9 tháng trước
Vừa "Mọt Sách" Vừa "Rành Đời" Là Mẫu Người Hấp Dẫn Nhất
631

10.5K
Lượt xem
36
Lượt chia sẻ
2
Lượt bình luận

Thế giới này đầy những người hoặc là "mọt sách" hoặc là "rành đời". Mọt sách là những người đọc rộng biết nhiều và sở hữu vốn kiến thức bao la phong phú. Họ là những chuyên gia về khả năng nhớ lại, nhận thức và phân tích thông tin. Được đặc trưng bởi lòng ham học hỏi, những người mọt sách luôn sống có tổ chức và chuẩn bị bản thân để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống trong cuộc sống.

Còn những người rành đời lại có nhiều kinh nghiệm thực tế, và họ dùng chúng để ra những quyết định sáng suốt trước mỗi tình huống mà mình phải đối mặt. Họ học hỏi từ sai lầm của chính mình và luôn tin tưởng vào cách nhìn người và nhìn đời của mình.

Mọt Sách so với Rành Đời


Cách thức mà bạn học được mọi điều trong cuộc sống chính là nhân tố quan trọng nhất quyết định bạn là người mọt sách hay rành đời.

Nếu nhớ lại thời đi học thì bạn có thể xác định được ai là mọt sách và ai là rành đời đấy. Mọt sách là những học sinh có kỉ luật và luôn cố gắng tuân thủ nội quy. Họ thường đạt hàng đống điểm tốt. Họ dành hầu hết thời gian để đọc sách và học bài trong thư viện.

Còn những đứa rành đời lại hay "nổi loạn". Chúng ưu tiên việc giao lưu tương tác với người khác hơn là đọc sách và học bài. Những đứa hay "làm trò" trong lớp hầu như luôn thuộc dạng rành đời.

Mọt Sách học từ sách vở

Những người mọt sách học hỏi từ những thành công và thất bại của người khác thông qua việc đọc sách. Họ được hưởng lợi từ những lí thuyết, những mô hình, và tầm hiểu biết của những người khác.


Song họ có thể sẽ thiếu kinh nghiệm, vì đã dành hầu hết thời gian của mình để suy nghĩ về các tình huống theo kiểu sách vở giáo điều. Cách sống bám lấy quy tắc sẽ thu hẹp tầm nhìn của họ và ngăn họ sáng tạo đổi mới. Khi phải đối mặt với những thay đổi bất ngờ, họ sẽ khó phản ứng lại được.


Rành Đời học ở trường đời

Những người rành đời sẽ thích ứng với hoàn cảnh. Khả năng nhận thức tình huống một cách tài tình cho phép họ hiểu được hoàn cảnh môi trường xung quanh cùng với những người đang có mặt ở đó, cũng như làm cách nào mình có thể sử dụng những điều đó để đạt được mục tiêu của bản thân. Họ suy nghĩ phóng khoáng mà không bị gò bó bởi những quy tắc, và họ giải quyết vấn đề theo những cách sáng tạo.


Nhưng họ sẽ dễ lặp lại những sai lầm mà người khác đã mắc phải, vì họ đã không học hỏi từ kinh nghiệm của người khác. Có thể họ sẽ quá tin tưởng vào quan điểm của bản thân và không nhìn ra được những sự lựa chọn thay thế khác.


Khi "Mọt Sách" và "Rành Đời" bị đặt vào nhầm chổ

Nếu bạn không cung cấp cho người mọt sách những bản hướng dẫn hoặc quyền được nghiên cứu kĩ lưỡng tình huống, thì họ sẽ chẳng biết phải làm gì đâu. Khi không được kiểm tra đánh giá toàn diện các thông tin, họ sẽ khủng hoảng. Hãy tưởng tượng bạn đến một đất nước xa lạ, bạn không biết ngôn ngữ ở đó, không có điện thoại, và chẳng có cuốn sách hướng dẫn nào, thế là bạn sẽ hiểu cảm giác đó thôi.

Người rành đời lại không thích ứng được với những tình huống được định sẵn theo bài bản, vì khi đó họ không có chỗ để dùng đến tài ứng biến của mình. Môi trường giáo dục sách vở thường là ngột ngạt đối với những người rành đời. Họ thường "nổi loạn" ở trường do bị ép phải học tập theo những cách không khai thác tối đa được năng lực của họ.

