4 tháng trước
Bí Quyết Lựa Chọn Công Việc Khi Bạn Chưa Có Định Hướng Nghề Nghiệp
338

3725
Lượt xem
231
Lượt chia sẻ
38
Lượt bình luận

Cuộc sống thường không phải lúc nào cũng diễn ra như cách ta hình dung. Trong một thế giới công nghệ và kinh tế không ngừng phát triển như hiện giờ, các loại hình nghề nghiệp ta có thể theo đuổi là cực kỳ phong phú và đa dạng. Nếu không nằm trong số những người may mắn xác định chính xác định hướng nghề nghiệp, hoặc theo đuổi một công việc nhưng nhận thấy nó không phù hợp với mình, chúng ta có thể rơi vào tình trạng mất phương hướng về sự nghiệp, thậm chí là về công việc ta thực sự muốn làm.

Những vấn đề ta gặp phải khi lựa chọn nghề nghiệp

Sự thay đổi liên tục của nền kinh tế đồng nghĩa với việc các loại hình công việc và nghề nghiệp cũng không ngừng thay đổi tương ứng. Điều này có thể khiến ta cảm thấy công việc không còn đem lại sự thỏa mãn, hoặc đang diễn ra theo một hướng mà ta không muốn.

Thế nhưng, chính chúng ta cũng đang liên tục thay đổi. Sự thay đổi và phát triển trong chính bản thân không phải là thứ ta luôn chú ý khi suy nghĩ về sự nghiệp thời còn trẻ. Mặt khác, ta cũng có thể phải chịu áp lực từ những người thân yêu trong việc lựa chọn nghề nghiệp hợp lý và phúc lợi tốt, ngay cả khi điều đó không làm ta cảm thấy hạnh phúc. Ta có thể bị thôi thúc bởi nhu cầu kiếm tiền, nhưng dần nhận ra tiền không phải là thứ đem lại hạnh phúc, mà chính là niềm đam mê đằng sau công việc mình làm.

Vì lẽ đó, đến một thời điểm trong cuộc sống, chúng ta có thể khao khát một sự thay đổi, nhưng không xác định được bản thân thực sự muốn làm gì, cũng như điều gì thực sự đem lại hạnh phúc cho ta.

Tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng nghề nghiệp

Trở lại từ đầu, điều tất cả chúng ta thực sự mong muốn từ công việc là sự thỏa mãn, hài lòng, thành công, niềm đam mê và ý thức về năng lực cống hiến của bản thân. Với việc phần lớn thời gian sống của ta diễn ra tại nơi làm việc, để tìm được hạnh phúc trong cuộc sống, chúng ta cần phải xem xét niềm vui mà sự nghiệp mang lại cho chính mình.

Khi tập trung quá nhiều vào kiếm tiền mà ít chú tâm đến cảm giác của bản thân khi thức dậy đi làm mỗi sáng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng tự hỏi: Mục đích của tất cả những việc này là gì? Xác định đúng định hướng nghề nghiệp sẽ đem đến cho ta cuộc sống dư dật và hạnh phúc, thế nhưng chúng ta cần từ bỏ định kiến rằng mình bắt buộc phải theo đuổi định hướng đã lựa chọn. Cũng cần loại bỏ những suy nghĩ kiểu như "Đã quá muộn để thay đổi nghề nghiệp", "Mình không có đủ năng lực", "Tìm việc làm không dễ", "Cơ hội kiếm tiền không có nhiều" - và nhiều định kiến khác nữa.

Cách xác định đúng định hướng nghề nghiệp cho bản thân

Dù bạn đang cân nhắc một công việc mới hay chỉ mới bắt đầu hành trình sự nghiệp của mình, câu hỏi đặt ra là - Phải khởi đầu từ đâu đây? Đừng tuyệt vọng nếu bạn cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng - có một số biện pháp bạn có thể thực hiện để bước đầu xác định hướng đi cho mình.

Suy nghĩ về những điều đem lại cho bạn nhiệt huyết và niềm vui sống

Chúng ta thường quên rằng mình có quyền lựa chọn công việc theo đam mê/sở thích. Một trong những dấu hiệu rõ nhất cho thấy bản thân đang đi sai định hướng nghề nghiệp là khi chúng ta không thích nói về công việc của mình, chứ đừng nói gì đến đi làm.

Xác định được nghề nghiệp yêu thích sẽ giúp ta duy trì công việc lâu dài. Nếu chỉ chú ý đến thu nhập, khả năng lớn là bạn sẽ mau chóng cảm thấy không hạnh phúc và thỏa mãn.

Suy nghĩ về năng lực của bản thân

Việc suy nghĩ không chỉ về những gì bạn thích, mà cả những gì bạn thực sự giỏi có ý nghĩa rất lớn với việc tìm được nghề nghiệp tốt. Bạn có tử tế với mọi người không? Bạn có thể đưa ra những lời khuyên tốt? Bạn có khả năng ăn nói không? Bạn có tài viết lách không? Bạn có thân thiện với động vật không? Hãy thử nghĩ xem có bao nhiêu kỹ năng mà bạn cảm thấy mình giỏi, và nếu gặp khó khăn, hãy nhờ một người bạn hoặc đồng nghiệp tốt góp ý - đôi khi những người xung quanh có khả năng đánh giá chúng ta tốt hơn bản thân mình rất nhiều.

