3 tháng trước
Làm Thế Nào Để Phát Hiện Ra Kẻ Nói Dối Chỉ Trong Giây Lát
310

3574
Lượt xem
90
Lượt chia sẻ
17
Lượt bình luận

Nói dối được xếp hạng khá cao trong danh sách các tính xấu. Chẳng ai thích việc phát hiện ra rằng mình đã bị lừa gạt, nhưng đó lại là điều mà hầu như tất cả chúng ta đều làm thường xuyên mỗi ngày.

Theo James Patterson, tác giả cuốn sách Ngày Nước Mỹ Nói Ra Sự Thật (The Day America Told the Truth), thì trong số hai nghìn người Mỹ, có 91 phần trăm trong số họ thường xuyên nói dối cả ở nhà và khi đi làm.

Ngạc nhiên chứ? Chắc là không. Hầu hết mọi người không đi ra ngoài và lừa gạt chúng ta chỉ vì sự ích kỷ cho riêng họ đâu. Đối với những người thân yêu, bạn sẽ dễ bị nói dối để tránh cho cảm xúc của bạn bị tổn thương, và thường thì chúng ta chẳng biết gì về chuyện đó cả.

Nhưng sẽ thế nào nếu bạn thực sự muốn biết khi nào thì mình bị người khác nói dối? Bạn thực sự có dám chắc là bạn đủ tài tình để nhận ra các dấu hiệu hay không?

Dấu hiệu gợi ý rõ nhất của một kẻ nói dối

Vậy làm thế nào để bạn phát hiện một người nào đó đang nói dối? Khi nói đến việc nói dối thì thật khó để giải mã các câu chữ. Những điều mà người đó nói ra có thể đã được diễn tập thử và được kiểm soát kỹ, đặc biệt là với một người thật giỏi làm chuyện đó.

Khi nói đến việc phát hiện các dấu hiệu gợi ý, thì hành động thực sự nói lên nhiều điều hơn là câu chữ, bởi tất cả vấn đề đều nằm ở điệu bộ cử chỉ của một người. Không giống như các câu chữ, chúng thường có xu hướng không thể kiểm soát được và mang tính tự động, thế nên để biết được sự thật thì bạn phải tập trung vào ngôn ngữ cơ thể.

Ngôn ngữ cơ thể: chìa khóa phơi bày kẻ nói dối

Chính xác thì khi bịa ra lời nói dối người ta thường sẽ để lộ những cử chỉ điệu bộ như thế nào? 

Sau đây là những dấu hiệu thường gặp nhất mà bạn nên để ý tìm kiếm.

Họ mỉm cười ít hơn khi nói dối

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người ta thường sẽ mỉm cười ít hơn khi đang nói dối - đặc biệt là đối với nam giới. Trong nghiên cứu của mình, Paul Ekman cảm thấy điều này trái ngược với quan niệm rằng mọi người thường liên kết hành vi nói dối với việc mỉm cười, và do đó rơi vào cú lừa kép khi bỏ qua việc mỉm cười. Nếu một người có mỉm cười trong lúc đang nói dối thì nụ cười đó thường sẽ ít chân thật hơn, tức là họ cười nhanh hơn và giữ nụ cười lâu hơn.

Họ gãi cổ khi cảm thấy lo sợ


Một dấu hiệu gợi ý khác là khi người đó gãi phần bên của cổ, ngay dưới dái tai. Hành động này thường được thực hiện theo một cách thức đặc thù - cụ thể là dùng ngón trỏ của tay thuận của người đó.

Đây là một dấu hiệu điển hình của sự bất an, nghi ngờ và không chắc chắn đang diễn ra bên trong tâm trí của người đang nói dối. 

Họ thường sờ vào mặt mình rất nhiều


Việc đưa tay lên mặt có lẽ là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của sự giả dối. Đó có thể là hành động che mắt lại hoặc đặt tay lên trán hoặc má, và thường bắt nguồn từ tính cách thời thơ ấu. Trẻ con thường che miệng, che tai hoặc che mắt của mình để không nói, không nghe hoặc không nhìn nữa. Những hành động này luôn bị làm quá lên, nhưng khi chúng ta càng có tuổi thì các cử chỉ này càng trở nên mau lẹ và ít rõ ràng hơn, song vẫn được thực hiện một cách vô thức.

