9 tháng trước
Bí Quyết Giúp Bạn Trở Thành Diễn Giả Tài Ba Thu Hút Mọi Ánh Nhìn
460

6397
Lượt xem
35
Lượt chia sẻ
8
Lượt bình luận

Theo các chuyên gia thì việc nói trước đám đông là một trong những bộ kĩ năng quan trọng và hữu ích nhất cho sự nghiệp của bạn. Nó giúp nâng cao sự tự tin và định hình cách nhìn nhận của mọi người dành cho bạn khi bạn trình bày một bài diễn thuyết.

Tuy nhiên, dù có những lợi ích như vậy nhưng nhiều người có vẻ vẫn sợ nói trước đám đông. Theo các chuyên gia, khoảng 80% mọi người đều trở nên lo sợ và mất ngủ tăng dần trước một buổi nói chuyện lớn trước đám đông. Một số chuyên gia còn cho rằng nỗi sợ nói trước đám đông có thể sánh ngang với nỗi sợ cái chết. Song hầu hết chúng ta đều sẽ có lúc bị đặt vào tình huống phải nói trước đám đông, và những thời khắc đó đôi khi có thể sẽ quyết định đến sự nghiệp của ta nữa.

Nếu bạn đã phải không ngừng cố gắng để dẹp yên cảm giác bồn chồn hồi hộp khi bị buộc phải nói chuyện trước đám đông, thì bạn không phải là người duy nhất đâu. Bài viết này là một bản hướng dẫn từng bước một rất dễ làm theo (với đủ tất cả những bí quyết nói chuyện trước đám đông mà bạn cần có) về cách làm thế nào để bạn có thể vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông và gây ấn tượng với khán giả, kể cả khi bạn là một người mới bắt đầu.

Nỗi sợ lớn nhất của một diễn giả là khi nhìn thấy khán giả buồn chán hoặc chẳng tiếp thu được giá trị gì từ bài diễn thuyết. Đó là lí do tại sao việc chuẩn bị chu đáo kĩ càng cho buổi trình bày chính là yếu tố sống còn.

Sau đây là một vài bước đơn giản để bạn chuẩn bị và nghiên cứu cho buổi trình bày của mình:

Ví dụ như, nếu bạn sắp nói chuyện tại một hội nghị chuyên ngành về Công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI), thì bạn có thể chắc chắn rằng khán giả của mình sẽ bao gồm các kĩ thuật viên và những người hành nghề trong lĩnh vực đó. Việc "nhai lại" những nội dung cơ bản của lĩnh vực đó, mà họ vốn đã biết cả rồi, sẽ là con đường nhất định đưa bạn tới chỗ nhanh chóng đánh mất sự tập trung chú ý của họ.

Thay vì vậy, bạn sẽ phải giới thiệu những ý tưởng lớn thách thức những điều mà họ đã biết về lĩnh vực của mình, cả trong hiện tại lẫn việc nó sẽ tiến triển đến đâu trong tương lai.

Khi Steve Jobs ra mắt iPhone một cách tài tình trong Hội nghị Các nhà phát triển Toàn cầu năm 2007, đó là lúc ông đang cố giải quyết một vấn đề xưa cũ vẫn tồn tại trong lĩnh vực của mình, liên quan đến những phím bấm trên điện thoại di động. Khỏi phải nói, "canh bạc" của ông đã được đền đáp và đặt nền móng cho điện thoại thông minh mà ta biết ngày nay.

Nói là vậy, nhưng phong cách thuyết trình của Steve có thể sẽ không phù hợp với tất cả mọi người, mà chính bạn - trong vai trò là một diễn giả - phải tự quyết định cách làm thế nào để trình bày tốt nhất bài diễn thuyết của mình khi thời khắc đó đến.[1]

Việc biết rõ các đặc điểm của khán giả là rất quan trọng, bởi nó sẽ quyết định cách bạn có thể điều chỉnh giọng nói và nội dung thuyết trình cho phù hợp và gần gũi với họ.

