của bạn.[4]

  • Cung ứng nguồn lực. Nếu bạn là người quản lý, hãy cân nhắc cho phép nhân viên của bạn đào tạo chéo hoặc nhận các dự án và nhiệm vụ đặc biệt. Nếu một nhân viên cảm thấy mình đặc biệt quan trọng, nó sẽ đáp ứng nhu cầu tự tôn của họ.[5]
  • Đảm bảo sự an tâm. Những cử chỉ đơn giản như đảm bảo cho nhân viên một tấm danh thiếp và một chức danh công việc ý nghĩa cũng có thể tác động tích cực đến nhu cầu tự tôn của họ.
  • Tránh tình trạng bí mật trong công ty. Nếu một nhân viên cảm thấy họ không được phép biết một số vấn đề nhất định về công ty hoặc kế hoạch của công ty, họ có thể bị mất đi cảm giác an tâm. Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể cho nhân viên biết mọi thứ, hãy cố gắng cởi mở trong khả năng của mình, và nếu điều gì đó có lý do để bảo mật, hãy cho họ biết luôn.
  • Gần gũi với mọi người. Dù bạn là người quản lý hay đồng nghiệp, đừng bao giờ tỏ ra xa cách với mọi người. Mặc dù môi trường làm việc phải tỏ ra chuyên nghiệp chứ không phải một nơi cho các hoạt động giao lưu, bạn vẫn cần tạo ra một môi trường thân thiện, trong đó nhân viên có thể nói chuyện với nhau. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội của họ.
  • Ý thức về những lựa chọn của bạn. Mỗi khi đưa ra quyết định, đó là bạn đang đáp ứng một số nhu cầu của mình. Hãy ghi chú trên smartphone hoặc trong kế hoạch của bạn về các quyết định lớn và nhỏ, sau đó xem coi nhu cầu của bạn đang ở đâu. Bạn làm những điều này có phải để đảm bảo an toàn về tài chính không? Hay là vì nhu cầu xã hội? Khi bạn tự nhận thức về nhu cầu bản thân hơn, việc ra quyết định sẽ trở nên dễ dàng và có ý nghĩa hơn.

Vậy, bạn nghĩ thế nào? Tháp nhu cầu của Maslow có ý nghĩa với bạn không, hay là các quyết định của bạn được đưa ra hoàn toàn dựa trên ý kiến chủ quan chứ không phải nhu cầu thực sự của bạn?

Tài liệu tham khảo