3 tháng trước
Làm Thế Nào Để Biến Sự Căng Thẳng Có Lợi Cho Cơ Thể Và Tinh Thần Của Bạn
287

3174
Lượt xem
83
Lượt chia sẻ
1
Lượt bình luận

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải trải qua mức độ căng thẳng kỷ lục về công việc, nhà cửa và về cuộc sống hằng ngày của mình.

Chúng ta phải hứng chịu dồn dập luồng thông tin từ các phương tiện truyền thông nói rằng cả xã hội chúng ta đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Việc tham gia giao thông đi lại làm huyết áp của bạn tăng cao. Việc suy nghĩ về khoản nợ trong thẻ tín dụng làm bạn toát mồ hôi. Tình hình kinh tế khiến bạn quan ngại, và bạn lo lắng về việc bị mất việc, đánh mất "người ấy", sức khỏe hoặc bất kỳ điều quan trọng nào khác trong cuộc sống của mình.

Hơn thế nữa, chúng ta đã quen với việc nghĩ rằng sự căng thẳng là chuyện xấu, rằng nó có hại cho mình và nguy hiểm đối với sức khỏe của chúng ta. Và điều đó đúng. Mặc dù trạng thái "chiến hay chạy" là một phản ứng sinh lý có thể giúp cứu sống ta, nhưng việc ở trong trạng thái căng thẳng liên tục với mức độ hoạt động của tuyến thượng thận tăng cao có thể dẫn tới tăng huyết áp, tăng cân và cuối cùng làm hao mòn các cơ quan nội tạng của bạn.

Khi bị căng thẳng mạn tính, bạn sẽ dễ trải qua cảm giác dễ cáu gắt, lo âu, trầm cảm, đau đầu và mất ngủ. Nhưng sẽ thế nào nếu tôi bảo với bạn rằng không phải loại căng thẳng nào cũng như nhau, và một số dạng căng thẳng nhất định thực ra lại có thể rất có lợi cho bạn?

Ba cấp độ của sự căng thẳng

Theo bài viết của Giáo sư Bruce McEwen trên tạp chí Aeon, sự căng thẳng có ba cấp độ: 

  • "Sự căng thẳng tích cực" liên quan đến việc mạo hiểm thực hiện một việc mà mình muốn, chẳng hạn như cuộc phỏng vấn để xin việc hoặc xin nhập học, hoặc nói chuyện trước những người xa lạ, và cảm giác được tán thưởng khi thành công.
  • "Sự căng thẳng có thể chịu đựng được" tức là những việc tệ hại xảy ra, chẳng hạn như bị mất việc hoặc mất một người thân yêu, nhưng chúng ta có những nguồn lực của riêng mình và có hệ thống hỗ trợ để chống chọi vượt qua được.
  • "Sự căng thẳng nguy hại" là những việc quá tồi tệ đến mức chúng ta không có những nguồn lực của riêng mình hoặc hệ thống hỗ trợ để vượt qua, là những việc có thể đẩy ta đến chỗ phát ốm về thể chất hoặc tinh thần và khiến ta choáng váng.

Vậy làm thế nào để bạn xử lý những mức độ căng thẳng của riêng mình và dùng chúng như những động lực để hướng tới những điều tốt đẹp hơn, tránh xa sự căng thẳng "nguy hại" và đón nhận nhiều hơn những sự căng thẳng "tích cực"? Hầu hết mọi người đều đã nghe nói về phản ứng "chiến hay chạy" mà tôi đã đề cập ở trên, một thành phần mang tính sống còn trong hệ thần kinh của chúng ta, là cách mà cơ thể phản ứng với sự căng thẳng hoặc mối nguy hiểm. Tuy nhiên nhiều người lại chưa từng nghe về phản ứng "nghỉ ngơi và tiêu hóa", trong đó hệ thần kinh kích hoạt các chức năng êm dịu hơn của cơ thể; các chức năng giúp chúng ta duy trì trạng thái cân bằng khỏe mạnh về lâu dài.

Cách sử dụng sự căng thẳng để tạo ra lợi ích tích cực

Mặc dù một chút căng thẳng có thể giúp bạn có động lực để đạt được nhiều thứ, chẳng hạn như việc hoàn thành một dự án quan trọng đúng hạn, và cú nhảy với dây cao su (bungy jumping) từ một cây cầu có thể làm mức độ hoạt động của tuyến thượng thận của bạn tăng vọt và khiến bạn lên tinh thần sau đó, nhưng chúng ta nên duy trì trạng thái này càng ít càng tốt. Mặc dù nó khiến ta cảnh giác và nâng cao khả năng phản ứng với các thách thức trước mắt, nhưng nó lại làm hại cơ thể rất nhiều về sau và có thể dẫn tới tình trạng mệt mỏi hoặc kiệt quệ của tuyến thượng thận.