Nếu bạn sắp nói chuyện với các khán giả thuộc một thế hệ nhất định nào đó, hãy xem xét việc đưa thêm vào những ví dụ để lại ấn tượng mạnh cho họ. Ví dụ như khi nói chuyện với những người trẻ thuộc thế hệ Y (millennial), hãy thử dẫn ra những tin tức mới về sự phát triển của các công nghệ mà họ sử dụng hằng ngày (như SnapChat hay Netflix), để tạo sự gần gũi hơn với họ.

Bạn có thể có những ý tưởng tốt nhất. Nhưng nếu chúng không được sắp xếp đúng trật tự thì cơ bản là bạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số không.

Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng rất nhiều bài diễn thuyết đều đi theo những dàn ý khác nhau mà thường bao gồm ba phần chính: Mở đầu (hay Dẫn nhập), Thân bài, và Kết luận.[2]

Các cấu phần này có thể tồn tại ở đủ mọi hình thức, chẳng hạn như một khung chiến lược bán hàng bao gồm Vấn đề, Giải pháp, Lời Kêu Gọi Hành Động. Chúng ta có thể thấy điều này được phản ánh ở vô số diễn giả, khi họ đặt ra một "cái cớ" để dẫn đến vấn đề sắp nói, trước khi chỉ rõ và giải quyết vấn đề đó bằng một sản phẩm hoặc phương pháp nào đó.

Sau khi bạn đã quyết định xong những ý tưởng mà mình muốn triển khai, hãy bắt tay vào sắp xếp chúng theo một trật tự có khả năng giữ cho khán giả phải chăm chú dõi theo từng lời bạn nói. Trong đoạn phim sau đây, Aimee Mulins sẽ kể một câu chuyện về những nghịch cảnh khó khăn được tiếp nối bởi những giải pháp xuất hiện sau đó trong cuộc sống:

Việc chọn được một chủ đề hay và chinh phục nỗi sợ sân khấu của bạn mới chỉ là một nửa chặng đường dẫn tới thành công trong việc nói trước đám đông. Việc kết hợp tất cả chúng vào với nhau trong một bài thuyết trình trôi chảy và thu hút khán giả mới là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa một buổi diễn thuyết hoành tráng và một cuộc nói chuyện nhạt nhòa.

Người ta cho rằng 30 giây đầu tiên của bài diễn thuyết sẽ quyết định liệu khán giả có muốn nghe bạn nói hay không.[3]

Sau đây là một vài cách đã được chứng minh là sẽ giúp bạn giành được sự tập trung chú ý của khán giả:

  • Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện vặt, nếu bạn có thể vẽ ra mối liên quan giữa nó với chủ đề thuyết trình của bạn. Việc kể ra một câu chuyện ngắn có liên quan đến chủ đề là một cách tuyệt hay để bạn tạo được sự gần gũi với khán giả và dẫn dắt họ đến điểm cao trào của bài diễn thuyết.
  • Hãy dùng một phép tương đồng. Phép tương đồng là một cách thú vị và vui vẻ để bắt đầu bài thuyết trình. Việc so sánh hai thứ thoạt trông chẳng liên quan gì đến nhau có thể sẽ giúp tạo ra một ví dụ minh họa cho điều mà bạn sẽ nói tiếp theo. Không chỉ vậy, điều đó có thể có ích nếu bạn cần phải giải thích một tình huống phức tạp mà khán giả có thể sẽ khó hiểu được.
  • Hãy dùng một câu trích dẫn đáng nhớ. Việc bắt đầu bài nói bằng một câu trích dẫn đáng nhớ có thể giúp tăng cường lòng tin của khán giả và nhấn mạnh những luận điểm của riêng bạn, nhất là khi câu trích dẫn đó là của các chuyên gia hoặc nhân vật đáng chú ý. Điều đó cũng có thể giúp khơi gợi cảm hứng cho khán giả, khiến họ hào hứng với ý tưởng của bạn hơn. Kết quả cuối cùng là gì? Nó khiến họ chăm chú theo dõi bài diễn thuyết của bạn hơn. Nhất tiễn hạ song điêu nhé!

