8 tháng trước
Thế Hệ Millennials Thân Mến: Đó Không Phải Là Lỗi Của Các Bạn
532

6026
Lượt xem
223
Lượt chia sẻ
90
Lượt bình luận

Nếu bạn giống như tôi, được sinh ra sau năm 1984, và được quy vào thế hệ “Millennials” hoặc Thế Hệ Y, thì tôi thành thật xin lỗi bạn.

Bạn thuộc thế hệ bị buộc tội là khó quản lý, chỉ biết nghĩ về bản thân, cho rằng mình có quyền lực, không tập trung và lười biếng – đây cũng là một miêu tả chinh xác về tất cả những người trẻ trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, điều này rồi cũng sẽ qua thôi. Những lời nói tồi tệ này sẽ không theo bạn tới lúc bạn nghỉ hưu đâu – nếu bạn tới đó được.

Bạn làm lãnh đạo của bạn phải bối rối. Khi họ hỏi bạn muốn gì, bạn trả lời: “Tạo ấn tượng, làm việc tại nơi có sứ mệnh rõ ràng, có đồ ăn miễn phí và ghế lười (bean bag).

Chúng ta đang bỏ lỡ một điều gì đó.

Việc cho rằng mình có quyền lực là một trong những lý do quan trọng nhất theo diễn giả Simon Sinek trong cuộc phỏng vấn vừa qua mang tên “Đi tìm chính mình” nói về thế hệ Y tại nơi công sở.[1] Là một diễn giả chuyên về các vấn đề lãnh đạo hiện đại, anh đã giải thích tại sao thế hệ Millennials từ chối những phương pháp cũ, và chúng ta có thể làm gì về điều này.

Sinek đã chia vấn đề ra 4 lĩnh vực:

1. Văn hóa trong gia đình

2. Công nghệ

3. Thiếu sự kiên nhẫn

4. Môi trường

1. Văn hóa trong gia đình

Những bà mẹ luôn luôn giám sát và bảo vệ con mình một cách thái quá, những giải thưởng được trao chỉ vì bạn đã tham gia trong một hoạt động nào đó – thế hệ này thực sự không có cơ hội để phạm sai lầm. Họ còn lớn lên tin rằng họ có thể trở thành bất kỳ ai, và rồi phải đối mặt với thực tế ảm đạm khiến họ trở nên thờ ơ với mọi thứ xung quanh.

Những người thuộc thế hệ Millennials đã được nuôi dạy sai cách. Những đứa trẻ được dạy rằng chúng đặc biệt, và luôn luôn được nhắc nhở rằng chúng có thể đạt được bất cứ thứ gì trong cuộc sống, nếu chúng mong muốn.

Đó là một thời gian kỳ lạ để lớn lên, học sinh được điểm cao vì phụ huynh phàn nàn, và để nhận được huy chương bạn chỉ cần có mặt tại cuộc thi nào đó. Theo các nghiên cứu khoa học, điều này làm giảm giá trị của phần thưởng, và làm người thua cuộc cảm thấy xấu hổ và tồi tệ hơn. Cho nên, nó bị phản tác dụng.

Với cách dạy dỗ như vậy, trong tương lai những đứa trẻ đó sẽ như thế nào nếu bị đẩy vào thế giới công sở, một môi trường khắc nghiệt, nơi chúng sẽ không nhận được gì nếu thua cuộc, và sẽ không thể muốn gì được nấy.

Trong cuộc thảo luận về vấn đề này, Simon Sinek gọi thế hệ Millenials là cả một thế hệ lớn lên với lòng tự trọng thấp hơn so với các thế hệ trước. Mặc dù đó không phải lỗi của họ. Họ chỉ bị nuôi dạy sai cách mà thôi.

2. Hiện tượng bị nghiện công nghệ

Bạn không cần phải gánh hết những lời đổ tội vì một quan điểm nói rằng thế hệ Y là những người tự yêu bản thân. Mark Zuckerberg có thể gánh hậu quả đó cùng bạn.

Bố mẹ bạn lớn lên không có Facebook. Hãy tưởng tượng về cái thời trước khi có sự xuất hiện của mạng xã hội, thời “khủng long” khi bạn không thể chê bai những người khác vì những thông tin và chi tiết riêng tư trên mạng mà thường không phải là sự thật.

