9 tháng trước
Vì Sao Những Kẻ Bỏ Cuộc Vẫn Có Thể Thành Công
449

5185
Lượt xem
19
Lượt chia sẻ
5
Lượt bình luận

Năm 25 tuổi, sự nghiệp của tôi lên nhanh như diều gặp gió khi tôi được thăng chức từ kỹ sư lên vị trí quản lý của một công ty phần mềm đang phát triển. Khi ấy, tôi là quản lý trẻ tuổi nhất trong công ty dẫn dắt một nhóm kỹ sư có chuyên môn khác nhau. Đó là công việc mơ ước của tôi khi được chỉ huy một nhóm kỹ sư bằng sự nhiệt huyết và hiểu biết về lập trình của mình để làm tăng giá trị và đạt được những bước tiến to lớn. Phải mất bốn năm làm việc cật lực để lên được vị trí này và tôi vẫn tiếp tục phát triển những dự án lớn hơn theo các hướng đi mới đầy thú vị. Tôi đã toại nguyện với giấc mơ của mình.

Ấy vậy mà hai năm sau tôi xin nghỉ việc.

Chẳng ai hiểu nổi lý do vì sao tôi làm vậy sau chừng ấy những nỗ lực và cống hiến. Tôi đang trên đà thăng tiến nhanh vươn tới những thành công lớn hơn nữa. Dù vậy tôi vẫn quyết định nghỉ việc và không lâu sau, tôi thành lập trang Lifehack.

Muốn nghỉ việc thực sự cần sự can đảm

Nghỉ việc không phải là bỏ cuộc khi cảm thấy mình thất bại. Nghỉ việc khi tiền đồ rộng mở là một trong những điều dũng cảm nhất mà bạn có thể làm.

Người lớn hay dạy ta rằng cái gì không hỏng thì đừng sửa nó. Bởi vậy khi lớn lên ta hình thành suy nghĩ rằng mình không nên bỏ cuộc khi còn đang tiến xa hay vì sợ hãi những điều ở phía trước. Ví dụ như thôi việc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp và làm xáo trộn đời tư cũng như khả năng tài chính của bạn. Bởi vậy, ta đưa ra lựa chọn an toàn, sống trong vùng an toàn dù điều đó không hẳn mang lại cho ta niềm hạnh phúc hay đủ đầy.


Tuy nhiên, dù cho ý tưởng ấy có thể khiến ta thấy an tâm, ta thực ra chỉ đang không muốn thay đổi mà thôi. Cứ mãi ở trong vùng an toàn, ta không thể cân nhắc hết những cơ hội để phát triển và nâng cao khả năng, cũng là một nhân tố có ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc của bản thân.

Leonard Schlesinger, chủ tịch của Trường Cao Đẳng Babson và là đồng tác giả cuốn sách "Bước Đầu Khởi Nghiệp: Hành Động, Kiên Trì, Sáng Tạo" (Just Start: Take Action, Embrace Uncertainty, Create the Future) đã tóm tắt ý trên như sau,

Tôi thấy nhiều người bị sự bất hạnh của thực tại làm cho tê liệt.

Chính sự tê liệt ấy ngăn không cho ta bước về phía trước để đối mặt với những gì chưa biết và khiến ta mắc kẹt với công việc hiện tại dù ta thấy nhàm chán. Daniel Gulati, một người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và là đồng tác giả cuốn sách "Đam Mê & Mục Đích: Câu Chuyện của Những Doanh Nhân Trẻ Tuổi và Tài Giỏi nhất" (Passion & Purpose: Stories from the Best and Brightest Young Business Leader) tin rằng,

phần lớn mọi người làm một công việc trong thời gian quá dài bởi các doanh nghiệp vận hành theo cách giữ chúng ta ở một vị trí chứ không phải tìm ra vị trí thích hợp nhất cho mỗi người.

Nói cách khác, đơn giản là ta chẳng phát triển hay tạo ra những môi trường làm việc để tạo cảm hứng và tiến về phía trước.

Lý do thực sự khiến bạn cảm thấy bế tắc

Nếu bạn cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, khả năng cao là bởi bạn không chịu từ bỏ những gì không phù hợp với bạn và hoàn toàn không sẵn sàng cho sự thay đổi mà việc từ bỏ mang lại.

