10 tháng trước
Những Ý Tưởng Lớn Được Ra Đời Như Thế Nào?
362

4082
Lượt xem
24
Lượt chia sẻ
13
Lượt bình luận

Những ý tưởng lớn xuất phát từ đâu? Quan điểm được nhiều người chấp nhận là chúng xuất hiện trong trạng thái đã hoàn chỉnh, vào một thời khắc cảm hứng dâng trào nào đó. Có lẽ bạn đã thấy điều đó trên phim ảnh hoặc truyền hình, khi một nhân vật đang phải làm việc thâu đêm, cố gắng tìm ra một ý tưởng lớn, thì đột nhiên ý tưởng đó hiện lên với họ.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống lại phức tạp hơn nhiều. Những ý tưởng lớn đích thực là sản phẩm của cả một quá trình. Chúng là kết quả của những điều mà người đó trông thấy và trăn trở mỗi ngày, kết hợp lại để ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ. Một ý nghĩ đột xuất nào đó được chuyển hóa thành ý tưởng, rồi ý tưởng đó được phát triển và hoàn thiện tiếp.

Hãy xem Twitter, ban đầu nó không được nhìn nhận như một mạng xã hội, mà chỉ như một sự lựa chọn thay thế cho Dịch vụ Tin nhắn Ngắn gọn (SMS). Những mẩu tin ngắn bị giới hạn 140 kí tự của Twitter ban đầu chẳng phải là "chiêu trò" gì mới lạ cả, mà thay vào đó, là sự phản ánh những hạn chế về mặt công nghệ của kiểu định dạng điện thoại di động lúc bấy giờ.[1]

Uber được ra đời từ một cuộc nói chuyện giữa những người bạn với nhau, khi họ phàn nàn về việc phải khó khăn thế nào mới tìm được một chiếc taxi vừa ý.[2]

Ý tưởng về Airbnb đã xuất hiện khi những người sáng lập đang phải vất vả lo trả tiền thuê nhà, và cần có một cách nào đó để kiếm thêm tiền. Hầu hết các phòng khách sạn trong thành phố khi đó đã được đặt chỗ trước do có một hội nghị của địa phương đang diễn ra, thế là họ nghĩ mình có thể lợi dụng điều đó bằng cách cung cấp thêm chỗ lưu trú trong chính căn hộ của mình cho các du khách ở qua đêm.[3]

Tất cả các ý tưởng này sau đó đã cách mạng hóa những lĩnh vực tương ứng của chúng, và không cái nào trong số chúng ở trạng thái hoàn chỉnh ngay từ lúc khởi đầu. Thế nên quan niệm thông thường của chúng ta về hoàn cảnh ra đời của các ý tưởng lớn là không chính xác, và thậm chí có thể tiềm ẩn những tác hại.

Chúng ta thường giết chết các ý tưởng hay từ trong trứng nước 

Thường thì chúng ta chỉ biết đến những ý tưởng lớn kia khi chúng đã thành công rực rỡ rồi. Ta đâu thấy được quãng thời gian hàng tuần, hàng tháng, và hàng năm trời dùng để phát triển ý tưởng ban đầu, hoặc những thăng trầm khi công việc kinh doanh còn ở thuở sơ khai. Kết quả là chúng ta cứ mặc nhiên giả định rằng các ý tưởng đó vốn đã tuyệt hay và hoàn chỉnh từ lúc bắt đầu rồi.

Chúng ta giả định rằng đó là xuất phát điểm của các ý tưởng lớn. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng bộ não con người thường ưu tiên những hành động hoặc sự lựa chọn nào cần tiêu tốn ít năng lượng nhất.[4] Thế nên vào những lúc đáng lẽ phải nghĩ ra mười ý tưởng khác nhau để xem xét được tốt hơn, thì chúng ta lại vắt óc để nghĩ ra chỉ một ý tưởng nhằm tiết kiệm năng lượng. Và do đó, ta dồn hết tâm sức để cho ra đời một ý tưởng tuyệt hay.

