2 tháng trước
10 Lời Nói Dối Cha Mẹ Nói Rất Nhiều Nhưng Không Bao Giờ Để Ý Đến
243

3410
Lượt xem
41
Lượt chia sẻ
9
Lượt bình luận

Các bậc phụ huynh nói dối những đứa con của họ hàng ngày, chỉ là họ không nhận ra điều đó. Bạn có thể dạy con bạn không được nói dối, nhưng việc bạn liên tiếp nói những lời này dù có nhỏ đển mấy cũng sẽ dạy chúng nói dối thôi. Chúng sẽ nghĩ nói dối vẫn ổn, vì bố mẹ đều làm thế mà.

Là một phụ huynh, tôi hoàn toàn hiểu được thỉnh thoảng chúng ta nói dối để bảo vệ con mình, ta yêu chúng nhiều đến mức ta không muốn chúng bị tổn thương. Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng nói dối thật ra không hề tốt cho bọn trẻ, nó chỉ có tác dụng ngược lại và làm chúng trở thành những kẻ nói dối. Rõ ràng đó không phải điều ta muốn, vậy nên chúng ta cần ngừng việc đó lại, thành thật với chính bản thân và những đứa con của chúng ta.

Vài lời nói dối mà các bậc cha mẹ nói hàng ngày một cách vô thức

Dưới đây là vài ví dụ lời nói dối cha mẹ thường nói, kèm theo những giải pháp tốt hơn. Những ví dụ này giúp bạn tưởng tượng ra cách giải thích của riêng bạn cho những lời nói dối bạn có thể vẫn đang nói hàng ngày với bọn trẻ.

1. “Ông già Noel đang dõi theo con đấy”

Thay vì doạ dẫm bọn trẻ rằng ông già Noel sẽ không tặng quà, hãy tước đi thứ gì đó luôn và ngay để chúng biết rằng hành động của mình gây ra hậu quả ngay lập tức. Chẳng hạn mấy đứa nhỏ đang đánh nhau và bạn muốn chúng dừng lại ngay lập tức, nên việc bạn nói ông già Noel đang nhìn kìa (cuối cùng chúng cũng nhận ra bạn nói dối thôi) cho thấy hậu quả hành động của chúng. Hãy có hình phạt thực tế hơn như là lấy đi mấy đồ điện tử trong vài giờ hoặc có khoảng thời gian thực hiện hình phạt nhẹ (time out period). Phương pháp yêu cầu một lần (one ask) này rất có tác dụng khi bọn trẻ tranh cãi và được giải thích trong bài viết này: Cách Hiệu Quả Để Nói Chuyện Với Con Trẻ.

2. “Bố/Mẹ sẽ không bao giờ để chuyện gì tồi tệ xảy ra với con”

Đây có thể là mục đích của bạn, nhưng chưa chắc nó có thể xảy ra. Bạn không thể bảo vệ con mình 24/7. Thay vào đó hãy nói sự thật, nhưng chỉnh sửa một chút để con bạn cảm thấy được bảo vệ, nhưng cũng nhận thức được nguy hiểm. Nói gì đó kiểu như "Mẹ luôn cố gắng để bảo vệ con, nhưng ở ngoài kia vẫn có những người xấu nên mẹ không muốn con tách khỏi mẹ khi ở trong cửa hàng, vì vẫn có những đứa trẻ bị bắt cóc khỏi cha mẹ chúng. Mẹ ở đây để bảo vệ con, nhưng nếu con đi lung tung, mẹ không ở cạnh và con có thể sẽ rơi vào nguy hiểm". Điều này nghe có vẻ sợ, nhưng đó cũng là sự thật. Bạn không muốn gây ra sự lo lắng thái quá cho con, vậy nên hãy chọn từ ngữ một cách cẩn thận. Cho con biết rằng mặc dù bắt cóc rất hiếm gặp, đó vẫn là điều cha mẹ và con cái đều nên biết để họ cẩn thận với người lạ khi ở nơi công cộng.

