9 tháng trước
Hãy Từ Bỏ Sự Đa Nhiệm Khi Còn Chưa Quá Muộn
376

4966
Lượt xem
282
Lượt chia sẻ
69
Lượt bình luận

Khi bạn có một lịch trình bận rộn, thì sự đa nhiệm có vẻ như là một giải pháp tốt để tiết kiệm thời gian. Hầu như ai cũng làm vậy. Những đứa trẻ vừa ăn, vừa xem TV hoặc chơi trò chơi trên chiếc Ipad. Còn người lớn thì vừa chát vừa lướt web. Bạn thử ra ngoài đường xem, tất cả mọi người đều vừa đi bộ, vừa sử dụng điện thoại smartphone cùng một lúc.

Sự đa nhiệm đã trở thành chuyện bình thường. Chúng ta còn tự hào khi làm được nhiều việc cùng một lúc. Làm như vậy chúng ta cảm thấy bản thân có giá trị hơn đối với nơi mình làm việc, với gia đình và cả bạn bè. Tuy nhiên, đây có thể là lối tư duy sai lầm.

Khi bạn nhớ lại về các trải nghiệm “đa nhiệm”, bạn có thấy mình đạt được hiệu quả cao hơn hay không? Thích làm việc đa nhiệm chỉ chứng tỏ chúng ta thích sự hiệu quả, còn nếu nói về chất lượng của công việc thì sẽ hoàn toàn khác.

Làm việc đa nhiệm là thói quen, chứ không phải là nghệ thuật

Không gì làm bạn có thể phấn khởi hơn khi bạn hoàn thành tất cả công việc được giao trong ngày. Khi bạn làm được nhiều việc cùng một lúc, bạn cảm thấy rất vui. Làm việc đa nhiệm đã trở thành thói quen đối với đa số chúng ta. Điều này được mong đợi từ chúng ta, cho nên chúng ta sẽ không nghĩ ngợi nhiều khi đảm nhiệm nhiều dự án cùng một lúc.

Thói quen được hình thành bởi 3 yếu tố: tín hiệu, tần suất lập lại thường xuyên và phần thưởng.[1] Tín hiệu nhắc chúng ta làm một việc gì đó, rồi chúng ta hành động để được phần thưởng. Thật khó để phá vỡ thói quen vì khi bạn hoàn thành một công việc, bộ não của bạn sẽ sản sinh ra dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Theo một số nghiên cứu, bộ não chúng ta tiết ra rất nhiều dopamine khi chúng ta làm nhiều việc cùng một lúc như một phần thưởng.[2] Điều này khiến bạn cảm thấy hài lòng và tạo ra ảo giác rằng bạn rất tuyệt vời trong sự đa nhiệm. Đó là lý do tại sao thói quen này thật khó có thể phá bỏ.

Nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn

Lối tư duy “càng nhiều, càng tốt" là một nhận định hoàn toàn sai. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng làm việc đa nhiệm có ảnh hưởng xấu, và chúng ta cũng không tốt trong việc này như chúng ta nghĩ. Đơn giản vì bộ não của con người không có khả năng tập trung vào nhiều thứ cùng một lúc.[3]

Khi bạn phải đối mặt với hai việc cùng một lúc, bạn sẽ không thể tập trung vào cả hai. Thay vào đó, bộ não của bạn sẽ chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác liên tục. Và bạn sẽ ảo tưởng rằng mình đang dốc 100% sức lực vào hai nhiệm vụ cùng một lúc.

Khi tâm trí của bạn phải nhảy từ việc này sang việc kia liên tục, kết quả sẽ không tốt bằng khi bạn chỉ tập trung vào một vấn đề một cách tuyệt đối. Bạn mất nhiều thời gian hơn vì công việc liên tục bị gián đoạn. Bạn sẽ bị lỗi nhiều hơn vì mỗi lần bộ não chuyển sang nhiệm vụ khác, bạn lại phải tập trung lại. Và bạn cũng sẽ bị áp lực và căng thẳng nhiều hơn.[4]

Việc này cũng có ảnh hưởng tới trí nhớ và chất lượng công việc của bạn. Mặc dù vào cuối ngày bạn hoàn thiện được nhiều việc hơn, nhưng bạn đã có cơ hội nghĩ sâu hơn về việc mình làm chưa vậy?

Tôi xin lỗi vì phải nói lên sự thật này, nhưng nếu bạn muốn làm tốt công việc của mình, đây là lúc bạn cần phải phá vỡ thói quen làm việc đa nhiệm và tập trung làm từng việc một.