Song kể cả khi ta đã nghĩ ra một ý tưởng, thì cũng không thể biết được nó là tốt hay không, bởi nó chưa có đầy đủ các chi tiết rõ ràng về cách thức hoạt động cụ thể. Khi không có đủ các chi tiết cũng như một kế hoạch để bắt tay vào thực hiện ý tưởng, chúng ta sẽ vội vàng phán xét những thất bại bước đầu trước khi ý tưởng đó có thể phát triển thành một điều gì đó lớn lao hơn. Chừng nào ý tưởng chưa được thực hiện, bộ não của chúng ta sẽ chẳng thể nào xác định được ý tưởng đó có thể lớn mạnh được hay không.


Hãy nghĩ về những công ty đã được đề cập đến ở phần đầu của bài viết. Những ý tưởng giúp tạo ra chúng đã xuất phát từ việc những nhà sáng lập cố gắng đáp ứng một nhu cầu nào đó của thị trường, họ tự thấy mình đối mặt với những vấn đề nhất định (như khó tìm ra một chiếc taxi vừa ý trong trường hợp của Uber), và kết quả là họ nảy ra những ý tưởng đột xuất có liên quan trực tiếp với vấn đề đó, và ý tưởng đột xuất đó trở thành giải pháp cho nó.

Nhưng nếu ta cứ cho rằng mình sẽ nảy ra ý tưởng lớn mà không cần đặt mình vào đúng hoàn cảnh thích hợp, và không cho phép các ý tưởng đến với mình một cách tự nhiên, thì đảm bảo với bạn là sẽ chẳng có ý tưởng nào hiện ra đâu. Thay vào đó, chúng ta sẽ lâm vào ngõ cụt.


Sự thật là, những ý tưởng hay lại khá hiếm

Vào một ngày đẹp trời nào đó bạn có thể nảy ra mười ý tưởng, và một trong số chúng có thể là khá "được". Theo bản năng, chúng ta thường gạt bỏ một ý tưởng mà mình đánh giá là chỉ ở mức "được" thôi. Tuy nhiên một ý tưởng "tạm được" có thể trở thành một ý tưởng tuyệt vời nếu được đầu tư công sức để phát triển, còn những ý tưởng thật sự vĩ đại ngay từ ban đầu thì lại cực kì hiếm có, nếu không muốn nói là không hề tồn tại.

Cũng giống như việc viết tiểu thuyết vậy. Một cuốn sách thực sự xuất sắc thường là kết quả của hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm trời làm việc cật lực, cùng vô số lần viết đi viết lại. Nhưng khi đọc cuốn tiểu thuyết đã được hoàn thành, chúng ta lại giả định rằng nó đã tuyệt hay ngay từ ban đầu rồi.

Có một câu chuyện nổi tiếng về Jack Kerouac, tiểu thuyết gia người Mĩ, người đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Trên Đường Đi (On the Road) trong khoảng thời gian hơn ba tuần lễ, và hầu như không dừng lại nghỉ ngơi một phút nào. Muốn được như vậy thì chắc hẳn ý tưởng cho cuốn sách đã phải tuyệt hay ngay từ khi bắt đầu rồi, phải không nhỉ? Vâng, thực ra câu chuyện nổi tiếng này là không có thật.

Hẳn rồi, ông ấy đúng là đã từng đánh máy ra một bản phác thảo cho cuốn tiểu thuyết đó trong vòng ba tuần. Nhưng từ lúc nảy ra ý tưởng cho đến khi hoàn thành cuốn sách, ông đã phải mất tới hơn bảy năm. Ý tưởng cho câu chuyện trong sách nảy ra một cách tự nhiên khi ông đang đi du lịch, hoặc trong những lúc ông viết về những việc xảy đến với mình. Chẳng có một thời điểm nào mà ông đột nhiên nghĩ ra ý tưởng tuyệt vời đó để rồi có thể nhanh chóng biến nó thành một kiệt tác văn học cả.

