1 ngày trước
Có Phải Chất Bột Đường Gây Nghiện Hơn Cả Cocaine Không?
406

4851
Lượt xem
151
Lượt chia sẻ
24
Lượt bình luận

Hừm, bánh mì à. Hẳn là bạn thích nó lắm. Và nếu bạn có cách nào đó để từ chối một rổ bánh mì tròn trong nhà hàng, thì có lẽ một loại chất bột đường khác cũng sẽ hấp dẫn bạn thôi. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao chúng ta lại thích ăn mì Ý, pitsa, bánh mì kẹp thịt và bánh mì không kiểu cũ đến thế hay chưa? Chất bột đường (không khác cocaine là mấy) khiến bạn phải phát cuồng lên.

Năm mới vừa sang, nhiều khả năng là bạn đã quyết định lấy lại một vóc dáng cân đối hơn. Điều đó bao gồm cả việc giảm bớt lượng bánh mì hay chất bột đường mà bạn ăn vào. Song điều này là không hề dễ dàng, kể cả khi bạn tự cho mình là người có động lực và ý chí cao. Bạn biết đấy, chất bột đường tạo ra cảm giác thèm thuồng trong não của chúng ta và có thể tạo ra lòng ham muốn mãnh liệt đối với chúng.

Hẳn rồi, chất bột đường không phải là ma túy, nhưng cũng giống như cách mà "hàng đá" phá nát não bạn, chất bột đường cũng có thể hủy hoại thân thể bạn.[1] Mặc dù những người thích ăn chất bột đường có thể chỉ tay vào hình tháp dinh dưỡng để biện hộ cho mình, nhưng hãy luôn nhớ rằng biểu đồ đó được tạo ra vào những năm 70 của thế kỉ trước, rất lâu trước khi béo phì trở thành một dịch bệnh như ngày nay.

“Bạn có thể sống cả đời mà không đụng đến một tí chất bột đường nào - chỉ trừ lượng có sẵn trong sữa mẹ và một xíu xiu có tự nhiên trong các loại thịt - và có thể vẫn khỏe re."

Phải, chúng ta cần chất bột đường, nhưng cơ thể chúng ta có thể nhận đủ chúng từ những thực phẩm có lợi được ăn vào, như rau lá xanh hay thậm chí mỡ động vật. Chúng ta không cần đến những chất bột đường đã qua tinh chế.

Chất bột đường có cần thiết không?

Mặc dù chúng ta vẫn cần một lượng chất bột đường nhất định để cung cấp năng lượng cho tất cả các quá trình chuyển hóa, nhờ đó ta có đủ năng lượng để làm mọi việc từ hít thở, tiêu hóa cho đến chạy nhảy, làm việc, suy nghĩ, v.v... nhưng cái gì quá cũng đều không tốt. Đặc biệt nếu "cái" đó là chất bột đường tinh chế.

Chất bột đường sẽ làm "chập mạch" cơ thể bạn

Sự chuyển hóa trong cơ thể bạn thường sẽ dự trữ năng lượng từ thức ăn để bạn có thể dùng tới sau đó, chẳng hạn như để tập thể lực hay chỉ đơn giản là gượng qua được một ngày làm việc bình thường. Nếu chế độ ăn của bạn đầy những chất bột đường (kiểu như: bánh mì vòng (bagel) cho bữa sáng, bánh mì sandwich cho bữa trưa, mì Ý cho bữa tối), tức là bạn đang tái lập trình lại sự chuyển hóa của mình, khóa chặt thức ăn ăn vào dưới dạng chất béo không thể đốt cháy để sinh năng lượng được. Khi bị đói trở lại bạn sẽ chỉ muốn có chất bột đường mà thôi.[2]


Mọi loại chất bột đường đều sẽ chuyển thành đường trong máu bạn

Mọi chuyện đều xuất phát từ chỗ: chất bột đường càng được tinh chế nhiều, chúng sẽ càng nhanh chóng chuyển thành đường. Nhưng đừng vội nhầm tưởng, kể cả khi quá trình đó diễn ra chậm chạp, thì mọi chất bột đường đều sẽ trở thành đường.

