9 tháng trước
Hãy Học Cách Duy Trì Sự Tập Trung Để Đạt Hiệu Quả Cao Trong Công Việc
391

4466
Lượt xem
84
Lượt chia sẻ
1
Lượt bình luận

Đã bao nhiêu lần bạn thấy mình bị phân tâm khi đang cố gắng hoàn thành một công việc quan trọng? Đã bao nhiêu lần bạn đột nhiên phải tự bắt mình thôi mơ màng lan man đến cả trăm lần khi mà bạn vẫn biết là mình cần phải tập trung hết sức vào những việc trước mắt?

Sự trì hoãn là một sản phẩm phụ tự nhiên của bộ não con người, làm cho chúng ta không thể duy trì 100% sự tập trung trong một khoảng thời gian dài được. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng ta chỉ có thể tập trung vào những việc trước mắt mình trong 53% thời gian mà thôi. Do đó mà việc cố gắng cải thiện để phát triển một năng lực chú ý mạnh mẽ chính là chìa khóa để tạo ra sự tập trung cao hơn vào công việc, và từ đó cho phép chúng ta sử dụng thời gian và sự chú ý của mình một cách tối ưu ngay trong thời điểm trước mắt.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể rèn luyện tâm trí mình để chú ý tốt hơn và trở nên tập trung hơn?

Hai cách mà bộ não ngăn chúng ta tập trung

Điều này sẽ gây ra cảm giác thất vọng, mất động lực và thậm chí là cảm giác thất bại, nhưng khi chúng ta đối mặt với một công việc cần đến sự tập trung và năng lượng thì bộ não chỉ cho phép ta dồn hết 100% sự chú ý vào đó trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Hai con đường chính dẫn tới sự trì hoãn là:

  • Sự mơ màng hoặc Sự lơ đễnh: Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy suy nghĩ của mình trôi miên man vô định, nhưng một nghiên cứu thú vị[1] được thực hiện bởi các nhà tâm lí học Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert thuộc Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng, thực sự chúng ta dành khoảng 47% thời gian lúc thức để ở trong trạng thái mơ màng đó. Điều này có nghĩa là, vào những lúc mà bạn cần phải tập trung vào nhiều công việc quan trọng khác nhau trong suốt một ngày của mình, thì có đến một nửa thời gian bạn thực ra lại tập trung vào việc khác. Chúng ta thường sẽ nhận ra điều này rõ hơn khi đang cảm thấy bế tắc trong một công việc nào đó cần đến nhiều năng lượng và sự tập trung. Bộ não của chúng ta sợ những việc khó, và muốn tránh đi hết mức có thể, từ đó rốt cuộc sẽ làm chúng ta mất tập trung.
  • Sự phân tâm: Việc chúng ta quyết định sử dụng từng giây từng phút thời gian như thế nào sẽ ảnh hưởng sống còn đến năng suất làm việc của ta. Mặc dù công nghệ đã làm cho mọi thứ trở nên nhanh chóng hơn trong nhiều lĩnh vực của đời sống, nhưng nó cũng là nguyên nhân lớn nhất gây phân tâm. Sự kích thích kiểu "mì ăn liền" mà nó mang lại cho ta đã đánh bật những ý nghĩa đích thực mà ta có thể tìm thấy trong công việc và các kế hoạch hay dự án. Khi nói đến sự tiện lợi và tốc độ thì công nghệ cho phép ta làm việc nhanh hơn nhiều, song nghịch lí ở đây là khi chúng ta hoàn thành công việc càng nhanh thì ta lại càng khó làm việc theo cách có chủ ý và cẩn trọng. Và đó là lí do tại sao chúng ta dành đến 47% thời gian để tập trung vào những thứ khác chứ không phải công việc trước mắt mình.

Không cần nói cũng biết điều đó sẽ gây ra tổn hại to lớn đối với năng suất làm việc, đặc biệt là khi thời gian và sự chú ý của chúng ta có liên hệ rất mật thiết với nhau để giúp cho mọi việc có thể được hoàn thành. Nói cách khác, bạn càng dồn ít sự chú ý cho một công việc, thì bạn càng tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành nó, bởi vì khi đó bạn thực sự đang làm việc kém hiệu quả hơn.


