9 tháng trước
Mục Đích Và Mục Tiêu: Cách Sử Dụng Chúng Để Đạt Được Thành Công Trong Cuộc Sống?
354

3951
Lượt xem
17
Lượt chia sẻ
8
Lượt bình luận

Bạn đang ở nhà với gia đình và đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè sắp tới. Gia đình ngồi xuống và bắt đầu thảo luận về các lựa chọn và sau một giờ, bạn quyết định sẽ thuê một chiếc xe kéo hiện đại và lái xe từ vị trí hiện tại của bạn (New York) đến Miami để nghỉ mát. Miami là mục đích của bạn và tất cả các bước cần thiết để đến được đó là mục tiêu của bạn.

Xuyên suốt bài viết, tôi sẽ đề cập đến phép ẩn dụ nói trên để giải thích mục đích, mục tiêu, mối quan hệ và sự khác biệt giữa hai điều đó. Vì vậy, hãy thắt dây an toàn và chuẩn bị cho chuyến đi của mình bao gồm:

Cách dễ nhất để có thể giải thích mục đích là gì đó là nói rằng chúng là đích đến cuối cùng của bạn. Đó là nơi mà bạn muốn đến – về mặt tâm lý, thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Một mục đích đại diện cho một tương lai mà chúng ta mong muốn xảy ra và nó đóng vai trò là tâm điểm dẫn đến nơi chúng ta muốn đến trong cuộc sống (trong trường hợp trên là Miami).

Mặt khác, mục tiêu là cách bạn đạt được mục đích của mình. Đối với mỗi mục đích bất kỳ, bạn có thể có nhiều mục tiêu. Một mục tiêu trong trường hợp trên sẽ là thuê một xe kéo (cách đến Miami) nhưng như tôi đã nói, bạn có thể và nên có những mục tiêu cho một mục đích.

Bạn có thể thêm các mục tiêu bổ sung vào mục đích đến Miami bằng cách nói rằng bạn sẽ lái xe mỗi ngày trong 6 giờ (một mục tiêu). Ngoài ra, các mục tiêu có thể đóng vai trò là các chỉ số cho bạn biết rằng bạn đang đi đúng đường để đạt được mục đích của mình.

Nếu bạn đi đường từ New York đến Miami, dọc đường bạn sẽ đi qua các thành phố như Philadelphia, Baltimore, Washington DC, Richmond và Jacksonville. Tất cả những điều này đóng vai trò là chỉ số cho thấy bạn đang đi đúng hướng và bạn nên tiếp tục con đường của mình.

Nhưng có một sự khác biệt có hệ thống nào sẽ làm cho mục đích và mục tiêu khác nhau không? Vâng, có và phần tiếp theo sẽ nói về điều đó.

Mục đích trả lời câu hỏi về cái gì.
"Bạn muốn làm gì?"​​​​​​​
“Tôi muốn đưa gia đình đi nghỉ ở Miami."

Mục tiêu, mặt khác, trả lời các câu hỏi làm thế nào.
“Bạn làm thế nào để đến Miami?
“Chúng tôi sẽ thuê xe kéo và lái xe trên cả đoạn đường.

Mục đích có thể là những tuyên bố mơ hồ, định tính rất khó đo lường. Đôi khi chúng có thể mang tính nhị nguyên nơi bạn đo lường chúng bằng việc hoàn tất/không hoàn tất. Một ví dụ là mục đích mà Napoleon đã có: "Tôi muốn chinh phục nước Nga." Có thể dễ dàng đo lường bằng cách hoàn tất/không hoàn tất. Trong trường hợp của ông, nó đã không được hoàn tất.

Nhưng sau đó, có những mục đích hoàn toàn không thể định lượng được. Ví dụ, tôi muốn trở thành nhạc công clarinet giỏi nhất thế giới, hay tôi muốn là người thành công, hay tôi muốn tìm thấy tình yêu của đời mình. Những mục đích này không thể định lượng được vì chúng chủ yếu dựa trên cảm xúc và những xúc cảm là không thể đo lường.

Các mục đích chủ yếu là mơ hồ và không thể đo lường được, tuy nhiên chúng ta cần chúng vì chúng giúp định hướng. Vì vậy, chúng ta cần một cái gì đó có thể đo lường được và định lượng được và đó là lý do tại sao các mục tiêu tồn tại.

