8 tháng trước
Phong Cách Lãnh Đạo Lôi Cuốn: Hướng Dẫn Tốt Nhất Để Xây Dựng Sức Ảnh Hưởng Với Mọi Người
140

2644
Lượt xem
210
Lượt chia sẻ
65
Lượt bình luận

Bạn có bao giờ để ý rằng, một số người dường như là những nhà lãnh đạo thiên bẩm, trong khi một số khác lại gặp rất nhiều khó khăn? Chúng ta thấy tình trạng này mọi lúc mọi nơi. Một số nhà quản lý sở hữu đội ngũ nhân viên đầy nhiệt huyết và sẵn sàng làm mọi việc trước một bước so với các nhóm nhân viên khác. Họ tận tâm và làm việc có năng suất cao. Họ hạnh phúc và làm việc hiệu quả. Hóa ra vấn đề không chỉ nằm ở năng lực của nhóm nhân viên đó, mà còn có thể xuất phát từ sức thu hút của nhà lãnh đạo.

Trong bài hướng dẫn dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về phong cách lãnh đạo lôi cuốn. Bạn sẽ được biết thế nào là lãnh đạo có sức hút, và vì sao việc này lại quan trọng. Bạn cũng sẽ được biết một số hành vi đơn giản và hiệu quả mà bạn có thể làm ngay bây giờ để phát triển kỹ năng lãnh đạo lôi cuốn của mình hơn nữa.

Một nhà lãnh đạo lôi cuốn hay có sức hút là người luôn có khả năng thu hút người khác. Giống như nam châm bị hút vào kim loại một cách không thể giải thích được, mọi người bị lôi cuốn bởi các nhà lãnh đạo này vì những lý do mà họ thường không hoàn toàn hiểu được. Tuy nhiên, nguyên nhân việc này sẽ trở nên rõ ràng một khi bạn hiểu hơn về những gì làm cho các nhà lãnh đạo này khác biệt.

Dưới đây là một số phẩm chất thường thấy, làm nên sự lôi cuốn nơi một nhà lãnh đạo:

  • Họ có tầm nhìn mạnh mẽ, hỗ trợ các giá trị của những người đi theo họ.
  • Họ rất giỏi giao tiếp với khán giả. Họ kể những câu chuyện gần gũi và thu hút sự chú ý của mọi người.
  • Họ luôn tự tin vào bản thân và không thể hiện sự nghi ngờ hay sợ hãi.
  • Họ lạc quan, hình dung rõ sứ mệnh của mình và tin rằng họ có thể thực hiện được.
  • Họ đặt người khác lên hàng đầu. Họ không chỉ lãnh đạo, mà còn bảo vệ những người dưới quyền mình.
  • Quan trọng nhất, họ xây dựng một mối quan hệ tình cảm với những người đi theo họ.

Bạn có thể đã nhận thấy rằng đây cũng là một số phẩm chất phổ biến tạo nên một nhà lãnh đạo vĩ đại. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt của một nhà lãnh đạo lôi cuốn? Họ làm nên điều khác biệt và tốt hơn như thế nào?

Sự khác biệt không nằm ở kỹ năng.

Thực tế, câu trả lời nằm ở cách họ thực hành kỹ năng lãnh đạo. Mọi thứ nằm ở phong cách, cá tính và thái độ.

Luôn có một sức hút lớn khi lắng nghe một nhà lãnh đạo lôi cuốn. Họ dường như biết chính xác những gì phải nói. Mọi người cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng khi họ phát biểu. Lời nói của họ không khiến người ta căng thẳng hơn. Tất cả đều muốn nghe lời của họ.

Họ dường như có năng lực thiên bẩm trong việc kiểm soát khán phòng, cuộc họp và tình huống xảy ra. Họ hy vọng, lạc quan và mạnh mẽ - và họ truyền những phẩm chất này sang những người họ lãnh đạo.

Họ điều khiển sự chú ý và suy nghĩ của mọi người. Họ có thể nhanh chóng đưa tâm trí của bạn trở lại vấn đề khi bạn bị phân tâm. Lời nói của họ mang mọi người lại với nhau. Trên thực tế, những người đi theo một nhà lãnh đạo lôi cuốn dường như trở nên mạnh mẽ và thông minh hơn chỉ qua sự hiện diện của nhà lãnh đạo đó.

