4 tháng trước
Suy Niệm Về Mùa Cho Đi
100

1568
Lượt xem
75
Lượt chia sẻ
2
Lượt bình luận

Rethink the Season of Giving

Vào Thứ Năm tới, các điểm phát đồ ăn từ thiện, mái ấm vô gia cư và các tổ chức từ thiện khác trên khắp Hoa Kỳ sẽ đầy ắp các nhân viên hớn hở đi làm các tình nguyện viên vui vẻ háo hức chuẩn bị thức ăn và hỗ trợ những thứ khác cho những người có nhu cầu nhất. Các gia đình trên khắp đất nước sẽ đến với nhau trên tinh thần cho đi, và sẽ trở về nhà rạng rỡ với niềm tự hào và mãn nguyện, ý thức sâu thẳm trong tim rằng họ đã làm nên một điều khác biệt. Đó là mặt tốt nhất của văn hóa Mỹ, thể hiện lòng biết ơn của mình bằng cách cố gắng trao cho những người kém may mắn hơn những món quà để họ biết ơn chúng ta.

Đến thứ Sáu, các điểm phát đồ ăn từ thiện, mái ấm vô gia cư và các tổ chức từ thiện khác trên khắp Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, thiếu nguồn cung và kinh phí, khi nhân viên phải làm việc không mệt mỏi và vô vị lợi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của các thành viên cho đi. Mọi người sẽ rơi vào tình trạng đói kém, không được chăm sóc và che chở. Còn các tình nguyện viên của ngày Lễ Tạ ơn sẽ rạng rỡ với niềm tự hào và mãn nguyện, ý thức sâu thẳm trong tim rằng họ đã làm nên một điều khác biệt.

Tôi yêu 6 tuần nghỉ lễ tới, từ nay đến đầu năm mới. Tôi là người Do Thái và là một người vô thần, nhưng cũng như mọi người: mùa Giáng sinh có một ý nghĩa sâu sắc đối với tôi. (Đừng đề cập tới Hannukah - đó chỉ là một ngày lễ thay thế, được tạo ra trong nỗ lực nhằm mô phỏng lễ Giáng sinh, một sáng kiến lễ lạt của người Do Thái được khoác lên mình lớp áo Kitô giáo.) Tuy vẫn còn đó chủ nghĩa tiêu dùng, đám đông chen lấn tại các trung tâm mua sắm và những ý tưởng bài Do Thái mơ hồ hàng năm trong lời chúc “Happy Holidays”, tôi nghĩ rằng mùa lễ từ Tạ ơn đến Giáng sinh thực sự cho thấy những điều tốt đẹp nhất nơi mọi người.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng chính nó đang dẫn chúng ta lạc lối. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng chúng ta rất dễ cuốn vào những cảm xúc vui tươi của mùa lễ hội này, đến mức quên đi điều quan trọng: cho đi không phải là để ta cảm thấy hãnh diện về nó! Việc chúng ta làm từ thiện theo mùa là một điều đáng xấu hổ, không phải để tự hào. Tôi không nói về chuyện quyên góp tiền ở đây - đó là một điều tốt, nhưng ta cần phải hiểu sự việc ở một cấp độ khác. Tôi đang nói về việc cho đi thực sự, giữa người với người, về việc ta thực sự tiếp cận và giúp đỡ đồng loại của mình, về việc làm phong phú thêm cuộc sống của người khác mà không phải lo lắng về việc làm giàu cho chính chúng ta.

Dù cách này hay cách kia, bạn hãy cho đi trong mùa lễ này. Hãy đi tình nguyện, quyên góp đồ chơi vào thùng Đồ chơi cho Tots, cho tiền thừa vào bình cứu trợ của Cứu thế quân. Nhưng hãy ghi nhớ những điểm sau đây:

1. Mọi người cần sự giúp đỡ của bạn quanh năm

Hai năm trước, tôi đã đăng trên đây một bài viết đề nghị các bậc cha mẹ cho con họ lựa chọn từ số đồ chơi cũ những thứ chúng muốn tặng cho những đứa trẻ kém may mắn hơn, không có gì để chơi trong lễ Giáng sinh. Hóa ra, tôi đã sai lầm về điều đó. Không phải về tinh thần, mà là về thời điểm. Như độc giả Sophie đã viết trong phần bình luận,

