9 tháng trước
Làm Sao Để Tối Ưu Hóa Thời Gian Cho Gia Đình? 13 Cách Đơn Giản Bạn Có Thể Áp Dụng Ngay
317

3672
Lượt xem
7
Lượt chia sẻ
9
Lượt bình luận

Bà Barbara Bush đã có một phát biểu đúng đắn về việc mỗi cá nhân nên sống sao cho có ý nghĩa trong cuộc đời này:

Khi đến cuối đời, điều mà bạn luôn băn khoăn mình chưa làm được không phải là đậu thêm một kì thi, cãi thắng thêm một vụ kiện hay đạt được thêm một thỏa thuận thương mại, mà đó là bạn không dành đủ thời gian cho chồng con, bạn bè, hay bố mẹ của bạn.

Việc cân bằng thời gian dành cho gia đình và công việc là vấn đề muôn thuở trong thời đại ngày nay. Việc này khiến cho nhiều người có cảm giác tội lỗi. Có những câu hỏi đại loại như: Tôi đã dành đủ thời gian cho các con của tôi đúng theo mong đợi của chúng chưa, hay khoảng thời gian quây quần bên gia đình có thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn không?

Điều tích cực là, luôn có cách để bạn làm chủ thời gian của mình, để tối ưu hóa thời gian dành cho gia đình, và sau đây là những mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng ngay từ bây giờ để làm được điều đó:

1. Hãy ưu tiên cho các sự kiện gia đình

Nên biết rằng công việc của bạn có thể để sau, trừ khi bạn là bác sĩ phẫu thuật cấp cứu đang trong kíp trực; mà chúng ta không phải ai cũng là bác sĩ "cứu người như cứu hỏa". Chúng ta luôn có thể bố trí thời gian làm việc linh động chứ không phải là làm việc 24/7 mỗi tuần.

Nếu con bạn sẽ tham gia một trận đá bóng giải vào buổi tối một ngày nào đó trong tuần, hãy đảm bảo bạn đừng đi làm về trễ vào ngày hôm đó. Dành ưu tiên cho các sự kiện gia đình (family event); bạn muốn là một ông bố, bà mẹ tốt, vậy thì hãy đi xem con bạn thi đấu, để chúng thấy bạn luôn hiện diện bên cạnh.

Nếu bạn lúc nào cũng phải lu bu vì công việc, bạn sẽ bỏ lỡ những sự kiện gia đình và những sự kiện này là không thể thay thế. Con bạn đang lớn nhanh và chúng sẽ không thể lặp lại tuổi thơ.

Bởi vì trận đấu giải đó có thể sẽ là lần duy nhất con bạn được tham gia đấu giải. Một ví dụ khác là khi con bạn có buổi trình diễn piano; không đơn thuần chỉ là phô diễn khả năng, đó còn là lúc mà con bạn tỏa sáng. Chúng muốn chứng tỏ rằng chúng đã phải cố gắng như thế nào, và vì vậy bố mẹ chúng có thể tự hào về chúng.

Luôn hiện diện trong các sự kiện gia đình là bằng chứng cho vợ, chồng hay con cái biết rằng bạn thực sự quan tâm đến họ. Tình yêu thể hiện qua hành động, và việc bạn có mặt vào các dịp lễ, sinh nhật, buổi tối thân mật bên gia đình, hay các trận đấu của con bạn thể hiện tình yêu đó, chúng thực sự cần thiết.

Kể cả khi các con tỏ thái độ bất cần, "sao cũng được" (đặc biệt là các con tuổi teen) thì sau cùng chúng vẫn cần bạn. Chúng sẽ nhớ rằng bạn đã hiện diện, hết lần này đến lần khác, rằng bạn đã đặt gia đình lên trên công việc qua các lần hiện diện đó.

Sẽ thật tuyệt nếu bạn có "thời gian chất lượng" (quality time) bên cạnh gia đình mình, nhưng điều đó thật khó nếu bạn không có "thời gian số lượng" (quantity time). Hãy đảm bảo bạn có thời gian bên cạnh gia đình, để củng cố các mối quan hệ gia đình, những mối quan hệ sẽ kéo dài suốt đời bạn.