Người mọt sách sẽ thành công nhất khi những kết quả kì vọng được xác định rõ ràng. Những công việc của nhà nước chính quyền và công việc trong môi trường giáo dục sẽ rất hợp với người mọt sách.

Người rành đời lại thể hiện mình xuất sắc khi không có các quy tắc, hoặc khi họ được tự do làm theo ý mình. Những người có óc sáng tạo, các doanh nhân, và những nhà khởi nghiệp đều là những người rành đời cả.

Khi "Mọt Sách" và "Rành Đời" song hành với nhau

Một người thạo việc sẽ có những phẩm chất tích cực của cả mọt sách lẫn người rành đời. Họ nắm rõ những thông tin, tình hình thực tế và những người đi trước, giống như mọt sách vậy. Họ có thể học hỏi từ những sai lầm của người khác mà không cần mắc lại chúng.

Còn phần "rành đời" trong con người họ sẽ cho phép họ có thể thích ứng và nhạy bén với hoàn cảnh môi trường. Họ biết các quy tắc và hiểu rõ khi nào thì cần phá bỏ chúng đi.


Bất kể bạn có thiên hướng trở thành mọt sách hay người rành đời, bạn vẫn có thể bỏ chút công sức ra rèn luyện để trở thành "hai trong một" và thành công rực rỡ.

1. Hãy đọc những gì bạn cần biết

Việc đọc sách cho phép bạn học hỏi từ sai lầm của người khác và học theo những thành công của họ. Khi bạn đọc sách, sự kích thích về tinh thần sẽ giữ cho trí óc bạn luôn sắc sảo và giúp bạn giải quyết các vấn đề tốt hơn. Việc phân tích các chi tiết từ sách vở là cách tập luyện tuyệt vời để đối phó với các vấn đề trong đời thực.

Việc đắm mình vào những trang sách giúp bạn phát triển thói quen tập trung vào một việc tại một thời điểm nhất định. Khả năng tập trung tăng lên sẽ chuyển hóa thành khả năng làm được nhiều việc hơn mà ít tốn thời gian hơn. Hãy tìm hiểu thêm về Những Ích Lợi Của Việc Đọc Sách: Lí Do Bạn Nên Đọc Sách Mỗi Ngày.

Việc chọn đúng những cuốn sách phù hợp và đọc có mục đích sẽ cho phép bạn sử dụng tối ưu quỹ thời gian của mình. Nếu bạn chưa biết rõ làm thế nào để bắt đầu việc đọc những cuốn sách hay thì hãy đọc qua bài viết này: Làm Thế Nào Để Đọc Những Cuốn Sách Mà Bạn Không Hứng Thú Nhưng Lại Có Ích Cho Bạn.

2. Hãy áp dụng kiến thức vào hành động

Việc "ngốn" hết những con chữ được viết ra cũng không đảm bảo rằng bạn sẽ dùng đến những điều mình đã đọc đâu. Hãy liên hệ giữa thực tế với những điều mình đã đọc, và hãy áp dụng chúng vào thực hành ngay lập tức.

Càng thường xuyên sử dụng các thông tin, bạn sẽ càng dễ dàng ghi nhớ chúng. Nếu không áp dụng những điều đã học vào hành động, bạn sẽ không thể có được những kinh nghiệm của riêng mình. Chỉ có kinh nghiệm mới giúp bạn thật sự thấu hiểu một điều gì đó và biết cách phản ứng khi mọi việc không diễn ra giống như trong sách vở hay lí thuyết. Sau đây là một cách để bạn học hỏi thật nhanh: Cách Duy Nhất Để Ghi Nhớ Mọi Điều Bạn Đã Đọc.

Hãy kết hợp những phẩm chất tốt của cả hai kiểu người

Bạn có thể là một "mọt sách kiêm rành đời" và kết hợp được những mặt tích cực của cả hai cách học hỏi này.

Thay vì bác bỏ hết một "trường phái" tư duy nào đó, hãy tập trung vào việc học hỏi và hành động dựa theo những gì mình đã học, và hãy tích lũy kinh nghiệm. Hãy tiếp thu sự phản hồi từ người khác để có thể nhìn nhận lại những việc mình đã làm và sau đó làm lại lần nữa. Hãy tập trung vào việc hoàn thiện bản thân bằng nhiều con đường khác nhau, và bạn sẽ đạt đến những đỉnh cao mới của sự thành công.