Tại sao năng suất làm việc lại phụ thuộc nhiều hơn vào chánh niệm và sự chú ý

Khi nói đến năng suất làm việc, chúng ta thường có xu hướng giả định rằng nó liên quan nhiều đến việc hoàn thành được nhiều công việc trong thời gian ngắn, nhưng điều đó không đúng đâu. Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề này từ góc độ của năng lượng và sự chú ý thì nó liên quan nhiều hơn đến thái độ cẩn trọng tính toán những việc mình làm và làm những việc đó một cách có chủ đích.

Sức mạnh của việc đạt được năng suất làm việc cao đều nằm ở việc dành ra được nhiều thời gian và dành nhiều sự chú ý cho công việc mà bạn đang làm. Kết quả là bạn sẽ dồn sức được vào những công việc mang lại giá trị cao trong từng giây từng phút mà bạn để tâm vào, đồng thời đẩy lùi được những công việc ít giá trị, và nhờ đó bạn sẽ trở thành một người có năng suất làm việc cao hơn.

Theo các nhà thần kinh học, sự chú ý của chúng ta được cấu tạo bởi ba thành phần:

  1. Phần thực thi trung ương: Đây là phần phụ trách việc suy nghĩ và lên kế hoạch của não, nằm ở vùng vỏ não trước trán.
  2. Sự tập trung: Đây là quá trình thu hẹp và hội tụ sự chú ý của bạn vào một công việc nhất định để giúp bạn làm việc có hiệu quả hơn.
  3. Sự tỉnh táo ý thức: Phần này giúp bạn trở nên có ý thức hơn về cả môi trường bên ngoài lẫn bên trong mình, nhằm giúp bạn làm việc một cách có ý thức và có chủ tâm hơn.

Cả ba yếu tố này cùng nhau tạo nên phần lớn năng lực chú ý của bạn, và việc xây dựng năng lực quan trọng này có liên quan đến việc sử dụng tất cả các yếu tố đó một cách đều nhau.


Làm thế nào để rèn luyện năng lực chú ý tối quan trọng đó

Hãy ý thức rõ sự phân tâm của bạn là gì

Lần tới, khi bạn có một công việc quan trọng cần được hoàn thành, thì hãy giữ một tập giấy ghi chép trên bàn làm việc và hãy ghi chú lại mọi sự phân tâm, mọi sự ngắt quãng và trạng thái mơ màng xảy ra với bạn. Việc đó sẽ làm bạn có ý thức rõ hơn nhiều về tần suất xuất hiện của chúng, và cuối cùng có thể cho phép bạn đối phó với sự phân tâm trước khi nó xảy đến. Đặc biệt, việc tắt những cảnh báo trên điện thoại di động của mình là một việc gây phân tâm thường gặp, bởi chúng ta có thể phải mất tới 25 phút để tập trung trở lại vào công việc sau khi đã bị ngắt quãng.

Đây là một chiến lược quan trọng để chống lại những sự ngắt quãng khi làm việc, giúp bạn giảm đến mức tối thiểu việc phải tập trung trở lại, đồng thời cũng làm tăng vọt sự chú ý, sự tập trung của bạn và sự trôi chảy thuận lợi của công việc.

Hãy làm mỗi lúc một việc thôi

Việc tập trung vào chỉ một việc tại mỗi thời điểm là điều tốt nhất mà bạn có thể làm để đạt được hiệu suất làm việc tối ưu. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn phải tập trung cao độ hơn, mà thay vào đó, bạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên trong danh sách những việc mình cần làm, và hãy bắt đầu trước tiên với việc quan trọng nhất. Phải rồi, tâm trí bạn có thể sẽ lan man, hoặc bạn có thể sẽ bắt đầu với tay lấy điện thoại, nhưng hãy cố kháng cự lại những suy nghĩ đó và hãy kiên định với việc mà bạn cần làm ngay lúc đó. Việc tự ghìm mình lại và nhận thức rõ về sự phân tâm là cách tốt nhất để khôi phục lại sự tập trung trước khi bạn lãng phí mất quá nhiều thời gian.