Những mối quan hệ đó lại càng có giá trị khi các biến cố cuộc đời xảy ra với bất kì thành viên nào trong gia đình. Những sự mất mát, thất nghiệp, chuyển công tác, v.v... đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đời bạn và những lúc đó bạn cần gia đình là chỗ dựa vững chắc. Xây dựng các mối quan hệ gia đình trong khi con bạn lớn lên từng ngày sẽ là nền tảng hỗ trợ mỗi người trong gia đình một khi các biến cố xảy đến. 

2. Hãy viết các sự kiện đó vào lịch làm việc của bạn

Chúng ta ghi chú công việc của chúng ta vào lịch bởi vì chúng quan trọng, vậy những khoảng thời gian cho gia đình, sự kiện gia đình hay hoạt động của con bạn thì sao? Nếu những điều đó chưa có trong lịch làm việc của bạn, thì bạn hãy hỏi tại sao chưa có.

Tất cả những gì có liên quan đến gia đình bạn, chắc chắn bạn sẽ để trong lịch làm việc tuần của mình nếu bạn thực sự yêu quý gia đình mình; đó có thể là những trận bóng, những buổi biểu diễn ba-lê, những buổi tối dành riêng cho gia đình, những tiệc lễ, Tết, vân vân...

Hãy chắc chắn rằng bạn có thời gian dành cho gia đình. Bạn có thể lên kế hoạch trước nếu bạn thực sự bận việc hết tuần này đến tuần khác. Ví dụ, bạn có thể tìm hiểu lịch hoạt động ngoại khóa của con mình, thường thì con bạn đã có lịch này vào mỗi học kì hay cả năm học. Hãy ghi vào lịch của bạn tất cả những trận đấu, những buổi trình diễn của con bạn có trong lịch đó. Như vậy thì dù cho sau đó có việc đột xuất, bạn vẫn có thể sắp xếp để đảm bảo rằng chúng sẽ không trùng với những thời điểm đó.

Đảm bảo thời gian cho gia đình tức là bạn phải biết ưu tiên việc nào trước khi việc đó xảy ra. Sắp xếp công việc hợp lí không phải là chuyện dễ dàng, nên việc ghi lại các mốc thời gian và công việc, lên lịch từ trước đó sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều.

3. Đặt ra các giới hạn làm việc

Khi đi làm, bạn cần là nhân viên có khả năng làm việc tập thể (team player), nhưng đồng thời bạn cũng cần là team player trong gia đình bạn. Đừng để công việc của bạn lấn sang thời gian bạn dành cho gia đình.

Khi trong lịch của bạn có những hoạt động gia đình, hãy nói rõ ràng khi bạn được yêu cầu ở lại làm trễ ngày thứ ba liên tiếp. Nên biết các giới hạn đối với sếp của bạn, để bạn không phải đối diện nguy cơ mất việc, nhưng bạn cũng không muốn giảm thiểu giá trị gia đình bạn và những khoảng thời gian cho gia đình mà bạn đã định trước trong lịch.

Đây là lí do vì sao những sự kiện quan trọng phải được ghi vào lịch, để đến lúc cần, bạn chỉ nhìn qua là biết được buổi tối nào quan trọng hơn. Nếu không có ghi chú trong lịch, bạn sẽ dễ dàng quên chúng cho đến khi ngày đó xảy đến.

Đừng để công việc của bạn che mờ gia đình khi mà điều đó là không cần thiết.

4. Đặt ra khoảng thời gian "không dùng điện thoại" trong tuần

Một trong số những người bạn tốt của gia đình tôi hiện là giám đốc tài chính của công ty quản lí bất động sản lớn nhất thế giới. Điều tất nhiên là ông ấy rất bận rộn. Nhưng ông ấy vẫn dành thời gian cho gia đình vào dịp cuối tuần.

Vào mỗi tối thứ Bảy, ông ấy "ngắt kết nối" với điện thoại của mình và không trả lời tin nhắn, thư điện tử, hay cuộc gọi đến (nếu đó không phải là việc thật sự khẩn cấp). Ông chỉ "nối lại" các liên lạc vào tối Chủ nhật, khi mà các con ông ấy đã đi ngủ từ lâu. Bằng cách này ông ấy có thể dồn tâm trí cho vợ con mình trong 24 giờ đó.

