10 tháng trước
Quản Lý Xung Đột: Phương Pháp Biến Bất Kỳ Xung Đột Nào Thành Cơ Hội
395

4285
Lượt xem
110
Lượt chia sẻ
9
Lượt bình luận

Đã có rất nhiều tài liệu viết về xung đột, từ việc làm thế nào để đề nghị những gì bạn thực sự muốn đến cách để hiểu những gì đối phương thực sự cần.

Nhưng những gì tôi thấy trong những tài liệu đó là hầu hết chúng đều được viết từ lồng kính, sử dụng triết lý suông, với hầu như không có một bằng chứng thực tế và khả năng áp dụng trong đời thực tẹo nào.

Giống như trường hợp với một quả cam. Một bên chỉ muốn phần vỏ cam còn phía bên kia muốn phần ruột. Bạn giải quyết vấn đề bằng cách đưa họ thứ họ cần, và thế là xong, bạn đã giải quyết được xung đột!

Trong đời thực, cả hai phía đều muốn toàn bộ quả cam và họ không sẵn lòng nhích một phân nào cho đến khi họ có được nó, đó là lý do vì sao tôi viết cẩm nang này. Không còn triết lý suông, không còn nói chuyện trong lồng kính. Chúng ta đang bước vào vào thế giới thực, và đây là cách bạn sẽ giải quyết các cuộc xung đột và có được thứ mình cần.

Xung đột có nhiều tầng lớp khác nhau, đóng góp những bộ phận và vai trò khác nhau. Thắng lợi lớn nhất của bạn là xác định chính xác xem xung đột của bạn sẽ đi đến đâu.

Bạn sẽ sử dụng phương pháp khác nhau cho những tình huống khác nhau, vì vậy cẩm nang này sẽ đóng vai trò như một kho vũ khí để giải quyết những xung đột, và bạn sẽ chọn công cụ thích hợp cho từng tình huống. Giống như một hộp đồ nghề với búa, máy khoan, tua vít, kìm, và nhiều thứ bên trong, bạn sẽ sử dụng dụng cụ bạn cần tại thời điểm đó, và chúng ta sẽ gọi nó là Hộp công cụ Giải quyết Xung đột.

Với ý định đó, hãy cùng bắt đầu với:

Mức độ xung đột giúp chúng ta nhận biết xung đột sẽ đi đến đâu. Hai khả năng có thể xảy ra là ở mức độ cảm xúc và lý trí.

Xung đột theo cảm xúc là loại phổ biến nhất. Thực tế, xung đột theo lý trí hiếm đến nỗi tôi chỉ thấy nó duy nhất một lần trong đời. Mặc dù vậy, nó có xảy ra, và sẽ được đưa vào Hộp công cụ Giải quyết Xung đột của chúng ta.

Xung đột cảm xúc

Xung đột theo cảm xúc là những xung đột bắt nguồn từ cảm xúc, và để giải quyết được nó bạn cần một giải pháp thuộc về tinh thần, chứ không phải theo logic.

Một ví dụ là khi vợ bạn tức giận vì bạn về ăn tối muộn 10 phút, và bạn mua bông tai kim cương cho cô ta để giải quyết việc đó. Nhưng chúng không có tác dụng vì mức độ xung đột diễn ra ở vùng cảm xúc, nơi vợ bạn muốn bạn quan tâm và cố gắng. Do đó, bạn chỉ giải quyết được nó bằng cách thể hiện sự quan tâm và nỗ lực, không phải bằng cách bỏ tiền ra mua chuộc.

Dùng giải pháp lý tính để giải quyết một vấn đề cảm xúc là một thất bại không thể tránh khỏi.

Một ví dụ khác là sếp không muốn bạn được thăng chức. Ông ta lo lắng rằng nếu cứ giữ đà này thì bạn sau này có thể lấy luôn vị trí của ông ta. Ông ta hoảng sợ và sử dụng cơ chế tự vệ bằng cảm xúc để bù đắp.

