9 tháng trước
Đừng Lầm Tưởng "Cứ Việc Thức Khuya, Sau Đó Ngủ Bù"
523

5968
Lượt xem
267
Lượt chia sẻ
86
Lượt bình luận

Tất cả chúng ta đều trải qua chuyện này: ta choàng tỉnh thức dậy lúc 6 hay 7 giờ sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu, kiệt quệ và kéo lê thân mình để sẵn sàng cho một ngày làm việc. Rồi khi thứ Bảy lại đến, ta thức dậy và kiểm tra điện thoại di động để phát hiện ra lúc đó đã là giữa trưa rồi.

Mặc dù đó là điều mà chúng ta có thể hiểu và đồng cảm với nhau được, nhưng thực sự nó chẳng "bình thường" đâu. Khi bạn không ngủ đủ giấc suốt cả tuần mà lại phải thức dậy sớm mỗi ngày, thì bạn có thể sẽ cố gắng bù đắp lại tình trạng thiếu ngủ đó bằng việc ngủ bù vào cuối tuần. Tuy nhiên bạn có thể đã nhận thấy rằng kể cả khi đã ngủ nướng thật trễ vào ngày cuối tuần thì bạn vẫn có cảm giác mình không được nghỉ ngơi thật "đã" như bình thường. Thế là, như thường lệ, bạn lại tự hứa với mình rằng tối nay mình sẽ đi ngủ sớm hơn, tuần sau mình sẽ không đi chơi quá khuya nữa. Song những lời hứa đó thường sẽ chẳng được thực hiện, và bạn lại mệt mỏi vì thiếu ngủ như thường.

Giấc ngủ không phải là thứ có thể được bù đắp lại được, một khi đã bị mất đi

Giấc ngủ và sức khỏe của bạn không giống như ngân hàng đâu; bạn không thể ngủ bù để cố gắng "trả nợ" cho việc thiếu ngủ đã tích lũy qua suốt cả tuần được. Như bạn có lẽ đã nhận ra, bất kể có cố gắng đến đâu chăng nữa thì bạn cũng không thể lấy lại được lượng năng lượng đã mất qua cả tuần, dù bạn đã cố ngủ nướng thật lâu đến đâu vào ngày cuối tuần.

Hãy giả sử là bạn chỉ có thể ngủ được sáu giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Bạn quyết định rằng nếu mình có thể ngủ thêm mười giờ vào cuối tuần thì mình sẽ có thể bù lại được, và về cơ bản sẽ làm mọi thứ trở lại như cũ. Dù ý tưởng đó nghe khá hay, nhưng nó lại không thực tế. Trên thực tế, thời gian phản ứng (thể hiện tốc độ phản ứng của não với kích thích nhanh đến đâu) và khả năng tập trung của bạn sẽ có xu hướng trở nên kém đi nếu bạn thức suốt đêm.

Nếu tối hôm qua bạn đã ngủ không ngon, hoặc chỉ là thiếu ngủ, thì bạn có thể có một cơ hội để ngủ bù lại, nhưng chỉ ngay trong tối hôm nay mà thôi. Còn nếu cố gắng bù đắp lại sự thiếu ngủ của một khoảng thời gian dài, thì bạn sẽ không thành công được đâu.[1]

Mặc dù một số người có thể vừa đọc đến đây đã nghĩ ngay rằng, "Hừm, thế nghĩa là tối nay mình có thể đi ngủ trễ để làm cho xong dự án, rồi sau đó mình sẽ bù lại ngay được thôi," nhưng đừng sa vào cách nghĩ đó. Việc ngủ nướng vào cuối tuần để cố gắng bù đắp lại thời gian ngủ đã mất sẽ chỉ làm cho thói quen ngủ của bạn bị rối loạn hơn mà thôi. Và bạn sẽ chỉ cảm thấy trong người mình tồi tệ hơn mà thôi.[2]

Một nghiên cứu về vấn đề đó, được thực hiện bởi Đại học Tây Bắc (Northwestern), đã cho thấy rằng khi động vật bị thiếu ngủ - thậm chí chỉ một phần thôi chứ không thức trắng - qua nhiều ngày liên tục, chúng thực sự sẽ chẳng hề cố gắng để bù đắp lại sự thiếu ngủ đó.[3] Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh việc thiếu ngủ lặp đi lặp lại (dù chỉ là một phần thôi) sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến khả năng bù đắp lại sự thiếu ngủ đó của các động vật. Và vốn cũng là một loài động vật, con người chúng ta có thể học được gì đó từ sự thật này.