Ông ấy cũng đi làm suốt tuần, nhưng ông ấy tự cách li với điện thoại và các thiết bị điện tử đủ 24 tiếng một tuần chỉ để dành trọn tâm trí cho gia đình ông ấy.

Những gì ông ấy làm thực sự rất đáng để chúng ta học hỏi. Phải chi chúng ta có thể dành trọn 24 tiếng trong tuần, ngắt kết nối với các thiết bị của chúng ta để kết nối lại với gia đình của chúng ta.

Một năm có 52 tuần. Như vậy chúng ta có 52 ngày mà 100% tâm trí chỉ dành cho thứ quan trọng nhất với chúng ta, và đó là gia đình.

Chúng ta làm việc chăm chỉ, chu cấp cho gia đình, nhưng sẽ nghĩa lí gì nếu chúng ta không gắn kết, cũng không xây dựng các mối liên kết giữa các thành viên? Nếu vậy, công việc chúng ta làm và nỗ lực chúng ta bỏ ra đều là vô ích.

Hãy làm việc chăm chỉ để nuôi gia đình, nhưng cũng hãy chơi vui vẻ với gia đình để tất cả các khoảnh khắc đều có giá trị.

5. Dành khoảng thời gian gia đình có mục đích

Bạn cần phải đặt mục đích rõ ràng cho khoảng thời gian gia đình. Nếu tất cả đều ở nhà nhưng lại nằm trong phòng mình làm việc riêng thì đó không phải là thời gian của gia đình. Tốt nhất là mọi người phải tương tác với nhau thông qua một hoạt động tập thể nào đó. Đây cũng là khởi đầu cho các chia sẻ giữa các thành viên trong nhà.

Một lựa chọn khác là hoạt động nhóm (side-by-side). Cách này giúp mỗi thành viên tạo các mối liên kết và quan hệ trong gia đình. Mục tiêu ở đây là tạo được khoảng thời gian bên nhau, cùng nhau làm việc.

Cùng ở một nơi nhưng lại không đi cùng nhau thì cũng không tạo được mối quan hệ tốt. Chính vì vậy, khi đi chơi ở ngoài, như đi bảo tàng hay triển lãm mĩ thuật chẳng hạn, nên đi cùng nhau và cả gia đình cùng nhau trải nghiệm mọi thứ.

Một số hoạt động gia đình mà bạn có thể chọn được liệt kê sau đây. Bạn nên thay đổi, luân phiên để các thành viên trong nhà cảm thấy mỗi lần trải nghiệm là một lần trải nghiệm mới mẻ. Nhớ ghi chú vào lịch làm việc của bạn, để bảo đảm bạn vẫn dành thời gian đó cho gia đình:

  • Chơi cờ bàn
  • Đi bộ đường dài
  • Tập yoga gia đình
  • Leo vách đá trong nhà (indoor rock climbing)
  • Xem phim gia đình
  • Tham quan công viên Bang (state park)
  • Tham quan công viên Quốc gia
  • Đi viện bảo tàng
  • Đi xem hòa nhạc ngoài trời
  • Đi xem một vở kịch
  • Học vẽ
  • Đi đến các phòng "tự tay làm đồ gốm" (make-your-own pottery studio)
  • Làm móng tay/móng chân
  • Khám phá các sự kiện cộng đồng tại địa phương
  • Đi câu cá
  • Chơi một môn thể thao trong nhà như bóng mềm hay bóng đá
  • Đi nhà thờ
  • Đi bơi
  • Chơi thuyền
  • Cắm trại, kể cả khi nó chỉ ở sân sau nhà bạn
  • Đạp xe
  • Đi biển
  • Lái xe ngắm cảnh
  • Đi công viên
  • Đi dã ngoại (picnic)
  • Chơi một môn thể thao trên cỏ như bóng vồ hay cầu lông
  • Đi xem triển lãm mĩ thuật
  • Dự tính và cùng nhau nấu một bữa ăn
  • Tổ chức các kỳ nghỉ và tiệc sinh nhật
  • Đọc sách thành tiếng (càng lý tưởng hơn nếu trong gia đình có con nhỏ)
  • Hoàn thành một tác phẩm (dự án) nghệ thuật (có ít nhất cả triệu ý tưởng như thế trên Pinterest)
  • Đi công viên giải trí theo chủ đề hoặc hội chợ cuối tuần
  • Tham dự hội chợ hàng thủ công

6. Đừng bận tâm về những điều nhỏ nhặt

Trong cuộc sống, đã nhiều lần chúng ta phải bận tâm về những điều nhỏ nhặt. Có những thứ mà một năm sau, thậm chí chỉ một tuần sau, sẽ trở thành vô nghĩa, vậy mà chúng ta cũngbận tâm về chúng.