Tôi đã từng suýt rơi vào trạng thái kiệt quệ mức độ nhẹ vào năm 2013, thời điểm mà tôi đang tự xuất bản cuốn sách của mình, Doanh Nhân Xách Vali (The Suitcase Entrepreneur). Ban đầu, thật là phấn khích khi cố gắng làm việc để cho ra mắt cuốn sách đầu tiên của mình, đến nỗi tôi đã viết cực kỳ hăng say. Tôi đã dùng sự căng thẳng tích cực để làm được thật nhiều việc và đạt hiệu suất cao một cách đáng ngạc nhiên. Tôi thấy lên tinh thần và đắm chìm trong công việc. Dần dần sau đó, tôi đã ôm đồm quá nhiều khía cạnh của việc xuất bản một cuốn sách, đến nỗi tôi đơn giản là không thể ngừng làm việc. Tôi đã làm việc quên giờ giấc suốt cả ngày và bỏ qua việc tập thể dục cũng như thời gian giải lao chỉ để làm sao cho cuốn sách này trở thành cuốn bán chạy nhất. Kết quả là trong quá trình hoàn thiện cuốn sách, tôi nhận ra mình chỉ ngủ được có vài tiếng mỗi đêm, mình không xử lý công việc tốt nhất có thể, và hiển nhiên là tôi không hưởng thụ cuộc sống hoặc cười đùa nhiều như mức mà lẽ ra mình nên có.

Khi đã nhận ra những điều đó và bắt đầu dành ra nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, để hít thở thật nhiều không khí trong lành, tập thể dục và tự đặt ra các giới hạn, tôi đã cảm thấy tốt hơn. Nhưng cơ thể tôi đã phải mất hàng tháng trời để hồi phục lại, và đối với một số người thì phải mất hàng năm trời. Vậy nên bất kỳ việc gì mà chúng ta có thể làm để giữ cho bản thân mình ở trong trạng thái "nghỉ ngơi và thư giãn" càng nhiều càng tốt đều đáng để bỏ công sức ra làm, bởi vì sức khỏe lâu dài của chúng ta có thể sẽ phụ thuộc vào đó đấy!

Ba cách thiết thực để giảm bớt căng thẳng ngay hôm nay

Cách tốt nhất để đạt phong độ đỉnh cao và cảm thấy ít bị căng thẳng hơn là hãy tìm ra những thứ thật sự khiến bạn cảm thấy thư giãn. Đối với bạn đó có thể là việc dành thời gian cho một thú vui mà bạn yêu thích, chẳng hạn như lắp ráp các mô hình tàu hỏa hay làm vườn. Hoặc có thể là dành thời gian cho những người bạn mà bạn thích, đạp xe đi dạo hoặc đi chơi ngoài thiên nhiên.

Cá nhân tôi thích bắt đầu một ngày bằng cách viết ra ba điều mà tôi cảm thấy biết ơn và dành 15-30 phút để thong thả tập yoga, một việc có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Trong suốt cả ngày, tôi đảm bảo là mình sẽ có nhiều khoảng nghỉ giải lao - âu yếm và chơi đùa với chú cún con của mình, đi dạo tùy hứng giữa thiên nhiên, tập thể hình hoặc thư giãn với một quyển sách. 

Bất kể bạn chọn làm việc gì thì đó phải là việc mà bạn yêu thích. Để giúp bạn thì sau đây là ba cách để đảm bảo bạn sẽ giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống một cách đều đặn mỗi ngày.

1. Hãy giải phóng tâm trí bạn

Không lúc nào tốt hơn ngay lúc này để bắt đầu tập thiền, nếu bạn chưa từng tập. Thậm chí chỉ năm phút tập mỗi ngày cũng có thể tạo ra vô số sự khác biệt. Có đủ các kiểu thiền, bao gồm kiểu đi bộ, kiểu có hướng dẫn, kiểu hình tượng hóa và kiểu đồng ca để phù hợp với nhu cầu của bạn.