3. “Công viên đóng cửa rồi”

Bạn biết rõ công viên đang mở cửa, nhưng bạn không có thời gian để dẫn các con đến đó vì phải đi có việc. Hãy nói sự thật thay vì nói dối. "Hôm nay mẹ không thể đưa các con đi công viên được vì chúng ta phải đi chợ mua đồ ăn cho cả tuần và mẹ có vài việc quan trọng khác phải làm xong trong hôm nay". Chúng có thể khóc nhè và kêu ca, nhưng không sao, chúng sẽ biết được thực tế cuộc sống là chúng không thể có tất cả những gì mình muốn mọi lúc mọi nơi. Nói thật cũng khiến bạn là một người cha người mẹ thật thà thay vì một kẻ nói dối, vì cuối cùng thì bọn trẻ cũng sẽ đủ lớn để nhận ra bạn nói dối về cái công viên bị đóng cửa.

4. “Không đau đâu, cha/mẹ hứa”

Bọn trẻ cần được bác sĩ tiêm, nhưng chúng lại la hét và bạn chỉ muốn chúng dừng ngay lại để còn tiêm. Tuy nhiên, chúng la hét vì biết bạn đang nói dối. Bạn đã nói sẽ không đau đâu vào lần đầu tiên chúng đi tiêm. Bọn trẻ biết hơn thế. Chúng biết rằng bạn đã nói dối vì thật sự là có đau mà. Đừng nói dối. Nói với con rằng nó chỉ như một vết chích nhỏ nhói như kiến cắn thôi, nhưng rồi sẽ qua và con sẽ được thưởng một cây kẹo mút. Hãy giải thích rằng việc tiêm là cần thiết vì bất kì lý do sức khoẻ nào đó. Đừng trở thành một kẻ nói dối. Bạn sẽ trở thành người xấu vì nếu bạn nói rằng không đau đâu nhưng nó lại rất đau thì bọn trẻ sẽ đổ lỗi cho bạn. Thực tế là khi tiêm có đau, nhưng cơn đau sẽ qua đi, vậy nên dẫn dắt bọn trẻ với sự thật đó và rồi bạn xem, chúng sẽ tin tưởng bạn hơn nhiều.

5. “Con là hoạ sĩ tuyệt vời nhất, tranh con vẽ quá xuất sắc!”

Đừng khen ngợi con khi bạn không chân thành. Bạn tin không, bọn trẻ không dễ bị mắc lừa như bạn nghĩ đâu. Chúng có thể nhận ra qua tông giọng, ngôn ngữ cơ thể, và biết khi nào bạn không hoàn toàn thành thật. Thay vào đó, bạn có thể khen ngợi sự sáng tạo hoặc sự khéo léo trong thành phẩm của con. Khen ngợi thứ gì đó bạn thật sự tin tưởng vào việc làm và khả năng của con, chứ không phải một thành phẩm bình thường đã hoàn thiện.

6. “Đến giờ đi ngủ rồi!”

Mới 7 giờ rưỡi và chưa đến giờ đi ngủ, vì bạn biết giờ ngủ thực sự của con là 8 giờ. Cách giải quyết đơn giản: "Đến giờ chuẩn bị đi ngủ rồi". Từ ngữ rất quan trọng. Bạn có thể có ý đến giờ chuẩn bị đi ngủ rồi, nhưng bạn lại vừa nói "đến giờ đi ngủ". Một khi bọn trẻ bắt đầu nhận biết được thời gian, bạn nên chắc chắn rằng bạn nói những gì bạn định nói và ý của bạn đúng như những gì bạn nói ra. Vấn đề cốt yếu ở đây là duy trì lòng tin giữa bạn và con trẻ. Đó có thể chỉ là một lời nói dối đơn giản lúc đầu, nhưng nói dối chồng chất nói dối sẽ tạo ra vấn đề to lớn với lòng tin.