Về lâu dài, nếu sự việc sẽ không còn nhiều ý nghĩa thì bạn đừng lo lắng về nó nữa. Có những thứ nhỏ nhặt không đáng để bạn bực mình lại khiến bạn bực mình và kéo theo là cả nhà bạn cũng không vui. Nếu cha hoặc mẹ đang bực tức vì chuyện gì đó thì bầu không khí gia đình cũng trở nên nặng nề hơn. Đừng để những phút giây bên gia đình trở thành như thế vì những chuyện không đáng. 

Bạn có một ngày làm việc không suôn sẻ à? Vậy hãy để nó ở nơi làm việc, đừng mang về nhà. Cãi nhau với bạn bè ư? Tạm quên đi, vui vẻ với gia đình của bạn đã, và sau đó hãy nói chuyện với người bạn đó. Con cái không chịu làm việc nhà? Hãy bảo chúng làm sau khi cả nhà cùng thư giãn tâm sự, chứ đừng chì chiết chúng mà làm hỏng thời gian cả gia đình được bên nhau.

Đừng để bất cứ việc gì gián đoạn thời gian bạn dành cho gia đình, nếu đó không phải là những việc cần bạn xử lí ngay lập tức; vì tất cả những việc đó vẫn sẽ còn y nguyên khi sau đó bạn mới giải quyết. Hãy xử lí những việc khẩn cấp, nhưng hãy cho qua tất cả những việc còn lại và sau đó mới giải quyết.

Hãy dành thời gian và tâm trí của bạn cho gia đình, hơn là những việc bên lề mà bạn biết bạn có thời gian để xử lí sau.

7. Tử tế và tha thứ phải được đặt làm luật

Nếu các thành viên trong nhà toàn là cãi vã, bực tức hay ác cảm với nhau thì thật khó để có những phút giây gia đình thực sự được.

Nếu bạn có những vấn đề nghiêm trọng thường cản trở đến việc dành thời gian cho gia đình, vây thì đã đến lúc bạn cần đến dịch vụ tư vấn gia đình. Nếu đó là cãi cọ, thiếu tha thứ, hoặc nhìn chung là thiếu tử tế, vậy thì cần đặt ra luật gia đình để đảm bảo rằng các thành viên đối xử tốt với nhau mỗi khi gia đình tụ họp.

"Sự ác cảm hoặc thiếu tử tế sẽ không được chấp nhận". Cha mẹ phải làm gương trước. Hãy dạy con cái bằng cách kể chuyện về sự tử tế, và song song đó cũng phải là hình mẫu đối xử tử tế với các thành viên khác trong gia đình.

Nếu sự việc trở nên căng thẳng, hãy có một từ khóa để giúp các thành viên trong nhà nhớ rằng họ phải đối xử tốt với nhau chứ không phải cãi nhau, chửi thề hay đối xử thô tục. Với gia đình tôi thì từ khóa đó là "chuột xạ hương" (muskrat). Bạn có thể tự nghĩ ra từ, có thể khiến từ đó hài hước hơn để xóa bầu không khí nặng nề khi những hành vi không mong muốn diễn ra.

8. Hãy đảm bảo rằng thời gian không làm việc là thời gian nghỉ

Bạn thường mang công việc về nhà làm mỗi tối chứ? Bạn có đang làm bù sau giờ hành chính không? Bạn vẫn trả lời điện thoại và thư điện tử sau giờ làm việc chính thức chăng? Nếu đây là điều bạn vẫn làm mỗi ngày thì bạn cần phải xem xét lại.

Bây giờ bạn bắt đầu bỏ thói quen mang việc về nhà và làm việc sau giờ hành chính được chứ? Nếu bạn vẫn chưa làm được vế đầu tiên vì quá lo lắng, vậy thì hãy cắt giảm việc làm sau giờ. Điều này nghĩa là bạn tìm cách từ từ cắt giảm những công việc này khỏi thời gian biểu buổi tối của bạn, và ưu tiên dành thời gian cho gia đình mình vào lúc này.

