5 ngày trước
15 Dấu Hiệu Nhận Biết Hành Vi Tự Yêu Bản Thân
379

4717
Lượt xem
248
Lượt chia sẻ
69
Lượt bình luận

Hành vi cuồng yêu bản thân sẽ hủy hoại các mối quan hệ. Khi biết rằng bạn đang ở trong một mối quan hệ với người cuồng yêu bản thân, bạn sẽ cảm thấy mình đang đâm đầu vào ngõ cụt - rốt cuộc thì bạn sẽ phải quay về và làm lại từ đâu thôi.

Từ đầu đến cuối, thì bạn vẫn sẽ là người cho đi, trong khi người cuồng yêu bản thân bên cạnh bạn vẫn cứ lấy đi mọi thứ. Đó có thể là một mối quan hệ trong công việc, mối quan hệ bạn bè hoặc cũng có thể là một mối quan hệ yêu đương. Người cuồng yêu bản thân chẳng khó khăn mấy khi muốn lôi kéo người khác vào những mối quan hệ như vậy.

Trường hợp chứng cuồng yêu bản thân dẫn đến ngõ cụt là trường hợp cực đoan. Mức độ cuồng yêu bản thân của mỗi người nằm trong khoảng từ nhẹ đến nặng - cuồng yêu bản thân ở mức độ nặng là một dạng bệnh lý, một dạng rối loạn mà nếu không được kiểm tra thì sẽ trở nên mất kiểm soát ở đa số các trường hợp. Cuồng yêu bản thân ở mức độ nhẹ là một kiểu hành vi mà chúng ta rất thường gặp.

Kiểu rối loạn này không dễ nhận ra; nếu bạn ngờ ngợ rằng mình đang tiếp xúc với một người cuồng yêu bản thân - hoặc có thể bạn tự hỏi rằng mình có thiên hướng cuồng yêu bản thân hay không - thì hãy tìm kiếm những hành vi sau đây.

1. Họ hướng toàn bộ sự tập trung về bản thân họ

Người cuồng yêu bản thân có biểu hiện như sau: họ thật sự thích nói về chính mình. Susan Heitler, một nhà tâm lý học lâm sàng, cho biết:[1]

“Về cơ bản thì cuồng yêu bản thân có nghĩa là một kiểu rối loạn khả năng lắng nghe.”

Khi bạn nói chuyện với một người cuồng yêu bản thân, bạn sẽ thấy họ không thực sự lắng nghe bạn, họ chỉ đang đợi đến lượt để nói về bản thân mình.

Bất cứ ai cũng có lần mắc phải khuyết điểm này, tuy nhiên người cuồng yêu bản thân sẽ liên tục chiếm trọn cuộc nói chuyện để lái câu chuyện theo ý muốn của họ.

Người cuồng yêu bản thân có thể hỏi thăm về một ngày của bạn, tuy nhiên đó chỉ là một cách để bắt đầu cuộc nói chuyện mà họ là nhân vật trung tâm. Họ luôn có xu hướng ngắt lời người khác và thay đổi chủ đề câu chuyện.

Ở mức độ nghiêm trọng, người cuồng yêu bản thân sẽ nổi giận nếu bạn cố gắng áp đặt ý kiến của bạn. Người cuồng yêu bản thân luôn cho rằng mình đúng kể cả khi kết luận của họ thiếu logic.

2. Họ muốn kiểm soát và quyền lực, và họ cũng muốn dẫn đầu

Thông thường hành vi cuồng yêu bản thân sẽ đưa người đó vào vị trí dẫn dắt, lãnh đạo[2] bởi vì điều đó khiến họ cảm thấy tự tin.

Tuy nhiên bạn nên cẩn thận nếu cho rằng sếp hoặc một ông nghị nào đó là người cuồng yêu bản thân. Khả năng thu hút quần chúng cũng như khả năng dẫn dắt không nhất thiết là dấu hiệu của chứng cuồng yêu bản thân. Theo nghiên cứu của đại học Rutgers thì:[3]

“Kỹ năng lãnh đạo của một chính trị gia đôi khi khiến người khác lầm tưởng là chứng cuồng yêu bản thân.”

Tuy nhiên về mặt số liệu thống kê thì các chính trị gia lại không sở hữu đặc tính của chứng cuồng yêu bản thân nhiều hơn những người khác.

