9 tháng trước
Phương Pháp Viết Nhật Ký Để Cải Thiện Bản Thân Và Làm Việc Năng Suất Hơn
587

9738
Lượt xem
18
Lượt chia sẻ
1
Lượt bình luận

Đã bao nhiêu lần những suy nghĩ tràn lan khiến bạn mất tập trung khỏi công việc? Đã bao lần ý tưởng nảy ra rồi vọt đi trước khi bạn kịp nắm bắt chúng? Hay có lẽ bạn đã đánh mất sự sáng suốt khi hành động và muốn tìm lại nó?

Là một người bận rộn, không có gì lạ khi tâm trí bạn trở nên quá tải vì phải cố gắng kiểm soát và xử lý mọi suy nghĩ, danh sách việc cần làm dài cả dặm, những cuộc trò chuyện đã có và những ý tưởng cứ đến rồi đi.

Vậy một người bận rộn phải làm gì với tất cả những chuyện "linh tinh" chiếm hết chỗ trong khối "địa ốc tinh thần" quý giá của mình? Họ viết nhật ký.

Ban đầu tôi kháng cự chuyện này. Chỉ nghĩ đến việc làm một thứ đòi hỏi công sức từ phía tôi cũng đủ khiến bụng tôi quặn lại. Chưa kể, tôi còn không biết nên viết gì hằng ngày.

Sau khoảng một tuần viết nhật ký, tôi nhận ra đầu óc tôi thông suốt hơn, dẫn đến năng suất làm việc cao hơn. Giờ đây, sau nhiều năm viết nhật ký, tôi mong ngóng đến lúc ấy và sẽ thấy thiếu nếu như hôm nào bỏ qua.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn không chỉ những lợi ích của việc viết nhật ký, mà cả một số mẹo đơn giản để bắt đầu viết mà không tốn thời gian. Những mẹo này sẽ giúp đầu óc bạn thông suốt hơn và đóng góp vào năng suất làm việc của bạn.

Một số những người bận rộn nhất mà tôi biết đều than phiền về cùng một thứ, đó là họ không thể cho não mình nghỉ, hay tệ hơn là họ không thể tập trung vào công việc đang làm vì những suy nghĩ và ý tưởng của họ không ngừng gào thét.

Đó là lúc ta cần một quyển nhật ký.

Quyển nhật ký đó là một không gian an toàn nơi bạn chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng, câu hỏi và mối lo của mình mà không bị gián đoạn hay phải quan tâm đến ý kiến và sự đánh giá của người khác. Đó là một nơi để khám phá, trình bày và thậm chí là than thở.

Tóm lại, nó là một nơi tuyệt vời để xả não, nhờ đó bạn có tâm trí làm việc năng suất hơn. Nhưng đó không phải là lợi ích duy nhất từ việc viết nhật ký. Sau đây là một vài lợi ích khác:

Đó là một cách tuyệt vời để có những khoảnh khoắc bừng tỉnh

Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một cuộc trò chuyện, đột nhiên bạn nghe thấy mình nói điều gì đó rồi một ý tưởng loé lên. Viết nhật ký đáp ứng cùng một mục đích đó. Với một cuốn nhật ký, trí tuệ bạn thường bừng tỉnh trước những điều mới trong lúc bạn ghi chép lại suy nghĩ của mình.

“Viết nhật ký là một chuyến du hành vào nội tâm.” ― Christina Baldwin

Ví dụ, nếu tôi đang vất vả tìm ra giải pháp cho một vấn đề, nhật ký sẽ đem đến không gian mà tôi cần để đưa vấn đề đó ra khỏi đầu và lên trang giấy. Những câu hỏi hiện ra cho tôi trả lời; tiếp đó là sự sáng suốt và khoảnh khắc "aha". 

Viết nhật ký đem đến cảm giác mãn nguyện và vững chãi

Viết lách vào một cuốn sổ đòi hỏi một dạng chánh niệm. Chính điều này giúp bạn giữ vững tinh thần hơn. 

