3 tháng trước
Cách Giải Quyết Xung Đột Gia Đình Mà Không Cần Đến Nhân Viên Tư Vấn
369

5773
Lượt xem
187
Lượt chia sẻ
15
Lượt bình luận

Bao nhiêu người trong số các bạn đã từng gây gổ với thành viên trong gia đình? Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, thì hẳn bạn sẽ giơ tay ngay lập tức! Những cuộc cãi vã trong gia đình không có gì là mới mẻ và đã luôn xảy ra chừng nào gia đình còn tồn tại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng. Có thể là do bất đồng ý kiến giữa các thành viên gia đình về một vấn đề lớn, con cái muốn được độc lập nhiều hơn so với mong muốn của cha mẹ, những thay đổi lớn trong gia đình như ly hôn hoặc sinh em bé, hoặc khi mọi người hiểu lầm nhau và vội vàng đưa ra kết luận.

Bất kể nguyên nhân sâu xa là gì, điều quan trọng là các gia đình phải vượt qua mọi mâu thuẫn thông qua hoạt động tham vấn gia đình. Điều này là rất quan trọng để mọi người có thể cùng tiến tới và không để bất kỳ sự oán hận nào tồn tại qua nhiều năm tháng. Tất cả chúng ta đều biết rằng chẳng ích lợi gì khi cứ mãi thù oán người khác. Điều này đặc biệt đúng đối với các thành viên trong gia đình bạn!

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một hướng dẫn toàn diện để giải quyết xung đột gia đình mà không cần sự giúp đỡ của nhân viên tư vấn. Bạn hãy đọc để hiểu biết thêm và giải quyết những mâu thuẫn này càng sớm càng tốt!

Phản hồi chứ đừng phản ứng

Trước hết, hãy cùng cập nhật một số kiến thức khoa học. Bạn có nhớ từng được học về phản ứng "chiến-hay-chạy" ở trường không? Nếu có, bạn sẽ biết rằng phản xạ này xảy ra khi bạn ở trong tình huống nguy hiểm hoặc không thoải mái. Phần não bò sát của bạn (hạch hạnh nhân) được kích hoạt, và phản ứng đầu tiên của bạn trong những tình huống này là chống trả hoặc chạy trốn khỏi nguy hiểm.[1]

Phản ứng tương tự cũng được kích hoạt khi xảy ra xung đột gia đình. Mỗi khi bắt đầu một cuộc tranh cãi lớn, phản xạ đầu tiên của bạn sẽ là rút lui khỏi cuộc tranh cãi hoặc la hét lại bất cứ thành viên nào trong gia đình đang nói. Điều này sẽ chẳng hữu ích gì nếu bạn muốn thực sự giải quyết xung đột. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn hít một hơi sâu và trả lời lại từ tốn, thay vì phản ứng theo bản năng.

Ví dụ, nếu bạn là một thiếu niên và cha mẹ nói với bạn rằng bạn sẽ không nhận được tiền trợ cấp nữa, thay vì la hét ngược lại, hãy hít thở sâu và tìm hiểu lý do tại sao họ làm như vậy. Luôn nhớ: phản hồi chứ đừng phản ứng.

Ý thức về những phản ứng có thể xảy ra khi bạn ở trong tình trạng căng thẳng

Tiếp theo, bạn nên thực hiện các bước thích hợp để thực sự hiểu hơn về phản ứng chiến-hay-chạy của mình. Điều này đặc biệt cần thiết nếu gần đây bạn cảm thấy căng thẳng gia tăng - một trong những nguyên nhân gây ra xung đột gia đình. Một tâm trí căng thẳng, không ngủ đủ giấc sẽ không thể suy nghĩ tích cực, và nhiều lần là nguyên nhân dẫn đến những xung đột lớn chỉ vì các vấn đề nhỏ nhặt. Tập thể dục, thiền và ngủ đủ giấc sẽ giúp chuyển hướng tâm trí và suy nghĩ của chúng ta theo hướng tích cực.[2] Dưới đây là những phản ứng có thể xảy ra khi bạn cảm thấy căng thẳng và sắp sửa chiến-hay-chạy:

  • Phủ nhận: Bạn có thể tin rằng nếu bạn không suy nghĩ gì về vấn đề đó, thì nó sẽ biến mất. Do đó, bạn có thể phủ nhận toàn bộ vấn đề hoặc sự lo lắng của mình bằng cách tỏ ra cực kỳ hung hăng và quá khích.
  • Né tránh: Bạn có thể ý thức về vấn đề, nhưng lại không muốn giải quyết nó. Vì vậy, bạn tìm mọi cách để né tránh.
  • Đổ lỗi: Bạn phủ nhận sai lầm của mình bằng cách đổ lỗi cho người khác trong gia đình.
  • Đánh lạc hướng: Bạn thay đổi toàn bộ chủ đề của cuộc tranh luận thành một số chủ đề khác, mà chủ đề này lại liên quan đến một thành viên gia đình mà bạn cảm thấy oán giận.
  • Phóng đại: Bạn trở nên kịch tích quá mức và nghiêm trọng hóa vấn đề một cách vô lý.

