4 tháng trước
10 Mẹo Ngăn Ngừa Sự Ganh Đua Giữa Anh Chị Em Ruột Trong Gia Đình
599

9658
Lượt xem
163
Lượt chia sẻ
29
Lượt bình luận

Từ khi trẻ còn bé, việc hình thành tính tị nạnh với anh chị em đã trở thành vấn đề gây đau đầu cho các ông bố bà mẹ. Sau những năm đầu, tình hình có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi con cái bạn bước vào tuổi trưởng thành trong mọi mặt của cuộc sống, như ai sẽ dành thời gian với cha mẹ trong các dịp Lễ; chuyện thừa kế tài sản của cha mẹ; và cuộc cạnh tranh xem ai thành công hơn qua nhiều thập kỉ.

Cách để đối diện với việc này chính là phải chuẩn bị cho con đầu của bạn ngay từ trước khi em của chúng ra đời. Bạn cần đề phòng vấn đề này thay vì tìm cách đối phó khi mọi chuyện đã xảy ra, bằng cách giúp các con tạo nên mối quan hệ từ tình yêu thương và sự thấu hiểu, thay vì tính cạnh tranh, hơn thua.

Hoàn toàn có thể tạo ra mối quan hệ anh chị em gắn kết mật thiết giữa con cái, nếu bạn chịu khó dành thời gian và tâm sức. Cha mẹ biết quan tâm đến tình cảm giữa các con sẽ là một nền tảng củng cố vững chắc nhất. Và mong ước này của bạn chỉ có thể thành sự thật khi bạn giúp con hiểu về bản chất tốt đẹp của tình cảm gia đình (chính là tình yêu, chỗ dựa và tình anh em) từ những năm tháng đầu đời.

Sau đây là 10 mẹo giúp ngăn ngừa ngăn ngừa tính tị nạnh đối với anh, chị, em ruột của con cái, thay vào đó giúp gắn kết các trẻ với nhau.

1. Tạo một mối quan hệ tốt đẹp ngay trước khi đứa con thứ hai của bạn ra đời

Nếu bạn có thú cưng trước khi con đầu được sinh ra, hẳn bạn sẽ không quên cảm giác lo lắng về việc thú cưng sẽ phản ứng thế nào đối với em bé. Thậm chí bạn còn tìm hiểu trên Google các cách giúp thú cưng của bạn đón nhận em bé tốt nhất.

Chúng tôi có hai cún cưng trước khi bé đầu ra đời. Tôi đã mua một quyển sách về cách giúp thú cưng đón nhận thành viên mới của gia đình tốt hơn. Tôi nhớ rằng mình đã đem chiếc chăn của em bé từ bệnh viện về nhà để chó cưng ngửi thử, và đã đặt chiếc chăn vào chiếc giường của chú chó để chú quen dần với mùi hương mới. Chúng tôi đã thực sự làm như vậy.

Nhiều bậc cha mẹ đã cố gắng rất nhiều để giúp cho thú cưng của họ có thể hòa hợp với em bé và có được khởi đầu tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai bên, để gia đình có thể cùng nhau chung sống hòa thuận. Cách tương tự có thể được áp dụng với những đứa trẻ cùng một nhà.

Khi một em bé nữa sắp chào đời, chúng ta không thể chỉ đơn giản là cầu mong rằng con của mình sẽ vui vẻ chào đón em mình và không có bất cứ suy nghĩ ganh tị nào. Hãy giải quyết vấn đề ngay trước khi nó thực sự xảy ra. Có một vài cách hữu dụng có thể giúp cho trẻ lớn sẵn sàng với em sắp sinh, giúp chúng cảm thấy mình là một phần của sự kiện hệ trọng này. Bạn sẽ muốn con mình thật hạnh phúc khi có em, như vậy chúng sẽ có niềm tin rằng mình cần yêu thương và bảo bọc thành viên mới của gia đình.

Đây là các mẹo cần thiết và hữu dụng dành cho bạn:

Giúp trẻ cảm nhận rằng em bé cũng thuộc về mình, tương tự cách em bé thuộc về bạn với tư cách là cha mẹ

Hãy gọi em bé bằng "em bé của nhà mình" hay thậm chí là "em bé của con". Chúng tôi đã làm vậy khi chúng tôi giúp con đầu chào đón hai đứa em sinh đôi của con bé. Con bé chưa được hai tuổi khi cặp song sinh ra đời, và bây giờ khi đã sáu tuổi con bé vẫn nghĩ các em là của mình. Cách này khá hữu hiệu khi giúp con gái tôi đón nhận em mình ngay từ đầu, bởi chúng là em bé của con bé, chứ không phải chỉ thuộc về Ba hay Mẹ.

