3 tháng trước
Bí Quyết Giúp Bạn Tăng Cường Trí Nhớ Ngắn Hạn
263

3164
Lượt xem
111
Lượt chia sẻ
12
Lượt bình luận

Trí Nhớ Ngắn Hạn là khái niệm trong y khoa được dùng để định nghĩa trí nhớ chủ động, tức là các thông tin mà chúng ta ý thức được là mình đang suy nghĩ về chúng. Những nguồn để thu nhận được trí nhớ ngắn hạn hầu hết là từ các giác quan, như là những thứ mà ta có thể nghe, ngửi hoặc nhìn thấy được.

Các ví dụ về trí nhớ ngắn hạn:

• Việc ghi nhớ một số điện thoại mà ta vừa mới đọc được

• Việc phân biệt các mùi hương nước hoa khác nhau

• Việc nhớ lại một khái niệm đã được giải thích trong một cuộc tranh luận trước đó.

• Việc ghi nhớ nơi mà bạn đã để một đồ vật nào đó

Tuy nhiên trí nhớ ngắn hạn rất dễ bị làm nhiễu. Có một số yếu tố có thể làm giảm khả năng của chúng ta trong việc lưu giữ thông tin trong trí nhớ ngắn hạn:

• Sự căng thẳng

• Các vấn đề y khoa như Bệnh Alzheimer’s

• Sự gây nhiễu của các phương tiện nghe nhìn (truyền hình, đài phát thanh)

• Nhu cầu cần phải tập trung sự chú ý vào một việc khác

Do đó trí nhớ ngắn hạn cũng chính là "trí nhớ đang vận hành" thúc đẩy chúng ta hoàn thành các công việc cần làm trong cuộc sống hằng ngày. Khi các yếu tố tiêu cực làm suy giảm khả năng lưu giữ thông tin của chúng ta, đó là lúc ta cần xem xét đến các biện pháp có thể áp dụng để làm tăng nó lên, càng sớm càng tốt.

Tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn ảnh hưởng thế nào đến lối sống của bạn

Tạm bỏ qua các vấn đề y khoa phức tạp như Bệnh Alzheimer’s, thì nhiều khả năng là chúng ta sẽ rơi vào những tình huống phải vất vả khó khăn vì giảm trí nhớ ngắn hạn tạm thời vào một vài thời điểm nhất định trong cuộc sống.

Chẳng hạn như, khi nói đến một ngày bình thường của một nhân viên ngân hàng, chúng ta có thể hiểu được hậu quả nghiêm trọng khi gặp phải tình trạng này, bằng cách hình dung đến số lượng các con số và những cái tên mà một người làm nghề này cần phải lưu trữ trong một ngày. Từ những yêu cầu của khách hàng cho đến việc hỗ trợ cho các đồng nghiệp hoặc làm các công việc được cấp trên giao cho, mọi người sẽ dễ cho rằng bạn không đủ năng lực để làm công việc mà bạn đã được giao nếu cứ một hai phút bạn lại phải hỏi lại các thông tin mà mình đã được cung cấp.

Tất nhiên "phương pháp ngụy trang" có thể được sử dụng để che giấu tình trạng này, chẳng hạn như việc viết dữ liệu ra các tờ giấy nhớ - chẳng ai xem đó là tội lỗi cả, hoặc giữ các thông tin quan trọng trong một bản ghi chép của mình. Thực tế đã cho thấy rằng ngay khi bạn nhận thức được tình trạng này, thì sự căng thẳng mà nó tạo ra có thể sẽ làm vấn đề thêm trầm trọng thay vì giúp bạn tìm ra giải pháp trong ngắn hạn, trừ khi bạn tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia.

Các triệu chứng của tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn

Không may cho hầu hết mọi người là tình trạng mất trí nhớ thường chỉ được phát hiện khi đã tiến triển đến giai đoạn rất nặng rồi, nhưng liệu có cách nào để phát hiện tình trạng này sớm hơn không?

Các triệu chứng thường đi kèm với chứng mất trí nhớ ngắn hạn là:

Sự Suy Giảm Nhận Thức: Đây là tình trạng thường gặp chung cho Bệnh Alzheimer’s, Chứng Sa Sút Trí Tuệ và nhiều vấn đề về tâm thần khác, nó làm người bệnh suy yếu một cách ngày càng tiến triển, từ đó thường gây ra sự  chán chường thất vọng cực lớn đối với những người vừa mới bắt đầu nhận thấy chuyện gì đang xảy ra. Các thói quen sinh hoạt hằng ngày có xu hướng bị lẫn lộn, chẳng hạn như người ta có thể quên uống thuốc, trả tiền hóa đơn hoặc tham dự các sự kiện.