Bạn có thể tin rằng lý do chính khiến bạn không nghỉ việc hay tìm cách thoát khỏi những hoàn cảnh gây khó chịu trong cuộc sống là bởi bạn chưa thực sự biết bạn muốn gì. Tuy nhiên cách suy nghĩ như vậy là chưa đúng. Bạn sẽ không thể học hỏi hay khám phá ra nghề nghiệp lý tưởng cho mình nếu như bạn chỉ ngồi đó và nghĩ về nó. Nếu những gì đang phải trải qua khiến bạn thấy khổ sở, hãy can đảm lên và tìm một hướng đi khác.


Chỉ khi hành động và tư duy, vậy thì những điều kỳ diệu mới có thể xảy ra. Những người chỉ biết làm một việc hết ngày này qua ngày khác nhưng không tìm được ý nghĩa trong công việc đó sẽ không thể phát triển và thành công dù họ có làm việc kiên trì và chăm chỉ thế nào đi nữa.

Phép màu của việc bỏ cuộc và sự phát triển nó mang lại

Việc bỏ cuộc gợi đến cảm giác tiêu cực trong trí óc của chúng ta. Bỏ cuộc quả thực là tiêu cực khi né tránh những chướng ngại và trách nghiệm. Nhưng đôi khi đó là việc cần phải làm để hướng đến thành công. Sự khác biệt ở chỗ ta trân trọng hơn là lo sợ nó. Người thành công bỏ cuộc để chiến thắng và đón đầu những thử thách mới - chứ không phải bởi họ sợ thay đổi.


Có đôi khi, việc bỏ cuộc chính xác là những gì bạn cần làm để tìm ra thứ gì là thích hợp nhất cho bạn - thứ mà bạn không bao giờ tìm được nếu chỉ làm mãi một việc. "Nếu chưa biết mình muốn gắn bó với việc gì, bạn cần phải thử làm rất nhiều việc - dù biết rằng bạn sẽ bỏ cuộc gần hết - để tìm câu trả lời" trích cuốn Chó Sủa Nhầm Cành (Barking up the Wrong Tree) của tác giả Erick Barker. Nói cách khác, đừng sợ rằng bỏ cuộc là thất bại, hãy nhìn nhận nó như một bước tiến để tìm ra mục đích của bạn.

Phép màu thực sự nằm sau việc bỏ cuộc mà chưa biết phải làm gì tiếp theo nằm ở chính sự cần kíp. Ta đều biết cảm giác cần kíp mang lại nỗi lo sợ không mấy dễ chịu nhưng chính cảm giác cần kíp ấy tạo cho ta khoảng không để theo đuổi điều thực sự có ý nghĩa với bản thân. Con đường ấy mới đáng để bạn đầu tư, đáng lòng nhiệt huyết và thời gian của bạn. Con đường ấy bạn sẽ không thể tìm ra nếu cứ ở trong vùng an toàn.

Thay đổi cách suy nghĩ về việc bỏ cuộc

Bạn chỉ cần nhớ một điều rằng bỏ cuộc để phát triển chứ không phải chạy trốn khỏi thử thách. Hãy để việc bỏ cuộc thực sự có ý nghĩa bằng cách tự hỏi mình những câu hỏi theo thứ tự dưới đây để hiểu rõ lý do vì sao bạn bỏ cuộc:

  • Điều gì làm bạn thấy hạnh phúc?
  • Bạn có thể nói hoài không chán về vấn đề gì?
  • Điều gì khiến bạn nghĩ việc đó xứng đáng để bạn hy sinh?
  • Bạn có thế mạnh gì?
  • Giả sử nếu bạn không thể thất bại, bạn sẽ làm điều gì?
  • Bạn sẵn sàng làm gì mà không cần trả công bởi bạn quá yêu thích công việc đó?
  • Nếu chỉ có một năm để sống, liệu bạn có làm những gì bạn đang làm không?

Ta đều biết từ sâu trong thâm tâm, điều gì khiến ta thấy hạnh phúc và điều gì thì không. Không phải lúc nào ta cũng đủ can đảm để thay đổi vì bị nỗi lo sợ chiếm lấy tâm trí. Nhưng để sống một cuộc sống thực sự hạnh phúc, việc từ bỏ những gì không còn giúp ích cho bạn hay không còn giúp bạn phát triển nên được nhìn nhận như một nhu cầu thiết yếu thay vì lựa chọn. Đừng nghĩ tiêu cực về việc bỏ cuộc, hay coi nó như cơ hội để thành công trong cuộc sống và nâng cao giá trị của bạn.