9 tháng trước
Cuộc Chiến Bất Tận Giữa Tốt Đẹp Và Nổi Tiếng
375

4204
Lượt xem
28
Lượt chia sẻ
9
Lượt bình luận

Bạn đã bao giờ theo dõi một lễ trao giải và tự hỏi ban giám khảo đưa ra lựa chọn như thế nào chưa? Cụ thể, có phải những nghệ sĩ được nhận giải thưởng là những người tài năng nhất, hay họ chỉ có sự nổi tiếng? Một số người cho rằng không quan trọng bạn tài năng thế nào - nếu tác phẩm của bạn không nổi tiếng, nó sẽ không bao giờ được coi là "tốt". 

Hãy lấy ví dụ từ giải Grammy. Các giải Nghệ Sĩ Mới Xuất Sắc Nhất, Bài Hát Của Năm, Thu Âm Của Năm, và Album Của Năm trên lý thuyết đều có thể được trao cho một nghệ sĩ thuộc bất kỳ thể loại nhạc nào. Tuy nhiên, không có bản nhạc cổ điển nào từng thắng một trong những giải này.[1] Năm này qua năm khác, các giám khảo của giải Grammy có vẻ như trao giải thưởng cho những nhạc sĩ nổi tiếng, thay vì những người "giỏi".

Nhìn vào số liệu, album 1989 của Taylor Swift đã thắng giải Album Xuất Sắc Nhất năm 2016, còn album 25 của Adele đã được đề cử cho giải này vào năm 2017. Cả hai đều đã bán được hàng triệu bản - album 1989 bán được 5 triệu bản tính đến tháng Bảy năm 2015, và album 25 bán được trên 9 triệu bản năm 2016. Có vẻ như có một sự phân chia rõ ràng giữa cái "tốt" và cái "nổi tiếng". 

Sự phân chia này đã xảy ra như thế nào?

Khi một nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp, họ sử dụng sự sáng tạo của mình như một phương tiện biểu đạt cảm xúc. Khi họ viết nhạc hay vẽ tranh, mục đích của họ là giải quyết những cảm xúc phức tạp và phục hồi một trạng thái mãn nguyện và bình yên. Nếu kết quả không như ý họ, họ làm việc vất vả để khiến nó tốt nhất có thể - sự hoàn hảo là mục tiêu cuối cùng của những nghệ sĩ mới vào nghề. Danh tiếng không phải ưu tiêng hàng đầu của họ. 


Tuy nhiên, là một người học nghề, họ bắt đầu khao khát có thêm sự chú ý và chia sẻ của người khác đối với tác phẩm của mình. Không may thay, bởi vì nghệ thuật là chủ quan, khán giả của họ có thể sẽ không hiểu ý đồ của họ, và điều này có thể gây nhụt chí. Tại thời điểm này, họ có một sự giác ngộ - nếu họ muốn trở nên nổi tiếng và chạm tới nhiều khán giả hơn, họ phải điều chỉnh nghệ thuật của mình theo số đông.


Một nghệ sĩ điển hình sẽ sáng tác dựa theo gu của người khác. Ưu tiên hàng đầu của họ không còn là sự xuất sắc. Thay vào đó, họ chuyển trọng tâm sang việc tăng danh tiếng cá nhân. 


Hay so với Nổi 

Những người tập trung vào việc làm ra sản phẩm tốt thay vì nổi tiếng cố gắng đạt được sự xuất sắc. Họ không quan tâm người khác nghĩ gì, họ biết rằng đi theo đám đông không phải lúc nào cũng là ý hay. Trên thực tế, đám đông có thể không thực sự quan tâm điều gì là tốt nhất cho họ, và chỉ muốn họ ra mắt những tác phẩm bình dân đại chúng. Những người đưa tiêu chí "tốt" lên trên "nổi tiếng" cũng được tự do để sáng tạo hơn. 

Cùng lúc đó, những người không quan tâm tác phẩm của họ có nổi tiếng hay không có nguy cơ phớt lờ sự phê bình có tính xây dựng. Họ có thể trở nên thiển cận, và thậm chí là trầm cảm nếu chỉ một bộ phận nhỏ dân chúng yêu thích tác phẩm của họ. 


