9 tháng trước
Học Cách Làm Thế Nào Để Hiểu Và Liên Kết Những Ý Tưởng Khó Một Cách Dễ Dàng
372

4304
Lượt xem
291
Lượt chia sẻ
90
Lượt bình luận

Tôi nghĩ các bạn sẽ đồng ý khi tôi nói rằng:

“Chúng ta không hiểu được sự khác biệt giữa Thông tin và Tri thức.”

Có vẻ là nhiều người ngầm định hai khái niệm này là một, dù chúng không phải. Thật ra, Thông tin là cần thiết để có được Tri thức, nhưng ta còn thiếu một nhân tố quan trọng... "Tư duy".

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về quá trình tiếp thu thông tin, và làm sao để ta có thể biến nó thành tri thức.

Những Giáo sư ở Đại học Cornell và là đồng tác giả của cuốn Tư duy trên bất kỳ chiếc bàn làm việc nào (Thinking at Every Desk), Derek và Laura Cabrera chỉ ra rằng Kiến thức = Thông tin X Tư duy. Họ đang thực hiện sứ mệnh mang "Tư duy" trở lại lớp học. Hãy để tôi làm rõ một cách mà họ đang sử dụng để hiện thực hóa sứ mệnh này.


Thông qua Thuyết Tư Duy Hệ thống bằng Nhận biết (Distinctions) - Hệ thống (Systems) - Quan hệ (Relationships) - Quan điểm (Perspectives) ( DSRP = "Tư duy") của Cabrera, họ cho ta thấy bằng cách nào những vấn đề khác biệt lại liên hệ với nhau và phương pháp DSRP cải thiện tốc độ hiểu của chúng ta như thế nào. Về cơ bản, nó cải thiện quá trình chuyển giao kiến thức của chúng ta.

Chuyển giao là phương pháp ứng dụng những thứ học được trong một lĩnh vực này vào lĩnh vực khác. Ta có thể thực hiện quá trình này bằng nhiều cách, hãy xem xét hai cách sau:

  1. Chuyển giao Dọc (còn gọi là Chuyển giao Xa). Một đứa trẻ học một điều ở lớp Ba và áp dụng nó khi lên lớp Bốn (hay thậm chí khi trưởng thành). Đây là một dạng chuyển giao khó khi bạn phải áp dụng những gì đang học vào một tình huống hoàn toàn khác - ví như học chơi cờ vây và áp dụng nó vào chiến thuật.
  2. Chuyển giao Ngang (còn gọi là Chuyển giao Gần). Một học sinh học được vài điều từ một môn học (ví dụ Tiếng Anh) và chuyển tiếp chúng vào môn học khác (ví dụ Toán).

Học thuyết của Cabrera thể hiện rõ sự quan trọng của quá trình chuyển giao học hỏi. Thực tế, nếu một học sinh hoặc cá nhân có khả năng chuyển giao mạnh, họ sẽ trở thành người thầy giỏi nhất của chính mình. Như đã được đề cập trong quyển sách Tư duy trên bất kỳ chiếc bàn làm việc nào,

“Nếu một học sinh có kĩ năng chuyển giao cao, cô ấy có thể học một thứ và dạy cho chính mình thêm 10, 50 hay 100 thứ nữa."

Khi đã rõ về tầm quan trọng của phương pháp chuyển giao học hỏi và ứng dụng DSRP để thực hiện nó, chúng ta thu được những kết quả ấn tượng trên ba phương diện quan trọng:[1]

  1. Tăng cường Siêu Nhận Thức (suy nghĩ về tư duy).
  2. Tăng cường Thấu Hiểu (hiểu được sự khác nhau giữa phân tích và tổng hợp).
  3. Tăng cường Chuyển giao (có thể thiết lập những liên kết dọc và ngang).