Vào thời đó mọi người không thể gửi một tin nhắn cá nhân cho bạn, tất cả phải rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm để hiểu các tín hiệu cần để ý khi tiếp xúc với mọi người – hiện tại những đứa trẻ nhỏ cũng đang bị thiếu kỹ năng đó vì luôn luôn cắm mặt vào máy tính bảng. Bạn có thể thấy hiện tượng đó ở những nhà hàng, chúng dường như vừa bị điếc, vừa không quan tâm gì tới những cuộc trò chuyện đang xảy ra xung quanh. Nhưng chúng ta sẽ nói về những tác động của điều này sau... *để tránh việc lệch chủ đề*

Một thế hệ lớn lên với những công cụ truyền thông là những chuyên gia chỉnh sửa mọi thứ qua các bộ lọc, làm cho những người khác có cái nhìn bị giới hạn và không chính xác về cuộc sống của họ.

Chúng ta tạo một phiên bản cuộc sống y hệt như trong phim “Những bà vợ ở Stepford” (Stepford Wives) để cảm thấy tốt hơn về hoàn cảnh của mình, và khi chúng ta nhận được những lời khen ngợi cho những thứ không phải của mình, sự đánh giá về bản thân sẽ tụt xuống.

Đây là cách nói khái quát. Chúng ta có thể tìm thấy cả một mỏ vàng những tác phẩm nghệ thuật châm biếm về vấn đề này trên mạng. Nhưng tôi đoán là đây không phải chủ đề duy nhất bạn theo dõi qua mạng xã hội. Lấy sự thành công của người khác để tạo ra một hình ảnh giả tạo về bản thân thực chất dễ hơn là tự mình phấn đấu để trở thành một con người tuyệt vời. Vấn đề này rơi vào yếu tố gây hại tiếp theo đến thế hệ Millennial: sự thiếu kiên nhẫn.

Chúng ta chỉnh sửa hình ảnh của mình qua bộ lọc để nhận được nhiều lượt thích và tạo một cuộc sống giả tạo, nơi thiếu sự trung thực về những điều xấu, hoặc nếu chúng ta bị trầm cảm. Dường như tất cả mọi người đều có một cuộc sống #tuyệtvời, trong khi ở sau hậu trường thì lại #đaukhổ. Chúng ta có thể đưa ra những lời khuyên trên mạng xã hội, nhưng đa số vẫn không biết mình cần phải làm gì.

Nhấn 2 lần đề cảm thấy “Phê”

Khoa học đã chứng mình rằng việc tham gia các mạng xã hội và sử dụng điện thoại sẽ kích thích não của chúng ta tiết ra hóa chất mang tên dopamine. Chúng ta cảm thấy tốt khi gửi và nhận tin nhắn. Không có gì mang lại cảm giác thành công hơn là nhận được 11 lượt thích. Bạn đã làm được. Chúng ta lo lắng về hình ảnh online của mình và bị tổn thương khi bị ai đó xóa khỏi danh sách bạn bè.

Dopamine khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn khi hút thuốc, uống rượu và đánh bạc – tóm lại, nó gây nghiện. Mặc dù có những quy định về tuổi tác cho những thói quen xấu trên, nhưng không có gì cản trở việc sử dụng mạng xã hội và điện thoại. Và diễn giả Sinek cho rằng điều này tương đương với việc mở ra một tủ đầy rượu, là một chất gây tê, đặc biệt gây nghiện khi những người trẻ đang trải qua tuổi dậy thì và phải đối mặt với mức stress cao.  

Simon tiếp tục giải thích rằng phần lớn những người nghiện rượu bắt đầu uống từ độ tuổi thiếu niên. Khi còn trẻ, chúng ta chỉ cần sự chấp nhận của bố mẹ. Và khi chúng ta qua độ tuổi thiếu niên, chúng ta cần sự chấp nhận của bạn bè.

Có những người phát hiện ra tác dụng gây tê của dopamine để giúp bản thân đối phó với stress và sự lo âu khi trải qua giai đoạn khó khăn này. Thật không may, thói quen này sẽ ăn sâu ăn mòn vào họ cho tới hết cuộc đời. Khi gặp phải stress liên quan tới các vấn đề xã hội, tài chính, sự nghiệp và v.v, họ sẽ tìm tới rượu.

Và khi họ lớn lên, đa số sẽ không biết cách xây dựng những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa. Những người trẻ cũng thừa nhận rằng rất nhiều mối quan hệ của họ rất hời hợt. Họ thừa nhận họ không dựa vào bạn bè. Họ vẫn có thời gian vui vẻ bên nhau, nhưng một khi có gì đó tốt hơn xuất hiện, họ biết chắc họ sẽ bỏ người bạn hiện tại.