Sự tự tin của họ có sức lan tỏa. Những người đi theo hoặc làm việc dưới quyền họ trở nên tự tin hơn nhờ vào họ. Họ biết người lãnh đạo luôn giúp đỡ họ. Mọi người trở nên mạnh mẽ hơn khi biết lãnh đạo của họ đang đứng sau lưng mình. Họ hăng hái bởi vì nhà lãnh đạo lôi cuốn mang lại một lá chắn bảo vệ. Một lãnh đạo lôi cuốn truyền cảm hứng tự tin cho mọi người trở nên mạnh mẽ. Mọi người cảm thấy vui vẻ khi làm việc cho họ.

Họ không bao giờ bắt nạt ai. Họ biết cách cân bằng sức mạnh của mình và không bao giờ lạm dụng nó. Họ không bỏ qua những người dưới quyền mình. Họ không bao giờ coi thường con người, tỏ ra hung hăng hoặc đe dọa - dù hoàn toàn có thể làm như vậy. Họ nắm giữ sức mạnh của mình ở mức vừa phải. Cách họ sử dụng sức mạnh mang lại sự tôn trọng từ mọi người.

Bạn có thể kêu lên “ÔI, tuyệt quá!”

Vâng, họ có một yếu tố tuyệt vời, đó chính là sự lôi cuốn. Họ sở hữu nhân cách cân bằng và có ý thức về phong cách giống như một siêu anh hùng điện ảnh Hollywood.

Việc trở thành một anh hùng điện ảnh Hollywood nghe có vẻ xa vời nhưng thực tế thì không đâu. Hãy nghĩ về Clint Eastwood, Matt Damon và George Clooney. Họ là những người bình thường đã học được cách nhập vai tuyệt hảo. Bạn có thể học cách trở thành một người với phong cách tương tự. Bạn có thể tập luyện để trở thành một nhà lãnh đạo lôi cuốn. Không cần bất cứ điều gì đặc biệt, chỉ cần bạn có ý chí học hỏi mà thôi.

Lẽ đương nhiên, một số người được sinh ra với khả năng thu hút người khác, và họ có năng khiếu thiên bẩm về điều đó. Nhưng bất cứ ai cũng có thể phát triển kỹ năng cho mình. Bất cứ ai.

Vâng, bạn cũng có thể phát triển các kỹ năng của một nhà lãnh đạo lôi cuốn, ngay cả khi bạn đang gặp rất nhiều khó khăn khi lãnh đạo người khác.

Phát triển các kỹ năng cơ bản của một nhà lãnh đạo lôi cuốn sẽ giúp bạn quản lý nhóm trong công việc và đạt được năng suất làm việc nhóm cao hơn. Bạn sẽ có được khả năng điều khiển phòng họp. Nhân viên sẽ lắng nghe những gì bạn nói. Mọi người sẽ được truyền cảm hứng từ bên trong để giúp bạn vượt qua khó khăn.

Bước đầu tiên để trở thành một nhà lãnh đạo lôi cuốn là tìm hiểu những gì diễn ra trong tâm trí chúng ta.

Tại sao chúng ta bị quyến rũ và ảnh hưởng bởi một ai đó có sức hút? Thực tế là chúng ta luôn có xu hướng chịu ảnh hưởng bởi một nhà lãnh đạo lôi cuốn.

Đằng sau phong cách lãnh đạo này là một nguyên tắc về tâm lý. Trong cuốn sách bán chạy Những đòn tâm lý trong thuyết phục, Robert Cialdini đã mô tả 6 kỹ thuật đầy uy lực được sử dụng để gây ảnh hưởng đến mọi người hàng ngày. Nhiều nhà lãnh đạo lôi cuốn đang ứng dụng hai trong số sáu kỹ thuật mọi lúc trong mỗi việc họ làm - quyền hạnsự yêu thích.

Phần lớn các nhà lãnh đạo ngày nay là các nhà quản lý trong một môi trường kinh doanh. Họ lãnh đạo nhóm làm việc hoặc các nhóm trên nhiều công ty khác nhau. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp, tức là bạn đang lãnh đạo nhóm làm việc cho chính mình. Tất cả mọi vị trí lãnh đạo trong công việc đều đi kèm một số cấp độ thẩm quyền. Mọi người lắng nghe họ vì bản thân họ được hưởng lợi từ đó. Lợi ích là công cụ cuối cùng để thiết lập quyền hạn.

Là lãnh đạo, bạn cần phải có thẩm quyền. Thẩm quyền đi kèm với giới hạn. Nếu bạn không ở vị trí lãnh đạo, bạn cần phải cố gắng đạt tới vị trí đó. Việc này rất quan trọng. Chủ tịch được bầu chọn, người quản lý được thuê hoặc tiến cử lên. Bạn không thể ép buộc hay gian lận để leo cấp bậc được.