Hãy xem xét vài hướng tiếp cận thực tế được áp dụng trong quá trình khám phá những ý tưởng tiềm ẩn này:

Phân tích + Tổng hợp = Học tập


Phương pháp chuyển giao học hỏi ưa thích nhất của tôi là một kĩ thuật được nêu sơ lược trong Tư duy Hệ thống một cách Dễ hiểu: Hi vọng mới giúp Giải quyết những Vấn đề Khó chịu (Systems Thinking Made Simple: New Hope for Solving Wicked Problems). Kĩ thuật đó gọi là "Bài học về các Bộ phận của Xe cứu hỏa" và là một bài tập thú vị để cùng làm với con cái của bạn.

Với việc thực hành kĩ thuật này cùng con gái 3 tuổi của tôi, tôi có cơ hội để trình bày bài học về Quy tắc Hệ thống (hay còn gọi là bộ phận - toàn thể) qua cách cùng con bé lắp một chiếc xe cứu hỏa bằng bìa cứng. Nhờ nghiên cứu về xe cứu hỏa qua cái nhìn bộ phận - toàn thể, con gái tôi đã có thể nhận biết được nhiều bộ phận của chiếc xe hơn so với ban đầu.

Chuyển giao Dọc hay Xa là hình thức chuyển tiếp quyết định nhất.Tôi xin giới thiệu đoạn video ngắn được phát hành bởi Education Week sau đây để các bạn có cái nhìn sâu hơn về phương pháp chuyển giao học hỏi:

Hãy cùng lướt qua 5 chiến thuật để ứng dụng thực tế phương pháp chuyển giao học hỏi được vạch ra trong video trên:

  • Dạy tường minh. Sử dụng và ứng dụng những gì bạn đang học hàng ngày (một bài văn lập luận chặt chẽ để thuyết phục sếp tăng lương).
  • Học theo Nhóm. Bạn càng hoạt động nhóm nhiều trong lớp học, bạn càng dễ dàng có thể học tập trong nhóm khi đi làm.
  • Sự phản ánh. Nếu việc ghi chép trong lớp giúp bạn hiểu được vấn đề, thì ghi chép ở những nơi khác (như trong lớp hay nơi làm việc) cũng sẽ giúp bạn một cách tương tự.
  • Dùng các phép so sánh và ẩn dụ. So sánh và ẩn dụ mang những điều bạn đã biết và đặt chúng vào một tình huống mới nhằm làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.
  • Khái quát hóa. Thúc ép bản thân phải khái quát được những nguyên tắc chung từ những vấn đề riêng biệt. Nếu bạn nghiên cứu về một lĩnh vực và tìm ra được những yếu tố cần thiết để tạo nên thứ gì đó, thì với những lĩnh vực khác cũng hãy áp dụng cách tương tự để khám phá ra những yếu tố chủ đạo cho chúng.

Chắc các bạn đang thắc mắc, làm sao để tôi có thể ứng dụng phương pháp này?

Cách thực hiện thật sự khá đơn giản:

Bước 1. Dùng kiến thức có sẵn

Giả sử bạn vừa mới học cách chơi cờ vây gần đây. Bằng sự hiểu biết của mình về nó, bạn có thể áp dụng những kĩ năng trong trò chơi vào những tình huống khác.

Bước 2. Áp dụng kiến thức có sẵn vào hoàn cảnh mới (các hoàn cảnh khác biệt với nhau)

Nếu bạn đang trong tình thế cần phải hiểu rõ về chiến thuật quân sự của một quốc gia khác (ví dụ ở đây là Trung Quốc), bạn có thể tận dụng kiến thức đã có (ở đây là về môn cờ vây).

Bước 3. Tăng cường các liên kết

Môn cờ vây và việc tìm hiểu chiến thuật quân sự của Trung Quốc là hai vấn đề cực kì trừu tượng (dù tương đồng). Càng đào sâu vào quá trình nghiên cứu (tìm hiểu về trung Quốc), bạn sẽ càng nhận ra những hiểu biết về cờ vây sẽ hỗ trợ đắc lực cho bạn trong nỗ lực tìm kiếm những liên hệ mới giữa hai vấn đề.