“Viết nhật ký năm phút mỗi ngày là một biện pháp trị liệu, ít nhất là với tôi, vì tôi là một người như thế. Điều đó không chỉ giúp tôi hoàn thành được nhiều việc hơn mà còn cảm thấy thoải mái hơn trong một ngày, trở thành người hạnh phúc hơn, bằng lòng hơn — điều này không tự nhiên mà đến với tôi.” — Tim Ferriss[1]

Viết nhật ký làm giảm sự hỗn loạn

Các nhà thẩm định thuốc Paul Ballas and Maureen Fraser cho rằng,[2]

“Viết nhật ký giúp bạn thiết lập trật tự khi thế giới của bạn dường như chìm vào sự hỗn loạn. Nó giúp bạn hiểu chính mình bằng cách tiết lộ những nỗi sợ, tâm tư, cảm xúc sâu kín nhất của bạn. Hãy coi thời giờ viết lách là một khoảng thời gian thư giãn cho riêng mình, khi bạn xả stress và nghỉ ngơi. Hãy viết ở một nơi dễ chịu -- có thể là cùng một tách trà. Hãy mong đợi tới lúc viết nhật ký, và biết rằng bạn đang làm một điều có ích cho tâm trí và cơ thể mình.”

Đó là một nơi an toàn để phơi bày và dọn dẹp tâm trí

Những điều gây căng thẳng hay áp lực cho bạn cũng như bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào cũng giống như vi khuẩn. Khi bạn giữ chúng ở nơi hang cùng ngõ hẻm của tâm trí mình, chúng sẽ sinh sôi nảy nở.

Khi viết về chúng, bạn đưa chúng ra ánh sáng và hạ gục chúng. Hãy giải phóng khối "địa ốc tinh thần" đó để tập trung vào việc gì đó năng suất hơn. 

Cách này cũng áp dụng với bất kỳ ai quấy rầy bạn, dù đó là tay đồng nghiệp khó chịu, trận cãi vã với người yêu, dự án thất bạn; không quan trọng là điều gì. Nếu nó khiến bạn buồn bực, thì cũng đáng để viết về nó để làm mọi thứ sáng sủa hơn. 

Chưa kể, bạn sẽ có cơ hội phát hiện ra những bài học cần được tận dụng cho lần tiếp theo khi ai đó quấy rầy bạn.

Viết nhật ký tốt cho sức khoẻ

Nhà tâm lý trị liệu Maud Purcell có viết trong bài báo Các lợi ích về sức khoẻ từ việc viết nhật ký:[3]

“Ngày càng nhiều bằng chứng ủng hộ quan niệm cho rằng viết nhật ký có ảnh hưởng tích cực lên sự an lạc thể chất. Nhà tâm lý học và nghiên cứu James Pennebaker thuộc Đại học Texas ở Austin cho rằng viết nhật ký thường xuyên tăng cường tế bào miễn dịch được gọi là T-lymphocytes. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng viết nhật ký làm giảm các triệu chứng của bệnh hen và viêm khớp. Pennebaker tin rằng viết về những biến cố căng thẳng giúp bạn chấp nhận chúng, qua đó hoạt động như một công cụ chế ngự stress, làm giảm ảnh hưởng của các tác nhân gây stress lên sức khoẻ thể chất của bạn.”

Đó là một công cụ tuyệt vời để thiết lập sự ưu tiên

Nhật ký là một chỗ tuyệt vời để ghi chép tất cả những gì bạn muốn và cần làm để bạn có thể đặt ưu tiên và lập kế hoạch. Viết tất cả ra giấy giúp đảm bảo rằng bạn không bỏ quên điều gì quan trọng.

Chưa kể, nhật ký cũng là một nơi rất tốt để lưu giữ lại những thắng lợi, những bước đã đạt được trong một dự án và bất kỳ hiểu biết nào bạn đã đúc kết được. Bằng cách đó, lần tiếp theo bạn gặp một dự án hay một việc ưu tiên, bạn có một kế hoạch mà bạn có thể sử dụng lại.

Với những lợi ích này trong tâm trí, bạn đã sẵn sàng để thử viết nhật ký chưa?

Sau đây là một hướng dẫn từng bước đơn giản giúp bạn bắt tay vào việc nhật ký:

Bước 1: Hãy rõ ràng về mục đích và mục tiêu viết nhật ký

Bạn muốn gì từ việc viết nhật ký?

Nhận thức rõ ràng về ý định viết nhật ký hoặc thiết lập một mục tiêu rõ ràng cho việc viết lách của bạn. Chính mục tiêu này giúp bạn viết một cách nhất quán để có thể tăng năng suất. (Từ có ý nghĩa nhất là "nhất quán".)