Nếu bạn làm việc liên tục và trong giới hạn sức người không thể hoàn thành công việc trong ngày, có lẽ bạn nên nói chuyện với sếp của mình. Hãy chắc chắn rằng bạn kê khai đầy đủ giờ làm của mình trong ngày đã làm những gì để họ hiểu ý bạn nói. Trình bày như thế nào để họ có thể đứng vào vị trí của bạn và xem xét vấn đề dưới góc nhìn của bạn.

Không phải tất cả các sếp sẽ thông cảm cho bạn, nhưng vấn đề về giờ làm và lương bổng có quy định trong luật. Nếu bạn không chắc là chủ của mình vi phạm luật tiền lương và giờ lao động, nhưng bạn cho rằng có vấn đề, bạn có thể liên hệ Bộ Lao động Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ, phân bộ Tiền lương và Giờ qua đường dây nóng miễn phí 1-888-487-9243.

9. Họp mặt gia đình dùng để bàn luận chi tiết các vấn đề

Khi những vấn đề nan giải xuất hiện, ví dụ như quy định luật và các ngày sinh hoạt gia đình, hãy làm một cuộc họp gia đình nơi bàn ăn. Cùng ngồi xuống và thảo luận các vấn đề, không bị phân tâm bởi các thiết bị điện tử để có thể hiểu nhau và hiểu mục tiêu đề ra.

Khi bạn nói "Đến lúc họp gia đình", mọi người trong nhà sẽ hiểu là đến lúc ngồi vào bàn ăn để thảo luận các vấn đề quan trọng. Nếu ở nhà bạn chưa làm điều này bao giờ thì bạn có thể tổ chức họp gia đình lần đầu tiên để bàn luận về kế hoạch dành thời gian cho gia đình mỗi tuần và để cho mọi người cùng đóng góp ý kiến.

Hai đứa con sinh đôi của chúng tôi mới chỉ bốn tuổi nhưng chúng vẫn được tham gia vào các buổi họp gia đình. Những buổi họp này có thể bắt đầu từ lúc còn bé, để mỗi thành viên hiểu rằng chúng được trân trọng từ khi còn nhỏ tuổi. Ý kiến và sự tham gia vào các cuộc tranh luận của chúng là quan trọng, bởi chúng cũng là thành phần trong gia đình, bất kể tuổi tác.

10. Hãy để thời gian bên gia đình là thời gian được thoải mái chứ không phải là một cực hình

Thời gian cho gia đình không có chỗ cho những sự răn đe. Thời gian gia đình bên nhau không phải là một hình phạt. Nếu đó thực sự là hình phạt thì là do cách tiếp cận của bạn hoặc các hoạt động để các thành viên cùng thực hiện là chưa đúng.

Hãy tìm kiếm những hoạt động mà mọi người đều cảm thấy hào hứng, dưới một mức độ nào đó, khi thực hiện cùng nhau. Bạn không bao giờ có thể tìm được một việc mà tất cả đều thích làm nhưng bạn có thể chọn được một hoạt động như kể trên. Mục tiêu ở đây là tất cả đều cảm thấy vui khi được bên nhau, cùng tham gia các hoạt động và tương tác gia đình, tương tác trực tiếp với nhau càng nhiều càng tốt. Các trò chơi cũng sẽ có tác động tốt vì chúng tạo ra tương tác trực tiếp nhiều hơn.

Hãy làm khoảng thời gian bên nhau của gia đình thật sự vui và thú vị, như vậy thì tất cả các thành viên trong nhà sẽ mong đến lúc đó. Khi thảo luận xem thời gian gia đình nên có những hoạt động gì, hãy tính luôn con của bạn (đặt biệt là lứa tuổi teen); như vậy bạn sẽ có định hướng là điều gì làm cho mọi người thấy vui.

Cuối cùng bạn sẽ có những kỉ niệm gia đình ngọt ngào vì những hoạt động gia đình đó là những trải nghiệm tích cực. Bạn cũng sẽ tạo ra sự gắn kết giúp thúc đẩy đoàn kết gia đình.

11. Hãy cam kết thường xuyên dành thời gian cho gia đình

Không phải chỉ khi nào có sinh nhật hay lễ tết thì mới cần thời gian dành cho gia đình. Nếu bạn thực sự tin như vậy thì bạn đã để mất phần lớn thời gian còn lại trong năm rồi.