Mục tiêu là những điều cụ thể và hoàn toàn có thể đo lường được mà chúng ta thực hiện để đạt được mục đích của mình.

Trong ví dụ về kỳ nghỉ gia đình được đề cập, trong đó mục đích là đến Miami, các mục tiêu cung cấp các điểm kiểm tra có thể đo lường được. Chúng cung cấp thước đo mục tiêu rất cần thiết cho chúng ta biết liệu chúng ta có đang đi đúng hướng hay chúng ta cần thay đổi điều gì đó.

Mục đích: Lái xe đến Miami từ New York trong 3 ngày

Mục tiêu:​​​​​​​

  • Đến Richmond lúc 7 giờ tối ngày đầu tiên,
  • Đến Jacksonville lúc 7 giờ tối ngày thứ hai,
  • Lái xe đến Miami lúc 7 giờ tối ngày thứ ba

Nếu chúng ta không đạt được các mục tiêu trên, chúng ta cần thay đổi một cái gì đó. Nếu không, chúng ta sẽ không đạt được mục đích của mình.

Nếu chúng ta đến Richmond muộn vào ngày thứ hai, điều đó có nghĩa là chúng ta cần điều chỉnh tốc độ của mình (lái xe nhanh hơn), điều chỉnh thời gian lái xe (lái xe nhiều giờ hơn trong ngày) hoặc dừng ít hơn (thời gian nghỉ ngơi ít hơn). Có nhiều cách khác nhau để chúng ta điều chỉnh cách tiếp cận để đạt được mục đích của mình.

Nhưng sau đó lại là câu hỏi về tầm quan trọng. Điều gì quan trọng hơn, mục đích hay mục tiêu?

Mục đích và mục tiêu là hai mặt của cùng một đồng xu. Nó vô giá trị khi chỉ có mặt này hay mặt kia - chỉ khi chúng ta kết hợp chúng lại thì chúng mới phục vụ được ý định.

Mục đích giúp định hướng - tương lai - nơi chúng ta muốn đi. Không có mục đích, thì không có bức tranh tổng thể và không có động lực theo đuổi.

Không có mục tiêu, mục đích chỉ là thứ tồn tại trong đầu chúng ta. Mục tiêu cho biết những điểm trung gian để chúng ta đạt được mục đích của mình.

Chỉ có mục tiêu đơn thuần mà không có mục đích là hành động vô tri. Tôi có thể bảo bạn luyện toán 7 tiếng mỗi ngày nhưng vì lý do gì? Nếu bạn không muốn trở thành nhà toán học giỏi nhất thế giới, không có lý do gì để bạn làm điều đó.

Điều tương tự sẽ là ví dụ về kỳ nghỉ gia đình.

Nếu bạn biết rằng bạn cần phải đi qua Richmond và Jacksonville nhưng không biết mục đích của bạn là gì, làm sao bạn biết khi nào thì bạn đến đó (cho dù “đó” là đâu).

“Một người đàn ông không có mục đích giống như một con tàu đi đến hư không - luôn chẳng đi đến đâu và không bao giờ đến được "nơi đó".“

Một mục đích không có mục tiêu chỉ đơn thuần là mơ mộng – chỉ là tưởng tượng. Trong ví dụ về kỳ nghỉ gia đình, điều đó có nghĩa là chúng ta biết rằng chúng ta muốn đến Miami nhưng chúng ta không biết cách đến đó. Các biển chỉ dẫn Chicago, Houston hoặc Boston không có ý nghĩa gì với chúng ta khi chúng ta không biết làm thế nào để đến Miami hoặc không biết con đường nào để đến đó.

“Mục đích mà không có kế hoạch thì chỉ là giấc mơ…”

Được rồi, nhưng ta sẽ làm gì với cả đống thông tin này? Phần cuối của hướng dẫn này sẽ cho bạn biết.

Tính đến giờ tôi đã cho bạn thấy các ví dụ về mục đích và mục tiêu, sự khác biệt và tầm quan trọng của việc có cả hai. Bây giờ chúng ta hãy xem làm thế nào chúng ta có thể sử dụng những thứ này để đạt được ước mơ của mình.