Dù bạn cố gắng chứng tỏ mình tốt với ông ta đến bao nhiêu cũng không giải quyết được vấn đề vì bạn đang tỏ ra phù hợp với lý luận của ông ta. Bạn cần giải quyết nỗi đau cảm xúc của ông ta: sợ bạn, và giải quyết vấn đề bằng một giải pháp cảm xúc, giúp xoa dịu những nỗi lo sợ đó.

Thay vì nói với ông ta bạn sẽ không cướp công việc của ông ta, hãy chứng tỏ với ông ta bằng cách thể hiện gia đình như là ưu tiên số một trong cuộc sống của bạn, và một công việc cấp cao có thể lấy đi thời gian quý báu bạn dành cho họ.

Cho ông ta thấy bạn có những sở thích thú vị, và rằng bạn không chỉ là “John Trong Công việc” mà còn là “John - Nhà Leo núi” hay “John - Vô địch Phi tiêu Toàn quốc”. Hãy tạo một kết nối về mặt cảm xúc giúp làm giảm sự lo lắng từ phía bên kia. Khi đó, và chỉ khi đó bạn mới có thể giải quyết được xung đột.

Hãy nhớ rằng khi đối phó với một người, bạn đang đối phó vói một sinh vật có cảm xúc, kẻ chỉ sử dụng lý luận để biện hộ cho hành vi của mình. Nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, xung đột có thể có nguồn gốc lý tính.

Xung đột lý tính

Xung đột lý tính xảy ra khi logic của vấn đề này xung đột với logic của một vấn đề khác. Đó là một trong những lĩnh vực trong cuộc sống ít được nghiên cứu nhất, vì không có nhiều người gặp phải xung đột đơn thuần bắt nguồn từ logic. Phần lớn chúng ta là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết về những thiên kiến và niềm tin của mình để có thể đặt chúng sang một bên, và có một mâu thuẫn do logic đơn thuần.

Thậm chí tôi cũng đã sử dụng một thiên kiến khi mô tả tả xung đột lý tính bằng cách khẳng định rằng “nó hiếm tới nỗi tôi chỉ gặp duy nhất một lần trong đời”, thực ra là một kinh nghiệm vụn vặt và rơi vào phạ m trù thiên kiến do thiếu thông tin.

Nhưng nếu bạn thấy mình trong một hoàn cảnh xung đột lý tính đơn thuần, cách tốt nhất để giải quyết là là tìm ra một góc nhìn (quan điểm) có thể giúp bạn theo sát lịch trình của mình mà vẫn giúp được bên kia.

Xung đột có ở mọi nơi và chúng ta sẽ mất trí nếu không biết đâu là cuộc chiến ta nên chọn. Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang vấn đề thứ hai xung đột. ​​​​​​​

Quy mô của xung đột rất quan trọng. Ta có thể bỏ mặc một số xung đột ngắn hạn, nhưng các xung đột dài hạn cần được giải quyết càng sớm càng tốt, và sau đây là một ví dụ:

Bạn làm việc cùng một đồng nghiệp trong một dự án, và anh ta quên thêm một đoạn code rất quan trọng vào chương trình. Vì lý do này, bạn phải gánh thêm một tuần làm việc trên lưng.

Nếu đây là chuyện một lần, và anh ta phạm sai lầm vì một số vấn đề khác đang xảy ra trong cuộc sống anh ta thì việc đó không sao. Ai cũng mắc sai lầm.

Nhưng  nếu đồng nghiệp của bạn là một gã cầu thả và không chú ý đến chi tiết, thì bạn biết rằng những vấn đề tương tự sẽ tiếp tục nảy sinh trong tương lai, và điều này cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Điều quan trọng nhất ở đây là đánh giá xem thái độ này có lặp lại trong tương lai hay chỉ là sai lầm xảy ra một lần. Nếu đó là sai lầm xảy ra một lần, bạn không cần phải làm to chuyện (mặc dù bạn cần báo cho đồng nghiệp đó về vấn đề), nhưng nếu nó lặp đi lặp lại, bạn cần giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.

