2 tháng trước
Vị Trí Ngồi Nói Lên Con Người Bạn
485

8090
Lượt xem
94
Lượt chia sẻ
14
Lượt bình luận

Hàng tuần tôi đều có những buổi huấn luyện với một vài thành viên trong nhóm. Trong phòng họp mà chúng tôi thường dùng nhất cho những buổi gặp mặt đó, có 5 chỗ ngồi. Tôi để ý thấy tại mỗi buổi gặp các thành viên khác nhau sẽ chọn chỗ ngồi đặc thù riêng cho mình. Và điều đó làm nên sự khác biệt.

Vị trí chỗ ngồi nói lên rất nhiều điều

Khi lựa chọn chỗ ngồi trong cuộc họp, chúng ta gửi đi thông điệp về chính bản thân mình tới những thành viên khác trong nhóm. Những quyết định đó không phải là ngẫu nhiên, và chúng giúp ta hiểu thấu về trạng thái quyền lực trong phòng.

Việc quan sát cách một người chọn chỗ ngồi, cũng giống như việc quan sát ngôn ngữ cơ thể của họ, có thể cho chúng ta biết mức độ thân thiết của người đó đối với các thành viên khác trong nhóm. Động cơ của một người cũng có thể được hé lộ khi họ chọn chỗ ngồi. Khi đã hiểu rõ những nguyên tắc then chốt đó, chúng ta có thể chủ động vận dụng kiến thức này để đạt được mục tiêu của mình.

Khi nói đến công việc thì mọi thứ trở nên khó đoán

Đối với những mối quan hệ thân mật, chúng ta không suy nghĩ quá nhiều về việc mình ngồi ở đâu. Hầu hết các cặp đôi đều thích ngồi cạnh nhau bởi điều đó phản ánh lối tư duy bình đẳng và thúc đẩy sự hợp tác. Việc ngồi đối diện người khác có thể tạo cảm giác cạnh tranh hoặc phòng vệ.[1]

Khi nói đến công việc thì mọi chuyện lại có thể phức tạp hơn. Thường thì chúng ta không thân thiết với các đồng nghiệp như với bạn đời của mình. Bạn không muốn mình trông có vẻ xa cách, nhưng bạn cũng không muốn xâm phạm không gian của người khác. Có thể sẽ khó đạt được trạng thái cân bằng, những chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ một vài cách thực hành tốt nhất cho bạn khi chọn chỗ ngồi tại nơi làm việc.

Đừng chọn chỗ một cách ngẫu nhiên. Hãy luôn nghĩ đến một mục đích nào đó

Trong bất kỳ tình huống nào, điều quan trọng là hãy định hình suy nghĩ của bạn trước khi cố gắng học và ứng dụng các kỹ năng mới. Nếu là người chuẩn bị thuyết trình, thì bạn nhớ chuẩn bị các trang trình chiếu, thực hiện nghiên cứu và thảo sẵn các ý của bài nói trước. Tất nhiên bạn sẽ muốn chuẩn bị sẵn sàng, và bạn sẽ hành động theo mục đích đó.

Rất ít người nhớ đến việc tự hỏi bản thân rằng mình hy vọng nhận được gì từ một cuộc họp hoặc một sự kiện trước khi họ ngồi xuống. Có thể họ đến muộn, hoặc chọn chỗ một cách ngẫu nhiên. Việc đó đôi lúc vẫn có tác dụng, nhưng nếu có thể bước vào một cuộc họp với ý định rõ ràng thì bạn sẽ có cơ hội lớn hơn để đạt được những gì mình muốn. Việc đạt được những điều bạn muốn chủ yếu phụ thuộc vào vị trí bạn ngồi ở đâu.[2]

Vị trí tốt nhất để tạo dựng lòng tin

Nếu muốn chiếm được lòng tin của một người nào đó không thân thiết với mình thì tốt nhất là bạn nên chọn cách sắp xếp chỗ ngồi sao cho có thể thúc đẩy sự hợp tác thay vì sự phòng vệ. Những tình huống mà bạn có thể sẽ muốn tạo dựng lòng tin bao gồm việc bán hàng, huấn luyện cho ai đó, hoặc tham gia một buổi phỏng vấn xin việc mà tại đó bạn muốn thể hiện khả năng làm việc với những người khác.