Để biết được liệu sếp hoặc người đứng đầu có phải là người cuồng yêu bản thân, hãy xem thử họ có những hành vi kiểm soát một cách công khai hoặc những phát ngôn hoành tráng hay không.

3. Họ thường xuyên có những lời tuyên bố hoành tráng

Chỉ cần nghe qua thì bạn sẽ biết ngay đâu là lời tuyên bố hoành tráng. Người cuồng yêu bản thân sẽ sử dụng những lời nói như vậy để lôi kéo sự chú ý, khiến người khác tin cậy và ngưỡng mộ họ.

Người cuồng yêu bản thân dạng này luôn cảm thấy mình đang nắm quyền. Thay vì nói, "Tôi vẫn còn nhiều điều phải học, tuy nhiên tôi khá tự tin rằng tôi có thể thành công" , thì người cuồng yêu bản thân sẽ nói những câu đại loại như: "Tôi thật sự cảm thấy mình xứng đáng được tăng lương hơn so với những người khác trong phòng ban."

Ở mức độ nghiêm trọng, những người cuồng yêu bản thân nào có phát ngôn hoành tránh đều có xu hướng ảo tưởng về sự vĩ đại. Họ chính là người "tốt nhất." Người cuồng yêu bản thân ở mức độ bệnh lý tin rằng mình có thể trở thành người nổi tiếng nhất trên toàn nước Mỹ (họ sẽ chọn một người nổi tiếng và so sánh mình với người đó, hoặc họ khăng khăng rằng mình có mối liên hệ cá nhân với một người nổi tiếng), họ xứng đáng được cai trị thế giới, và còn nhiều loại ảo tưởng khác tương tự.

4. Họ không chung thủy với bạn

Người cuồng yêu bản thân có xu hướng thiếu chung thủy bởi vì họ cảm thấy yên lòng khi lợi dụng người khác bằng những hoạt động tình dục. Hành vi lừa dối sẽ càng khiến người cuồng yêu bản thân cảm thấy mình đáng giá hơn và có nhiều quyền lực hơn.

Tác giả Anna Cherry cho rằng hành vi cuồng yêu bản thân ở tình dục có liên hệ mật thiết với việc thiếu chung thủy:[4]

Theo Cherry, các nhà nghiên cứu đã dành một thời gian dài để nghiên cứu và công bố kết quả trên Tạp chí Hành vi Tình dục (Archives of Sexual Behavior). Trong số 123 cặp vợ chồng được khảo sát, những người thiếu chung thủy nhất là những người mắc chứng cuồng yêu bản thân ở cấp độ cao nhất, trong đó bao gồm "lạm dụng tình dục, ảo tưởng quyền lực tình dục (sexual entitlement), thiếu cảm thông trong tình dục và cảm giác đạt được kỹ năng tình dục thượng thừa."

5. Họ lợi dung bạn cho đến khi đạt được điều mình muốn

Có hai dạng cuồng yêu bản thân:[5]

  • Kiểu hướng ngoại, tự cao tự đại và đầy quyến rũ mà chúng ta đã thảo luận trên đây.
  • Và một dạng người trông có vẻ đối lập hoàn toàn - kiểu người cuồng yêu bản thân có biểu hiện dễ tổn thương, cực kỳ mẫn cảm, luôn tỏ ra lo lắng, cho thấy sự thiếu tự tin và dường như là kiểu người hướng nội, tuy nhiên thực sự trong đầu họ toàn chứa đựng những viễn cảnh kỳ vĩ và sử dụng vẻ ngoài dễ tổn thương để lợi dụng người khác.

Cả hai kiểu người cuồng yêu bản thân này đều có xu hướng lợi dụng người khác bằng cách thao túng cảm xúc.

Người cuồng yêu bản thân kiểu hướng ngoại sẽ quyến rũ và nịnh bợ bạn cho đến khi anh ta đạt được điều mình muốn (sử dụng đại từ "anh ta" là có chủ ý - nhà tâm lý học Fred Stinson nhận thấy rằng đàn ông có xu hướng trở thành người cuồng yêu bản thân hơn).[6] Người cuồng yêu bản thân kiểu hướng nội sẽ khuấy động sự đồng cảm và cảm xúc tội nghiệp của bạn đối với họ.