Việc diễn thuyết hầu như chẳng bao giờ là cuộc độc thoại một chiều cả. Bạn sẽ cần đến những phương cách để lôi kéo khán giả về phía mình và biến bài diễn thuyết trở thành một cuộc đối thoại.

Hãy cố gắng nêu ra những câu hỏi gợi mở hoặc sử dụng các đạo cụ. Việc đặt ra các câu hỏi để khán giả tương tác sẽ lôi kéo họ vào bài diễn thuyết của bạn và cũng thể hiện rằng bạn đánh giá cao ý kiến của họ về mọi việc. Trong vài trường hợp, việc khiến cho khán giả tự hình dung ra vấn đề có thể sẽ có tác dụng làm rõ vấn đề hiệu quả hơn, chứ không chỉ là tác dụng bổ sung về mặt lí thuyết.

Bill Gates là một ví dụ tiêu biểu về chuyện làm thế nào mà việc sử dụng "đạo cụ" có thể thực sự truyền tải một thông điệp, khi ông thả một đàn muỗi ra trong lúc đang thuyết trình, để nói về việc người dân ở các quốc gia có mức độ nhiễm sốt rét cao đang cảm thấy thế nào.

Các công cụ hỗ trợ về thị giác như các trang thuyết trình (slide) là một cơ hội để nhấn mạnh và truyền tải thông điệp một cách hùng hồn hiệu quả, với việc tăng khả năng khán giả nhớ lại bài thuyết trình thêm 43%, theo công ty phần mềm Prezi.

Đôi khi việc cho hết tất cả thông tin vào một trang thuyết trình có thể sẽ làm khán giả không còn tập trung chú ý nữa. Để ngăn điều đó xảy ra, bạn có thể tận dụng các hình ảnh mang tính gợi nhớ để hỗ trợ cho bài nói của mình nhằm đưa khán giả vào một bối cảnh cụ thể hoặc đưa ra các phép tương đồng cho thông điệp đang nói.

Hãy hình dung thế này: vài giây trước khi bắt đầu bài diễn thuyết, tim bạn đập thình thịch liên hồi khi nghĩ đến những gì sắp diễn ra. Bạn bước lên đứng sau bục phát biểu và mọi ánh mắt đổ dồn về bạn. Áp lực trở nên choáng ngợp và bạn cứng cả người lại, không thốt ra được dù chỉ một từ.

Từ lâu người ta đã biết rằng việc nói trước đám đông còn vượt hơn cả cái chết để trở thành nỗi sợ lớn nhất của hầu hết mọi người. Điều đó dẫn tới một câu hỏi: làm thế nào mà các diễn giả tài ba lại làm được dễ dàng đến thế?

Sự thật là ai cũng lo sợ, kể cả những diễn giả dạn dày kinh nghiệm. Như nhà văn Mark Twain từng nói vui:

“Có hai kiểu diễn giả: một kiểu là những người lo sợ, kiểu kia là những kẻ nói dối.”

Việc ghi nhớ và tôn trọng sự thật rằng bạn sẽ luôn có cảm giác bồn chồn hồi hộp kéo dài cho tới tận buổi thuyết trình của mình đã là một nửa chặng đường dẫn tới thành công rồi. Hãy học cách kiểm soát cơn bộc phát adrenaline đó cũng như nguồn năng lượng của mình để có thể kết nối và thu hút khán giả ngay từ đầu.

Rất dễ để bắt chuyện và đối thoại với ai đó theo kiểu một-một, chỉ có hai người với nhau. Nhưng việc nói trước đám đông cũng không nhất thiết là quá khác biệt đâu. Khi đứng trên sân khấu, hãy tưởng tượng tại mỗi thời điểm bạn chỉ đang nói với một người khán giả mà thôi, và bạn sẽ thấy mình dễ kết nối được với một người hơn là cả khán phòng tại một thời điểm nhất định.