Tôi thích ứng dụng Insights Timer (Hẹn Giờ Thấu Hiểu) vì nó cung cấp cho bạn các buổi tập thiền có hướng dẫn kéo dài từ một phút tới vài giờ, hoặc một sự lựa chọn là chỉ cần đặt hẹn giờ để rung chuông khi bạn đã hoàn thành việc hít thở và tập trung vào thời khắc hiện tại.

Hoặc chỉ đơn giản là để ý đến sự tĩnh tâm của mình - đó là việc luyện tập nghệ thuật của sự ý thức về thời khắc hiện tại.[1] Nghe thật đơn giản nhưng việc đó lại khó làm hơn nhiều (lúc ban đầu) so với bạn tưởng đấy. Nhưng nó có thể làm cho sự căng thẳng dần tan biến bằng cách khiến bạn tập trung vào thời khắc hiện tại và chỉ tập trung chiêm nghiệm việc bạn đã may mắn đến thế nào khi được sống trên đời, cũng như mọi vẻ đẹp xung quanh mà có thể bạn không nhận ra.

Tin tôi đi, chính là thế đấy. Hãy bỏ bút xuống, tắt điện thoại di động đi, ngước mặt lên khỏi màn hình máy tính và chỉ việc quan sát thôi. Và hít thở đi.

Cá nhân tôi thích lời khuyên của Tiến sĩ Libby về việc thực hiện 20 hơi thở sâu bằng bụng mỗi ngày để thư giãn tức thời (khoảng 3 giờ chiều là thời điểm tuyệt vời để tái tạo lại năng lượng thông qua kỹ thuật đơn giản đến khó tin này). Bạn muốn tìm hiểu thêm ư? Hãy đọc 8 Kiểu Tư Duy Ngăn Chặn Sự Thành Công Và Hạnh Phúc

2. Hãy vận động cơ thể bạn

Thay vì giữ lại sự bức bối trong lòng và chịu căng thẳng, hãy giải phóng thứ năng lượng nguy hại đó bằng cách tập thể dục. Thậm chí chỉ một cuộc đi bộ nhanh cũng có thể giúp ích, đặc biệt là sau một cuộc điện thoại hoặc cuộc họp khiến bạn cảm thấy thất vọng chán chường. Việc đi bộ không chỉ làm cho hơi thở được sâu mà còn giúp giảm bớt sự căng cơ nữa.

Các kỹ thuật như yoga hay Thái Cực Quyền có thể giúp ích cho bạn nhiều hơn nữa. Chúng kết hợp các chuyển động trôi chảy với việc hít thở sâu và sự tập trung tinh thần, tất cả đều có thể tạo nên sự bình tâm.

Hoặc bạn cũng có thể tìm đến loại hình thể dục cường độ cao đa dạng (crossfit), nhảy lên chiếc xe đạp của mình, nhảy múa như điên quanh căn bếp  hoặc chạy đuổi theo các con của bạn và chơi đùa với chúng. Tất cả những việc này sẽ bơm đầy oxy qua các mạch máu của bạn và sản sinh ra oxytocin - thường được biết đến là chất của tình yêu, đồng thời có tác dụng làm giảm mức độ căng thẳng của bạn.

3. Hãy sống hòa đồng

Ý tôi ở đây không phải là việc lao vào mạng xã hội. Tôi muốn nói đến việc gọi điện thoại hoặc gặp mặt bạn bè, gia đình, người yêu, đồng nghiệp và người cố vấn của bạn.

Bất kỳ ai mang lại cho bạn niềm vui, giúp tiếp thêm động lực cho bạn, nuôi dưỡng và ủng hộ bạn đều sẽ giúp làm tăng tuổi thọ của bạn. Các mối quan hệ gần gũi với gia đình và bạn bè sẽ cho bạn sự ủng hộ về mặt cảm xúc để giúp bạn đứng vững, đặc biệt là trong những thời điểm gặp phải tình trạng căng thẳng mạn tính.

Hãy hít một hơi thật sâu

Vào cuối ngày, khi mọi thứ tưởng như đã trở nên quá tải, hãy hít thở vài hơi thật SÂU, và bất kể việc này có khó đến đâu chăng nữa, thì hãy nói ra một điều mà bạn cảm thấy biết ơn ngay lúc này đây.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy làm thế nào mà việc chuyển hướng sự chú ý của mình từ chỗ tiêu cực sang sự tích cực có thể ngay lập tức thay đổi mức độ căng thẳng của bạn và nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống.

Tài liệu tham khảo