Việc cố bù lại sự thiếu ngủ sẽ gây hại cho não

Bất kể là bạn thức khuya để làm gì đi nữa thì giấc ngủ vẫn nên được ưu tiên hơn. Càng mệt mỏi thì bạn lại càng khó hoàn thành các công việc dù là đơn giản nhất. Kể cả những công việc vặt vãnh như là tham gia đối thoại với một ai đó cũng có thể trông thật đầy thách thức bởi nó đòi hỏi sự tập trung ở một cường độ mà bạn chỉ có thể đạt được khi cơ thể đã nghỉ ngơi đủ. Sự phân tâm mà bạn gặp phải do bị thiếu ngủ là một vấn đề nghiêm trọng đấy. Chưa kể là nó sẽ khiến những công việc vốn bình thường bỗng trở nên nguy hiểm đến thế nào, chẳng hạn như việc lái xe hơi.[4]

Tình trạng thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng sự thiếu ngủ có tác động lớn đến việc học tập thông qua lời nói (verbal learning) và khả năng hiểu-nhận thức. Các phát hiện đã chỉ ra rằng,[5]

“có rất nhiều những sự biến đổi mạnh mẽ và mang tính bù trừ trong việc kích hoạt các hoạt động của não, xảy ra trong quá trình học tập thông qua lời nói sau khi bị thiếu ngủ, và những sự thay đổi bù trừ này có liên quan đến vùng vỏ não trước trán và thùy đỉnh của não”

Về cơ bản, bộ não của chúng ta sẽ bù trừ quá mức khi ở trong trạng thái buồn ngủ, và khiến ta tập trung cao độ vào những điều người khác đang nói với mình - nhưng chỉ ngay tại lúc đó mà thôi. Sau đó ta lại nhanh chóng quên mất các thông tin, và điều đó có thể dẫn tới những lần đãng trí làm ta bối rối.

Việc ngủ thêm một giờ mỗi đêm sẽ đem lại cho bạn cảm giác được nghỉ ngơi đầy đủ 

Hãy đi ngủ khi bạn cảm thấy mệt; đừng cố gắng cưỡng lại. Hãy tìm cách gì đó để nhắc nhở mình phải ngủ sớm hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đặt chuông hẹn giờ để nhắc mình đi ngủ sớm hơn nửa tiếng vào buổi tối, rồi một tuần sau lại đặt chuông sớm hơn một tiếng. Dần dần bạn sẽ quen với việc đi ngủ sớm thôi.

Nếu bạn phải sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính trước khi đi ngủ, thì hãy giảm độ sáng màn hình để giúp cơ thể dần chuyển sang quen với bóng tối.

Nếu có thể, hãy để cho cơ thể mình thức dậy một cách tự nhiên vào buổi sáng (nghĩa là không dùng chuông báo thức). Trong quá trình cơ thể dần tự điều chình lại mình qua thời gian, bạn có thể sẽ cảm thấy trong người hơi tệ đi một chút trước khi cảm thấy tốt hơn lên, nhưng hãy kiên nhẫn.[6]

“Khi bạn "xóa nợ" việc thiếu ngủ, cơ thể bạn sẽ "chốt lại" một thói quen ngủ phù hợp riêng với bạn. Các nhà nghiên cứu chuyên về giấc ngủ tin rằng chính các gen - dù vẫn chưa khám phá ra được chính xác là gen nào - là nhân tố quyết định thói quen ngủ của chúng ta. Điều đó rất có thể có nghĩa là, bạn không thể rèn cho bản thân mình trở thành một người quen ngủ ít được - và nếu bạn nghĩ mình đã làm được điều đó rồi, thì thực ra là bạn chỉ đang tự lừa gạt mình mà thôi."

Hơn tất thảy, hãy đảm bảo là bạn sẽ lắng nghe cơ thể mình. Nếu bạn cảm thấy mình sẽ ngủ lâu hơn thời điểm đã đặt báo thức vào buổi sáng, hoặc mình cần dùng cà phê vào buổi sáng để tập trung vào bất kì việc gì, thì nhiều khả năng là bạn đang không ngủ đủ như mức cần thiết rồi. Đừng miễn cưỡng tự bắt mình phải đặt mục tiêu ngủ đủ 7 tiếng, 8 tiếng hay thậm chí 9 tiếng. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều mà cơ thể đang "nói" với mình và cảm giác riêng của cá nhân mình khi ngủ trong 6, 7, 8, v.v... tiếng.

Đừng để mình bị thiếu ngủ

Dù bạn là học sinh sinh viên, là người đang đi làm, hay là một người cha người mẹ nội trợ ở nhà, thì hãy nhớ rằng một trong những công việc quan trọng và thiết yếu nhất của bạn là ngủ. Mặc dù hiện nay có rất nhiều sách báo quanh ta nói về việc chúng ta nên ngủ bao nhiêu giờ tùy theo tuổi tác và giới tính, nhưng không có sách báo nào hiểu rõ cơ thể bạn bằng chính bạn cả; thế nên hãy tự lắng nghe cơ thể mình.

Bất cứ khi nào có thể, hãy bỏ qua chuông báo thức buổi sáng đi. Hãy thưởng thức cà phê nếu đó là thứ mà bạn yêu thích, nhưng nếu bạn nhận ra rằng mình có cảm giác như không thể sống thiếu nó, thì hãy tìm cách nào đó để mình lẽ ra đã có thể ngủ nhiều hơn hoặc ngủ ngon hơn vào tối hôm trước.

Nguồn ảnh bìa: Pixabay từ pixabay.com

Tài liệu tham khảo