Là một người làm việc trong mái ấm tình thương, tôi có thể nói với bạn rằng các cơ quan như chúng tôi nhận QUÁ NHIỀU khoản đóng góp vào tháng 11 và tháng 12. Năm ngoái, đồ chơi/trò chơi/đồ điện tử còn mới được đóng góp cho chúng tôi nhiều đến mức đủ để tặng 20-25 món quà cho MỖI trẻ em dưới 18 tuổi. Nhưng trẻ vô gia cư không cần nhiều đồ chơi đến thế - vì một điều, chúng lấy chỗ đâu mà chứa hết đây? Trẻ vô gia cư THỰC SỰ cần đến quần áo ấm, giày dép và đồ dùng học tập – hỗ trợ tốt nhất dưới hình thức trao thẻ quà tặng Walmart cho cha mẹ chúng để mua quà cho con cái họ.

Hóa ra, hoạt động quyên góp đồ chơi tại cơ quan của bạn đã diễn ra khá thành công. Vào tháng Mười Hai. Tuy nhiên, đến tháng Năm, các mái ấm có rất ít thứ để trao tặng. Những đứa trẻ ốm yếu ở bệnh viện, trong các nhà tạm trú dành cho phụ nữ bị hành hung trốn khỏi nhà vào giữa đêm và những người khác mong mỏi chỉ một hoặc hai món đồ chơi, nhưng chẳng có ai quyên góp vào giữa năm cả - và hầu hết các tổ chức phi lợi nhuận đều không đủ khả năng dành dụm tiền thưởng tháng 12 của họ cho cả năm.

Điều tương tự cũng xảy ra với các hình thức thiện nguyện khác - có những người vô gia cư, tàn tật, bệnh tật, nghèo đói và những người khác bị tổn thương cần được giúp đỡ quanh năm. Mùa cho đi của bạn có thể là Ngày lễ Lao động nước Mỹ, Ngày Tưởng niệm, Ngày Cây xanh, Ngày Quốc tế Lao động hoặc chỉ là một Ngày ngẫu nhiên nào đó, khi mọi người cần đến sự giúp đỡ của bạn.

2. Người nhận từ thiện là những con người có tình cảm, giá trị và nhân phẩm

Khi còn học đại học, tôi là trợ lý giám đốc tại một cửa hàng tiết kiệm ở San Diego. Một trong những nhiệm vụ của tôi là nhận hàng quyên góp ở phía sau cửa hàng. Tôi không thể nói biết bao nhiêu lần mọi người kéo đến, mở thùng xe và nhét đồ trong đó vào thùng quyên góp của chúng tôi. Quần áo rách, giẻ lau đầy dầu, nửa chai dầu động cơ, tạp chí rách và những thứ đồ vô giá trị khác là những “đồ quyên góp” phổ biến, mà không có gì trong số đó có thể sử dụng hoặc thậm chí chấp nhận – tất cả đều đi thẳng vô thùng rác. Nhưng vấn đề là thế này: nếu tôi phản đối rằng tôi không thể nhận sự đóng góp của họ (nghiêm túc mà nói, rất nhiều thứ trong đó thực sự được xem là chất thải độc hại theo luật và không được kinh doanh ngay cả trong khuôn viên!), tôi sẽ bị la mắng – hãy xem, họ đã cho đi những món quà tuyệt vời này từ sâu thẳm lòng tốt trong trái tim họ, và tôi là ai mà dám nói rằng người nghèo quá cao quý để nhận những món quà này?

Đây là việc làm từ thiện hai mặt - cũng giống như đâm một ai đó và mong họ cảm ơn bạn về điều đó. Những người nghèo không cần đến những thứ dư thừa trong cuộc sống của bạn, cho dù dưới hình thức những món đồ bỏ đi hay thời gian, cảm xúc và lời khuyên của bạn. Nghèo khó đồng nghĩa với việc thiếu thốn vật chất chứ không phải nhân tính - nếu bạn không thể kết nối với những người bạn hướng tới như con người đích thực, thì chẳng có ai phù hợp cho công việc có vẻ từ thiện đó của bạn.