Họ chưa bao giờ rèn luyện những kỹ năng cần thiết và không biết cách đối phó với stress để có những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa. Vì vậy, khi bị stress, họ không tìm sự giúp đỡ từ một người khác mà lại vào mạng xã hội để nhận được sự giải tỏa nhất thời.

Các nghiên cứu cho thấy những người dành nhiều thời gian trên Facebook sẽ bị trầm cảm nặng hơn. Những thứ này sẽ không gây tác hại nếu bạn có một cuộc sống cân bằng. Cũng như rượu – nếu bạn uống vừa phải thì sẽ không bị sao. Nếu bạn làm quá nhiều bất cứ điều gì, ví dụ như đánh bạc, thì điều đó trở nên nguy hiểm. Không có gì sai trái khi sử dụng mạng xã hội hay điện thoại di động, nhưng sự mất cần bằng mới là vấn đề.

Sao bạn biết được nó có vấn đề? Khi trong tiềm thức bạn cho rằng những con người xung quanh không quan trọng bằng việc nhìn vào màn hình điện thoại. Bạn sử dụng điện thoại trong lúc ăn tối, điều đầu tiên bạn làm vào buổi sáng là mở điện thoại thay cho việc chúc vợ hoặc bạn cùng phòng một buổi sáng tốt lành. Khi bạn không có việc gì làm, phản xạ đầu tiên sẽ là cầm lấy điện thoại, cập nhật thông tin trên mạng xã hội. Tất cả những điều trên là những tín hiệu đáng chú ý.

Như những bệnh nghiện khác, những thứ này sẽ hủy hoại các mối quan hệ, làm bạn bị lãng phí thời gian và tiền nong, và trước khi bạn cảm thấy hối tiếc, cuộc sống bạn sẽ trở nên tồi tệ.

Tất cả những yếu tố trên sẽ tạo một thế hệ lớn lên với lòng tự trọng thấp và không trang bị những kỹ năng đối phó với stress hoặc kỹ năng xây dựng những mối quan hệ sâu sắc trong cuộc sống thực tế.

3. Sự tức thời

Sự thiếu kiên nhẫn là gì?

Khoan nào. Bài viết này dài như thế nào? Tôi không có thời gian cho việc này.

Khi bạn xem phim trên Netflix, đồng thời xem cả video trên Yotube, đã bao nhiêu lần bạn kiểm tra xem còn bao nhiêu phút nữa là xong? 7 phút ư? Trời sao lâu vậy!

Tất cả những gì chiếm nhiều thời gian điều bị quên lãng đi. Như đã giải thích trong quan điểm trước, chúng ta muốn dopamine vào cơ thể thật nhanh, liên tục và mãi mãi.

Dường như thời gian của chúng ta trở nên rất quý giá. Và nếu chúng ta không nhận lại lợi ích gì trong vòng vài phút – có khi vài giây – thì chúng ta chuyển sang nguồn khác. Như vậy, khi nhảy từ chỗ này qua chỗ khác liên tục, chúng ta có nhận lại được gì không, ngoại trừ một chút cảm giác “phê”?

Từ cái này qua cái khác, chúng ta không ngừng tìm kiếm, và khi bị stress, chúng ta không xin sự giúp đỡ của người khác, mà lại bật Netflix. Netflix sẽ không làm bạn buồn. Tôi hiểu. Cứ xem hết đi. Tôi cũng cảm thấy tội lỗi như bạn thôi.

Như vậy, Simon Sinek chỉ ra rằng chúng ta đang ở một thời đại khi cần mua gì trên Amazon, thì ngày mai là có ngay (hy vọng sắp tới hàng sẽ được vận chuyển bằng drone, sẽ rất thú vị, hoặc có thể làm hoàn cảnh của chúng ta còn tồi tệ hơn?). Khi xem phim hoặc xem phim tập, chúng ta không cần đợi từng tập mỗi tuần mà có thể xem hết luôn. Bạn được thỏa mãn mong muốn ngay lập tức.

Hẹn hò trong thế giới trực tuyến giúp bạn tránh khỏi những tình huống lần mò khó chịu, không nhất thiết phải tìm hiểu về những kỹ năng giao tiếp – chỉ cần đẩy sang bên phải là bạn đã trở thành một người quyến rũ rồi. Không cần phải học về các vận hành của xã hội. Tất cả những gì bạn cần, bạn có thể có ngay lập tức. Bạn quen với điều rằng mọi mong muốn đều được thỏa mãn ngay lập tức.

Vậy cái gì trong thế giới này cũng đều có sẵn cho bạn ngay lập tức.

Ngoại trừ 2 thứ - sự hài lòng về công việc và sự vững chắc của các mối quan hệ.