Một mẹo hay là xác định các kỹ năng bạn sử dụng khi làm những điều mình thích. Dù bạn có thể cảm thấy việc này không quan trọng, đừng lo lắng gì cả - cứ viết ra đi.

Suy nghĩ về lĩnh vực làm việc thay vì công việc cụ thể

Một trở ngại lớn ta thường gặp phải là quá cụ thể khi cân nhắc nghề nghiệp tương lai. Khi đó, chúng ta dễ dàng cảm thấy nản lòng và bị bó buộc trong suy nghĩ của mình. Thay vào đó, hãy nghĩ về lĩnh vực làm việc hơn là chi tiết cụ thể - ví dụ, nếu bạn thích giúp đỡ và ở gần động vật thì công việc bác sĩ thú y có thể là một ý tưởng hay, nhưng đồng thời vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác, chẳng hạn như trở thành một người dắt chó chuyên nghiệp.

Ý tưởng cơ bản là hãy tư duy vượt ra ngoài giới hạn - các kỹ năng cần thiết cho công việc này có thể phù hợp với một loại công việc khác - chẳng hạn khả năng giải thích các chủ đề phức tạp và sử dụng ngôn ngữ tốt để truyền tải thông điệp của một người giáo viên cũng rất thích hợp để khiến bạn trở thành một nhà văn giỏi.

Nghiên cứu những khả năng chuyên môn cần thiết

Khi đã lập được danh sách những định hướng tương lai, việc tiếp theo là nghiên cứu những gì bạn cần biết hoặc bằng cấp bạn cần sở hữu để có được công việc mơ ước của mình. Chẳng hạn, nếu đang cân nhắc thành lập doanh nghiệp cá nhân, bạn sẽ phải tìm thông tin về các lớp học kinh doanh, hoặc quay lại trường học để lấy bằng. Hãy xác định các bước cần thực hiện, và đừng bao giờ nản chí.

Làm quen với những người làm việc trong lĩnh vực đó

Hãy cố gắng xây dựng các mối quan hệ. Bạn có thể hỏi han bạn bè và gia đình để xem họ có biết ai làm việc trong một lĩnh vực tương tự mà bạn có thể trò chuyện không. Tìm thông tin về các diễn đàn hoặc nhóm trực tuyến bàn luận về lĩnh vực công việc mà bạn quan tâm. Bằng cách trao đổi với người khác, bạn sẽ hiểu biết hơn về công việc và thậm chí có thể nhận được lời khuyên về cách để bắt đầu mọi sự.

Xem xét lại những kết quả đạt được

Khi đã nghiên cứu thông tin ở một chừng mực nào đó, hãy nhớ dừng lại suy nghĩ và đánh giá những gì bạn đã tìm hiểu được. Liệu công việc này có phù hợp với phong cách sống bạn mong muốn không? Xem xét những thông tin thu thập được, đồng thời liệt kê tất cả ưu và nhược điểm. Bạn vẫn thích thú công việc đó? Bạn có cảm thấy đam mê với nghề nghiệp bạn chọn? Liệu bạn có sẵn lòng chấp nhận những yêu cầu mà công việc đặt ra, hay là bạn sẽ không thể chịu đựng được những yêu cầu ấy?

Luôn nhớ rằng, việc tự đánh giá với bản thân là rất quan trọng.

Tìm kiếm các cơ hội học tập và trải nghiệm

Một hướng đi tốt là tìm kiếm các cơ hội tình nguyện hoặc thực tập để có thêm kinh nghiệm, cũng như đánh giá xem công việc có thực sự phù hợp với mình không. Bạn không có gì để mất; ngược lại, bạn có thể nhận thức rõ hơn về những gì bạn muốn và không muốn theo đuổi. Ngoài ra, việc tìm kiếm các cơ hội này cũng giúp bạn loại bỏ những lĩnh vực không cần nghiên cứu, đồng thời xác định được những kỹ năng cần phát triển.

Một khi đã cảm thấy chắc chắn và thích thú với định hướng nghề nghiệp của mình, việc tiếp theo bạn cần làm là đăng ký học thêm để có được các bằng cấp cần thiết. Hãy nhớ luôn tập trung vào từng bước một thay vì kết quả về lâu về dài để không bao giờ cảm thấy nghi ngờ hoặc lo lắng.

Duy trì tư duy tích cực và không bao giờ bỏ cuộc

Tư tưởng của chúng ta có sức mạnh rất lớn và có thể quyết định việc ta sẽ từ bỏ giữa chừng hay đạt đến thành công. Việc tiếp tục con đường của mình đòi hỏi nơi bạn một tư duy tích cực - thay đổi nghề nghiệp có thể khiến bạn cảm thấy sợ hãi và cho rằng đó là một bước nhảy quá lớn, nhưng bằng cách luôn tin tưởng và theo đuổi niềm đam mê, cảm hứng và hạnh phúc của mình, bạn sẽ cho phép bản thân nhận ra tiềm năng để đạt đến hạnh phúc trong công việc hằng ngày. Đừng để người khác ngăn cản bạn bằng những suy nghĩ hoặc định kiến của họ - hãy tiếp tục con đường tìm kiếm hạnh phúc của bạn và xem coi nó sẽ đưa bạn đến đâu.