2 tháng trước
Bí Quyết Giúp Bạn Nhận Ra Một Người Nào Đó Có Đáng Tin Hay Không
355

3998
Lượt xem
64
Lượt chia sẻ
3
Lượt bình luận

Louise Delage. Bạn còn nhớ cô ấy chứ?

Cô là một ngôi sao 25 tuổi trong giới truyền thông, và vào năm 2016 đã có được hơn 50.000 lượt thích chỉ trong vòng vài tháng nhờ những bức ảnh chụp cảnh cô dự tiệc trên thuyền và tại những địa điểm du lịch ở nước ngoài. Cô dường như là một tâm hồn tự do vui vẻ đang tận hưởng trọn vẹn cuộc đời mình - nhưng thực tế lại rất khác. Thực ra cô ta là người nghiện rượu rất nặng, và thực sự đang được sử dụng như một phần trong chiến dịch tẩy chay rượu của công ty truyền thông BETC của Pháp.[1]


Chiến dịch được biết đến với cái tên "Like My Addiction" (Hãy Thích Chứng Nghiện Của Tôi) này được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức về việc lạm dụng đồ uống có cồn trong giới trẻ. Những hình ảnh thường ngày của Louise với vẻ đang hưởng thụ cuộc sống với một ly đồ uống trên tay là màn sắp đặt hoàn hảo. Mọi người yêu thích các tài khoản mạng xã hội của cô, và rõ ràng là nhiều người đã bắt đầu mơ về việc đua đòi theo lối sống của cô. Khi sự thật được hé lộ, những người theo dõi cô trên mạng xã hội buộc phải nhận ra rằng họ đã không thể phát hiện ra việc Louise thực sự là một người nghiện rượu khổ sở và buồn bã.

Đó là một ví dụ cực đoan, nhưng trong thế giới thực (cũng như trong thế giới ảo) chúng ta có thể dễ dàng bị lừa bởi những người không thực sự giống như vẻ ngoài ban đầu của họ.

Đừng để cho thiên kiến của bạn làm lu mờ sự thật

Khi gặp mọi người lần đầu tiên, bạn thường tin vào trực giác và đánh giá của mình. Tuy nhiên đó có thể không phải là cách tốt nhất đâu, bởi có thể bạn đã có sẵn một vài thiên kiến cố hữu rồi.

Thiên kiến về việc phớt lờ các khả năng -  nhiều người nhận thấy rằng "khả năng" là khái niệm khó giải quyết. Điều đó dẫn đến việc họ sẽ đưa ra các quyết định rạch ròi trắng đen. Nói cách khác, họ sẽ chọn hoặc là 0 phần trăm hoặc là 100 phần trăm. Vấn đề của cách ra quyết định này là hầu hết mọi việc (và mọi người) đều không chỉ có "trắng" hoặc "đen". Thực tế đó đều là các hỗn hợp nhiều thứ lẫn với nhau. Do đó một người mà bạn có thể xem là tốt 100 phần trăm thì thực ra lại có thể có một mặt tiêu cực nào đó mà bạn đã bỏ sót do thiên kiến.[2]

Thiên kiến về sự liên hệ mang tính ảo tưởng - điều này có thể được mô tả như là xu hướng mà chúng ta liên hệ một cách sai lầm giữa một hành động với một hệ quả. Ví dụ như bạn xem được một câu chuyện tin tức nói về một vụ cá mập tấn công tại bãi biển mà bạn định tới chơi. Mặc dù đó là vụ cá mập tấn công đầu tiên tại địa điểm đó trong vài thập niên trở lại đây, nhưng bạn lại ngay lập tức quyết định không đi bơi ngoài biển trong suốt kỳ nghỉ của mình. Khả năng bị tấn công bởi cá mập là cực kỳ thấp, và thực tế là có hàng triệu người vẫn bơi lội an toàn ngoài biển mỗi năm. Do đó khi tránh tiếp xúc với nước là bạn đã để cho vụ cá mập tấn công được báo cáo kia tạo ra một thiên kiến liên hệ mang tính ảo tưởng trong tâm trí mình rồi.[3]

Các thiên kiến có thể khiến chúng ta đưa ra những đánh giá sai lầm về mọi người. Và điều đó có thể gây hại cho ta.

Việc đưa ra những phán xét sai lầm có thể có hại cho bạn

Hãy tưởng tượng bạn phỏng vấn một người nào đó để giao cho họ việc chăm nom các con nhỏ của bạn một đêm mỗi tuần.

Cô gái khoảng hai mươi mấy tuổi đó trông có vẻ bình tĩnh, tự tin và dễ tính. Cô ta cũng có bằng cấp chứng nhận về khả năng chăm sóc trẻ em. Vì sự an toàn và sức khỏe tổng quát của con bạn là ưu tiên số một nên bạn yêu cầu cô ta đưa ra các tài liệu tham khảo về công việc chăm sóc trẻ em mà cô đã làm trước đây. Như đã mong đợi câu hỏi đó từ trước, cô ta thò tay vào túi xách và lấy ra một phong bì chứa hai bức thư viết tay. Chúng trông có vẻ là những bức thư giới thiệu chân thực của hai trong số những người từng thuê cô.

