2 tháng trước
Cách Nói Không Khi Bạn Nghĩ Mình Chỉ Có Thể Đồng Ý
299

3374
Lượt xem
108
Lượt chia sẻ
11
Lượt bình luận

Nhiều năm trước, tôi là tuýp người thích làm hài lòng người khác. Tôi thường là người sẽ đứng ra và rất sẵn lòng dành thời gian đặc biệt để xung phong làm gì đó. Tôi tự hào làm những việc này suốt những năm phổ thông, đại học, thậm chí khi ở trường luật. Hàng năm trời, tôi đã nghĩ nói "không" đồng nghĩa với việc khiến một người bạn tốt hay người nào đó tôi kính trọng phật lòng.

Và đôi lúc tôi chợt nhận ra tôi không hề sống cuộc sống của mình. Thay vào đó, dường như tôi tạo ra một lịch trình với sự kết hợp kì lạ giữa việc đạt được kì vọng của người khác, việc tôi nghĩ mình nên làm, và vài việc tôi thực sự muốn làm. Kết quả thì sao? Tôi có một lịch trình dày đặc quá tải và không thể hoàn thành được.

Tôi phải mất một khoảng thời gian dài để học cách nói "không". Đồng nghĩa với việc tôi không còn cố gắng đáp ứng nhu cầu của người khác và có nhiều thời gian làm việc mình muốn hơn. Thay vì ôm đồm quá nhiều, tôi chọn làm những việc thật sự có ý nghĩa. Tôi bắt đầu sắp xếp nhiều thời gian cho nhu cầu và sở thích bản thân hơn. Khi làm được điều đó, tôi đã hạnh phúc hơn rất nhiều. Bạn biết không? Tôi gần như không làm ai thất vọng nữa.

Người thành công không sợ nói "không"

Khi bạn học được nghệ thuật nói "không", bạn bắt đầu nhìn thế giới khác đi. Thay vì để mắt đến tất cả những gì bạn có thể hoặc nên làm (và đang không hề làm), bạn bắt đầu để ý cách đồng ý làm những việc quan trọng.

Nói cách khác, bạn sẽ không còn thái độ "cuộc sống đưa đẩy". Bạn tìm kiếm cơ hội đưa bạn đến những nơi bạn muốn đến.

Oprah Winfrey, được xem như một trong những người phụ nữ thành công nhất thế giới, đã từng thú nhận rằng mãi đến tận sau này bà mới học được cách nói "không". Thậm chí sau khi trở nên nổi tiếng thế giới, bà vẫn cảm thấy mình phải đồng ý gần như tất cả mọi chuyện. Bà đã nhận ra sau những năm tháng đấu tranh tư tưởng, "Cuối cùng tôi đã đặt câu hỏi: Tôi muốn gì?"

Warren Buffet nhận định "không" là điều cần thiết cho thành công của ông ấy. "Sự khác nhau giữa người thành công và thật sự thành công chính là người thật sự thành công biết cách từ chối hầu hết mọi thứ", ông nói.

Khi tôi coi chữ "không" là một phần của hộp dụng cụ, tôi đã lèo lái nhiều thành công của chính mình hơn bằng việc tập trung vào ít việc hơn mà lại làm hiệu quả.

Cách chúng ta chịu áp lực để đồng ý

Không lạ tí nào khi rất nhiều người thấy khó để từ chối việc gì đó.

Từ khi còn nhỏ, chúng ta được dạy để đồng ý. Ta đồng ý có khi hàng trăm lần để được tốt nghiệp trung học và vào đại học. Ta đồng ý để tìm việc. Ta đồng ý để được thăng chức. Ta đồng ý để đi tìm tình yêu và lại đồng ý để ở lại trong một mối quan hệ. Ta đồng ý để tìm kiếm và níu giữ bạn bè. 

Ta đồng ý vì cảm thấy thật tốt khi giúp đỡ ai đó. Ta đồng ý vì dường như đó là việc đúng đắn nên làm. Ta đồng ý vì ta nghĩ đó là chìa khoá thành công. Và ta đồng ý vì yêu cầu có thể đến từ ai đó khó mà từ chối được như sếp chẳng hạn.