Bước 4. Ghi chép và suy xét về những liên kết mới

Chắc rằng bạn có ghi nhận lại những ý tưởng và những kết nối của mình trong quá trình chuyển giao học hỏi. Ngẫm kĩ trong suốt quá trình và suy nghĩ (nhận thức) về cách mà bạn tư duy (siêu nhận thức). Việc này sẽ giúp bạn nâng cao khả năng rút ra những nguyên tắc sâu sắc từ khái niệm mới đang được xem xét.

Cuối cùng, tôi sẽ làm rõ cách tôi sử dụng phương pháp chuyển giao học hỏi mỗi ngày.

Với tư cách là một nhà văn đang nuôi con nuôi và bản thân là một đứa con nuôi khi còn nhỏ, tôi luôn nghĩ về những cách cải tiến chế độ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ. Một trong những vấn đề tôi đang nghiên cứu là cách thiết lập một mạng lưới liên lạc hiệu quả và tối ưu để nhanh chóng hỗ trợ những trẻ em đang bị bạo hành.

Nhờ những hiểu biết của tôi về phương pháp chuyển giao học hỏi, tôi nhanh chóng nắm bắt được điểm mấu chốt trong việc phát hiện những liên kết giữa hai ý tưởng hoàn toàn khác lạ.


Ban đầu, tôi tình cờ đọc qua một bài viết trên asknature.org khi đang tìm kiếm về cách giao tiếp của loài mối và kiến. Trong bài viết có tựa đề Phối hợp cho những Quyết định nhóm (Collaborating for Group Decisions), tôi chú ý hai câu văn chủ đạo:

  • Những nhà nghiên cứu sẽ phát triển một mạng lưới thông tin chuyên dụng để truyền thông tin quan trọng giữa những cá thể phản ứng đầu tiên, tương tự như cách vi-rút lây lan.
  • Những mô hình phối hợp dựa trên những nghiên cứu về kiến và ong có thể hữu ích cho những hiểu biết về những nguyên tắc cơ bản và những phương pháp tối ưu trong việc phát triển chiến thuật để điều phối sự chia sẻ kiến thức trong một thiết lập xã hội hỗn độn.

Những yếu tố chính mà tôi liên hệ được là: cách vi-rút lây lanchia sẻ kiến thức. Qua đó, tôi đang thực hiện một chiến thuật cho những mái ấm để phối hợp (và giao tiếp) và truyền tin như một vi-rút (đặc biệt là vi-rút Cúm A). Điều này dẫn tôi đến việc phân tích hai khái niệm quan trọng:

  1. Tôi đã phải phân tích (và chia nhỏ) cấu trúc của vi-rút Cúm và Lý thuyết mạng (tôi chủ yếu tập trung vào Thế giới nhỏ và Mạng phân tán).
  2. Sau đó tôi tổng hợp (ráp những bộ phận lại thành một thể) và định hình ý tưởng của tôi trong việc cải thiện liên lạc và truyền đạt tin như vi-rút cho hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Chỉ có thể qua sự khám phá của những mối liên hệ tiềm ẩn giữa các ý tưởng và bằng cách mang "Tư duy" trở lại vị thế chủ đạo thì chúng ta mới có thể thu được Tri thức thật sự. Xin gửi lời cám ơn đặc biệt đến Derek và Laura với việc giới thiệu cho tôi về DSRP!

Tôi xin để lại một câu trích dẫn cuối cùng cho các bạn,

“Trong đầu bạn là bộ não. Trong giày bạn là đôi chân. Bạn có thể đi bất kì hướng nào mà mình chọn!” – Dr. Seuss

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com

Tài liệu tham khảo

[1]^Derek và Laura Cabrera: Tư duy trên bất kỳ chiếc bàn làm việc nào