Khi mọi việc dường như đang ổn thỏa và cô gái đó có vẻ đủ năng lực và thân thiện, bạn thấy mình đã xuôi lòng trao cho cô ta vai trò chăm sóc trẻ bán thời gian ngay lập tức. Tuy nhiên có một điều gì đó bên trong bạn ngăn bạn làm vậy. Thay vào đó bạn lại nói với cô ta rằng: "Cảm ơn vì đã dành thời gian đến đây hôm nay. Ngày mai tôi sẽ báo cho cô biết là chúng ta có thể bắt đầu được hay không."

Sau khi cô gái đó đã rời đi, bạn quyết định tìm hiểu nhanh trên mạng, dùng tên và địa chỉ của cô ta. Những điều bạn phát hiện được thật đáng sợ. Những câu chuyện tin tức đáng tin cậy nói rằng cô gái đó có hai đứa con đã bị các cơ quan dịch vụ xã hội đưa đi tách xa khỏi cô vì cô đã ngược đãi chúng. Cô ta cũng đã bị khởi tố về hành vi phạm tội đó và đã phải ngồi tù vài tháng!

Sau khi khám phá ra sự thật về cô gái đó, bạn đã sáng suốt từ chối trao cho cô ta công việc chăm sóc các con mình. Nhưng hãy nghĩ xem bạn đã suýt giao việc cho cô ta như thế nào. Thế là quá đủ để bạn gặp ác mộng rồi.

Như đã trình bày ở trên, việc đưa ra những nhận định đánh giá sai lầm về một người nào đó có thể thực sự gây hại đấy.

Hãy sử dụng 7 mẹo sau đây để quyết định liệu một người nào đó có đáng tin hay không

Việc học được cách quyết định chính xác xem liệu một người nào đó có đáng tin cậy hay không lại dễ hơn so với bạn tưởng đấy. Và để chứng minh điều đó cho bạn thấy, tôi đã tập hợp lại một danh sách bảy mẹo đơn giản để quyết định xem liệu có nên tin vào một người nào đó hay không.

1. Hãy quan sát người đó từ những quan điểm khác nhau và trong những tình huống khác nhau

Bạn không nên phán xét người khác một cách quá dễ dãi. Nếu làm như vậy là bạn sẽ không cho mình có đủ thời gian (hoặc căn cứ) để hình thành nên một sự đánh giá chính xác về một người. Thay vào đó hãy cố gắng quan sát cách mà người đó hành xử trong nhiều tình huống khác nhau.

Chẳng hạn như một người có thể trông nồng ấm, dễ gần và cực kỳ thân thiện tại nơi làm việc. Nhưng bạn có thể sẽ trông thấy một bộ mặt khác của người đó khi họ ra ngoài uống rượu về đêm với bạn bè. Thay cho con người hòa nhã mà bạn thấy tại nơi làm việc, họ có thể trở nên ồn ào kích động, kiêu căng ngạo mạn - hoặc thậm chí là hung hăng nữa.

2. Hãy phân tích hành vi của họ để xem liệu nó có nhất quán trong nhiều hoàn cảnh khác nhau hay không

Như đã bàn luận ở trên, người ta có thể thể hiện những khía cạnh khác nhau trong tính cách của mình tùy theo từng tình huống mà họ trải qua. Một người đáng tin cậy thường sẽ thể hiện hành vi nhất quán hơn so với những người muốn che giấu điều gì đó.

Nếu bạn đã từng xem các chương trình truyền hình về lực lượng biên phòng thì bạn sẽ nhận thấy một khuôn mẫu chung. Những người muốn che giấu điều gì đó thường tỏ ra thân thiện quá mức vào lúc ban đầu (khi họ đang cố nhập lậu thứ gì đó vào một đất nước), nhưng khi có vẻ như sắp bị bắt thì họ lại thường bộc lộ tính cáu gắt và giận dữ với những nhân viên biên phòng. Một người trung thực thường sẽ rất ít khi thể hiện sự khác biệt trong cảm xúc của mình như vậy.

3. Hãy dành thời gian để khám phá "bức tranh tổng thể" của một người

Tôi chắc chắn là bạn đã từng nghe đến câu thành ngữ: Đừng trông bìa mà đánh giá cuốn sách. Vâng, điều đó không chỉ đúng với sách thôi đâu, mà cả với người nữa! Bạn phải dành ra đủ thời gian để có được một sự kiểm tra đánh giá chuẩn xác về một người nào đó.