Ngay cả khi đã xây dựng quyền hạn của mình, bạn vẫn có thể gặp khó khăn khi lãnh đạo nếu không làm được nhiều hơn thế.

Một nhà lãnh đạo lôi cuốn phải có quyền lực và được yêu thích.

Trong cuốn sách của Tiến sĩ Cialdini, ông mô tả cách mọi người sẽ làm mọi việc cho những người họ thích. Ông tuyên bố,

“chúng ta thích nói lời đồng ý với những yêu cầu của một người chúng ta biết và yêu thích.”

Cuốn sách bàn luận rất nhiều về cách các nhân viên bán hàng sử dụng ảnh hưởng của họ để khiến bạn mua hàng, nhưng điều này hoàn toàn khác so với khi nhóm nhân viên dưới quyền hỗ trợ dự án của bạn. Một nhân viên bán hàng thúc đẩy bạn mua xe hơi, còn bạn thúc đẩy nhân viên cố gắng hết sức cho dự án của mình.

Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận. Bạn không cần đến một mối quan hệ ngắn hạn như nhân viên bán hàng. Vâng, việc chia sẻ cùng một mối quan tâm có ý nghĩa rất nhiều. Nếu cả hai bạn đều thích Bóng chày, đó là một nền tảng tốt, có thể giúp bạn được yêu thích nhiều hơn.

Nhưng lãnh đạo thì còn hơn thế nữa, mọi người thích bạn vì họ cảm thấy bạn quan tâm đến họ, và họ tin tưởng bạn.

Họ thích bạn vì bạn mỉm cười và chào hỏi họ khi bạn đi ngang qua họ trong hành lang. Họ thích bạn vì bạn giao tiếp bằng mắt khi nhìn thấy họ. Họ thích bạn vì bạn nhớ những thông tin cá nhân về họ - như họ có 3 đứa con và đứa con trai lớn nhất của họ yêu thích bóng chày. Và quan trọng nhất, họ cảm thấy và tin tưởng rằng bạn sẽ chú ý đến họ.

Đó là lý do tại sao mọi người thích một nhà lãnh đạo lôi cuốn.

Xin phép cảnh báo bạn: cần phân định ranh giới rõ ràng giữa tình bạn và sự yêu thích. Nhiều người mắc sai lầm khi nghĩ rằng hai thứ này là tương tự nhau. Không phải như vậy. Những người yêu thích Barack Obama liệu có phải là bạn bè của ông? Không. Mọi người thích các nhà lãnh đạo vì sức hút của họ.

Bạn phải duy trì quyền lực và thẩm quyền với sức thu hút của mình, nếu không bạn sẽ chỉ trở thành một người bạn tốt hoặc một đồng nghiệp dễ mến. Đó không phải là mục tiêu của bạn.

Bạn là một nhà lãnh đạo. Bạn phải có và giữ thẩm quyền của mình. Được người khác yêu thích không đồng nghĩa với lôi cuốn. Thần thái thu hút là một sự cân bằng liên tục giữa sự yêu mến và sức mạnh. Rất tiếc, nhưng bạn không thể là bạn của họ. Người lãnh đạo không phải như thế.

Bạn phải kết bạn với người đồng cấp và các nhà lãnh đạo khác, chứ không phải với nhóm nhân viên của bạn hoặc những người theo dõi bạn. Điều này rất quan trọng, nên tôi muốn nhắc lại một lần nữa: bạn cần kết bạn với các nhà lãnh đạo khác chứ không phải những người bạn lãnh đạo.

Bạn phải luôn luôn dễ gần nhưng không thể quá dễ dãi. Cần có một chút gì đó thú vị và bí ẩn về bạn. Bạn có thể đạt được điều đó thông qua giao tiếp chiến lược:

Nói những điều cần thiết nhưng không bao giờ phát biểu quá nhiều. Đừng tham gia quá nhiều vào các cuộc nói chuyện tầm phào. Gần gũi nhưng đừng quá mức. Lắng nghe nhiều hơn nói trong các cuộc trao đổi khi rảnh rỗi. Hoặc tốt hơn nữa, hãy bỏ đi. Đừng nán lại tám chuyện quá lâu. Lịch sự từ chối bàn luận những vấn đề vặt vãnh. Làm mọi thứ với nụ cười trên môi, và đừng bao giờ xét đoán.

Đó là sự cân bằng mà một nhà lãnh đạo thực sự lôi cuốn cần duy trì.