Thời gian cho gia đình nên được thực hiện mỗi tuần. Bạn cần nhiều thời gian bên gia đình hơn là chỉ lâu lâu có dịp mới sinh hoạt, nếu bạn muốn có các mối liên kết và quan hệ gia đình đúng nghĩa.

Chỉ tham dự tiệc sinh nhật hay tiệc trong những ngày lễ là không đủ để xây dựng các mối quan hệ bền chặt (bạn có thể kiểm chứng bằng cách hỏi những đứa trẻ có cha mẹ ly thân và chỉ một người - cha hoặc mẹ - của chúng có mặt trong những dịp đó). Mối quan hệ không thể bền lâu nếu tất cả chỉ là hình thức bên ngoài.

Cần có sự đầu tư về thời gian hợp lí để các mối quan hệ có thể phát triển vượt qua các hình thức bên ngoài đó. Theo thời gian, việc đảm bảo các bữa ăn gia đình diễn ra vài lần một tuần sẽ có tác động to lớn đến đến quan hệ gia đình. Nếu các thành viên trong nhà không thể dùng cơm tối với nhau, hãy nghĩ đến những lựa chọn khác để cả nhà có thể dành thời gian bên nhau, miễn là những lựa chọn đó không quá tốn thời gian, ví dụ như cả nhà có thể đi bộ buổi tối vài ngày trong tuần.

Thời gian dành cho những lúc như thế có thể không nhiều, nhưng tần số thực hiện mang yếu tố then chốt. Bạn sẽ có thời gian để hỏi con mình về những gì xảy ra trong tuần thay vì chỉ chờ đến cuối tuần rồi nghe kể lại, bởi vì sẽ có những việc xảy ra trong tuần nhưng con bạn đã quên khi chúng kể lại vào cuối tuần.

12. Những bữa cơm tối cùng gia đình thực sự là khoản đầu tư thời gian đáng giá của bạn

Trong những việc có thể làm trong thời gian sinh hoạt gia đình, thì ưu tiên số một là dành cho các bữa cơm tối gia đình ít nhất khoảng vài lần một tuần.

Các nghiên cứu tại Đại học Michigan về bữa ăn gia đình vào buổi tối cho thấy rằng trẻ em ở các gia đình có bữa ăn tối cùng nhau ít nhất ba lần một tuần đạt điểm cao hơn trong học tập, ít bị rối loạn ăn uống, có kĩ năng phát triển ngôn ngữ tốt hơn và sức khỏe cũng tốt hơn.[1] Các nghiên cứu của họ cũng chỉ ra luận điểm quan trọng sau:

Có sự tương quan giữa các bữa ăn gia đình thường xuyên và việc giảm thiểu nguy cơ sử dụng thuốc lá, rượu bia và ma túy. Các tương quan khác bao gồm nguy cơ xảy ra các triệu chứng trầm cảm, ý định tự tử thấp hơn cũng như thành tích học tập cao hơn ở lứa tuổi từ 11 đến 18 tuổi.

Bữa tối không chỉ là thời gian đào sâu các mối quan hệ và trao đổi về những gì đã diễn ra trong tuần, mà nó còn mang đến những lợi ích khác cho sự phát triển của trẻ em và trẻ vị thành niên.

Bạn phải ăn đủ bữa trong ngày, vậy thì ăn các bữa đó cùng gia đình cũng không khiến bạn phải tốn thêm bất kì chi phí nào. Tuy nhiên, đừng để các thiết bị điện tử gây ảnh hưởng đến các bữa ăn gia đình, tốt nhất là nên để chúng xa khỏi bàn ăn để mọi người có thể tập trung chia sẻ, tương tác với nhau trong bữa ăn.

12. Hãy dẹp những thứ có thể gây phân tâm, cản trở

Khi dành thời gian cho gia đình thì vật cản lớn nhất phải kể đến là chiếc điện thoại di động. Nếu con bạn đang ở lứa tuổi teen và sở hữu những chiệc điện thoại thông minh, chúng dễ dàng phân tâm, không đoái hoài gì đến gia đình nữa. Như vậy, thời gian cần thiết để xây dựng các mối quan hệ gia đình bằng không.