Có một nền tảng đơn giản mà tôi sử dụng cho tất cả các ước mơ, mục đích và mục tiêu của mình, nó được gọi là nền tảng Hawkeye-Wormeye.[1]

Bước 1: Hawkeye

Hãy tưởng tượng rằng bạn là một con chim ưng và bạn bay cao trên khu rừng đại diện cho cuộc sống của bạn. Khi bạn là một con chim ưng, bạn sẽ thấy vô tận và biết những ngọn núi, dòng sông và ngọn đồi ở đâu. Bạn thấy nơi bạn cần đến và bạn thấy rõ bức tranh toàn cục.

“Tôi muốn đến những ngọn đồi bên kia những đầm lầy âm u.​​​​​​​”

Hawkeye là điều đầu tiên bạn làm bởi vì nó mang đến mục đích, bức tranh toàn cục hoặc bạn gọi là gì cũng được.

Khi bạn hiểu rõ về nơi bạn cần đi từ góc độ chim ưng, bây giờ là lúc để đi xuống đất bằng cách trở thành một con sâu.

Bước 2: Wormeye

Được rồi, vậy là chúng ta biết nơi chúng tôi đang đi ngay bây giờ - đó là những ngọn đồi ở phía bên kia đầm lầy âm u. Nhưng để đến đó, chúng ta cần phải trở thành một con sâu. Tại sao lại là sâu?

Bởi vì một con sâu có thể nhìn thấy chỉ 2-3 bước trước mặt nó. Điều này đảm bảo rằng dù bạn biết đích đến cuối cùng của mình, bạn chỉ tập trung vào 2-3 bước ngay trước mặt bạn.

Như Will Smith đã nói trong một cuộc phỏng vấn,

“Bạn đang xây một bức tường. Nhưng trên thực tế, bạn không xây dựng một bức tường. Bạn đang đặt từng viên gạch hoàn hảo nhất có thể và một ngày nào đó, nếu bạn đặt những viên gạch của mình một cách hoàn hảo, chúng sẽ trở thành một bức tường.”

Điều này tương tự với wormeye. Bạn biết đích đến của mình ở đâu nhưng bạn quyết định chỉ tập trung vào những gì trước mặt. Bằng cách này, bạn đảm bảo rằng bạn sẽ "đặt những viên gạch hoàn hảo, một ngày nào đó sẽ trở thành một bức tường."

Sự chuyển đổi từ Wormeye sang Hawkeye rồi sang Wormeye

Cứ sau 3 hoặc 6 tháng, bạn nên dành ra một vài ngày chỉ theo quan điểm Hawkeye. Bạn làm điều này bởi vì bạn cần chắc chắn rằng bạn đang đi đúng hướng và để xem liệu bạn có cần thay đổi/lặp lại bất cứ điều gì trong con đường sâu của bạn không. Bạn thực hiện theo cách gọi của Bill Gate - "Tuần lễ Suy nghĩ”.[2]

Thời gian còn lại (hơn 95%), bạn dành nó theo quan điểm wormeye. Bạn đang ở trên mặt đất, làm việc, thu nhận các kỹ năng mới hoặc làm tốt hơn với những cái cũ. Bạn bước ra từ wormeye đến hawkeye chỉ để xem liệu bạn có còn đi đúng hướng hay không.

Nhưng thật ra thì bạn làm những gì theo quan điểm wormeye?

Bạn có bức tranh tổng thể, mục đích bạn muốn đạt được. Giả sử mục đích là trở thành nhà văn phi hư cấu (nhà văn viết về người thật việc thật) hay nhất thế giới. Vậy làm thế nào để bạn trở thành như vậy?

Trước hết, bạn hãy tách biệt những gì thật sự là việc viết. Và ở đó, bạn nhận ra rằng viết không chỉ là viết - mà bao gồm với bốn phần khác nhau:

  1. Lên ý tưởng
  2. Nghiên cứu
  3. Viết
  4. Chỉnh sửa

Được rồi, bây giờ chúng ta biết những gì chúng ta thực sự cần phải làm việc để trở thành nhà văn giỏi nhất. Bốn điều trên là những kỹ năng chúng ta cần nắm vững để trở thành nhà văn giỏi nhất thế giới.