Sự Thay Đổi Hành Vi: Như một hệ quả của tình trạng suy giảm nhận thức, người ta sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm với những việc mà người khác làm, đặc biệt là nếu họ tình cờ đề cập đến vấn đề về chứng hay quên khi tán gẫu với nhau. Khái niệm "sống trong sợ hãi" là một cách định nghĩa chính xác về những gì mà một người khổ sở vì chứng mất trí nhớ ngắn hạn đang phải trải qua trong khoảng thời gian đó.

Sự Lặp Lại: Vì không nhận thức được cuộc trò chuyện đang diễn ra như thế nào nên những người mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn có thể rơi vào tình trạng lặp lại, khi cứ hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi. Họ có thể quên mất những cuộc trò chuyện gần đây, từ đó dẫn tới việc kể lại cùng những câu chuyện đó với mọi người xung quanh. Đó là lý do chính mà những người có bạn bè hoặc người thân mắc phải tình trạng này được khuyên là hãy thật kiên nhẫn để không tạo thêm áp lực căng thẳng cho cuộc sống của người bệnh.

Tại sao tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn lại xảy ra

Khoa học cho biết rằng tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn hầu hết là do nhiều yếu tố cùng tác động gây ra, mặc dù một số sự kiện nhất định có thể kích thích làm cho một tình trạng tiềm ẩn nào đó bùng lên làm cho người bệnh suy yếu đi trong thời gian ngắn. Hiện tượng chỉ có một nguyên nhân duy nhất như thế có thể là lý do tại sao chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder) lại trở thành một khuôn mẫu được nhắc đến nhiều như vậy trong các loạt chương trình truyền hình có đề cập đến chủ đề về sự mất trí nhớ như là một phần thiết yếu để kể một câu chuyện.

Bên cạnh các tình trạng về mặt cảm xúc như việc trải qua các sự kiện gây sang chấn - chẳng hạn như tai nạn xe hơi, cái chết của một người thân yêu hay các tình trạng căng thẳng cấp tính - thì cũng có các yếu tố khác cần được xét tới khi đi tìm nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ ngắn hạn:

• Chứng trầm cảm

• Ung thư

• Khối u não

• Chứng sa sút trí tuệ

• Bệnh tiểu đường

• Chấn thương đầu

• HIV/AIDS

• Suy dinh dưỡng

• Tình trạng mãn kinh

• Bệnh nhược giáp

• Viêm màng não

• Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng

• Bệnh Parkinson’s

• Các rối loạn về giấc ngủ

• Bệnh giang mai

• Sự phơi nhiễm với chất độc

Sự lạm dụng các chất - mà đặc biệt nguy hiểm chết người là việc kết hợp rượu với ma túy - là một nguyên nhân thường gặp gây suy giảm trí nhớ, và không may là thường bắt gặp ở những người trẻ tuổi sau các cuộc vui tiệc tùng quá chén; tuy nhiên một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh cũng có tác dụng phụ là dẫn tới các vấn đề tạm thời về trí nhớ.

Làm thế nào để tăng cường trí nhớ ngắn hạn của bạn

Có nhiều lý do khiến chúng ta phải tìm cách để tăng cường khả năng ghi nhớ ngắn hạn hiện tại của mình: để che giấu một tình trạng tồi tệ hơn trước những người thân thiết hoặc vì chúng ta cần dùng đến các kỹ năng của mình trong một cuộc kiểm tra có những tình huống đầy áp lực căng thẳng như là các cuộc gặp mặt làm ăn, đi lại trong sân bay, đi diễn thuyết, v.v... Vậy có phương pháp hiệu quả nào để tăng cường trí nhớ ngắn hạn hay không? Hãy xem những điều sau đây như là vài mẹo để cải thiện khía cạnh này trong cuộc sống của mình nhé.

Hãy bắt đầu bằng một lối sống lành mạnh cho bộ não

Ăn uống thế nào thì người ra thế nấy, nhưng đó chưa phải là tất cả những việc mà chúng ta cần tập trung vào để thực hiện mục tiêu thay đổi lối sống của mình. Thói quen đi ngủ đóng một vai trò quan trọng khi nói đến hiệu quả của trí nhớ[1] bởi vì bộ não sẽ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi nếu chúng ta đã quen với việc ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày.