Cả hai loại người cuồng yêu bản thân này sẽ lợi dụng bạn để được chấp nhận về mặt cảm xúc, tình dục, xã hội và thể chất. Một thủ thuật thao túng của người cuồng yêu bản thân là họ sẽ nói với bạn rằng họ vẫn còn những sự lựa chọn khác nhưng họ vẫn chọn bạn: hãy cẩn thận với kiểu người này.

6. Họ hứa hẹn đủ điều với bạn và sử dụng ngôn từ vu vơ đậm chất tình dục

Không đùa được đâu - người cuồng yêu bản thân sẽ vận dụng ngôn từ mạnh mẽ và trực diện hơn hẳn so với người khác.​​​​​​​[7]

Ngôn từ tục tĩu và sặc mùi tình dục có xu hướng lôi kéo sự chú ý và khiến người khác cảm thấy sốc. Họ sẽ hứa hẹn nhiều hơn bình thường, họ sẽ cực kỳ nặng lời khi tranh cãi với bạn và họ sẽ sử dụng những cử chỉ phô trương để nhấn mạnh điều họ muốn nói.

Vào những thời điểm dầu sôi lửa bỏng, người cuồng yêu bản thân sẽ nói bất kỳ điều gì để duy trì quyền lực.

7. Họ liên tục tranh cãi với bạn

Người cuồng yêu bản thân ở mức độ nặng luôn cho rằng mình đúng. Khi mối quan hệ giữa bạn với người cuồng yêu bản thân đã tiến triển xa hơn, khi mặt nạ đã gỡ xuống, anh ta hoặc cô ta sẽ không còn nói về những điều mà họ nghĩ bạn đang muốn nghe nữa. Sau đó, những cuộc tranh cãi sẽ diễn ra thường xuyên hơn và căng thẳng hơn.

Một lần nữa, bạn không thể giành được phần thắng khi tranh luận bởi vì người cuồng yêu bản thân không đi theo logic nào cả. Chỉ có một kiểu logic là khi họ đạt được mục đích.

8. Họ thường xuyên tham gia và rời khỏi các mối quan hệ

Khi nghiên cứu về các mối quan hệ của người cuồng yêu bản thân, nhà tâm lý học W. Keith Campbell đã nhận thấy một xu hướng:

Những mối quan hệ của họ sẽ đạt đỉnh sau bốn tháng, sau đó về cơ bản là đã chấm dứt.[8] Những người tham gia vào mối quan hệ với người cuồng yêu bản thân cho biết họ cảm thấy thỏa mãn cao độ trong bốn tháng đầu tiên, và sau đó thì mức độ thỏa mãn tụt giảm nhanh chóng. Điều này cho thấy người cuồng yêu bản thân có xu hướng lợi dụng người khác cho đến khi khoảng thời gian tươi đẹp đã đi qua.

Sau bốn tháng, xu hướng cãi vã, nhu cầu tranh giành quyền lực, tình trạng thiếu chung thủy, lợi dụng nhau, và bầu không khí hời hợt bao trùm sẽ điểm thời khắc chấm dứt mối quan hệ.

9. Họ quan tâm quá mức đến vẻ bề ngoài

Simine Vazier và những nhà nghiên cứu khác nhận thấy rằng:​​​​​​​[9]

“Người cuồng yêu bản thân có xu hướng mặc quần áo đắt tiền, lòe loẹt, vẻ ngoài chỉn chu, gọn gàng vốn cần nhiều thời gian chuẩn bị, và (với phụ nữ) trang điểm đậm và khoe đường xẻ ngực sâu.”

Người cuồng yêu bản thân thường được đánh giá cao hơn về khả năng lôi cuốn bằng vẻ ngoài, đồng thời những người đàn ông cuồng yêu bản thân sẽ có xu hướng tìm đến những người phụ nữ được xem là ưa nhìn.

Những người đàn ông cuồng yêu bản thân sẽ dành thêm thời gian chăm sóc cơ bắp của mình, trong khi những người phụ nữ cuồng yêu bản thân lại dành nhiều thời gian để chăm chút cơ thể. Điều này lý giải cho những mối quan hệ lãng mạn ngắn ngủi với người cuồng yêu bản thân. Vẻ ngoài lôi cuốn ngay lập tức nhưng cảm xúc lại cực kỳ tệ hại.