Không gì tuyệt vời hơn cảm giác trôi chảy thuận lợi khi làm việc và hoàn toàn nhập tâm vào bất kì công việc hay dự án nào mà bạn đã chọn để làm, thế nên hãy cho phép bản thân mình được tận hưởng lợi ích đó.

Hãy nhai kẹo cao su

Phải, bạn nghe đúng rồi đấy! Có thể bạn đã nghe nói đến mẹo này trước đây rồi, và nghĩ đó là một cách lỗi thời, nhưng một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cardiff đã phát hiện ra rằng việc nhai kẹo cao su có thể làm tăng sự tỉnh táo lanh lợi và cải thiện khoảng thời gian duy trì sự chú ý. Hành động nhai sẽ kích thích bộ não và báo cho cơ thể biết rằng các dưỡng chất đang được nạp vào và sẵn sàng để được sử dụng, từ đó làm giảm cảm giác đau bụng khi đói (vốn là một nguyên nhân thường được dùng để biện minh cho sự trì hoãn). Nhưng có một cơ chế khác mang tính chủ động hơn mà qua đó việc nhai kẹo cao su có thể làm giảm sự phân tâm, đó là nó khiến ta tập trung vào hành động nhai lặp đi lặp lại, và giúp ta ý thức hơn về hơi thở của mình, đặc biệt là nếu bạn chọn loại kẹo hương bạc hà.

Hãy tập trung và biết cách tái tập trung

Tính nhất quán liên tục của một công việc phụ thuộc vào khoảng thời gian mà bạn duy trì sự chú ý, và tất cả chúng ta đều bị hạn chế về khoảng thời gian này. Cách bạn xử trí khi đã chạm đến giới hạn đó sẽ là chìa khóa then chốt dẫn tới thành công. Hầu hết chúng ta đều không thể duy trì sự tập trung chú ý hơn 40 phút liên tục được, nên đó thường sẽ là thời điểm tuyệt vời để dừng công việc lại và nghỉ giải lao một chút. Tuy nhiên điều quan trọng là hãy quay lại với công việc và tái tập trung trở lại.

Những người có khả năng tập trung tốt nhất chỉ đơn giản ý thức được rằng khi tâm trí bị "chệch hướng" thì họ buộc phải chọn cách tái tập trung trở đi trở lại. Đó là một thói quen tốt mà chúng ta nên có, bởi khả năng khôi phục lại sự chú ý như vậy sẽ rèn cho bạn chú ý vào những thứ diễn ra trong thời gian dài hơn chứ không chỉ là vài phút ngắn ngủi, chẳng hạn như một bộ phim dài. Như vậy bí quyết để cải thiện khoảng thời gian duy trì sự chú ý của bạn là một chu trình liên tục của những khoảng tập trung, phân tâm và tái tập trung trở lại.


Vậy hãy thành thật với bản thân mình đi. Có phải bạn dành nhiều thời gian hơn cho sự phân tâm khi đang cố gắng hoàn thành một công việc nào đó không? Liệu bạn có thể hoàn thành dự án trong một nửa thời gian không? Hãy thử lưu tâm hơn về việc sự tập trung của mình đang hướng đến đâu. Hãy ghi chú lại việc tâm trí mình thường xuyên lan man đến mức nào, hoặc số lần bạn kiểm tra các thông báo trên điện thoại di động, và hãy đặt mục tiêu cải thiện khoảng thời gian duy trì sự chú ý của mình bằng cách tập trung cao độ trong từng khoảng ngắn, rồi nghỉ giải lao, sau đó tái tập trung trở lại. Khi làm vậy bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời của sự trôi chảy thuận lợi trong công việc, sự thành công và cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành những công việc khó khăn.

Nguồn ảnh bìa: snapwire từ pexels.com

Tài liệu tham khảo

[1]^https://news.harvard.edu/gazette/story/2010/11/wandering-mind-not-a-happy-mind/