Hãy duy trì một chế độ ăn lành mạnh, giàu các siêu thực phẩm như quả việt quất, các loại cá béo, sôcôla đen, tỏi, bông cải xanh, củ dền, hạnh nhân, v.v... Hãy cắt giảm các thực phẩm nhiều đường và đã qua chế biến như các loại bánh làm từ bột, bởi chất bột đường sẽ không giúp ích nhiều cho cuộc sống của bạn đâu. Thế nên lần tới khi bạn nghĩ đến việc dùng nước ngọt để làm đồ uống, thì sao không chuyển sang dùng một tách trà xanh nhỉ?

Bạn cũng có thể tìm đến sự trợ giúp từ các thực phẩm bổ sung phù hợp dành cho não như ALCAR (acetyl L-carnitine), Alpha GPC (glycerylphosphorylcholine), Citicoline, Nhân Sâm (loại sâm châu Mỹ - Panax Ginseng) hoặc Magiê. Nhưng nói chung việc mà bạn cần kiên trì theo đuổi là các hoạt động thể chất, chẳng hạn như 1 tiếng đi bộ mỗi ngày, và giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống của mình[2], đó là thủ phạm giết chết các tế bào não đấy!

Hãy kết hợp các bài tập trí tuệ vào lối sống của bạn

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có các trò chơi giúp kích thích trí tuệ như trò ghép hình, khối rubic, cờ vua hay thậm chí là các bài tập toán, và lý do là vì bạn sẽ rèn luyện bộ não mình đối phó với các yếu tố sau đây:

• Tránh bị phân tâm (vì trí nhớ ngắn hạn cực kỳ nhạy cảm với điều này)

• Làm một việc tại một thời điểm (khả năng làm nhiều việc cùng lúc chỉ là chuyện hoang đường và thường làm hại bộ não của chúng ta mà thôi)

• Tăng mức độ tập trung

Nếu bạn không biết chơi cờ vua hoặc dở tệ về toán thì vẫn có các cách khác để giúp bộ não của bạn luôn khỏe mạnh. Các trò chơi video đã trở thành công cụ giúp người dùng tự lực nâng đỡ bản thân, vượt xa khỏi vai trò là một hình thức giải trí mất thời gian đơn thuần, nhưng phương pháp diễn tập cũng luôn có hiệu quả: hãy nhắc lại to rõ những điều mà bạn muốn ghi nhớ qua một số lần nhất định, và hãy đảm bảo là những điều đó dễ khắc sâu vào trí nhớ.

Hãy viết ra những điều mà bạn cần ghi nhớ

Chỉ riêng hành động viết ra các số hoặc các đoạn văn bản cũng sẽ giúp bộ não xử lý thông tin đó. Đó là lý do chính mà học sinh sinh viên được khuyên là không nên bôi đậm các chữ trong sách một cách điên cuồng, mà hãy ghi chú lại các ý đã được giải thích.

Hãy nghỉ giải lao

Việc tạo thêm sự căng thẳng cho cuộc sống sẽ không chỉ không giúp bạn tiến bộ mà còn dễ làm tồi tệ thêm những vấn đề mà bạn đang phải gánh chịu. Thay vì làm như vậy, bất cứ khi nào bạn cảm thấy kiệt sức hoặc nghĩ rằng mình không thể giải quyết được những thứ ở trước mắt, hãy nghỉ giải lao để gạt hết mọi thứ đi, và hãy tìm đến thế giới bên ngoài. Việc thỉnh thoảng đi bộ sẽ giúp ích không chỉ cho sức khỏe mà cả năng lực trí tuệ của bạn nữa.

Khi mọi cách đều đã vô hiệu, thì vẫn còn cà phê

Các nghiên cứu đã chứng minh ích lợi của cà phê đối với trí nhớ ngắn hạn và khoảng thời gian phản ứng, và đó được xem là lý do duy nhất khiến gần 80 phần trăm mọi người bắt đầu nhịp sinh hoạt hằng ngày của mình bằng một tách cà phê.

Dù đó có phải là thói quen hay không, thì việc uống cà phê chắc chắn sẽ giúp gạt bỏ tâm trạng thụ động chây lười và khiến chúng ta tập trung vào làm việc và xử lý thông tin. Nhưng hãy coi chừng! Đừng uống cà phê quá mức hoặc liên tục dựa dẫm vào các loại đồ uống tăng lực, bởi tình trạng lo âu tăng cao, nhịp tim nhanh và viêm dạ dày là một vài trong số những tác dụng phụ thường gặp nhất của việc lạm dụng chất caffeine.

Tài liệu tham khảo

Không tìm thấy nội dung