10. Họ thay đổi chủ đề khi đụng đến vấn đề cảm xúc

Cụ thể thì người cuồng yêu bản thân hướng ngoại và thích sự hoành tráng sẽ không muốn nói về cảm xúc của họ với bạn bởi vì điều đó sẽ đưa họ vào vị thế dễ bị tổn thương và làm suy yếu quyền lực của họ đối với bạn.

Nếu một người cuồng yêu bản thân lại đề cập đến cảm xúc của họ thì họ đang dối trá. Họ sử dụng sự lôi cuốn của cảm xúc để được gần gũi với bạn hơn. Cảm xúc mà họ nhắc đến có thể không khác quá nhiều so với những gì họ cảm nhận.

11. Đôi mắt họ mất dần cảm xúc và trở nên xa cách khi bạn đang nói

Họ có thể gật đầu, nói “uh-huh” hoặc “yeah,” đồng thời tỏ ra mình vẫn đang lắng nghe, tuy nhiên bạn có thể nhận ra ngay khi thấy đôi mắt họ không tỏ ra quan tâm. Bạn sẽ nhận thấy đôi mắt đờ đẫn cùng với vẻ xa cách của họ khi bạn đang nói đến trải nghiệm của bản thân hay về bất cứ điều gì không liên quan đến người cuồng yêu bản thân đó.

Người cuồng yêu bản thân mất dần cảm xúc bởi vì họ hoàn toàn không lắng nghe bạn. Họ đang nghĩ về điều họ sắp nói. Nghe bạn nói là nhường bớt một ít quyền kiểm soát cho bạn rồi.

12. Họ cực kỳ khó chịu khi thua cuộc

Không ai muốn thua cuộc, tuy nhiên khi người cuồng yêu bản thân thua cuộc, họ không thể chấp nhận điều đó và rời đi. Nếu học thắng, thì họ sẽ chế giễu người thua.

Bạn sẽ nhận ra sự khác biệt về xung lực cạnh tranh giữa một người bình thường và người cuồng yêu bản thân khi nhận thấy mức độ đau đớn trong quá trình cạnh tranh với người cuồng yêu bản thân, dù cho kết quả có như thế nào đi nữa. Khi sử dụng điểm số thắng thua, bạn sẽ hiểu rằng người cuồng yêu bản thân sẽ cuồng nhiệt hơn không phải vì vui thích mà là vì muốn thống trị.

13. Họ thích vượt qua ranh giới và phá vỡ quy tắc

Đây là một dấu hiệu rõ ràng để nhận biết hành vi cuồng yêu bản thân:

Khi bạn đặt ra ranh giới, họ sẽ phá vỡ ranh giới đó.

Bạn yêu cầu họ không được mời ai đến nhà khi bạn đi xa nhưng họ vẫn tổ chức tiệc tùng. Bạn nói với họ không được sờ vào tóc của bạn - họ vẫn cứ sờ. Có thể họ sẽ thực hiện những hành vi tình dục không được phép, hay còn gọi là lạm dụng tình dục. Họ cũng tìm kiếm các tiêu chuẩn và quy tắc xã hội để phá vỡ, gần như xem đấy như là trò chơi. Họ không đưa tiền tip, họ vượt đèn đỏ vào ban đêm, họ chế giễu người tàn tật ở sau lưng họ.

Họ làm tất cả những điều đó để xây dựng hình ảnh thống trị và vượt trội so với người khác.

14. Họ thu thập chiến lợi phẩm và các biểu tượng thể hiện địa vị

Ngay cả nếu đó là một câu chuyện về một người nổi tiếng, một ngôi sao nhạc rock hay một bữa tiệc hoàn hảo tuyệt đối (ở đó người cuồng yêu bản thân này là ngôi sao), họ sẽ đắm chìm vào thế giới của các biểu tượng thể hiện địa vị.

Những chiếc xe hơi thể thao màu đỏ cherry sáng loáng, những cây đàn ghi ta đầy chữ ký treo trên tường, những bức ảnh tự sướng ở những địa điểm hấp dẫn, tay trong tay với những người phụ nữ lộng lẫy, ăn mặc thiếu vải - đó là những dấu hiệu rõ nét nhất về những người cuồng yêu bản thân, tuy nhiên với cách thức tế nhị hơn, người cuồng yêu bản thân sẽ chuyển hóa toàn bộ những điều họ làm thành một chiến lợi phẩm.