Và đó chưa phải là tất cả. Áp lực đồng ý không chỉ đến từ người khác. Chính chúng ta tự đặt rất nhiều áp lực lên bản thân mình. Ở nơi làm việc, ta đồng ý vì so sánh bản thân với những người có vẻ như đang làm nhiều việc hơn ta. Ngoài công việc, ta đồng ý vì thấy có lỗi khi không cố gắng đủ để dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Thông điệp, dù chúng ta rẽ lối đi nào, thường luôn là "Bạn thật sự có thể làm nhiều hơn". Kết quả thì sao? Khi người khác muốn ta dành ra chút thời gian, ta đồng ý như một phản xạ có điều kiện. 

Cách nói không khi bạn nghĩ mình chỉ có thể đồng ý

Quyết định thêm chữ "không" vào hộp dụng cụ của bạn không hề nhỏ. Có thể bạn đã từng từ chối nhưng không nhiều như bạn muốn. Có thể bạn có một bản năng là nếu bạn học được nghệ thuật từ chối cuối cùng bạn có thể dành ra nhiều thời gian cho những thứ bạn quan tâm. Nhưng hãy thành thật nào - sử dụng chữ "không" không hề dễ dàng đối với nhiều người.

Đưa chữ "không" vào cuộc sống của bạn cũng có thể coi như một sự chuyển đổi. Từ chối cái gì đó có nghĩa là bạn có thể mở ra cánh cửa cho những việc thật sự có ý nghĩa. Đây là một vài mẹo cần thiết khi học nghệ thuật từ chối.

#1: Kiểm tra độ trách nhiệm của bạn

Một trong những thách thức lớn nhất để từ chối là cảm giác có trách nhiệm. Bạn có cảm thấy mình có trách nhiệm phải đồng ý và lo lắng rằng việc từ chối sẽ phản ánh không tốt hình ảnh của bạn?

Hãy hỏi bản thân bạn có thật sự có nghĩa vụ phải đồng ý không. Kiểm tra lại nhận định hoặc niềm tin xem liệu bạn có mang trên mình trách nhiệm đó. Quay ngược lại và thay vào đó hãy hỏi bạn có nghĩa vụ gì với bản thân.

#2: Chống lại hội chứng sợ bỏ lỡ (fear of missing out - FOMO)

Bạn có mắc hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) không? FOMO có thể bám theo chúng ta theo nhiều cách. Ở nơi làm việc, ta tình nguyện dành ra thời gian vì sợ không tiến lên được. Trong đời sống cá nhân, ta đồng ý hoà cùng đám đông cũng vì FOMO kể cả khi bản thân ta chẳng thấy vui gì cả.

Hãy nhìn lại chính bản thân bạn. Bạn đồng ý vì FOMO hay vì bạn thật sự muốn làm việc đó? Việc chạy theo nỗi sợ hãi thường chẳng làm chúng ta thấy dễ chịu hơn chút nào đâu.

#3: Kiểm tra lại xem bạn nhận định thế nào là từ chối

Bạn có sợ hãi phản ứng bạn sẽ nhận được nếu bạn từ chối không? Thường thì, ta đồng ý vì lo lắng người khác sẽ phản ứng thế nào hoặc lo về hậu quả của việc từ chối, hoặc đồng ý vì kết quả sự việc. Ta có thể sợ làm người khác thất vọng hoặc nghĩ rằng người khác sẽ không còn tôn trọng mình nữa. Ta thường quên mất mình đã làm bản thân thất vọng bao nhiêu.

Hãy nhớ rằng nói "không" là chính xác những gì cần thiết để gửi đi thông điệp là thời gian của bạn có giới hạn. Ở mẹo #X phía dưới, bạn sẽ biết cách từ chối thật lịch sự và dịu dàng. Bạn có thể làm ai đó thất vọng lúc đầu nhưng vẽ nên một ranh giới có thể mang đến sự tự do bạn cần để bạn có thể hoàn toàn tự do khi làm điều bạn thật sự muốn.