Mặt khác, những người phục vụ cho một đối tượng khán giả rộng rãi tạo ra những tác phẩm lưu tâm tới nhiều góc nhìn, vì họ quan tâm tới ý kiến của người khác. Những tác phẩm nổi tiếng thành công hơn về mặt thương mại, và những nghệ sĩ này có thể rất hài lòng khi họ chạm tới được nhiều khán giả. 

Mặt trái là những người này cố gắng thu hút số đông sẽ mất đi tính sáng tạo của riêng mình. Thậm chí họ có thể có tiếng là dễ đoán, "nhàm chán", chỉ tạo ra một chuỗi sản phẩm na ná nhau. Khi bạn sáng tác trên hết là cho người khác, thay vì cho chính bạn, nó có thể mất đi cá tính và trở nên nhạt nhẽo.


Những người cố gắng nổi tiếng trở thành những kẻ làm hài lòng người khác. Khi danh tính của bạn bị trói buộc với danh tiếng, chạy theo những trào lưu mới nhất là một cuộc chiến không ngừng. Những người tìm cách đáp ứng kỳ vọng của người khác sẽ gặp vấn đề, vì ý thích và gu của công chúng sẽ thay đổi theo thời gian. Một người nổi tiếng có thể thành công trong việc tự thay đổi sao cho phù hợp với số đông fan hâm mộ, nhưng họ sẽ phải hy sinh sự phát triển cá nhân. Họ có thể thay đổi theo thời gian, nhưng có lẽ sẽ không tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, những người phấn đấu làm ra tác phẩm tốt và là phiên bản tốt nhất cũng có thể trì hoãn sự phát triển của mình. Họ có thể cứng đầu từ chối việc lắng nghe người khác, và không bao giờ tiến bộ hơn tình trạng hiện tại của họ.

Tại sao không chọn cả hai?


Cho dù bạn hướng đến chất lượng hay danh tiếng, bạn sẽ đều gặp rắc rối. Câu trả lời là hãy làm ra những tác phẩm tuyệt vời, nhưng cũng hãy lưu tâm đến quan điểm của người khác. Bạn cần phải trung thành với tầm nhìn của mình, đồng thời cởi mở với bình luận và phê bình từ người ngoài. Khi bạn phối hợp cái nhìn của mình với nhu cầu của khán giả, bạn có được một sự kết hợp đem đến thành công.

Hãy xem cách áp dụng điều này. Thương hiệu phong cách sống Nhật Bản MUJI giữ vững nguyên tắc về sự tối giản. Họ tự hào sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao với ít tính năng. Tuy nhiên, họ cũng đáp ứng cho một thị trường rộng lớn bằng cách cung cấp chức năng sản phẩm. Ví dụ, họ tìm cách sản xuất những mặt hàng tuân theo thẩm mỹ tối giản của họ, nhưng cũng chú ý đến nhu cầu của người dùng trung bình, và đưa ra những đồ dùng hằng ngày như bút và sổ mà phù hợp với triết lý của họ.[2]

Chỉ vì văn hoá ngày nay có xu hướng chia rẽ chúng ta thành hai thể loại, không có nghĩa là bạn không thể cân bằng cả hai. Bí quyết là hãy rõ ràng về điều bạn muốn đạt được, và gắn bó với những nguyên tắc của bạn - cùng lúc đó đón nhận những luồng ảnh hưởng mới.

Lần tới bạn sáng tạo ra thứ gì đó, thì hãy làm ra thứ tốt nhất có thể, là phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình. Một khi bạn đã hài lòng, hãy hỏi ý kiến người khác. Lắng nghe chăm chú, nhưng đừng tự động thừa nhận là họ đúng! Hãy trung thành với bản thân, và làm điều khiến bạn hạnh phúc. Thật tuyệt khi đem niềm vui đến cuộc sống của người khác, nhưng lòng tự trọng cũng quan trọng vô cùng.

Tài liệu tham khảo

Không tìm thấy nội dung