7. “Bố không biết chuyện gì đã xảy ra với bức tranh treo trên tủ lạnh của con”

Bạn biết chuyện gì đã xảy ra vì chính bạn đã vứt nó đi. Bạn không thể giữ tất cả tranh của con đơn giản vì bạn không có đủ chỗ chứa nữa rồi. Giải pháp tốt nhất là giải thích điều này với con. Chỉ cho con thấy ngăn kéo hoặc cái thùng nơi con có thể giữ những đồ vật có ý nghĩa nhất do mình tạo ra. Bọn trẻ có thể cất đồ ở đó nếu chúng muốn chắc chắn đồ được giữ lại. Nếu cái thùng đầy thì đã đến lúc để dọn dẹp phân loại và tái chế những thứ chúng không muốn giữ nữa. Điều này dạy chúng có trách nhiệm với thành phẩm của mình, và cũng làm bạn trở thành một ông bố bà mẹ trung thực.

8. “Mẹ sẽ tới trong vòng một phút nữa”

Đúng, mục đích của bạn thì tốt. Bạn muốn tới để dỗ chúng ngủ hoặc giúp đỡ chúng làm bài tập hoặc với bất kì lý do nào đó. Tuy nhiên, bạn đang phải thanh toán hoá đơn và muốn hoàn thành xong việc bạn đang làm. Vậy thì hãy nói ra điều đó. Nói với con là mẹ phải thanh toán hết đống hoá đơn này và sau đó mẹ có thể đến giúp con. Đừng nói dối bằng câu nói chỉ một phút thôi, vì nó có thể kéo dài hơn, và thời gian trôi qua càng nhiều thì bạn càng trở nên giống một kẻ nói dối. Hãy tránh việc đó, đơn giản bằng cách nói thật và nói cụ thể.

9. “Mẹ sẽ rời khỏi nhà mà không có con đi cùng”

Thay vì dùng cách doạ dẫm, sử dụng những hoàn cảnh cụ thể và thực tế để khiến chúng hành động. Bạn có thể nói "Nếu con không đi giày vào và sẵn sàng ngồi lên xe trong 5 phút nữa, con sẽ không được xem TV tối nay đâu". Hãy chắc chắn rằng bạn luôn làm theo những gì bạn đã nói. Bạn sẽ thấy con mình trở nên nghe lời vì những gì bạn nói, không phải vì chúng sợ bạn, mà vì lời nói của bạn có trọng lượng.

10. “Chúng ta không có đủ tiền để làm gì đó”

Thay vì nói dối, giải thích ở mức độ mà trẻ có thể hiểu được. Hãy nói rằng vì tất cả mọi người đều muốn đi nghỉ mát nên chúng ta không thể đi xem phim hoặc làm gì đó khác. Giúp con hiểu rằng thi thoảng để làm điều gì đó vui vẻ và đặc biệt cũng cần phải hy sinh một chút. Bạn không chỉ đang dạy con một bài học giá trị trong cuộc sống, mà còn không biến bạn thành kẻ nói dối.

So với nói dối, biết sự thật là cách tốt nhất để con bạn học hỏi và lớn lên

1. Biết hậu quả của những hành động xấu là cách nhanh nhất để sửa chúng

Nếu con bạn nổi điên lên ở quầy tính tiền mỗi khi bạn đi mua đồ vì chúng muốn mua kẹo và bạn nói "Lần sau mẹ sẽ mua cho con", bạn đang chuẩn bị cho những thất bại trong tương lai đấy. Đến cuối cùng chúng sẽ nhận ra lần nào bạn cũng nói vậy nên chúng sẽ tiếp tục tức giận và hành vi đó sẽ tăng lên.

Hãy thành thật, và để con biết hậu quả của việc con nổi giận. Để nhớ điều này bạn cần có giải pháp sẵn sàng cho lần tới ở quầy tính tiền. Có thể trước khi bước vào cửa hàng bạn hãy nói chuyện đơn giản với con và giải thích rằng việc tức giận sẽ không được chấp nhận.

