10 tháng trước
Tính Cầu Toàn Sẽ Kéo Lùi Bạn Và Làm Thế Nào Để Buông Bỏ Nó
401

4508
Lượt xem
22
Lượt chia sẻ
14
Lượt bình luận

Tính cầu toàn luôn là một từ nghe rất tích cực đối với tôi.

Nói cho cùng thì, còn gì có thể tuyệt hơn là trạng thái hoàn hảo, phải không?

Tôi chẳng thể nghĩ ra một tình huống mà có thứ gì đó còn vượt hơn cả sự hoàn hảo. Song trên thực tế, tính cầu toàn lại là một vấn đề thực sự bởi nó ngăn người ta chia sẻ với thế giới những thứ ít hoàn hảo hơn (nhưng vẫn vô cùng lí thú!) mà mình tạo ra được.

Bạn có đang mắc kẹt trong tính cầu toàn không? Đã đến lúc buông nó ra rồi. Trong bài viết này bạn sẽ học được những lợi ích của việc trân trọng sự thiếu hoàn hảo, và làm thế nào mà điều đó sẽ cho bạn một cảm giác tự do tuyệt vời.

Hãy để mọi thứ thật tự nhiên và bạn sẽ thấy được ích lợi từ nó

Hầu như tất cả các phát minh tuyệt vời mà chúng ta tán dương ca ngợi ngày nay đều được khởi đầu theo một cách chẳng mấy hoàn hảo.

Chiếc iPhone đầu tiên, tên lửa Space X đầu tiên, và chiếc xe hơi chạy điện đầu tiên, tất cả đều được trình làng trong trạng thái thiếu hoàn hảo. Song người ta vẫn yêu thích chúng. Khi mỗi phiên bản sau của những sản phẩm này ra mắt, chúng trở nên tốt hơn, đến nỗi mà nếu bạn so sánh phiên bản iPhone mới nhất với thế hệ iPhone đầu tiên, bạn sẽ ngay lập tức khẳng định rằng chiếc iPhone đầu tiên còn lâu mới đạt đến độ hoàn hảo.

Điều quan trọng đối với chiếc iPhone đầu tiên, tên lửa Space X đầu tiên và chiếc xe hơi chạy điện đầu tiên nằm ở chỗ, chúng là những "tác phẩm" đang trong quá trình hoàn thiện.

Hẳn là chúng không hoàn hảo, nhưng về tổng thể, chúng hoạt động được và mọi người vô cùng ưa chuộng chúng. Một khi chúng đã được tung ra thị trường, các phản hồi sẽ đến và điều đó giúp nhà sản xuất cải tiến sản phẩm hơn nữa. Hãy tưởng tượng nếu tên lửa Falcon 1 của Space X không được phóng; liệu chúng ta có được chứng kiến màn vút bay ấn tượng của chiếc Falcon Heavy không?

Những bài học rút ra từ lần phóng tên lửa đầu tiên của Space X đã dẫn tới những cải tiến trong lần phóng tiếp theo. Và giờ đây, trong năm 2018 chúng ta đã có một thiết bị "thả neo" mang tên Tesla Roadster bay quanh quỹ đạo của mặt trời. Nếu các kĩ sư tại Space X cứ mải lo lắng về sự hoàn hảo, thì đã chẳng có điều gì như vừa kể trên xảy ra được. Họ sẽ vẫn đang hì hục cải tiến chiếc Falcon 1 mà thôi.

Và đó chính là vấn đề của tính cầu toàn: nó ngăn bạn hoàn thành nhiều việc mà bạn có khả năng đạt đến được. Nó ngăn bạn sẻ chia với thế giới các ý tưởng của mình, các công trình và tác phẩm của mình, do đó bạn sẽ chẳng bao giờ được hưởng lợi từ những phản hồi cần thiết để hoàn thiện mọi thứ hơn; điều đó có nghĩa là thế giới sẽ không được hưởng lợi từ những điều phi thường mà bạn có khả năng tạo ra được.

Dưới đây là sơ lược về năm mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng để tránh xa tính cầu toàn và nhờ đó thế giới này sẽ có thể được hưởng lợi từ những việc bạn làm.

Mọi điều lớn lao đều khởi đầu một cách không hoàn hảo

Thường thấy nhất là, những nỗ lực đầu tiên của chúng ta sẽ không được hoàn hảo.

Cần có thời gian để phát triển các bí quyết và kĩ năng giúp đạt được sự hoàn hảo - và kể cả khi đó mọi thứ vẫn có thể được cải thiện nâng cao hơn nữa. Điều đó đúng ra sẽ không ngăn bạn cố gắng, mà đúng hơn là ý tưởng này sẽ phải cổ vũ động viên bạn. Sau mỗi diễn biến xảy ra, sau mỗi lần nỗ lực, bạn sẽ càng giỏi hơn. Mục tiêu ở đây không phải là đạt đến một phiên bản hoàn hảo.

Mục tiêu của bạn là tạo ra một thứ có thể hoạt động được, một thứ gây được tiếng vang với mọi người, và một thứ sẽ dần hoàn thiện hơn theo thời gian cùng với lòng kiên nhẫn cũng như những nỗ lực không biết mệt mỏi nhằm cải tiến nó.

Đừng lo sợ những phản hồi

Rất nhiều khi người ta giữ kín các ý tưởng và ý kiến của mình bởi họ nghĩ chúng là ngốc nghếch.

Không có ý tưởng hay ý kiến nào là ngốc nghếch cả.