Bây giờ bạn đã hiểu rõ thế nào là một nhà lãnh đạo lôi cuốn và những hành vi quan trọng của họ. Vấn đề là, việc phải bắt đầu từ đâu không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những điều cần thiết bạn có thể làm để xây dựng sức thu hút và kỹ năng lãnh đạo của bạn là gì?

Tôi xin giới thiệu bốn thói quen đơn giản mà bạn có thể ứng dụng để bắt đầu phát triển ngay bây giờ:

1. Phát ngôn có mục đích

Có một câu nói nổi tiếng như sau:

“Một người khôn ngoan lên tiếng vì anh ta có gì đó phải nói. Một kẻ ngốc phát biểu vì anh ta phải nói cái gì đó.”

Hãy suy nghĩ trước khi bạn nói. Đừng tỏ ra mơ hồ. Hãy có chủ đích khi giao tiếp. Ví dụ, đừng xông vào một cuộc họp và hỏi:

“Mọi thứ thế nào rồi? Cảm ơn mọi người đã đến. Các bạn nghĩ gì về website mới? Bạn có thấy màu sắc của trang web không?”

Hãy ý thức mục tiêu của bạn. Có kế hoạch cho cuộc họp. Đặt câu hỏi nhằm hướng nhân viên theo mục tiêu của bạn:

“Ai đã xem qua trang web mới? Bạn có thấy phần màu xanh nhạt khiến người ta mất tập trung không? Bạn đã thử nghiệm những màu sắc nào khác? Vui lòng cho mọi người xem nhé.”

Tất cả mọi thứ bạn nói sẽ hỗ trợ hoặc chống lại bạn. Không có chỗ cho sự trung lập trong phát ngôn.

Tập luyện thói quen suy nghĩ trước, cũng như phát biểu rõ ràng và có ý nghĩa.

2. Xem xét tình hình

Điều đầu tiên bạn cần làm là chú ý. Nhân viên của bạn có tỏ ra quan tâm không? Có điều quan trọng gì đang làm họ bồn chồn? Tôi không thể kể hết với bạn bao nhiêu lần tôi đã thấy các nhà lãnh đạo không quản lý được nhân viên chỉ vì không biết chú ý.

Đánh giá khán giả của bạn. Quy tắc này áp dụng cho trường hợp đối thoại giữa hai người cũng như một cuộc họp lớn. Ý tưởng cơ bản cũng tương tự như nhau. Quan sát ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm của mọi người. Nếu họ trông chán nản hoặc ngơ ngác, bạn cần thay đổi điều gì đó. Khiến họ đứng lên, đưa họ lên phía trước và yêu cầu họ nói về những gì họ đang suy nghĩ. Yêu cầu mọi người nghỉ trong 5 phút. Làm một cái gì đó để thay đổi khi bạn đang mất khả năng kiểm soát họ.

Luôn luôn xử lý mọi khúc mắc. Đôi khi có những thứ quan trọng hơn cần giải quyết ngay. Ngay cả khi bạn có một ý tưởng lớn mà bạn rất hào hứng nói về nó, nếu người ta không lắng nghe thì bạn sẽ lãng phí thời gian của mình. Tôi biết điều đó có thể làm bạn thất vọng, nhưng bạn là một nhà lãnh đạo và cần quan tâm đến nhân viên của mình. Bạn cần biết khi nào họ có những nhu cầu khác mà bạn cần giải quyết trước. Bạn phải chắc chắn rằng họ đang ở trạng thái tinh thần sẵn sàng cho thông điệp của bạn.

Ví dụ, tôi nhớ lại một cuộc họp nhóm diễn ra ngay sau một đợt sa thải nhân viên. Người quản lý của chúng tôi đã không đề cập đến vấn đề này. Ông ta tiếp tục như không có gì xảy ra. Ông đã nói gì trong cuộc họp đó? Tôi không hề nhớ, và mọi người khác cũng vậy. Chúng tôi đã quá lo lắng về việc bị sa thải vào ngày hôm trước, đến mức tinh thần của chúng tôi không đủ tốt để lắng nghe ông ta. Giá như ông ấy giải quyết tình trạng của chúng tôi - lo lắng về việc bị sa thải - ông đã có thể thay đổi chúng tôi và tổ chức một cuộc họp hiệu quả. Ông đã không làm điều đó. Ông không hề lãnh đạo chúng tôi.

Bạn cần biết khi nào nên dừng lại những gì đang làm và giải quyết vấn đề lớn, ngay cả khi sự việc rất khó xử. Hãy chấp nhận điều đó.

Tập luyện thói quen giải quyết khúc mắc, vì như vậy sẽ khiến mọi người chú tâm vào những gì bạn nói.