Như Tony Robbins từng nói “Hãy giết con quái vật khi nó còn trong trứng nước” , nghĩa là bạn cần giải quyết vấn đề trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đây là phần ưa thích trong xử lý xung đột của tôi. Khoảng cách của xung đột có thể được định nghĩa là mức độ quan trọng của mối quan hệ bạn có với người mà bạn xung đột.

Tùy thuộc vào mối quan hệ, có bốn loại quyết định bạn có thể đưa ra:[1]

  • Bỏ đi
  • Mặc kệ
  • Kiên trì
  • Lên tiếng

Bỏ đi

Bỏ đi là đưa bản thân bạn ra khỏi tình huống. Đây là điều tôi làm trong 99% trư ờng hợp, vì trong cuộc đời này, tôi chỉ thực sự quan tâm đến khoảng 1% vấn đề, những thứ khác đều thực sự không đáng để tranh cãi.

Với Bỏ đi, bạn đơn giản chỉ bước ra khỏi môi trường đó, hoặc nếu là thế giới số, hãy tắt website và thế là xong. Việc này cần chút thời gian để quen, nhưng khi bạn đã làm được, đó sẽ là một trong những trải nghiệm tự do nhất bạn biết trong đời. Chơi bài “I’m walking away” (Tôi đang bước đi) của Craig David trong đầu sẽ giúp bạn rất nhiều.

Mặc kệ

Mặc kệ xảy ra khi bạn nghĩ bạn không thể thay đổi được tình huống, nên bạn chỉ để mặc nó như vậy, hạ thấp cố gắng từ phía mình xuống mức tối thiểu. Trường hợp phổ biến nhất là một thành viên trong gia đình đông người, một kẻ bắt nạt tất cả những người khác mà không ai có thể làm gì. Bạn đành chấp nhận rằng đây một cuộc chiến mà bạn không thể thắng và để kệ nó như vậy.

Bạn có thể nghĩ mặc kệ là chuyện khá hiếm... cho đến khi bạn nhớ lại những năm tháng vị thành niên của mình, khi mà bạn hầu như không có quyền gì trong gia đình. Bạn phải làm những công việc mà mình cực kỳ ghét nên bạn cố gắng làm chúng với nỗ lực ít nhất có thể. Tôi biết với tôi đó là việc hút bụi căn nhà, đó là một trong những việc đáng ghét nhất từ trước đến nay, và tôi ghét nó từ đáy tim mình.

Mặc kệ diễn ra khắp nơi xung quanh bạn, từ những người nửa thức nửa ngủ làm công việc của họ ở Nha Lộ Vận (cơ quan thu thuế lưu thông và cấp bằng lái xe ở Hoa Kỳ) cho đến đứa nhóc 17 tuổi phục vụ khoai tây chiên cho bạn ở tiệm McDonald’s.

Kiên trì

Kiên trì nghĩa là bạn không đủ tầm ảnh hưởng để thay đổi tình huống hiện tại nhưng bạn đang xây dựng cho tương lai. Đó là trường hợp những thói quen kì dị tại nơi làm việc: bạn có thể mặc gì?

Nếu bạn là một giáo sư được 6 tháng và muốn mặc quần short khaki ở nơi làm việc, việc này sẽ không bao giờ xảy ra! Nhưng nếu bạn đã làm việc ở đó vài năm, đã xây dựng danh tiếng và tầm ảnh hưởng, thì sẽ không ai nói gì khi bạn mặc quần short khaki tới nơi làm việc.

Lên tiếng

Lên tiếng là đối đầu trực tiếp với vấn đề. Đó là lúc bạn dừng bước và có một cuộc tranh cãi/xung đột ngay tại chỗ.

Lên tiếng không xảy ra thường xuyên vì người ta ở những tình huống khác nhau, và sử dụng Lên tiếng đồng nghĩa với việc bạn đang đối đầu trực tiếp với vấn đề (và với người kia). Và bạn cần sẵn sàng cho những hậu quả do việc này. Nếu bạn chuẩn bị đối đầu với sếp mình trong một cuộc họp, hãy nghĩ về vị trí hiện tại của mình và liệu Lên tiếng có phải lựa chọn tốt nhất hay không.