Ví dụ như hãy nhớ lại lần mà bạn chuyển tới sống ở một ngôi nhà hay căn hộ mới. Bạn có thể đã tự giới thiệu mình với hàng xóm, để rồi nhận ra một người trong số họ có vẻ khá thô lỗ và cộc cằn. Bạn ngay lập tức cảm thấy không thích người đó. Nhưng như các sự việc trong tương lai sẽ cho thấy, bạn đã quá vội vàng đưa ra phán xét rồi. Người hàng xóm đó hóa ra lại là người giúp ích cho bạn nhiều nhất. Người đó nhận thư giúp bạn, lau sạch lối đi dẫn vào nhà của bạn - và thậm chí còn ngỏ ý trông nom thú cưng cho bạn khi bạn đi chơi xa. Bây giờ nhìn lại thì có vẻ như người đó chỉ đang gặp một ngày "xấu trời" vào hôm mà bạn mới gặp họ lần đầu thôi.

4. Hãy xem họ có tin tưởng người khác không

Những người dễ dàng nghi ngờ người khác cũng chính là những người mà có thể bạn sẽ chẳng muốn đặt lòng tin vào họ đâu.

Điều này được gợi ý bởi một nghiên cứu gần đây về hành vi của những người chơi trò chơi điện tử video trực tuyến.[4] Nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng những người vui vẻ trong việc hợp tác và nhờ cậy vào những người chơi khác sẽ ít khi phản lại các bạn chơi của mình hơn trong trò chơi đó.

Nói cách khác, lòng tin là con đường hai chiều.

5. Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn biết về cách suy nghĩ của họ nhiều đến đâu

Việc đi guốc trong bụng người khác cho phép bạn hiểu được cách mà họ suy nghĩ và hành động. Một cách để làm được việc này là hãy lắng nghe thật kỹ những điều họ nói. Lời lẽ của ta thường phản lại suy nghĩ thật sự của ta.

Các nhà điều tra tội phạm thường sử dụng chiêu này. Khi thẩm vấn một nghi can, họ sẽ hỏi nhiều câu hỏi, trong đó có những câu không liên quan đặc thù đến vụ việc cụ thể đó. Họ làm vậy để xem liệu nghi can đó sẽ tiết lộ về bản thân mình nhiều hơn mức mà họ muốn hay không. Một người có tội có thể sẽ cố hết sức để che giấu sự thật. Nhưng khi nỗ lực để tỏ vẻ vô tội, họ thường sẽ tự mắc phải sai lầm.

Một khi đã phát hiện ra kiểu khuôn mẫu suy nghĩ của một người, bạn sẽ có thể đưa ra sự đánh giá đúng đắn về mức độ đáng tin cậy của họ.

6. Hãy cố gắng tìm hiểu về quá khứ của họ

Người đang đứng trước mặt bạn có thể trông như thiên thần - nhưng bạn thực sự biết được gì về họ?

Trước khi đặt lòng tin của mình vào ai đó, bạn nên tìm hiểu về quá khứ của họ đã. Những nhà tuyển dụng hiểu rất rõ điều này. Mỗi khi thuê nhân viên mới, họ thường có một quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt. Nó thường bắt đầu bằng việc xem qua bản lý lịch một cách chi tiết. Nếu bản lý lịch phù hợp với công việc thì ứng viên đó sẽ được yêu cầu tham gia một buổi phỏng vấn (hoặc một loạt cuộc phỏng vấn). Nhà tuyển dụng sẽ thăm dò ứng viên về bằng cấp chứng nhận năng lực của họ cũng như kinh nghiệm làm việc của họ. Nếu ứng viên đó đủ may mắn để được chọn vào làm việc thì các tài liệu tham khảo sẽ được đòi hỏi tới, trước khi hợp đồng được kí kết.

Mặc dù bạn không cần phải kỹ lưỡng như vậy khi đánh giá một người nào đó, nhưng chắc chắn bạn vẫn nên chú ý đến quá khứ của họ.

7. Nhưng đừng cố gắng tìm hiểu 100 phần trăm về người đó

Nếu làm vậy thì bạn thường sẽ chẳng bao giờ đạt đến giai đoạn đưa ra quyết định về độ đáng tin cậy của họ đâu.

Thay vào đó, hãy đặt mục tiêu tìm hiểu về một người nào đó ở mức độ vừa phải. Có thể là 15 phần trăm, 30 phần trăm hay thậm chí là 50 phần trăm. Số phần trăm chính xác không quan trọng. Điểm mấu chốt là hãy hiểu về người đó tới mức đủ để tự tin ra quyết định xem họ có đáng tin hay không. Một ví dụ hay cho điều này là khi bạn chọn thuê một kỹ thuật viên bảo dưỡng xe hơi. Quảng cáo của họ trên tờ báo địa phương có thể nghe rất hấp dẫn, nhưng hãy nghiên cứu tìm hiểu một chút để xem các khách hàng trước của họ có hài lòng với việc họ làm hay không.

Tất cả chúng ta đều gặp phải những vấn đề về lòng tin lúc này lúc khác. Đó là bản chất của con người. Tuy nhiên nếu làm theo bảy mẹo trên đây thì bạn có thể nâng cao đáng kể kỹ năng đánh giá người khác của mình đấy. Điều đó có thể giúp bạn kết giao được với những người đáng tin cậy và tránh được những người không trung thực và không đáng tin.

Nguồn ảnh bìa: Stocksnap từ stocksnap.io

Tài liệu tham khảo