3. Dành thời gian cho mọi người

Là nhà lãnh đạo, bạn có mặt ở đó vì nhân viên của bạn chứ không phải vì chính bạn. Hãy khiến mọi người cảm thấy như họ có thể làm phiền bạn một phút mà không cảm thấy tội lỗi hoặc khó xử. Đừng bao giờ hành động như thể bạn "quá quan trọng để tiếp chuyện những nhân viên bình thường". Họ là lý do bạn có mặt ở đây.

Mọi người không nên sợ làm phiền bạn. Một số nhà lãnh đạo và quản lý tạo ra bầu không khí kiểu "Đừng quấy rầy tôi. Tôi quá quan trọng."

Tôi đã từng làm việc cho một người như thế. Ông ấy sẽ không bao giờ có thời gian cho bạn. Khi bạn được ban cho "đặc ân" nói chuyện với sếp, ông sẽ tỏ ra rất xa cách và như thể bạn đang quấy rầy ông. Đôi khi sếp sẽ nhìn đi chỗ khác và kéo chuột lên xuống hộp thư email của mình, nhìn vào những tin nhắn mà ông ấy đã đọc mà chẳng vì lý do gì - ngoài việc để tránh không chú ý đến bạn. Đó là một trò chơi quyền lực ngu ngốc, hoàn toàn chẳng có tác dụng gì. Ông ta thậm chí không biết rằng ông ta nổi tiếng là một kẻ vô lại mà chẳng ai muốn làm việc cùng. Ông ta bị mờ mắt bởi chính cái tôi của mình.

Là một nhà lãnh đạo lôi cuốn, bạn cần phải tạo ra một bầu không khí chào đón. Làm cho mọi người cảm thấy thoải mái khi đến hỏi han bạn. Bạn làm điều này thế nào đây?

Hãy để mở cửa văn phòng của bạn. Tôi hiểu rằng thi thoảng bạn có thể cần phải đóng cửa, nhưng hãy cố gắng giữ cửa mở nhiều hơn là đóng. Nếu cửa văn phòng của bạn ở vị trí đóng hơn một vài giờ mỗi ngày, thì bạn cần phải thay đổi lại.

Hãy chú ý đến cách bạn phản ứng khi mọi người bước vào. Tránh sử dụng ngôn ngữ cơ thể kém thân thiện. Đừng khoanh tay khi họ bước vào. Đừng nghiêng người đi hướng khác. Đừng ngó vào máy tính hoặc điện thoại. Hãy nhìn vào họ, nghiêng về phía trước, chào đón họ. Và quan trọng nhất là mỉm cười và giao tiếp bằng mắt.

Hãy tập luyện thói quen khiến mọi người cảm thấy được chào đón.

4. Đánh dấu trang này và đọc lại mỗi tháng

Tới đây thì tôi đã nói khá nhiều rồi. Và không chỉ dừng lại những gì tôi đã chỉ ra trong bốn bước trên. Mỗi lần đọc lại, bạn sẽ tìm thấy thứ gì đó mà bạn đã bỏ lỡ, quên sót hoặc không tiếp nhận. Lãnh đạo là một thứ rất sâu sắc và phức tạp. Kỹ năng này cũng giống như khi học chơi một nhạc cụ - cần có thời gian và luyện tập, và bạn sẽ cần rất nhiều sự lặp lại trước khi thực sự phát huy tốt.

Hãy trở lại và nghiền ngẫm thêm nhé bạn.

Đến bây giờ, bạn đã nhận ra rằng lãnh đạo lôi cuốn là một phong cách mạnh mẽ để chỉ huy nhóm và nhân viên của bạn. Khi đạt được thế cân bằng, bạn sẽ thấy mọi người chú ý đến bạn nhiều hơn. Bạn sẽ thấy bản thân nhận được nhiều sự tôn trọng hơn. Nhân viên của bạn sẽ đạt năng suất cao hơn. Bạn sẽ không cần phải quản lý kiểu vi mô. Họ sẽ tin tưởng bạn nhiều hơn và đến lượt bạn, bạn sẽ có thêm niềm tin vào họ.

Đó là một phong cách lãnh đạo mà đôi bên cùng có lợi, trong đó bạn quan tâm đến mọi người và duy trì sự cân bằng giữa quyền lực và sự yêu thích.

Hãy làm theo hướng dẫn này để trở thành một nhà lãnh đạo lôi cuốn và bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo mà mọi người hằng kính trọng.

Nguồn ảnh bìa: pixabay từ pixabay.com