5 tháng trước
Điều Gì Làm Nên Thói Quen Lắng Nghe Có Chọn Lọc?
400

5657
Lượt xem
82
Lượt chia sẻ
4
Lượt bình luận

Lắng nghe có chọn lọc có thể nói là cách dễ nhất dẫn đến một cuộc ẩu đả với đối thủ của bạn. Tôi biết tôi có trách nhiệm trong việc này. Tôi lắng nghe những gì hắn nói và cho rằng mình hiểu ý hắn, và không phải lúc nào cũng hiểu theo chiều hướng tích cực.

Sự hiểu nhầm này bắt nguồn từ thực tế là tôi không thực sự lắng nghe gì cả. Tôi chỉ nghe những gì mình muốn nghe và bỏ ngoài tai mọi thứ ở giữa chừng. Điều này khiến tôi tự xây dựng một phiên bản riêng cho toàn bộ cuộc đối thoại, mà phiên bản đó lại thường không chính xác. Nhiều phụ nữ nói đùa rằng chồng của họ có thói quen lắng nghe chọn lọc, nhưng phải chăng tất cả chúng ta đều ít nhiều mắc phải lỗi lẫm này?

Thế Nào Là Lắng Nghe Có Chọn Lọc, và Vì Sao Đây Lại Là Một Vấn Nạn

Lắng nghe, hoặc chú ý có chọn lọc, là hiện tượng xảy ra khi ta chỉ nhìn thấy những gì ta muốn thấy và nghe những gì ta muốn nghe. Khi đó, tâm trí ta chủ động lựa chọn thông tin và loại bỏ ngoài tai những ý kiến/ý tưởng của người khác nếu chúng không phù hợp với chính kiến của mình.[1] Đây không chỉ đơn thuần là một thói quen xấu hay một hành vi thiếu văn hóa, mà là biểu hiện của cả một vấn nạn lớn, xảy ra khi bạn không nghe được người khác nói gì vì không dám đối mặt với cuộc tranh cãi sắp sửa diễn ra với họ. Cuộc tranh cãi đó là lý do thực sự khiến chúng ta thường ngừng nghe những gì người khác nói; chúng tôi cả quyết rằng họ sai, đơn giản vì bản thân mình đúng.

Để Lắng Nghe Tốt, Trước Tiên Bạn Phải Biết Chú Tâm

Khả năng lắng nghe tốt về cơ bản bắt nguồn từ việc sắp xếp thứ tự ưu tiên. Nếu chúng ta cho một điều gì là quan trọng và đáng để lắng nghe, khả năng lớn là ta sẽ tự ngăn chặn tất cả tạp âm xung quanh và tập trung hoàn toàn vào điều đó. Thế nhưng, khi nghe vợ/chồng mình nhắc nhở đi lấy sữa, phần lớn trường hợp chúng ta sẽ tập trung vào chương trình truyền hình về đời tư của người nổi tiếng mà mình đang xem và lắng nghe hơn. Thực tế thì, bộ não của ta đã được tiền định để ưu tiên một số tín hiệu âm thanh hơn những thứ khác!

Dù có ý thức rõ ràng về điều này hay không, thì chúng ta vẫn luôn có thói quen lắng nghe chọn lọc. Khoa học đã chứng minh rằng não bộ con người có khả năng xác định những thông tin đối thoại cần được loại bỏ (dù bao nhiêu chuyện đang xảy ra vào lúc đó đi nữa), đồng thời não bộ cũng cho phép ta tập trung vào một cuộc hội thoại cụ thể kể cả khi sự tập trung của ta bị phân tán bởi hàng loạt các cuộc đối thoại khác [2].

Lắng Nghe Có Chọn Lọc Khiến Bạn Trở Nên Hẹp Hòi và Phá Hủy Những Mối Quan Hệ Bạn Trân Quý

Mặc dù việc bỏ ngoài tai yêu cầu đi đổ rác có vẻ không đáng gì, nhưng hành vi lắng nghe có chọn lọc nói chung là một vấn nạn lớn. Thói quen này ngăn chặn bạn chấp nhận, thậm chí là không thèm để tâm đến những luồng ý kiến khác biệt. Điều này cuối cùng sẽ tác động đến niềm tin cũng như khả năng học hỏi của bạn.