Khi cơ thể bạn phân giải thức ăn, các tế bào của bạn sẽ tìm kiếm đường glucose để chuyển hóa thành năng lượng. Chúng chuyển lượng glucose này tới các cơ và các mô trong cơ thể bạn. Nếu các mô đó nhận thấy lượng glucose đã dư thừa, chúng sẽ dự trữ, chủ yếu là tại gan, nhưng phần còn lại sẽ trở thành mỡ được dự trữ.

Việc ăn quá nhiều bất kì loại chất bột đường nào cũng có thể dẫn tới các bệnh mạn tính như béo phì và tiểu đường, bởi tất cả chúng rốt cuộc đều trở thành glucose.

Hãy thu nhận những lợi ích sức khỏe từ các chất bột đường có lợi


Đừng lo, đây không phải là bài viết nhằm bảo bạn hãy bỏ chất bột đường ngay và luôn lờ cơn thèm ăn đi đâu. Mặc dù điều đó tất nhiên sẽ là một thành công rất ấn tượng đấy, nhưng ngay lúc này bạn có thể chỉ cần tập trung vào việc lựa chọn những nguồn bột đường chứa đầy chất xơ. Đây là những loại chất bột đường được hấp thu chậm vào cơ thể, do đó tránh được những cơn tăng đường huyết nguy hiểm. Những loại thực phẩm đó bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây, và tất nhiên là các loại đậu nữa.

Hãy giảm đến tối thiểu nguy cơ cho sức khỏe gây ra bởi chất bột đường có hại, bằng cách ăn ít lại các chất bột đường đã qua chế biến hoặc tinh chế bị làm mất đi lượng chất xơ có ích. Mặc dù sẽ rất hấp dẫn khi nghĩ đến việc chọn lấy một hộp bánh quế trong lúc đi mua sắm, nhưng liệu nó có ngon đến mức đủ để bạn liều mình gạt hết sức khỏe sang một bên hay không? Nếu bạn có thể tập trung chú ý đến những hệ quả lâu dài, thì việc nói "không" với một niềm khoái lạc ngọt ngào sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.

Hãy thay thế chất bột đường tinh chế bằng rau khi bạn chuẩn bị nấu nướng hoặc gọi món trong quán. Một trong những mẹo ưa thích của tôi là dùng cơm bông cải (riced cauliflower) thay cho cơm gạo. Món đó ngon tuyệt hảo với mọi cách ăn, từ một bữa ăn kiểu miền Nam cho đến một bữa nào đó đầy cà ri!

Và đừng quên rằng bạn có thể nạp đủ chất bột đường từ trái cây, rau và chất đạm. Hãy bắt đầu từng bước nhỏ, và lần tới hãy gọi một chiếc bánh kẹp thịt mà không có lát bánh mì kẹp bên ngoài - hãy chọn rau diếp để thay thế! Đó không phải là thay đổi toàn bộ thói quen ăn uống thường ngày của bạn, mà đúng hơn là thay thế một vài trong số những thói quen không tốt mà thôi.

Hãy làm những việc trong khả năng của mình để giảm bớt việc tiêu thụ mì Ý, bánh mì trắng, gạo trắng, và đặc biệt là khoai tây chiên. Việc này xem ra sẽ rất khó, bởi có những món dường như lúc nào cũng ở trong tầm với của bạn. Nếu bạn ăn điều độ trong suốt cả ngày và giữ mức đường huyết ổn định, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc nói "không" với những thực phẩm đầy hấp dẫn này.

Chỉ cần nói "không"

Lần tới khi bạn bị cám dỗ phải với lấy một lát bánh mì trong nhà hàng hoặc gọi một chiếc bánh mì vòng ở tiệm Panera, thì hãy nhớ rằng bạn sẽ không đời nào khởi đầu một ngày mới hay bắt đầu bữa ăn bằng việc ăn một liều ma túy cả, vậy thì cớ gì phải trả tiền cho một thứ độc hại với sức khỏe như thế? Nghe có vẻ hơi cường điệu khi suy nghĩ theo hướng đó, nhưng đã có các nghiên cứu ở đây rồi; chất bột đường tinh chế thực sự là không cần thiết, không tốt cho sức khỏe và là một sự lựa chọn không sáng suốt. Hãy dũng cảm cưỡng lại nó!

Nguồn ảnh bìa: Couleur từ pixabay.com

Tài liệu tham khảo