15. Họ thực sự tôn sùng hình ảnh một con người hoàn hảo trong cuộc sống của mình

Dù người cuồng yêu bản thân luôn tạo dựng hình ảnh bản thân tỏ ra vượt trội hơn so với người khác - vốn được xem là tính kiêu kỳ - tuy nhiên họ vẫn sẽ tìm kiếm một ai đó để tôn sùng.

Thần tượng của người cuồng yêu bản thân sẽ thể hiện điều hoàn hảo trong con mắt của họ. Đó là người họ muốn ganh đua và liên quan mật thiết đến tuổi thơ của họ. Hội chứng chối bỏ cảm xúc tuổi thơ (Childhood Emotional Neglect - CEN) có thể là nguyên nhân của chứng cuồng yêu bản thân.[10] Thông thường, thần tượng của người cuồng yêu bản thân sẽ là một biểu tượng về địa vị hoặc về tình dục.

Đừng thỏa hiệp. Nếu bạn tham gia cuộc chơi với người cuồng yêu bản thân hoặc hy vọng rằng mình có thể thay đổi con người này bằng cách tỏ ra đồng cảm với bản tính và cảm xúc của họ thì bạn đang bị cuốn vào kế hoạch của họ. Thay vào đó, hãy tỏ ra bình thản và vững vàng khi đứng trước mặt họ; tự khẳng định quan điểm của mình, quyền tự chủ của mình và giá trị của cảm xúc mà bạn đang có.

Dưới đây là một bài hướng dẫn cách đối phó với người cuồng yêu bản thân:

Bạn được tự do truy cập nguồn tài liệu này. Có một số cuốn sách hữu ích giúp bạn biết cách đối phó với người cuồng yêu bản thân:

Người cuồng yêu bản thân cần đến sự trợ giúp tâm lý chuyên môn sâu, trong đó bao gồm cả công tác chuẩn đoán. Nếu bạn đang tham gia vào một mối quan hệ với kiểu người này, hãy đề nghị họ tham dự một khóa điều trị theo hình thức cặp đôi, nhưng trước đó họ nên tham gia bài Trắc nghiệm Tính cách Cuồng yêu bản thân (Narcissistic Personality Inventory).[11] Ngay cả khi họ định lạm dụng bài Trắc nghiệm này, thì điều quan trọng là họ nên gặp một cố vấn.

Nếu họ không có ý định thay đổi thì mối quan hệ của họ sẽ tiếp tục gặp thất bại. Ngay cả khi người cuồng yêu bản thân có thể thay đổi thì họ vẫn phải thôi nhìn vào gương và cần phải đối mặt với con người thật của mình.

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com

Tài liệu tham khảo

[1]^Tâm lý học ngày nay (Psychology Today): Bạn có phải là người cuồng yêu bản thân không? 6 dấu hiệu chắc chắn về Người cuồng yêu bản thân
[2]^Tâm lý học Nhân sự (Personnel Psychology): Chứng cuồng yêu bản thân và Công việc lãnh đạo: Nhận định phân tích tổng hợp về những mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp
[3]^Đại học Rutgers: Sự nghiệp chính trị có phù hợp với tôi không?
[4]^Tạp chí Fashion Beans: Những đặc điểm và tính cách thường gặp ở những người thiếu chung thủy
[5]^Paul Wink, Viện Nghiên cứu và Đánh giá Tính cách, Đại học California, Berkeley: Hai mặt của chứng cuồng yêu bản thân
[6]^Tâm lý học ngày nay (Psychology Today): Làm thế nào để nhận diện người cuồng yêu bản thân
[7]^Tâm lý học ngày nay (Psychology Today): Người cuồng yêu bản thân giao tiếp như thế nào?
[8]^Tâm lý học ngày nay (Psychology Today): Làm thế nào để nhận diện người cuồng yêu bản thân
[9]^Tạp chí Nghiên cứu Tính cách (Journal of Research in Personality): Chân dung người cuồng yêu bản thân: Biểu hiện của chứng cuồng yêu bản thân ở vẻ bề ngoài
[10]^Tạp chí PsychCentral: Một nguyên nhân đáng ngạc nhiên về chứng cuồng yêu bản thân
[11]^Tạp chí Open Psychometrics: Trắc nghiệm tính cách người cuồng yêu bản thân