Làm việc đơn nhiệm sẽ mang lại những kết quả tốt hơn

Có vẻ như thật vô lý khi chúng ta cần phải chuyển từ làm việc đa nhiệm sang đơn nhiệm. Từ nhiều việc thành một việc. Nhưng điều này sẽ tốt hơn cho chúng ta và sẽ giúp tăng hiệu quả công việc.

Chúng ta phải huấn luyện lại bộ não của mình và hình thành một thói quen mới – làm một lúc một việc mà thôi. Khi bạn tập trụng chỉ vào một nhiệm vụ, bạn có thể tập trung lâu hơn, kỹ hơn và có kết quả chất lượng hơn.

Các nghiên cứu cho thấy, khi bạn nhận thức được và cố gắng thuyết phục mình tập trung vào một việc, khả năng kiểm soát sự chú ý sẽ tăng lên. Giống như việc khi cơ bắp của bạn lặp đi lặp lại một hành động tới mức bạn không cần nghĩ tới nó mà vẫn làm được, thì bạn có thể rèn luyện được bộ não của mình. Sự tập trung và trí nhớ của bạn sẽ cải thiện, và bạn sẽ tự hình thành được những thói quen cần thiết.

Các mẹo để rèn luyện thói quen làm việc đơn nhiệm

  • Hãy mở một trang một lúc. Đã bao nhiêu lần bạn có tận 15-20 trang web mở trên màn hình máy tính cùng một lúc? Hãy hạn chế mình với một trang mà thôi. Điều này sẽ loại bỏ khả năng bạn muốn chuyển từ trang web này sang web trang khác và bị mất tập trung.
  • Hãy bắt đầu từ việc nhỏ. Nếu bạn quyết định thay đổi hoàn toàn cách sống của bạn ngay lập tức, thì bạn sẽ cảm thấy bực bội. Hãy đi từng bước nhỏ để làm quá trình thay đổi một cách tự nhiên. Ví dụ, khi bạn đang ăn thì hãy chỉ tập trung vào việc đó. Khi bạn đang họp, hãy tắt và cất điện thoại đi. Những thay đổi nhỏ này sẽ giúp bạn rèn luyện sự tập trung hàng ngày.
  • Hãy đặt ra những ưu tiên. Có thể, danh sách những việc cần sự chú ý của bạn rất dài. Nhưng bạn cần phải thực tế về những việc bạn có thể hoàn thành được. Hãy nghĩ xem việc nào là quan trọng nhất, khi nào bạn làm việc có hiệu quả nhất để chất lượng công việc của bạn không bị giảm xuống.[5]
  • Hãy học cách kiềm chế bản thân. Đa số chúng ta có quá nhiều vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. Hãy xác định công việc cần làm để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và gạt tất cả mọi thứ còn lại sang một bên. Đừng nói “có” với qua nhiều yêu cầu và đảm nhiệm nhiều dự án cùng một lúc. Khi bạn đang làm một nhiệm vụ nào đó, tất cả thứ khác cần phải bỏ sang một bên.
  • Hãy cho mọi người biết bạn đang làm gì. Nếu các đồng nghiệp của bạn quen với việc bạn sẵn sàng bỏ mọi thứ để giúp họ, họ có thể rất ngạc nhiên khi thấy bạn ưu tiên công việc của bạn hơn. Nhưng có nhiều khả năng họ sẽ tôn trọng và hỗ trợ bạn nhiều hơn nếu họ biết bạn đang cố gắng làm gì.[6]

Tất cả những lời khuyên này sẽ giúp bạn kiểm soát được hành động của bạn. Mỗi lần bạn kiềm chế được bản thân, không bị sao lãng và tập trung lại, là một lần bạn đang rèn luyện kỹ năng tập trung. Khi rèn luyện càng nhiều, bạn sẽ không bị mất tập trung nữa. Và cuối cùng, bạn sẽ biến kỹ năng này thành thói quen.

Khả năng làm việc đơn nhiệm sẽ trở thành kỹ năng cần thiết

Qua bao nhiêu năm tin tưởng, bây giờ là lúc chúng ta phải bác bỏ nhận định về sự hiệu quả của cách làm việc đa nhiệm. Chúng ta không giỏi trong việc này như chúng ta nghĩ. Thói quen này sẽ tước đi nhiều cơ hội để đạt được những kết quả cao hơn.

Nếu ý tưởng thay đổi hoàn toàn cách làm việc của mình có thể làm bạn mệt mỏi, hãy thử làm theo những mẹo trong bài viết này như một khởi đầu. Sau khi bạn cảm thấy được sự hữu ích của việc dốc hết năng lượng vào một việc, bạn sẽ có thể rèn luyện thói quen làm một việc một lúc.

Tài liệu ​​​​​​​tham khảo