9 tháng trước
Vì Sao Chúng Ta Đưa Ra Những Quyết Định Sai Lầm
407

10.2K
Lượt xem
17
Lượt chia sẻ
5
Lượt bình luận

Gương mặt anh lộ vẻ kinh ngạc.

Cách đây không lâu, tôi trò chuyện với một người bạn về cháu trai của anh ấy, khi ấy cậu ta đang là học sinh cấp ba. Anh ấy nói với tôi "Thằng bé nên làm kỹ sư". “Lương kỹ sư rất khá. Tìm việc làm lại chẳng khó khăn gì. Rõ ràng nó nên theo học để làm kỹ sư. Cậu thấy đúng không?”

“Không,” tôi nói.

(Anh trợn tròn mắt nhìn tôi, không nói nên lời).

“Gì chứ?” anh đáp.

“Không,” tôi lặp lại lần nữa. “Mình không biết gì về cháu cậu hết. Thằng bé có những điểm mạnh gì?”

“Điểm mạnh ư?”

“Phải, điểm mạnh của thằng bé. Nó có thế mạnh gì, khả năng gì, có đam mê gì không? Thằng bé có hứng thú với công việc như thế nào?"

“Đam mê?” Anh nói hắt ra. “Chẳng ai lại đi tìm việc dựa trên ĐAM MÊ hết!”

Tôi nhẹ nhàng đáp lại, “Điều quan trọng là thằng bé phải hiểu rõ bản thân mình…mình có điểm mạnh gì, đam mê gì, hứng thú với điều gì…” rồi anh nhìn tôi như thể tôi đang nói gì nhảm nhí lắm.

Từ dạo đó tôi không gặp lại anh, và tôi cũng không biết con đường nghề nghiệp mà cháu trai anh chọn là gì. Nhưng có điều này tôi biết chắc: nếu cậu trai ấy không hiểu bản thân mình muốn gì, và nếu ngành học kỹ thuật không phù hợp với khả năng, niềm đam mê hay ham thích của cậu, có lẽ đó sẽ không phải là lựa chọn đúng đắn.

Chúng ta đều từng đưa ra những lựa chọn sai lầm. Những quyết định ấy có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời mỗi con người. Dù là dấn thân vào một mối quan hệ không lành mạnh, làm một công việc mà không có niềm đam mê, hay liên tục bỏ bê bản thân mình… sẽ có lúc ta vấp phải những sai lầm như thế.

Vì sao có quá nhiều người đưa ra những quyết định sai lầm

Những lựa chọn sai lầm có thể thay đổi hoàn toàn vận mệnh của bạn, khiến bạn thấy mất niềm tin và cảm hứng trong cuộc sống. Nếu việc lựa chọn sai lầm cứ liên tục tiếp diễn, bạn sẽ không thể phát huy được hết tiềm năng của mình.

Có rất nhiều lý do khiến ta đưa ra những quyết định thiếu đúng đắn. Do cách tư duy, chưa xác định đúng khả năng bản thân, và việc làm theo những chuẩn mực xã hội là ba trong số các lý do dẫn đến những quyết định sai lầm.

Tư duy tốt giúp đưa ra quyết định đúng đắn

Tư duy, theo như định nghĩa của từ điển Merriam-Webster, là ý thức hay xu hướng của hệ thần kinh. Việc chấp nhận sự tồn tại của ý thức và xu hướng thần kinh này cũng như hiểu rằng chúng có tầm ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đưa ra những quyết định hợp lý là hết sức quan trọng. Để sống cuộc đời tốt đẹp nhất bạn cần bắt đầu với tư duy của mình. Nếu chỉ suy nghĩ vụn vặt, đưa ra quyết định dựa trên những kiến thức hạn hẹp, và liên tục né tránh những việc cần phải làm bởi sự lo ngại, bạn sẽ không thể phát huy được hết tiềm năng của mình.

Tiến sỹ Jim Taylor giải thích về thiên kiến nhận thức như sau:[1]

“Đó là xu hướng đưa ra các quyết định và hành động dựa trên việc thu thập và/hoặc xử lý thông tin không đầy đủ hoặc chỉ vì lợi ích cá nhân, do tự tin thái quá, hay bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm trong quá khứ.”