Tuy nhiên điều đó không phải lúc nào cũng chỉ điểm cho hành vi nói dối trắng trợn. Nó có thể chỉ có nghĩa là người đó đang kìm nén lại những thông tin mà đối với một số người khác có thể bị coi là sự lừa dối không kém.

Họ che miệng lại một cách vô thức


Đặc biệt, hành động che miệng là một phản xạ vô thức có thể mang đúng nghĩa đen là người đó đang cố gắng kìm nén những lời dối trá mà mình sắp nói ra. Hành động này có thể biểu hiện bằng việc một bàn tay đưa lên miệng đúng nghĩa, hoặc thậm chí là một ngón tay đặt trên môi giống như cử chỉ "suỵt" vậy. Nó thường bắt nguồn từ các bậc cha mẹ, những người có thể đã làm hành động này để thể hiện mong muốn giữ im lặng, nhưng khi ta lớn lên, nó có thể chỉ ra sự cố gắng của một người đang tự nhủ mình hãy kìm lại các cảm xúc hoặc câu chữ nào đó.

Họ sờ vào mũi trong lúc nói chuyện


Chúng ta đều đã quen thuộc với chiếc mũi của Pinocchio và hậu quả xảy ra với nó khi nói dối. Các nhà khoa học tại Quỹ Nghiên Cứu Và Điều Trị Khứu Giác Và Vị Giác (Smell and Taste Treatment and Research Foundation) tại Chicago đã phát hiện ra rằng mũi của con người thực sự nở ra trong lúc nói dối. Điều này được gây ra bởi các chất hóa học được giải phóng dưới áp lực của việc nói dối, khiến cho các mô bên trong mũi phình to lên.

Mặc dù bạn sẽ không thực sự có thể nhìn thấy hiệu ứng này, nhưng điều có thật là sự phình to này có thể tạo ra cảm giác ngứa râm ran khiến người nói dối muốn gãi ngứa, từ đó dẫn đến hành động sờ vào mũi.

Họ kéo cổ áo của mình bởi các mô ở cổ trở nên nhạy cảm hơn trong lúc nói dối


Đây là một dấu hiệu kinh điển chỉ ra một người nói dối, và lý do đứng sau nó xuất phát từ tính nhạy cảm của các mô mỏng manh vùng cổ và mặt. Khi một người nói dối, việc đó sẽ tạo ra cảm giác ngứa râm ran ở các vùng này, khiến người nói dối muốn sờ vào đó. Áp lực của việc nói dối cũng khiến cho mồ hôi tăng lên ở quanh cổ, đó là lý do mà hành động kéo cổ áo lại được biết đến nhiều như vậy.

Họ dụi mắt để tránh nhìn thẳng vào bạn


Một lần nữa, hành động này cũng xuất phát từ thời thơ ấu. Trẻ con thường che mắt mình lại khi không muốn nhìn vào một thứ gì đó, và hành động đó không mất đi hoàn toàn khi chúng ta lớn lên. Chúng ta sẽ vẫn dụi hoặc sờ vào vùng quanh mắt mình một cách vô thức khi chúng ta không muốn nhìn vào thứ gì đó (trong trường hợp này là người mà ta đang nói dối). Đó là cơ chế đối phó của bộ não nhằm chặn lại sự dối trá và áp lực của việc phải đối mặt với người mà ta đang lừa gạt.

Hành động sẽ trung thực hơn là lời nói

Với những dấu hiệu trên đây, bạn sẽ ít bị người khác lừa dối hơn, bất kể những lời họ nói nghe có vẻ thành thật đến đâu. Đôi lúc bạn thậm chí chẳng cần nghe câu trả lời thật sự, bởi bạn đã có được nó từ ngôn ngữ hình thể của họ rồi. Hãy luyện tập việc quan sát các dấu hiệu này và hãy phát hiện ra những người đang nói dối bạn nhé.

Nguồn ảnh bìa: Burst từ pexels.com

Không tìm thấy nội dung