Hãy ra những quy ước, luật lệ về việc sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử khác, áp dụng cho bất kì ai trong nhà, cả người lớn và trẻ nhỏ. Hãy cố gắng để không có gì cản trở thời gian quây quần gia đình. Sau khoảng thời gian này, mọi người lại có thể kiểm tra thư điện tử hay tin nhắn. Giả sử có viêc khẩn cấp thì bạn thường sẽ biết ngay vì người gọi sẽ gọi đi gọi lại nhiều lần.

Nếu không phải việc khẩn cấp thì tất cả đều có thể chờ đến sau khi sinh hoạt gia đình xong. Buông điện thoại ra chỉ vài tiếng sẽ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống, công việc hay đời sống xã hội của bạn đâu. Bạn thực sự thành công nếu bạn có một chỗ để các thành viên trong nhà đặt điện thoại của mình xuống và không đụng đến chúng trong suốt thời gian sinh hoạt gia đình.

Không có các thiết bị điện tử đó nghĩa là không có những vật gây phân tâm chia trí, vậy thì mọi người trong nhà đều có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian cho nhau trong những lúc sinh hoạt gia đình.

13. Hãy đảm bảo rằng thời gian bên gia đình không phải là thời gian cho những chỉ trích

Cuộc sống vốn dĩ đã vất vả rồi. Chúng ta đã được/bị cả thế giới phát xét cả ngày. Thế nên những lúc bên gia đình nên là những lúc không có chỗ cho những chỉ trích lẫn nhau.

Nếu thực sự phải nhận xét lẫn nhau, trong gia đình nên có luật mỗi khi làm việc đó. Nếu có vấn đề gì quan trọng cần giải quyết, hãy tổ chức họp gia đình để tìm cách xử lí. Nếu sự việc không có gì nghiêm trọng, hãy để chúng đi qua.

Hãy để mỗi thành viên trong gia đình được là chính mình, kể cả những đòi hỏi, ham muốn, và mỗi người đều được chấp nhận và được yêu thương vì mỗi người là chính mình. Bởi tất cả những điều đó chẳng phải là ý nghĩa của một gia đình sao?​​​​​​​

Khi đến cuối đời

Bạn bè thường sẽ đến rồi đi, nhưng những người trong gia đình thường sẽ gắn bó với nhau từ lúc sinh ra đến lúc chết đi. Chúng ta không thể chọn gia đình cho riêng mình, nhưng chúng ta có thể làm cho các mối quan hệ gia đình mạnh hơn, bền chặt hơn, và tích cực hơn qua những khoảng thời gian cho gia đình, và việc áp dụng những mẹo trên đây sẽ giúp bạn có những khoảng thời gian bên gia đình chất lượng hơn.

Mối liên kết bạn tạo ra với con khi con còn bé sẽ bền vững cả đời, và mấu chốt là việc xây dựng các mối liên kết vững chắc và những quan hệ đầy tình yêu thương, với nền tảng là các trải nghiệm tích cực và thời gian tương tác chất lượng cùng nhau.

Sống chung một mái nhà, mà không hề có tương tác qua lại thì chỉ dừng lại ở mức như bạn cùng phòng (roommates). Trải nghiệm cùng nhau, nói chuyện, chia sẻ cùng nhau, có những buổi sinh hoạt gia đình chất lượng hàng tuần và quan tâm đến đời sống của nhau sẽ đảm bảo cho các mối liên kết giữa bạn và gia đình bền chặt suốt đời.

Trẻ con lớn rất nhanh từ lúc sinh ra đến khi chúng 18 tuổi. Nếu bạn chỉ chú tâm vào công việc, bạn có thể sẽ không để ý đâu. Hãy ưu tiên cho gia đình từ hôm nay bằng cách chọn ra những khoảng thời gian cho gia đình và ghi chú lên lịch làm việc của tất cả các thành viên ngay lúc này.

Tổ chức một cuộc họp gia đình là cách tốt nhất để thực hiện việc này. Đừng quên hỏi con bạn xem chúng muốn làm gì trong khoảng thời gian dành riêng cho gia đình và đây là bước khởi đầu hoàn hảo cho những dự định sau đó của gia đình.

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com

Tài liệu tham khảo

[1]^Michigan State University: Giá trị của bữa ăn gia đình