2 tháng trước
Trẻ Em Bắt Đầu Biết Nói Dối Càng Sớm Thì Càng Thông Minh
261

2923
Lượt xem
41
Lượt chia sẻ
8
Lượt bình luận

Nói dối là tật xấu, và bạn không nên làm trò đó. Phải vậy không?

Nhưng hóa ra hành vi nói dối có lẽ không thực sự tồi tệ như mọi người vẫn tin đâu. Trong xã hội của chúng ta, việc nói dối là không thể chấp nhận và nhiều người tin rằng những kẻ nói dối là những người không đáng tin cậy, chỉ biết nghĩ cho mình và cố gắng lợi dụng những người khác xung quanh họ mà thôi.

Mặc dù điều đó đôi lúc có thể đúng, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Dĩ nhiên chẳng ai thích nghĩ về việc mình bị nói dối cả, đặc biệt là nếu người nói dối lại là bạn bè hoặc bạn đời của mình, nhưng hóa ra những người nói dối lại không nhất thiết là người xấu. Trên thực tế họ có thể thông minh hơn và thành công hơn những người ít khi nói dối đấy!

Sau đây là tất cả những điều mà bạn cần biết về việc nói dối.

Nói dối có thể là một dấu hiệu của sự thành công

Hầu hết các bậc cha mẹ đều ghét việc con cái nói dối mình, nhưng nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng đó có thể là một chỉ dấu cho sự thành công[1]. Nghiên cứu này được hoàn thành tại Viện Nghiên cứu Trẻ em thuộc Đại học Toronto, đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ có khả năng nói dối một cách hiệu quả có thể sẽ thành công hơn trong cuộc sống sau này.

Chúng ta rất hay nghĩ rằng tất cả mọi lời nói dối đều là xấu, nhưng khi trẻ em nói dối thì đó lại là một chỉ dấu của trí thông minh. Đó là bởi trí thông minh phải hoạt động để đưa ra quyết định rằng ta có nên nói dối hay không, do đó đứa trẻ bắt đầu biết nói dối càng sớm thì nó sẽ càng thông minh hơn!

Việc nói dối cũng giúp trẻ em phát triển một chức năng điều hành cấp cao trong não, cho phép chúng có khả năng biết được sự thật nhưng giữ kín trong đầu mình để từ đó có thể giải quyết vấn đề theo một cách khác.

Giám đốc của nghiên cứu trên là Tiến sĩ Kang Lee nói rằng hành vi nói dối ở trẻ em có thể đồng nghĩa với việc một ngày nào đó chúng sẽ lớn lên thành một chủ ngân hàng hoặc chính trị gia. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là bạn nên cố gắng nuôi dạy con mình thành một tay nói dối, nhưng điều quan trọng cần nhận thức rõ là: hành vi nói dối không phải lúc nào cũng là xấu - đặc biệt là khi trẻ em thực hiện nó.

Những lời nói dối là một phần bình thường của xã hội

Bạn có nghĩ mình là một kẻ nói dối không? Hầu hết mọi người đều thích hình dung mình là người thật thà và thẳng thắn, nhưng Bella De Paulo, một giáo sư, Tiến sĩ Khoa học thuộc Đại học Virginia, tin rằng không ai có thể sống qua ba tuần mà không nói dối cả.[2]

Đúng thế đấy, không ai cả! Hằng năm giáo sư này đều thử thách các sinh viên của mình không nói dối trong vòng ba tuần, và năm nào họ cũng luôn thất bại. Nhưng tại sao lại thế?

DePaulo nói với tạp chí Tâm lý học Ngày nay (Psychology Today) rằng: "Những lời nói dối hằng ngày thực sự là một phần làm nên đời sống xã hội." Mặc dù một số lời nói dối là nhằm tư lợi và thao túng người khác, nhưng hầu hết những lời nói dối đều chỉ giúp chúng ta "lách" qua những tình huống khó xử hoặc khó chịu mà thôi, hoặc chúng giúp bảo vệ "cái tôi" của những người thân yêu của bạn.

Bạn có thể không nói dối trong ba tuần được không?

Có vẻ như nói dối là một phần bình thường của xã hội, nhưng điều quan trọng là phải phân biệt sự khác nhau giữa những lời nói dối. Trong khi một lời nói dối nhỏ nhặt vô hại có thể thực sự giúp ích cho các mối quan hệ của bạn, thì việc chọn cách thao túng người khác nhằm đạt được mục đích của mình lại là điều mà nói chung bạn nên tránh.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ Đại học Ben-Gurion tại Negev (Israel) đã phát hiện ra rằng mọi người thường sẽ đưa ra những quyết định nhằm tư lợi cho bản thân trong những tình huống mơ hồ và có nhiều cách lựa chọn.[3]

Ví dụ như, mọi người thường nói dối và thay đổi các con số nếu việc đó đồng nghĩa rằng họ sẽ được trả nhiều tiền hơn. Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia nhìn vào một màn hình máy tính khi nó hiện cảnh sáu viên xúc xắc khác nhau được tung ra. Với mỗi lần tung xúc xắc, những người tham gia được yêu cầu báo lại con số của viên xúc xắc rơi gần nhất so với một tấm bia trên màn hình. Những người tham gia cũng được cho biết là họ sẽ được trả tiền cho con số đó, và con số càng cao thì số tiền càng lớn.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những người tham gia thường đặt ra những lời nói dối nhỏ nhặt để tư lợi cho mình. Chẳng hạn như nhiều người tham gia đã báo sai viên xúc xắc, với một con số cao hơn, để tăng thêm số tiền nhận được. Việc này có vẻ "bất chính", nhưng hầu hết mọi người đều không thực sự xem hành vi này là gian lận (khi chính họ đang thực hiện nó). Đó là bởi tính chất mơ hồ không chắc chắn của tình huống cho phép người đó tự "hợp thức hóa" hành vi của mình.

Shaul Shalvi, đồng tác giả của nghiên cứu này, nói rằng: "Mọi người sẽ lách luật tới một mức độ nào đó mà họ có thể vẫn giữ được cách nhìn rằng bản thân mình là người trung thực."

“Tình huống càng mơ hồ thì càng nhiều khả năng là mọi người sẽ nhìn nhận thực tế theo cách có lợi cho mục đích riêng của mình."

Điều đó cho thấy rằng việc nói dối là một phần không thể tránh khỏi của xã hội, và nó không phải luôn xấu. Hành vi nói dối ở trẻ em thường là một chỉ dấu cho sự thành công trong tương lai, và nhiều người trưởng thành cũng bịa ra những lời nói dối nhỏ nhặt để tăng thêm sự thành công cho riêng mình - đặc biệt là nếu họ đang ở trong một tình huống mơ hồ không rõ ràng. Dĩ nhiên tất cả mọi người đều nên tránh việc nói dối tới mức bệnh hoạn!

Tài liệu tham khảo

Không tìm thấy nội dung