Để con biết rằng sẽ có hình phạt cụ thể nếu con tức giận trong cửa hàng, ví dụ như không được xem TV suốt ngày hôm đó. Chúng có thể vẫn tức giận, nhưng khi bạn thực hiện hình phạt chúng sẽ nhanh học được rằng hành động đó sẽ đi kèm với hậu quả, vì bạn sẽ làm theo lời bạn nói. Lời nói của bạn có năng lực biến bạn thành một ông bố bà mẹ đáng tin cậy hay không và sự phát triển của lòng tin này đều bắt đầu từ tuổi thơ.

2. Học từ những lời nhận xét chân thật vẫn tốt hơn là trốn tránh nỗi thất vọng

Tốt hơn là thành thật và làm con thất vọng và có lẽ chúng sẽ chịu đựng những nỗi buồn nhỏ trong suốt quá trình, hơn là phá hỏng mối quan hệ lâu dài giữa cha mẹ và con cái. Lòng tin là nền tảng của mối quan hệ lâu dài đó. Khi bạn bỏ lỡ trận bóng của con vì bạn đang ăn tối với một người bạn và quên béng mất trận đấu. Thay vì nói thật thì bạn nói "Mẹ xin lỗi vì lỡ trận bóng, mẹ có một buổi gặp công việc quan trọng không thể bỏ qua".

Đây là ví dụ của lời nói dối vô hại nhưng lại tạo nên sự ngờ vực theo thời gian, vì bọn trẻ sẽ biết mọi thứ và nhận ra bạn đang nói dối. Có thể bạn sẽ vô tình gặp người bạn đó khi đang đi cùng con mình và họ sẽ nhắc đến việc cùng ăn tối hôm đó. Giờ thì con bạn biết bạn đã nói dối. Bạn bị bắt quả tang rồi. Vậy thì nói sự thật từ đầu có phải tốt hơn không? Đương nhiên rồi, nên hãy biến nó thành thói quen đi, kể cả khi việc đó có làm con bạn hoặc chính bạn không được thoải mái cho lắm hoặc khó chịu. Lòng tin là nền tảng quan trọng nhất của một mối quan hệ, vậy thì đừng phá huỷ nó trong khi đơn giản bạn chỉ cần thành thật trong mọi việc.

Đơn giản lắm, bạn chỉ cần nói với con rằng "Mẹ rất xin lỗi vì không thể tới trận đấu được, mẹ vừa ngồi ăn tối với một người bạn và hoàn toàn quên mất trận đấu. Mẹ thấy rất tệ vì việc này nên mẹ sẽ cố gắng tới trận đấu lần sau". Thành thật luôn là điều tốt nhất. Bạn đạt được sự tin cậy với lòng thật thà, mặc dù bạn đang nhận lỗi. Psychology Today đã thảo luận vấn đề cha mẹ nói dối để trốn tránh nỗi thất vọng và nhận định như sau:

Sự thật là con trẻ có thể đương đầu với bất kì nỗi thất vọng nào nếu được cha mẹ giúp đỡ. Điều này cũng đúng theo chiều ngược lại, khi liên tục bị cha mẹ nói dối các con sẽ bắt đầu nghi ngờ và không tin tưởng thậm chí một sự thật đơn giản nhất.


Hãy thành thật, đừng nói dối, vì nó phá hỏng khả năng tin tưởng của con dành cho bạn trong tương lai. Những niềm tin nhỏ sẽ dẫn đến lòng tin lớn hơn. Nếu con bạn không thể tin tưởng bạn từ những điều nhỏ nhặt, làm sao chúng có thể tin tưởng bạn với những vấn đề lớn hơn, như là dùng chất gây nghiện hay tình dục. Mọi cha mẹ đều muốn con mình cởi mở trong giao tiếp và muốn có lòng tin của con cái, nhưng rất nhiều người làm giảm mối quan hệ tin tưởng ấy đi rất nhiều suốt tuổi thơ của con vì những lời nói dối nhỏ nhặt trong suốt những năm đầu đời ấy.