Hãy chọn chỗ ngồi ở góc bàn


Trong những tình huống cần tạo dựng lòng tin, việc chọn chỗ ngồi ở góc giúp bạn có lợi thế hơn so với các vị trí khác. Ngồi bên cạnh một người theo đường chéo là vị trí giúp hai người có thể cùng nhau xem xét các tài liệu hoặc bản ghi chép. Bạn có thể dễ dàng thể hiện ngôn ngữ cơ thể nói lên rằng "Tôi về phe anh mà."

Việc ngồi đối diện với người khác tại bàn có thể khiến bạn trông có vẻ muốn cạnh tranh hoặc khá hùng hổ. Còn việc tự đặt mình ngồi ngay kế bên người đó có thể tạo cảm giác thân mật quá mức đối với cuộc gặp lần đầu tiên.

Hãy ngồi bên phải

Việc chọn ngồi ở bên nào cũng tạo sự nên khác biệt đấy. Không phải tự nhiên mà có cụm từ "là cánh tay phải" của ai đó đâu.


Việc chọn ngồi bên phải sẽ ít gây đe dọa hơn ngồi bên trái. Điều này có thể có liên quan với thực tế rằng hầu hết mọi người đều thuận tay phải. Một người thuận tay phải ngồi kế bên bạn sẽ ít có khả năng gây ra bất kỳ nguy hiểm nào bằng tay không thuận của họ, là tay ở gần với bạn hơn trong tình huống này.

Hãy để người kia ngồi quay lưng lại phía tường chứ không phải phía cửa

Khi có một bức tường hoặc một mặt phẳng chắc chắn phía sau, người đối diện sẽ cảm thấy an tâm hơn. Chẳng có mối đe dọa nào về việc ai đó lén lút đi vào từ cánh cửa phía sau họ hoặc len lén đi ngang qua ở phía bên kia của vách kính cả. Người quay lưng lại phía tường và quan sát rõ được cửa sẽ ở vị trí có quyền lực.

Vị trí thể hiện cho người khác thấy bạn là nhà lãnh đạo có thể trông cậy được

Dù bạn có đang ở vị trí lãnh đạo hay không, hay bạn có đang nhắm tới việc thăng chức, thì bạn vẫn nên chọn một chỗ ngồi giúp truyền tải được uy quyền và năng lực của mình.

Hãy ngồi ở đầu bàn

Nếu có thể, hãy chọn chỗ ngồi ở phần đầu của bàn. Chúng ta đều có hướng suy nghĩ rằng người ngồi ở vị trí đó là người có quyền lực cao nhất. Việc ngồi ở vị trí đó là một cách để khoác lên mình vai trò lãnh đạo trong mắt những thành viên khác đang nhìn vào bạn.


Hãy tránh xa cửa

Quyền uy mà bạn có được từ việc ngồi ở đầu bàn sẽ dễ dàng bị xóa bỏ nếu bạn ngồi quay lưng lại với cửa. Vị trí quyền lực nhất là vị trí đầu bàn mà lưng bạn quay lại phía tường hoặc một mặt phẳng nào đó.

Việc giữ cho lưng của mình luôn quay về phía tường thay vì phía cửa là điều quan trọng ở đây, với cùng lý do như khi bạn đang tạo dựng lòng tin. Việc quay lưng về phía cửa sẽ không cho bạn có cơ hội để làm chủ không gian đó, bởi mọi người có thể ra vào sau lưng bạn.

Nếu bạn không thể ngồi ở đầu bàn thì hãy chọn chỗ ngồi ở giữa


Trong một vài trường hợp, sếp của bạn hoặc một nhân viên có vai vế cao hơn bạn sẽ chiếm lấy vị trí đầu bàn. Có thể là trong văn phòng của bạn có một luật bất thành văn rằng người quản lý sẽ ngồi ở vị trí đầu. Khi đó bạn hãy ngồi ở vị trí giữa.

Vị trí ở giữa là chỗ tuyệt vời bởi nó cho phép bạn làm người trung gian hoà giải. Ngôn ngữ cơ thể của bạn từ chỗ ngồi ở giữa có thể cho mọi người thấy rằng bạn sẵn sàng kết nối các ý tưởng và kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.