3. Cân nhắc món quà về sự tự chủ

Hãy lưu ý lời khuyên của Sophie trên đây về việc tặng thẻ quà tặng và cho người nghèo khả năng mua những thứ họ cần. Một trong những nguồn lực mà những người nghèo thiếu thốn nhất là khả năng tự chủ. Khó khăn lớn nhất của nghèo đói là những giới hạn nó gây ra cho bạn - thường khiến bạn chìm sâu vào nghèo đói hơn, như việc các cửa hàng tại các khu dân cư nghèo thường tính giá cao hơn so với các cửa hàng ở khu vực khá giả, vì người nghèo thường không có khả năng đi lại để cân nhắc lựa chọn nơi mua sắm.

Hãy suy nghĩ về cách bạn làm thiện nguyện – liệu bạn có thể giúp họ đưa ra lựa chọn của riêng mình, đi theo con đường của riêng họ, để phát triển khả năng của chính họ không? Nếu không, có lẽ bạn nên suy nghĩ về việc chọn một hình thức hỗ trợ khác.

4. Điều quan trọng là kết nối với họ

Hãy nhớ rằng trọng tâm của làm từ thiện là hướng đến con người, không phải giải quyết vấn đề. Bạn có thể có rất nhiều ý tưởng về lý do tại sao mọi người đang rơi vào tình cảnh này, và bạn có thể cho rằng bạn biết điều gì là tốt nhất cho họ ngay cả khi họ không biết. Nhưng thẳng thắn mà nói, bạn chẳng biết gì cả. Nếu bạn có thể giúp đỡ họ, khả năng lớn là bạn không biết họ đang trải qua những gì trong đời. Ngay cả khi bạn đã từng rơi vào trường hợp như họ, những gì tỏ ra hữu hiệu cho bạn có thể không hiệu quả với người khác - đừng quên yếu tố may mắn và hoàn cảnh có thể đóng vai trò lớn như thế nào.

Rất nhiều lần, người làm từ thiện giữ mình tách biệt với những người mà họ cố gắng giúp đỡ. Và không có gì lạ - khi làm tình nguyện chỉ một năm một lần, bạn có rất ít thời gian để làm quen với bất cứ ai, chưa nói gì đến việc bạn có thực sự hiểu cuộc sống của họ là như thế nào không. Nếu có thể, hãy nỗ lực làm thiện nguyện lâu dài và mở lòng với hoàn cảnh của những người mà công việc từ thiện của bạn nhắm đến. Hãy tương tác với họ mặt đối mặt, như thể họ là bạn bè, đồng nghiệp và người ngang hàng với bạn.

5. Biết quên mình

Điều cuối cùng nhưng quan trọng nhất, hãy nhớ rằng trọng tâm của làm từ thiện không phải là chính bản thân bạn. Vâng, bạn cảm thấy rất hãnh diện khi cho đi, và không có lý do gì để cảm thấy tội lỗi về điều đó, nhưng đừng làm vậy chỉ để thấy tự hào, hoặc để phục vụ cho việc lấy bằng khen thành tích hoặc tín dụng đại học, vì đó là một phần điều lệ của tổ chức, hay vì bất kỳ mục đích hưởng lợi cho chính bạn nào. Hãy làm bởi vì đó là điều cần thiết, vì cho đi là điều tốt.

Người Hồi giáo có quan điểm rất hay về điều này: cho đi không chỉ là một mitzvah (thực hiện một điều răn của Kinh thánh trong đức tin Do Thái) hay Việc làm phúc đức, mà đó là một trong Năm Trụ cột của Hồi giáo, là đặc điểm trung tâm của bản sắc Hồi giáo. Cho đi không phải là điều người Hồi giáo làm, mà chính là bản chất của đức tin Hồi giáo.

Tất cả chúng ta có thể học hỏi từ đó. Hãy tìm cách cho đi không chỉ tài sản - và đừng để sự thiếu thốn vật chất ngăn bạn làm điều này - mà còn cả tài năng, kỹ năng, kiến ​​thức và chính bản thân bạn. Hãy khiến hành động này trở thành một phần của con người bạn, chứ không chỉ đơn thuần là một công việc tốt.

Và năm nay, thay vì làm thiện nguyện trong mùa cho đi để rồi sau đó trở lại với cuộc sống “bình thường” khi cây thông và ánh đèn đã qua đi, hãy để kỳ nghỉ này trở thành khởi đầu của một cuộc đời tận hiến quanh năm cho mọi người.