Các diễn giả như Elon Musk đôi khi trông rất hài hước trên sân khấu, nhưng thực ra ông luôn thật tâm và đáng tin cậy. Ông nói chuyện trực tiếp với khán giả và dùng những lời mà họ có thể hiểu được:

Việc nắm rõ nội dung của mình trong tầm tay sẽ giúp làm giảm cảm giác lo âu của bạn, bởi khi đó bạn đã bớt đi một thứ cần lo rồi. Và một cách để làm được điều đó là hãy luyện tập thật nhiều lần trước buổi diễn thuyết thật. Song bạn cũng không cần phải nhớ kĩ từng từ trong kịch bản đâu. Việc đó có thể sẽ phản tác dụng nếu chẳng may bạn lại quên mất nội dung cần nói là gì.

Thay vì vậy, hãy ghi nhớ những khái niệm hoặc ý tưởng bao quát và sẵn sàng triển khai chúng ra, bởi việc đó sẽ giúp bạn nói một cách tự nhiên hơn. Điều đó sẽ bộc lộ rõ cá tính của bạn. Việc nói chính xác theo một kịch bản đã được ghi nhớ sẽ khiến bạn trông có vẻ cứng nhắc và giống như một người máy được lập trình vậy.

Song, nếu bạn vẫn cần thứ gì đó để tham khảo phòng khi mình quên lời, thì cứ việc chèn lời nhắc vào trang thuyết trình hoặc dùng những tấm thẻ ghi gợi ý.

Một cách khác nữa mà hầu hết các diễn giả sử dụng để khắc sâu bài truyết trình vào tâm trí mình là việc mấp máy môi theo từng từ khi nói thử.

Không chỉ giúp bạn bắt đầu ghi nhớ bài diễn thuyết một cách tự nhiên sau mỗi lần luyện tập, mà việc đó còn giúp ích cho việc hình thành "trí nhớ cơ thể" khi bạn cần trình bày bài nói của mình một cách tự nhiên trên sân khấu.

Chúng ta đã đi từ việc chuẩn bị cho bài diễn thuyết, tìm ra những cách để lôi cuốn khán giả vào bài nói của mình và đánh tan nỗi sợ sân khấu. Tất cả việc còn lại là người diễn giả sẽ phải làm chủ buổi thuyết trình bằng cách thể hiện mình thật ấn tượng trong khi diễn thuyết.

Sau đây là một vài điều bạn cần ghi chú lại để đảm bảo mình sẽ sẽ có được hình ảnh thật hoàn mĩ khi thời khắc đã đến:

Các diễn giả có kinh nghiệm tin chắc vào điều này và các diễn giả không chuyên dùng nó để đạt được thành công rực rỡ.

Việc dùng cử chỉ của tay là một cách tuyệt vời để tránh vẻ cứng nhắc và vụng về trên sân khấu. Một điểm mấu chốt là hãy giữ bàn tay của bạn luôn cao hơn thắt lưng và để các cử chỉ của tay diễn ra tự nhiên khi bạn nói. Điều đó khiến bạn trông có vẻ tự tin hơn và cũng lôi cuốn khán giả tốt hơn.

Các diễn giả đại tài có một điểm chung là sự tự tin. Cũng giống hệt như bất kì con người nào khác trên đời này, họ cũng bồn chồn trước mỗi buổi diễn thuyết - kể cả những diễn giả vĩ đại như John F. Kennedy cũng phải dành hàng tháng trời để chuẩn bị trước cho bài diễn văn của mình.[4]

Hầu hết mọi người đều phải khổ sở vật lộn để trở nên tự tin, và điều đó là bình thường thôi. Không phải ai cũng có thể nói chuyện thoải mái tự tin, nhất là trước một đám đông nhiều người. Nhưng đôi khi sự tự tin không hoàn toàn chỉ là cách bạn nói, mà còn nằm ở ngôn ngữ cơ thể của bạn nữa.

Việc đứng thẳng người và giữ tư thế tốt có thể nâng cao rõ rệt sự tự tin mà bạn tự cảm nhận được ở bản thân, cũng như giúp ích rất nhiều cho màn thể hiện thật sự trên sân khấu. Việc dùng những động tác tay khoáng đạt, đứng vững trên đôi bàn chân của mình và giữ vai mở rộng sẽ giúp cho cả những diễn giả vốn lo sợ nhất cũng có thể trở nên cởi mở hơn trên sân khấu.