Hơn thế nữa, người bạn đời của bạn một khi đã phát chán với việc bạn phớt lờ yêu cầu đi rửa chén hoặc gấp đồ giặt của họ có thể sẽ không thèm ở lại với bạn để chứng kiến những thứ khác mà bạn cũng làm ngơ. Các mối quan hệ chỉ có ý nghĩa trên nền tảng giao tiếp tốt, và lắng nghe có chọn lọc khiến ta khó có thể hiểu được nhu cầu và mong muốn của người khác. Trên thực tế, một số người có thể xem việc bạn từ chối lắng nghe là dấu hiệu cho thấy bạn đang thao túng mối quan hệ với họ theo một chiều duy nhất.

Khi Nhớ Lại Những Lần Không Được Người Khác Lắng Nghe, Bạn Sẽ Hiểu Vì Sao Mình Cần Phải Thay Đổi

Thừa nhận rằng đôi khi bạn có thể lắng nghe có chọn lọc thôi thì chưa đủ - bạn phải tìm cách thay đổi để trở thành một người vợ/chồng và một người bạn tốt hơn.

Hãy nghĩ về lần gần đây nhất khi bạn nhận thấy rõ rằng người bạn đang nói chuyện không hứng thú với những gì bạn nói. Rõ ràng là họ không muốn nghe những gì bạn nói, và ngay cả khi họ gật đầu, lời nói của bạn thực tế đã đi vào tai này và lọt ra ngoài tai kia của họ. Bạn cảm thấy rất khó chịu, đúng không?

Bạn cho rằng lý do gì khiến họ làm lơ bạn? Đó có phải là do thời điểm đối thoại không đúng lúc? Bạn đã làm gián đoạn một việc gì quan trọng của họ? Đó có phải là một cuộc đối thoại sâu sắc mà trong đó, bạn biết rằng quan điểm của họ hoàn toàn trái ngược với bạn?

Dù thế nào đi nữa, hãy nghĩ về việc những lần nói chuyện của bạn với họ về sau đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi cuộc đối thoại đơn chiều đó. Liệu nó có tác động đến cách bạn giao thiệp với họ? Điều quan trọng là, bạn hãy lịch sự yêu cầu người đó sẵn sàng lắng nghe, đồng thời nhấn mạnh rằng họ không nhất thiết phải đồng ý với những gì bạn nói.

Lắng Nghe Không Chỉ Liên Quan Đến Đôi Tai, Mà Còn Là Cả Tâm Trí Của Bạn

Lắng nghe ít chọn lọc không đồng nghĩa với việc bạn phải dễ dãi hơn trong quan niệm và chính kiến của mình. Nói đúng hơn, bạn sẵn sàng chào đón những luồng ý kiến khác biệt và cho phép bản thân được cân nhắc những ý kiến đó. Ngay cả khi kết quả cuối cùng là như nhau - bạn vẫn không chấp nhận ý tưởng mới, không đồng ý dỡ máy rửa chén và lau bụi kệ phòng khách - thì cũng không sao cả. Điều quan trọng là bạn đã chủ động lắng nghe và đưa ra quyết định sau khi cân nhắc các lựa chọn. Thử hình dung xem điều này sẽ tác động như thế nào đến khả năng giao thiệp với mọi người bạn tiếp xúc trong cuộc sống.

Hãy nhớ rằng, trước khi đọc bài viết này, bạn có thể không nhận ra mình đã từng lắng nghe có chọn lọc cũng như ảnh hưởng tiêu cực của thói quen đó đến những mối quan hệ của bạn. Vì vậy, hãy kiên nhẫn với những người xung quanh trong lúc họ cố gắng trở nên tự nhận thức hơn. Và này, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ bài viết này với họ mà!

Tài liệu tham khảo