Mọi tư tưởng lớn đều phải bắt đầu từ đâu đó. Những ý tưởng hay nhất đã được công khai trước dư luận để những người khác có thể cho phản hồi và phê bình chúng. Đó chính xác là cách mà những ý tưởng lớn đã khởi đầu - thông qua các phản hồi, các ý tưởng sẽ tiến triển và hoàn thiện hơn. Việc giữ kín ý tưởng hoặc sản phẩm của mình cho đến khi đủ độ hoàn hảo sẽ chỉ đảm bảo là chúng không bao giờ có thể hoàn hảo được mà thôi.

Bạn cần các phản hồi để hoàn thiện chúng hơn. Kể cả khi bạn thấy ý tưởng của mình là hoàn hảo, thì tầm hiểu biết của một người nào đó khác có thể sẽ cho bạn một góc nhìn mới để nhận ra những cách thức cải tiến chúng. Hoặc sự phê bình đó chính là thứ bạn cần để có thêm động lực! Ted Turner, nhà sáng lập của CNN, đã nói rằng, khi ông kể với mọi người về ý tưởng thành lập CNN của mình, ai cũng cười vào mặt ông. Khi điều đó xảy ra, ông biết mình đang có một ý tưởng đúng đắn.

Tính cầu toàn thực chất là nỗi sợ hãi

Bản chất đằng sau tính cầu toàn là, nó chỉ là một dạng của nỗi sợ hãi mà thôi.

Nỗi sợ này thường nhất là do sợ những lời phê bình chỉ trích hoặc sự không ưa dành cho ý tưởng của mình. Điều tệ hại nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra được là ý tưởng của mình sẽ là một bàn thua toàn tập và mình sẽ thất bại.

Cái hay của nỗi sợ nằm ở chỗ, nó là một trạng thái tinh thần chứ không phải thể chất. Bất kì nỗi sợ hãi nào, đặc biệt là những nỗi sợ vô căn cứ về sự hoàn hảo, có thể được thay đổi và vượt qua bằng cách phân tích rõ tại sao ban đầu bạn lại sợ, và bằng cách nhận thức rõ tình huống xấu nhất khi đưa ra công khai một ý tưởng "chưa hoàn hảo".

Một khi bạn đã nhận ra rằng điều tệ hại nhất có thể xảy đến là ai đó sẽ phê bình việc bạn làm, thì bạn sẽ hiểu rằng thực sự điều đó chẳng có gì đáng sợ cả - thực ra phê bình là một công cụ tuyệt vời giúp ý tưởng của bạn hoàn thiện hơn! Đó là lúc bạn ngộ ra được những điểm mà người khác cho là cần cải thiện, nhờ đó ý tưởng của bạn sẽ thu hút được lượng khán giả đông đảo hơn và có sức lôi kéo mạnh mẽ hơn.

Thất bại thực ra lại là điều tuyệt vời

Hãy nhìn vào bất kì một doanh nhân thành đạt nào đó, và bạn sẽ thấy một con đường sự nghiệp rải đầy những thất bại.

Steve Jobs đã thất bại trong hầu hết mọi việc mình thử làm cho đến khi ông quay trở lại với Apple vào năm 1997. Elon Musk đã từng gặp nhiều thất bại hơn hầu hết mọi người có thể trải qua trong suốt cuộc đời mình. Song hai nhà tiên phong này không bao giờ bỏ cuộc. Họ vẫn không ngừng sáng tạo, cho ra đời các sản phẩm và miệt mài tiến lên bất chấp những bước lùi.

Cuộc sống gồm chín mươi phần trăm thất bại và mười phần trăm thành công.

Điều quan trọng là mười phần trăm đó. Chín mươi phần trăm kia là cần thiết để giúp bạn đạt được những thành công chiếm mười phần trăm. Vậy nên hãy chấp nhận mỗi một và tất cả mọi thất bại như một phần của cuộc hành trình.

Cuộc sống vốn không hoàn hảo

Chúng ta sinh ra đã không hoàn hảo, và khi chết đi cũng chưa được hoàn hảo.

Thực ra sự hoàn hảo gần như là chuyện không tưởng.

Điều mà người này thấy là hoàn hảo, thì người khác lại không. Đời vẫn luôn là thế mà. Cuộc sống chỉ luôn xoay quanh chuyện thành công và thất bại, và đó là cách chúng ta khôn lớn và trở thành những con người tốt đẹp hơn, cùng với quá trình những ý tưởng của mình dần hoàn thiện hơn sau những lần thất bại liên tiếp. Chúng ta sống và mắc sai lầm, và nhờ đó ta học hỏi và tiến bộ.

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo và hãy cứ xem điều đó là bình thường; nếu ai ai cũng là người hoàn hảo thì thế giới này sẽ nhàm chán biết bao. Sự thiếu hoàn hảo là thứ giúp bạn được là chính mình và khiến bạn trở nên thú vị và độc nhất. Hãy ăn mừng vì những thất bại và sự thiếu hoàn hảo.

Sự hoàn hảo lại là không hoàn hảo

Nếu bạn cảm thấy niềm mong ước mọi thứ đều hoàn hảo thật khó thành hiện thực, thì bạn không phải là người duy nhất đâu.

Không ai, cũng như không một ý tưởng nào, là hoàn hảo cả. Hãy chấp nhận ý tưởng rằng việc cố gắng làm việc bằng hết khả năng của mình đã là đủ tốt rồi, và điều đó cuối cùng sẽ dẫn bạn xuôi theo một con đường tươi sáng. Nếu bạn đang để cho tính cầu toàn len lỏi trong con người mình, thì hãy cố buông nó ra, và hãy tự trân trọng quá trình đưa những ý tưởng của bạn ra với thế giới, hơn là chỉ chăm chăm vào kết quả cuối cùng.