“Cơ thể chúng ta làm thay đổi tâm trí ta, tâm trí ta lại thay đổi hành vi của ta, và hành vi của ta sẽ thay đổi kết quả của ta." – Nhà Tâm lí học Xã hội Amy Cudd

Những cử chỉ nhỏ như vậy sẽ "ra hiệu" cho khán giả về cách mà họ nên suy nghĩ và cảm nhận về bạn và liệu họ có nên lắng nghe bạn nói trong vài giây đầu tiên của bài diễn thuyết hay không. Do đó việc chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bạn là rất quan trọng, bởi đó là một bước đệm giúp bạn cảm thấy, hay ít nhất cũng là trông có vẻ, tự tin hơn - kể cả khi bạn thực sự không như vậy.

Giọng nói của bạn đóng vai trò then chốt trong việc giúp bạn trở thành một diễn giả thành công. Theo một phân tích về những màn xuất hiện trước truyền thông của 120 diễn giả tài chính hàng đầu, thì âm thanh của giọng nói sẽ quan trọng gấp đôi nội dung của thông điệp[5] và thậm chí có một đánh giá đã phát hiện ra một trong những buổi nói chuyện TED talk nổi tiếng nhất đã kết luận rằng chính những diễn giả đó có độ đa dạng trong giọng nói cao hơn 30,5% so với những diễn giả ít tên tuổi khác.

Các diễn giả chuyên nghiệp tập trung rất nhiều vào cách luyện tập giọng nói của mình khi nói ra các câu từ. Một số người dùng giọng cao hơn khi nói về một ý tưởng đầy hứng khởi, và dùng giọng trầm hơn trong những lúc trang trọng.

Tóm lại là, vấn đề nằm ở việc điều chỉnh cảm xúc của bạn cho phù hợp với ý tưởng đang nói. Ví dụ như nếu bạn đang chia sẻ một câu chuyện buồn, thì sẽ là hợp lí khi bạn thể hiện cảm xúc đó bằng một giọng trầm và âm lượng nhỏ hơn.

Việc ngắt nghỉ và nhấn mạnh là một công cụ đầy uy lực trong "kho vũ khí" của các diễn giả. Khi được dùng một cách có mục đích và đúng thời điểm, chúng có thể tạo ra một cao trào kịch tính để nhấn mạnh hơn nữa điều bạn vừa nói, buộc khán giả suy ngẫm về một chủ đề, hoặc cho họ có thời gian để "thấm" hết thông điệp. Về cơ bản đó là một "dấu chấm câu" được dùng trong văn nói.

Hãy xem qua cách làm chủ kĩ thuật ngắt nghỉ từ Brian Tracy:

Việc kết thúc bài nói quá sớm hoặc quá trễ đều sẽ gây rắc rối cho các diễn giả nào phải canh thời gian theo lịch trình của một sự kiện. Đôi khi lịch trình đó bị hoãn và để lại rất ít thời gian cho diễn giả có thể trình bày trọn vẹn bài diễn thuyết của mình.

Chìa khóa để tránh hoàn cảnh không như mong đợi đó là hãy nắm thật rõ nội dung của mình và tập thử vài "phiên bản" khác nhau của bài thuyết trình, dựa theo những khoảng thời gian giới hạn khác nhau.

Thế là bạn đã có hết rồi đấy, bốn bước cơ bản trên đây sẽ là bí quyết giúp bạn diễn thuyết hoàn hảo trước đám đông.

Đừng ngại ngùng lảng tránh cơ hội tiếp tới, khi bạn có dịp nói trước đám đông. Thay vì vậy, hãy tận dụng cơ hội đó và áp dụng những mẹo này:

  1. Hãy nghiên cứu khán giả của mình trước khi chuẩn bị cho chủ đề
  2. Hãy xây dựng một bài diễn thuyết có sức thu hút khán giả
  3. Hãy vượt qua nỗi lo sợ và sự khiếp sợ sân khấu của bạn
  4. Đừng bao giờ bỏ qua việc chuẩn bị trước. Hãy luyện tập giọng nói, cử chỉ và việc canh thời gian

Tài liệu tham khảo