Lắng nghe để giải quyết mâu thuẫn

Để giải quyết mâu thuẫn gia đình, tất cả những gì bạn phải làm ở bước tiếp theo là lắng nghe.[3] Chắc chắn, phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là đáp trả lại những gì người thân của bạn đang nói và đưa ra quan điểm cá nhân. Nhưng trước khi trả lời, hãy ý thức rằng lắng nghe là một phần quan trọng của bất cứ phản hồi nào. Dành một chút thời gian đặt mình vào vị thế của họ để hiểu chính xác tại sao họ lại nói những điều này, và điều gì có thể đã thúc đẩy hành động của họ.

Ví dụ, nếu cha mẹ từ chối trợ cấp cho bạn, nguyên nhân có thể là do bạn đã không làm tất cả những việc cần làm. Hoặc cha mẹ của bạn đang phải đối mặt với một số rắc rối về tài chính. Hãy nhớ lắng nghe những gì người nhà bạn nói và đồng cảm với họ.[4]

Thể hiện sự bất đồng mang tính xây dựng

Tiếp theo, ta sẽ đề cập đến một khái niệm mà bạn có thể chưa nghe nói nhiều - sự bất đồng mang tính xây dựng. Về cơ bản, đây là khả năng giữ bình tĩnh và tập trung vào các mục tiêu lớn hơn khi xảy ra xung đột gia đình. Dù bạn nên lắng nghe những gì người thân nói, mặt khác bạn cũng cần theo đuổi một số mục tiêu khác quan trọng hơn. Đây là điều bạn phải thực hành theo thời gian, nhưng nếu làm được, bạn sẽ có thể biến những cảm xúc này thành lợi thế, thay vì bị điều khiển bởi mong muốn của bản thân.

Luôn tập trung vào mục tiêu chung của gia đình

Ngoài các mục tiêu cá nhân, bạn nên hiểu rằng gia đình có rất nhiều mục tiêu chung. Khi xảy ra mâu thuẫn lớn, hãy bắt đầu lại bằng cách ngồi vào giữa bàn. Mục tiêu lớn của cả gia đình, chứ không chỉ của mỗi cá nhân là gì? Thay vì cứ suy nghĩ về những khác biệt đang ngăn chặn mọi người bàn luận với nhau, hãy nhớ lại những gì tất cả đang phấn đấu để đạt được.

Nếu gia đình bạn cũng giống như phần lớn các gia đình khác, thì mục tiêu chúng ta hướng tới là yêu thương và nâng đỡ, thay vì hạ gục lẫn nhau. Nhớ lại điều này khi xảy ra xung đột sẽ giúp bạn dễ dàng hơn rất nhiều trong việc giải quyết mâu thuẫn, tránh tình trạng biến thành một trận đấu khẩu.

Xác thực và tôn trọng ý kiến của người đối diện

Như đã đề cập, một trong những yêu cầu quan trọng nhất để giải quyết xung đột gia đình là lắng nghe ý kiến của người đối diện. Sau khi lắng nghe quan điểm của người thân, hãy dành thời gian để xác thực quan điểm đó. Đây là một bước rất quan trọng, vì nó khiến các thành viên khác trong gia đình biết rằng bạn đã lắng nghe và tôn trọng ý kiến của họ.[5]

Nào, điều đó không có nghĩa là bạn phải đồng ý với lập luận của họ! Bạn chỉ cần nói rõ rằng bạn hiểu, nhưng không đồng tình với quan điểm của họ. Trên cơ sở đó, bạn có thể đưa ra lập luận của mình như một phương án thay thế và giải thích lý do vì sao phương án này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Sự hợp tác này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với chỉ đơn giản là la hét qua lại.

Đồng ý và giải quyết mâu thuẫn

Cuối cùng, bạn hãy làm tất cả những gì có thể khi giải quyết xung đột gia đình. Khi tất cả đã đồng ý với một giải pháp chung, hãy đảm bảo rằng mọi người sẽ tuân theo thỏa thuận đó và hiểu mọi thứ về nó. Trở lại với ví dụ tuổi thiếu niên và trợ cấp, hẳn mọi người đều đồng ý rằng cha mẹ chỉ nên giảm bớt, chứ đừng cắt đứt hoàn toàn tiền trợ cấp. Tuy nhiên​​​​​​​…

  • Có phải ai cũng biết tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu?
  • Tiền trợ cấp sẽ bị giảm xuống còn bao nhiêu?
  • Nguyên nhân chính của việc cắt giảm này là gì?

Thậm chí có thể sẽ rất tốt nếu bạn viết tất cả những điều này ra giấy và treo trên tủ lạnh. Khi có bằng chứng rõ ràng về thỏa thuận, các thành viên liên quan sẽ có nhiều khả năng tuân thủ theo hơn.

Xung đột gia đình không phải là điều gì mới mẻ. Tình trạng này vẫn luôn xảy ra chừng nào gia đình còn tồn tại, và sẽ không bao giờ biến mất. Tuy nhiên, nếu mong muốn gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc, bạn không thể đơn giản làm ngơ trước những xung đột này. Hãy sử dụng những hướng dẫn trên đây để đưa gia đình bạn vượt qua xung đột và đi đến kết thúc tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Tài Liệu Tham Khảo