Chúng ta xem xét từng tầng của xung đột, và giờ là lúc xem Hộp công cụ Giải quyết Xung đột của chúng ta nói gì.

Xung đột sẽ mở đường cho những cơ hội và nếu chúng ta sử dụng đúng công cụ từ Hộp công cụ Giải quyết Xung đột chúng ta sẽ giành được quyền kiểm soát.

Một bậc thầy trong vấn đề này là Dale Carnegie và ông đã giải thích tất cả điều đó trong cuốn sách kinh điển bán chạy nhất Đắc Nhân Tâm. Triết lý của Dale Carnegie có thể được tóm tắt là giành thế thượng phong bằng cách thực sự để cho người kia đúng, để họ thể hiện một cách tuyệt vời (đặc biệt trước mặt mọi người), và cho họ biết họ ở vị trí cao hơn bạn.

Vuốt ve lòng tự trọng của người khác sẽ giúp bạn có được thứ bạn muốn vì bạn đang làm cho đối phương trở nên tuyệt vời đến nỗi họ sẽ cho bạn thấy “một chút lòng thương” bằng cách thực sự đưa bạn những gì bạn cần. Nhưng mấu chốt ở đây là bạn đã làm phần việc khó khăn bằng cách phục tùng, để họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài đưa cho bạn thứ bạn cần, vì việc đó sẽ làm họ trở nên tốt đẹp hơn nữa trong mắt của người khác.

Họ sẽ không chỉ tỏ ra thông minh, xuất sắc, hài lòng hết sức, mà họ cũng sẽ cho thấy sự hào hiệp, tình thương, quan tâm và kính trọng.

Hãy nghĩ về điều này: đã bao nhiêu lần bạn khinh bỉ một người tỏ ra hơn bạn ở mọi khía cạnh. Tôi biết tôi đã từng, vì không có ai thích bị dạy bảo nhưng rất nhiều người trong chúng ta nếu có cơ hội sẽ muốn “dạy cho ai đó một bài học” hoặc “chỉ cho chúng vài điều”. ​​​​​​​

Chúng ta là những động vật xã hội có thứ bậc và sẽ không thể tránh được việc cái tôi sẽ xen vào. Việc có lợi nhất cho chúng ta là để nó trở thành người hầu tốt thay vì làm ông chủ tồi tệ.

Lần tới nếu bạn đang tham gia vào một cuộc xung đột, hãy đặt cái tôi của bạn sang một bên và xem xem bạn có thể thực sự khiến người kia trông khá hơn bằng cách nào, điều đó sẽ giúp ích cho mục đích của bạn.

Chúng ta đã chia nhỏ xung đột thành những mức độ căn bản và thấy rằng xung đột có thể:

  • Ở mức độ cảm xúc hoặc lý tính

  • Có phạm vi ngắn hạn hay dài hạn

  • Có 4 kiểu ứng xử liên quan mức độ gần gũi: Bỏ đi, Mặc kệ, Kiên trì, Lên tiếng

Chúng ta đã nói về việc làm cách nào để thực sự đối phó với xung đột và cách bạn có thể biến nó thành một cơ hội cho bản thân mình. Ở đây, chúng ta đã nói về trí tuệ lâu đời của Dale Carnegie và thông điệp của ông hãy vuốt ve cái tôi của con người, trong tác phẩm kinh điển Đắc Nhân Tâm.

Và giờ bạn đã có Hộp công cụ Giải quyết Xung đột với các công cụ khác nhau để bạn có thể sử dụng trong những tình huống khác nhau.

Hãy lên đường bước vào thế giới của những xung đột hay nói đúng hơn: thế giới của những cơ hội.

Nguồn ảnh bìa: Pexels từ pexels.com

Tài liệu tham khảo