Những người ngồi ở giữa thường có xu hướng đặt ra các câu hỏi và giữ cho cuộc thảo luận luôn tiến triển. Được vây quanh bởi những người khác nên đây là một vị trí an toàn, có thể giúp những người đang cần tăng thêm lòng tự tin có thêm sự ủng hộ.

Những người tổ chức có thể khiến mọi người cùng tham gia như thế nào

Các nhà lãnh đạo và tổ chức sự kiện có thể lợi dụng cơ sở tâm lý học của việc sắp xếp chỗ ngồi để làm cho các cuộc họp và các chương trình diễn ra suôn sẻ hơn.[3] Dù bạn đang tổ chức một chiến dịch, dạy một lớp học, hay huấn luyện cho một nhóm người, sẽ có một vài sự lựa chọn về chỗ ngồi mà bạn có thể áp dụng để cải thiện kết quả cho chính bản thân mình và những người tham gia.

Hãy dùng một chiếc bàn tròn thay cho bàn vuông hay hình chữ nhật

Nếu bạn có thể chọn, hãy lấy bàn tròn thay vì bàn vuông hay hình chữ nhật. Vì nó không có vị trí đầu nên tất cả mọi người đều có cơ hội được bình đẳng với nhau trong cuộc đối thoại. Bàn tròn cho phép mọi người đều cảm thấy mình có vị thế và có tiếng nói. Bạn cũng có thể nhìn thấy tất cả mọi người ngồi tại một chiếc bàn tròn, điều mà không phải lúc nào cũng làm được đối với bàn vuông.[4]

Khi ngồi ở bàn có cạnh thẳng, mọi người thường bị đặt ở vị trí đối diện nhau. Việc ngồi đối mặt như vậy có thể dẫn tới xung đột nhiều hơn là đồng thuận. Hãy nhớ, việc ngồi đối mặt với người khác thường tạo ra vị thế đối đầu.

Hãy tránh đặt mọi người ngồi thành hàng

Trước đây, học sinh phải ngồi sát nhau thành hàng ngay ngắn. Cách ngồi này trông có vẻ gọn gàng, nhưng không phải là cách hiệu quả để mọi người tạo nên sự kết nối và học hỏi lẫn nhau. Nhiều lớp học đã phá bỏ kiểu sắp đặt chỗ ngồi cứng nhắc này. Việc sắp xếp chỗ ngồi thành hình chữ U hoặc xếp xung quanh những chiếc bàn tròn theo từng nhóm nhỏ sẽ tốt hơn.

Khi ngồi theo hàng thì sự chú ý sẽ bị phân theo thứ bậc. Học sinh nào chăm chú nghe giảng sẽ chọn ngồi ở phần trước hoặc phần giữa của nhóm. Những người dạt ra bên trái và xuống phía cuối phòng sẽ trở nên sao lãng hoặc phân tâm. 

Nếu bạn muốn tất cả mọi người cùng tham gia thì hãy chia họ thành những nhóm nhỏ ngồi vào các bàn tròn. Với cách sắp xếp này, sự tập trung sẽ được dành cho các thành viên khác trong nhóm chứ không phải người ngồi ở phần trước của căn phòng. Trong các nhóm nhỏ, mọi người sẽ có thêm cơ hội để kết nối với nhau và không thể trốn ở phía sau được.

Khi đã được trang bị kiến thức này, bạn có thể đưa ra những quyết định lựa chọn chỗ ngồi một cách có chủ ý, giúp bạn đạt được những mục tiêu của mình. Bạn sẽ nhận ra sự khác biệt về tính hiệu quả của mình trong các cuộc họp, và những người khác sẽ nhận thấy những sự thay đổi tinh tế về ngôn ngữ cơ thể và uy quyền dựa trên vị trí ngồi của bạn.

Có thể chúng ta không còn sợ ai đó rút kiếm chĩa vào mình khi người đó ngồi phía bên trái ta, nhưng ta vẫn có xu hướng tin tưởng người ngồi ở bên phải mình hơn. Lịch sử của những cách sắp xếp chỗ ngồi nhất định vẫn còn ý nghĩa, kể cả khi nhiều sự chứng minh trước đây về những truyền thống này đã bị lãng quên. Hãy kéo ghế ra tại một chiếc bàn tròn để hợp tác, hoặc ngồi ở đầu bàn để nắm lấy quyền lực.

Tài liệu tham khảo