Simon giải thích rằng sẽ không có một ứng dụng nào giúp bạn được (hoặc chưa có mà thôi). Cả hai thứ này đều là những quá trình lâu dài, và có những lúc bạn sẽ cảm thấy không thoải mái chút nào.  

Vấn đề về tác động tức thời

Simon Sinek tiếp tục ca ngợi những người thuộc thế hệ Millennials mà anh đã từng làm việc cùng và mô tả họ như những người “tuyệt vời, hay lý tưởng hóa mọi thứ, luôn luôn cố gắng làm việc và thông minh, nhưng bị vỡ mộng vì họ không tạo nên sự tác động nào cả”.

Điều này cũng không hẳn là đúng, chỉ là chúng ta cần thời gian để thấy được kết quả. Nhưng chúng ta lại cần có kết quả ngay lập tức và sẽ bỏ cuộc nếu không đạt được điều đó.

Sinek nói rằng những người trẻ tuổi đang than vãn thường mới làm trung bình 8 tháng tại công việc hiện tại. Thế hệ này có một khái niệm khá là trừu tượng về sự tác động và cần phải học tính kiên nhẫn.

Anh nói tiếp rằng những thứ thực sự quan trọng như tình yêu hoặc sự nghiệp, sự hạnh phúc, thái độ yêu đời, sự tự tin, các kỹ năng cần thiết – tất cả những thứ này đòi hỏi thời gian. Tất nhiên vẫn có những lối tắt, nhưng – cảnh báo quan trọng – hầu hết đây là một hành trình gian nan, khó khăn. Vì vậy hãy kiên nhẫn đi các bạn.

4. Môi trường

Sinek kết thúc cuộc trò chuyện với những lời nói thúc giục các nhà lãnh đạo đổi mới môi trường làm việc để phù hợp hơn với thế hệ này.

Anh mô tả những đứa trẻ tuyệt vời được nuôi dạy sai cách đi vào môi trường làm việc của những công ty chỉ quan tâm tới những con số chứ không phải nhân viên, một hệ thống chỉ quan tâm tới những lợi ích ngắn hạn chứ không phải dài hạn. Môi trường công sở này không giúp chúng tự tin hơn hoặc phát triển những kỹ năng hợp tác, và thất bại trong việc giúp chúng vượt qua những thử thách của thế giới kỹ thuật số và tìm được sự cân bằng.

Thế giới này không cung cấp bất kỳ hướng dẫn nào để khắc phục sự mong muốn có mọi thứ ngay lập tức và không cho những đứa trẻ này thấy rằng sự tác động và hạnh phúc sẽ tới qua một thời gian làm việc cật lực, và điều đó sẽ không xảy ra trong 1 tháng hoặc thậm chí 1 năm.

Chúng ta đang đẩy những người này vào một môi trường làm việc không phù hợp, và còn tồi tệ hơn, họ nghĩ đây là lỗi của họ. Họ tự trách mình. Họ nghĩ họ không biết cách đối phó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Simon bảo vệ thế hệ Millennials, nói rằng đó không phải lỗi của họ, đó là lỗi của môi trường làm việc, và sự thiếu sót trong lãnh đạo hiện nay là lý do tại sao họ cảm thấy như vậy.

Khám phá ra những cách mới để thu hút và khuyến khích thế hệ này, tìm ra những phương pháp để làm họ tự tin hơn và dạy những kỹ năng xã hội họ đang bị thiếu, hình thành sự tin tưởng giữa các mối quan hệ trong công việc là trách nhiệm của những người lãnh đạo.

Kết luận: những người ghét vẫn sẽ ghét thôi

Đừng để quan niệm này làm bạn nản lòng và đừng bị sự phân biệt này làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của bạn.

Vài thập kỷ nữa bạn sẽ có những quan điểm y hệt về Thế hệ Z hoặc còn được gọi là iGeneration. Bạn sẽ kể về những triết lý sống của bạn và về thời điểm khi mạng Internet vẫn còn đơn giản – trước khi công nghệ phát triển gia tốc tạo ra hiệu ứng phi mã khiến cho trí thông minh nhân tạo vượt quá khả năng trí tuệ và khống chế của con người.

Vấn đề ở đây là thế hệ Millennials không phải là một giống loài người mới – chúng chỉ đơn thuần là sản phẩm của các yếu tố nêu trên, được lớn lên trong một thế giới công nghệ không ngừng phát triển.

#Chúngtavẫncònhyvọng

Nguồn ảnh bìa: https://pixabay.com/en/users/bearded_earthling-2972455/ từ pixabay.com

Tài liệu tham khảo