Lưu ý quan trọng: Hãy đảm bảo rằng mục tiêu hay mục đích của bạn hoà hợp với bạn. Ví dụ, đó có thể là một hình thức chăm sóc bản thân, hoặc có lẽ bạn muốn vạch ra ý tưởng kinh doanh sắp tới. Do cảm xúc thúc đẩy hành động, nên nếu bạn cảm thấy hài lòng về viễn cảnh viết nhật ký, bạn sẽ dễ dàng thực hiện nó hơn.

Bước 2: Hãy chọn cho bạn đi! ​​​​​​​

Viết blog trên mạng hay vào viết vào một cuốn sổ? Không có hình thức viết nhật ký nào là đúng hay sai. Chọn bất kỳ điều gì dễ dàng và thoải mái nhất để bạn sử dụng.

Khi bắt đầu viết nhật ký, tôi chọn một cuốn sổ thật đẹp và một cây bút mà tôi chỉ dùng cho việc này.

Ngày nay tôi vừa viết blog vừa viết vào sổ. Tôi dùng sổ và bút màu cho "nhật ký ân tình" (ghi chép những điều biết ơn) và những trang viết buổi sáng. Tôi dùng Good Notes và Apple Pencil (vì tôi thích lối chữ viết tay) cho nhật ký công việc, trong đó tôi ghi chép các ý tưởng, những điều cần nghiên cứu và đề cương các dự án của mình.

Lưu ý quan trọng: ​​​​​​​Hãy khởi đầu đơn giản và từ tốn, thậm chí một mảnh giấy từ một cuốn sổ kẹp giấy rời cũng được!

Bước 3: Tạo một không gian viết

Dù là ngồi bên bàn bếp, trên một chiếc ghế tiện nghi ở góc phòng khách hay tựa lưng vào một chồng gối trên giường, điều quan trọng là bạn tìm được một nơi ở đó bạn cảm thấy thoải mái khi viết. Một nơi mà bạn không bị gián đoạn. 

Bước 4: Chọn thời điểm trong ngày phù hợp với bạn

Vào buổi sáng khi bạn bắt đầu ngày mới hay ban đêm trước khi đi ngủ; bất cứ khi nào bạn có thời gian rảnh trong thời gian biểu của mình để dành ra 5 đến 10 phút để viết.

Khi mới bắt đầu, tôi thử viết vào những lúc khác nhau trong ngày cho tới khi tìm ra một thời điểm mà hoạt động một cách nhất quán. Tôi thử viết giữa những lúc làm việc với khách hàng, ngay trước khi ngủ và buổi sáng như một nghi thức. Buổi sáng trở thành thời điểm yêu thích của tôi vì đó là lúc tôi ít bị những sự kiện trong ngày phân tán nhất. 

Hãy thử vào những thời điểm khác nhau trong ngày và xem cái nào phù hợp nhất với bạn.

Bước 5: Bắt đầu

Quan trọng nhất là đừng lo lắng về nội dung cần viết. Điều đó biến việc viết nhật ký trở thành một nghĩa vụ thay vì một công cụ hữu hiệu. 

Bạn thậm chí có thể khởi động bằng cách viết "Tôi không biết viết gì" và tiếp tục từ đó. Hãy viết bất cứ điều gì có trong tâm trí bạn ra giấy.

Trong 30 ngày tới, hãy tự cam kết với việc viết nhật ký. Dù bạn dùng phương pháp dòng ý thức với những trang viết buổi sáng hay viết theo gợi ý để khơi gợi dòng chảy viết lách, hãy coi 30 ngày tới là một thời kỳ khám phá bản thân, tăng năng suất làm việc và sự sáng suốt như là kết quả của việc viết nhật ký. 

Cần ghi nhớ:

  • Viết đơn giản.
  • Tìm một thời điểm nhất quán phù hợp với bạn trong suốt 30 ngày tới.
  • Bỏ lại phía sau sự cầu toàn và viết ra giấy bất cứ điều gì nảy ra trong đầu.

Không có cách nào là đúng hay sai để sử dụng một cuốn nhật ký. Mấu chốt là cho phép nó trở thành trợ lý của bạn trong việc tạo thêm dung lượng trong não bạn, để bạn có thể là phiên bản năng suất nhất của mình.

Nguồn ảnh bìa: Pexels tu pexels.com

Tài liệu tham khảo