Ông đưa ra mô tả cho nhiều dạng thiên kiến nhận thức. Một trong số đó là tư duy thiển cận, được ông giải thích là khi ta,

“nhìn nhận và tiếp thu thế giới xung quanh bằng lăng kính hạn hẹp của những trải nghiệm, gánh nặng, niềm tin, và những giả định cá nhân.”

Còn dạng thiên kiến kiểu nữ hoàng/vị vua đêm tiệc (homecoming queen/king bias) được Tiến sỹ Taylor giải thích là khi ta “hành động theo cách để được số đông chấp thuận, có cảm tình và làm tăng mức độ nổi tiếng cho bản thân.”

Khi đưa ra quyết định dựa trên thiên kiến nhận thức thì không phải lúc nào đó cũng là lựa chọn hợp lý nhất. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng bạn luôn bị ảnh hưởng bởi một xu hướng tâm lý nhất định.

Hiểu rõ bản thân, nhưng đừng để cảm xúc lấn át lý trí

Thật khó để đưa ra những quyết định đúng đắn nếu ta không biết mình muốn gì. Sư tử là loài thú tuyệt diệu, mạnh mẽ, dũng mãnh, và to lớn. Chúng biết vị trí của mình trong chuỗi thức ăn, và chúng biết phải sinh sống ở đâu. Chúng biết cách săn mồi và tồn tại trong hoang dã. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu loài sư tử không hiểu được điều này và thử sống trên đại dương? Chắc chắn chúng sẽ không thể sinh trưởng mạnh mẽ trong môi trường đó được. Con người cũng vậy. Nếu ta không hiểu được bản thân mình, sẽ rất khó để có những lựa chọn sáng suốt giúp chúng ta thực sự thành công.

Hiểu rõ bản thân mình đồng nghĩa với việc có thêm hành trang giúp ta đưa ra quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lúc nào ta cũng quyết định dựa trên "cảm xúc" của mình. Thực tế cho thấy, các quyết định đưa ra dựa trên cảm xúc đôi khi lại trở thành rào cản lớn tới sự phát triển của bạn.

Ví dụ, mới đây tôi được mời tới nói chuyện với một nhóm doanh nhân. Vốn tôi là người hướng ngoại và thích chốn đông người, đồng thời tôi cảm thấy rất thoải mái với việc huấn luyện cho khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tuy nhiên việc phát biểu trước đám đông vẫn khiến tôi thấy e ngại. Phản xạ tức thì của tôi là cảm giác lo lắng, nhưng tôi vẫn nhận lời. Vì sao ư? Bởi việc phát biểu là một trong những mục tiêu của tôi, và tôi biết rằng để đạt được nó trước tiên tôi sẽ có cảm giác không thoải mái này.

Việc bước ra ngoài vòng an toàn là cần thiết cho sự phát triển. Như Brian Tracy đã nói,

“Hãy thoát khỏi vòng an toàn của mình. Bạn sẽ chỉ có thêm kinh nghiệm khi dám đương đầu với cảm giác ngại ngùng và không thoải mái khi thử làm một việc gì đó mới."

Khép mình theo chuẩn mực xã hội có thể dẫn đến những quyết định sai lầm

Chuẩn mực xã hội có ảnh hưởng đến các lựa chọn trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Những người bạn dành nhiều thời gian tiếp xúc với xã hội nói chung thường tác động đến nghề nghiệp bạn lựa chọn, thời gian làm việc, mức độ thành công, thói quen của bạn và quan niệm của bạn về thế giới xung quanh cũng như mối quan hệ với bạn đời thế nào được coi là "tốt đẹp".

Làm theo số đông một cách mù quáng có thể khiến cuộc sống của bạn không được trọn vẹn. Chỉ vì những người xung quanh bạn đều làm việc trong giờ hành chính không có nghĩa là bạn cũng phải như vậy. Hay chỉ vì con cái của họ tham gia những hoạt động này không đồng nghĩa với việc đó là kế hoạch tốt nhất cho gia đình bạn.

Cách đưa ra những quyết định tuyệt vời mà bạn sẽ không hối tiếc

Ba yếu tố then chốt để duy trì việc đưa ra những lựa chọn sáng suốt là điều chỉnh nhận thức, hiểu rõ bản thân, và chủ động quyết định thay vì nghe theo đám đông.