Bằng cách đặt những mục đích/ước mơ lớn, mơ hồ vào những ngăn nhỏ hơn để có thể dễ dàng thực hiện (thói quen hàng ngày), trên thực tế, chúng ta đang phân chia công việc của mình thành điều có thể hoàn thành được.

Quan điểm hawkeye của việc trở thành nhà văn giỏi nhất tập trung vào quan điểm wormeye thông qua làm việc với các phần khác nhau của việc viết lách.

Nhưng cuối cùng chúng ta làm gì với việc phân chia? Đây là nơi chúng ta có được những hành động và hành vi (mục tiêu) bạn làm hàng ngày và phần cuối cùng của câu đố lớn - thói quen hàng ngày.

Vậy là chúng ta đã chia xong việc “trở thành nhà văn giỏi nhất thế giới” thành “luyện tập lên ý tưởng, nghiên cứu, viết và chỉnh sửa.” Vậy thật ra chúng ta làm gì với chúng?

Chúng ta hình thành thói quen hàng ngày.

Đây không phải là điều lớn lao chúng ta cần phải làm - thực tế, nó hoàn toàn ngược lại. Chúng ta thực hiện những hành động nhỏ mỗi ngày và những hành động đó tích lũy theo thời gian đưa chúng ta đến mục tiêu của mình. Chúng ta thực hiện từng bước một, chậm và ổn định, và như Eric Edmeades sẽ nói, "tôi làm ít hơn hôm nay để làm nhiều hơn trong một năm."[3]

Trong ví dụ về việc viết, một thói quen hàng ngày đơn giản và dễ dàng sẽ là "Viết 500 từ mỗi ngày." Bằng cách này, bạn có thói quen hàng ngày là để ý đến phần "viết" của việc trở thành nhà văn giỏi nhất thế giới.

Để lên ý tưởng, bạn bắt đầu với nhật ký (3 điều xảy ra với bạn ngày hôm nay), để nghiên cứu bạn bắt đầu đọc sách (20 trang mỗi ngày) và để chỉnh sửa, bạn tạo một danh sách các từ bị cấm mà bạn chỉ cần xóa khỏi bài viết của mình (“như’, “rất”, “thứ”,…)​​​​​​​

Bạn không cần phải bắt đầu làm tất cả những điều này - thực sự tôi khuyên bạn không nên làm vậy. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu với một trong những điều này và sau đó, khi trở thành thói quen, hãy bổ sung điều tiếp theo. Đó là những gì tôi đã làm.

Tôi bắt đầu với thói quen đọc sách (20 trang mỗi ngày). Sau 150 ngày, tôi đã thêm một thói quen viết (500 từ một ngày). Tiếp theo là tạo thói quen ý tưởng và cuối cùng, thói quen chỉnh sửa.

Nếu tôi bắt đầu với tất cả ngay lập tức, không cái nào có thể thành thói quen. Như người ta nói, “Hãy làm ít hơn một ngày để làm nhiều hơn trong một năm.

Tìm hiểu thêm về cách xây dựng thói quen tốt và khiến chúng gắn bó trong hướng dẫn này: Cách xây dựng thói quen tốt (Hướng dẫn từng bước)

Chúng ta bắt đầu với một lời giải thích về mục đích và mục tiêu, đã vượt qua sự khác biệt của hai thứ đó, hiểu rằng cái này không thể tồn tại mà không có cái kia. Sau đó, chúng ta đã thấy cách sử dụng mục đích và mục tiêu trong cuộc sống hàng ngày.

Vì thế, chúng ta hãy sử dụng quan điểm hawkeye và wormeye nơi chúng ta thấy rằng chúng ta cần bức tranh tổng thể với hawkeye và trọng tâm với wormeye - những bước đi ngay trước mắt chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta phân chia những mục đích lớn thành những hành động nhỏ nhất có thể và tạo thói quen hàng ngày từ những mục tiêu này.

Bây giờ, chúng ta biết những gì chúng ta cần làm mỗi ngày để đạt được mục đích và ước mơ của mình. Tất cả mọi thứ đứng giữa chúng ta và mục đích chúng ta muốn đạt được là một thói quen nhỏ hàng ngày - vì vậy hãy bắt đầu thực hiện nó.

Tài liệu tham khảo