#4: Khi yêu cầu được đưa ra, cứ từ từ đã

Thỉnh thoảng chúng ta đồng ý theo bản năng khi đang tập trung. Ban đầu yêu cầu nghe có vẻ có lý. Hoặc trong quá khứ ta vẫn thường đồng ý với yêu cầu kiểu này. Cho bản thân bạn chút thời gian để suy nghĩ xem liệu bạn có thật sự có thời gian hoặc có thể thật sự làm việc này không. Bạn có thể quyết định sự lựa chọn tốt nhất là nói "không". Chẳng có gì không tốt khi cho bạn thời gian để quyết định cả.

#5: Nói "không" với một sự rõ ràng và tử tế

Khi bạn đã sẵn sàng từ chối ai đó, hãy nói quyết định của bạn một cách thật rõ ràng. Thông điệp có thể cởi mở và thành thật để đảm bảo với người nhận rằng lý do của bạn là bị giới hạn về thời gian. Chống lại sự cám dỗ của việc lờ đi không hồi đáp. Nhưng cũng đừng thấy bắt buộc phải đưa ra một loạt lý do dài dằng dặc tại sao bạn từ chối. Một sự giao tiếp rõ ràng với lời giải thích ngắn gọn là đủ rồi. Tôi thấy khá hữu dụng khi nói với mọi người rằng tôi có rất nhiều nhu cầu và cần cẩn thận trong việc phân chia thời gian của mình. Thi thoảng tôi sẽ nói tôi thật sự cảm kích vì họ đã tìm đến tôi và mong họ sẽ quay lại nếu cơ hội lại đến một lần nữa.

#6: Xem xét cách từ chối được chỉnh sửa một chút

Nếu bạn đang bị áp lực phải đồng ý nhưng lại muốn từ chối, có thể bạn muốn xem xét chuyển từ "được" sang "được nhưng..." để cho bạn một cơ hội đưa ra điều kiện đồng ý để xem cách nào tốt nhất cho bạn. Đôi khi, điều kiện có thể là làm công việc đó nhưng không phải trong khoảng thời gian yêu cầu lúc ban đầu. Hoặc bạn có thể làm một phần của công việc được yêu cầu thôi.

Hãy nhớ một vài ý chính khi học nghệ thuật từ chối

Bạn cần ra khỏi vùng thoải mái của mình

Hãy đối mặt nào. Rất khó để từ chối. Việc đặt ra ranh giới cho thời gian, đặc biệt nếu bạn không làm điều này nhiều trong quá khứ, sẽ khá gượng gạo đấy.

Bạn là người kiểm soát thời gian của chính mình

Hãy nhớ bạn là người duy nhất có thể hiểu nhu cầu về thời gian của chính mình. Nghĩ xem. Còn ai biết được tất cả những nhu cầu về thời gian đó? Không ai cả. Chỉ có bạn ở trung tâm điều khiển những yêu cầu này. Bạn là người duy nhất biết được bạn có bao nhiêu thời gian.

Nói "không" nghĩa là đồng ý với những thứ khác có ý nghĩa

Khi ta quyết định không làm một việc nào đó, có nghĩa là ta có thể làm việc khác. Bạn có một cơ hội đặc biệt để quyết định xem sẽ sử dụng thời gian quý báu của mình như thế nào.

Bắt đầu nói "không" từ bây giờ

Bạn có gì để mất nào? Bắt đầu ngay bây giờ, bạn có thể thay đổi cách đáp lại những yêu cầu về thời gian của bạn. Khi có yêu cầu được đưa đến, đưa bản thân ra khỏi trạng thái tự động đồng ý như thường lệ. Dùng yêu cầu đó như một yêu cầu mới toanh để đặt ra giới hạn lành mạnh cho thời gian của bạn. Đặc biệt chú ý khi bạn đưa ra những nhu cầu nhất định cho bản thân. Nếu bạn là người đặt ra yêu cầu cho bản thân, hãy cố đánh giá như thể yêu cầu được người khác đưa ra vậy.

Hãy thử ngay bây giờ. Nói không với một người bạn liên tục lợi dụng lòng tốt của bạn. Hoặc từ chối người đồng nghiệp tham công tiếc việc và bảo họ bạn sẽ hoàn thành dự án nhưng không phải bằng cách làm việc cả cuối tuần. Hoặc nói với ai đó trong gia đình bạn không thể cho họ vay tiền nữa vì họ không bao giờ trả lại. Bạn sẽ thấy mình hạnh phúc hơn nhiều.

Không tìm thấy nội dung