Điều chỉnh nhận thức

Bạn cần hiểu rằng tư duy của bản thân có thể dẫn đến việc đưa ra quyết định thiếu sáng suốt. Thành công bắt nguồn từ giữa đôi tai của bạn, chính là từ nhận thức. Người ta thường né tránh việc tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống và dấn thân vào những việc lớn lao bởi họ tin rằng họ không thể nào hiện thực hóa được giấc mơ của đời mình. Họ an phận với ít hơn những gì họ có thể đạt được. Rất nhiều người khi đấu tranh tư tưởng lại có ý nghĩ tiêu cực về chính bản thân mình.

Hãy bắt đầu chú tâm tới suy nghĩ của mình. Khi bạn hướng đến một mục tiêu lớn, bạn có những suy nghĩ gì? Bạn có tự khích lệ mình không? Nếu nhận thấy mình có tư tưởng chán nản, hãy bắt tay vào việc thay đổi những suy nghĩ ấy. Ví dụ, nếu bạn nghĩ, "Mình không thể làm kinh doanh được; mình không biết phải bắt đầu từ đâu," thì hãy sửa câu đó thành "Ngay lúc này mình chưa biết phải bắt đầu kinh doanh như thế nào, nhưng mình có thể học." Nếu bạn nghĩ "Mình không giảm cân được; lần trước đã thất bại rồi," thì hãy sửa nó thành "Lần trước mình không đạt được mục tiêu, nhưng lần này mình sẽ áp dụng cách X, Y, và Z để đạt kết quả tốt hơn."

Một cách để giảm thiểu rủi ro trong việc đưa ra những quyết định sai lầm bởi lối tư duy là nhờ sự giúp đỡ từ một người mà bạn thấy tin tưởng, hoặc học hỏi từ những người đã thành công trong công việc bạn muốn làm. Ví dụ, khi đưa ra quyết định về nghề nghiệp, bạn có thể nhờ tới các chuyên viên tư vấn nghề nghiệp hoặc những huấn luyện viên có chuyên môn. Nếu bạn muốn nghỉ hưu sớm và đi vòng quanh thế giới, hãy học hỏi từ những người đi trước đã thành công. Học hỏi từ những chuyên gia và thầy hướng dẫn có thể giúp duy trì nguồn cảm hứng và khích lệ trong bạn.

Thấu hiểu bản thân mình

Thấu hiểu bản thân là một chìa khóa quan trọng trong việc đưa ra quyết định đúng đắn. Chỉ khi hiểu rõ thế mạnh bạn có, ưu tiên của bạn là gì, và bạn muốn tạo dấu ấn gì trong cuộc đời, bạn mới có thể đưa ra những quyết định có mục đích và sống một cách trọn vẹn hơn.

Tôi đánh giá rất cao cuốn sách Tìm ra Điểm mạnh 2.0 (Strengths Finder 2.0) của tác giả Tom Rath. Cuốn sách giúp người đọc tìm ra 5 điểm mạnh của bản thân. Hiểu rõ điểm mạnh bản thân giúp bạn lựa chọn con đường nghề nghiệp để phát triển tối đa những thế mạnh ấy, thay vì chọn một công việc không phù hợp với bạn.

Quyết định một cách có chủ ý

Luôn có chủ ý thay vì răm rắp làm theo những gì xã hội dành cho bạn có thể giúp bạn đưa ra những lựa chọn phù hợp với những gì bạn cho là quan trọng nhất. Hãy dừng lại để chiêm nghiệm xem vì sao bạn lại đưa ra lựa chọn như vậy. Bạn đang sống để ngày một hoàn thiện bản thân và tạo ra dấu ấn của riêng mình? Hay bạn đang sống một cuộc sống mà xã hội này cho là chuẩn mực?

Một cách đơn giản để sống có ý thức hơn là viết ra một lịch trình dự kiến cho mỗi ngày. Chủ động phân bổ thời gian giúp hạn chế tối đa việc sa đà vào một hoạt động chẳng giúp ích gì cho việc hoàn thiện bản thân.

Và Jim Rohn cũng từng nói,

“Bạn là trung bình của 5 người mà bạn dành thời gian nhiều nhất.”

Lựa chọn có chủ ý những người bạn muốn dành thời gian ở bên cũng có thể khiến bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

Mặc dù không ai là hoàn hảo, và không ai có một cuộc sống hoàn hảo, việc áp dụng những phương pháp này có thể giúp bạn lựa chọn đúng đắn hơn, từ đó bớt đi nuối tiếc và sống một cuộc sống toàn vẹn hơn.

Tài liệu tham khảo