Tất cả những gì cần có là một liều kích thích phù hợp

Vậy là những ý tưởng lớn đến từ những điều chúng ta trông thấy, những người chúng ta nói chuyện cùng, và quan trọng nhất là, một ý tưởng lớn có thể xuất hiện trong vai trò là giải pháp cho một vấn đề nào đó (như những gì mà ta đã thấy với Twitter, Uber và Airbnb). Việc này có thể là khá khó, bởi chúng ta thường dễ nản lòng khi đối mặt với một vấn đề trong cuộc sống.


Nhưng như thế mới gọi là sáng kiến, những sáng kiến đích thực đều xuất phát từ việc giải quyết một vấn đề hoặc từ việc tìm ra một phân khúc thị trường còn bỏ trống mà có thể được đáp ứng bởi một ý tưởng hay. Vậy nên, lần tới khi bạn gặp phải một vấn đề nào đó, hãy xem nó như một cơ hội. Kể cả khi đã tồn tại sẵn một giải pháp rồi, thì biết đâu bạn vẫn có thể nghĩ ra một giải pháp tốt hơn nữa.

Hãy đọc thêm về cách làm thế nào để bạn có thể nảy ra một ý tưởng tuyệt vời thông qua việc tìm ra một vấn đề và tìm cách giải quyết nó: Công Thức Để Giải Quyết Vấn Đề Của Albert Einstein Vẫn Có Hiệu Quả Một Cách Thần Kì

Ý tưởng lớn mà bạn sắp nghĩ ra có thể ban đầu sẽ trông không được tuyệt vời lắm. Có thể nó chỉ nghe như một ý tưởng "tạm được", ở mức trung bình, thậm chí là dở tệ, nhưng mọi ý tưởng đều cần được đầu tư công sức để hoàn thiện. Thế nên đừng phán xét bất kì điều gì vào lúc ban đầu, mà hãy để cho các ý tưởng đến với bạn một cách tự nhiên, và hãy viết chúng ra. Bất kể là chúng nghe có vẻ dở tệ đến đâu, thì cứ viết chúng ra đã.

Đừng lo lắng về việc tổ chức sắp xếp lại chúng, mà thực ra không làm vậy lại tốt hơn đấy. Bạn có thể sẽ bỏ lỡ mất một ý tưởng hay trong lúc cố gắng sắp xếp mọi thứ. Việc tổ chức sắp xếp các ý tưởng ở giai đoạn này sẽ chỉ đồng nghĩa với tự mua việc vào người, có thể khiến bạn bị chậm lại hoặc thậm chí làm mất động lực của bạn.

Nếu bạn muốn biết những mẹo hữu ích trong giai đoạn này, hãy đọc qua bài viết: Làm Thế Nào Mà Việc Đơn Giản Chỉ Là Ghi Chú Nhanh Lại Những Ý Tưởng Có Thể Khiến Bạn Thông Minh Hơn

Hãy nhớ rằng, những ý tưởng lớn không hoàn chỉnh ngay từ đầu, nên đừng cố ép chúng phải như vậy.

Tài liệu tham khảo

[1]^Trang web Kết nối cuộc sống (Lifewire): Lược Sử Ngắn Gọn Về Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển Thực Sự Của Twitter
[2]^Trang web Tinh Túy Vùng Vịnh (Gulf Elite): Khởi Nghiệp Từ Những Bước Cơ Bản Nhất: Đây Là Cách Uber Khởi Nghiệp
[3]^Trang web Hãy Kiếm Tiền Từ Ngôi Nhà Của Bạn (Get Paid for Your Pad): Câu Chuyện Về Sự Thành Lập Của Airbnb: Từ Việc Bán Đồ Ăn Ngũ Cốc Đến Một Công Ty Trị Giá 25 Tỉ USD
[4]^Nhật báo Toàn Cầu và Thư Tín (The Globe and Mail): Nghiên cứu đã phát hiện: Con người được thiết kế để trở nên lười biếng