Để con cùng theo dõi quá trình em bé lớn lên trong bụng mẹ

Hãy động viên con bạn chạm tay vào bụng bạn để con cảm nhận sự tồn tại của em bé trong cơ thể mẹ. Đồng thời hãy để trẻ đi cùng tới các buổi khám siêu âm để trẻ có thể trông thấy em bé trên màn hình. Việc này sẽ giúp trẻ có được sự hào hứng khi cùng trải nghiệm việc chờ đợi em bé với bạn.

Mua một vài cuốn sách về anh, chị, em cho con bạn

Hãy tìm mua một vài quyển sách có chủ đề về em bé và những câu chuyện về việc có em để trẻ có thể hiểu những gì mà mẹ mình đang trải nghiệm, cũng như giúp trẻ mường tượng được cảm giác có sự hiện diện mới trong gia đình khi em bé được sinh ra.

Cho phép trẻ được tham gia vào việc chọn tên cho em

Nếu con bạn đã đủ lớn, hãy để trẻ đề xuất và cùng bàn luận về tên cho em bé mới mà bạn đang cân nhắc, như một gia đình. Trẻ sẽ cảm thấy mình đóng góp một phần quan trọng trong việc chọn ra cái tên đẹp nhất cho em trai hay em gái của mình, và giúp tạo cho trẻ cảm giác em bé cũng thuộc về mình.

Để trẻ giúp đỡ trong việc chuẩn bị đồ dùng cho em bé

Cũng cùng mục đích nêu trên, bạn nên để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị phòng cho em, hoặc chọn đồ chơi và quần áo cho em. Điều này sẽ giúp con bạn nhận ra rằng mình cũng là một phần trong cuộc sống của em bé, từ đó tăng tính trách nhiệm của trẻ đối với em mình.

Trò chuyện với trẻ về những cảm xúc của chúng

Việc trẻ có cảm giác e ngại hay thậm chí là ganh tị với em là chuyện hoàn toàn bình thường. Trẻ sẽ phải chia sẻ sự chú ý của cha mẹ với em, nhất là khi em bé cần rất nhiều sự quan tâm. Chính việc bạn để trẻ góp phần vào việc chuẩn bị cho em sẽ khiến trẻ hiểu rằng chúng không bị bỏ quên hay mất đi tình yêu thương. Cuộc trò chuyện này nên diễn ra thật ấm áp, bạn cần hỏi con xem cảm giác của con về việc có em là thế nào; hãy thật tâm lắng nghe con và cho trẻ biết rằng cảm xúc của chúng là quan trọng.

Khi em bé được sinh ra, vẫn để trẻ là một phần trong mọi hoạt động chăm nom cho em

Việc này giúp trẻ không bị tách biệt với em và đồng thời sẽ có cùng trải nghiệm với cha mẹ mình. Chúng sẽ trở thành "người Cha/Mẹ thứ hai" của em bé, cũng như con gái tôi thường tự gọi mình khi cặp sinh đôi ra đời. Chúng là "cặp sinh đôi của con bé", vì vậy con bé muốn giúp thay tã, bón ăn, đưa nôi và giúp em được vui vẻ.

Tất nhiên khi trẻ nhỏ cố gắng giúp đỡ thì sẽ tạo ra nhiều việc hơn cho cha mẹ vào một vài thời điểm, nhưng như vậy là cần thiết. Bạn đang tạo tiền đề cho trẻ hình thành thói quen giúp đỡ, từ đó hình thành nên mối liên kết giữa trẻ và em mình.

Cách này đồng thời cũng giúp trẻ sớm học được rằng anh chị em vốn dĩ là cần giúp đỡ lẫn nhau. Em bé hẳn nhiên là chưa thể giúp được gì, nhưng sau cùng khi đã đủ lớn chúng cũng sẽ có thể giúp đỡ anh chị mình, nếu bạn cũng dạy chúng điều tương tự.

2. Đối xử công bằng với các con

Điều này không có nghĩa là bạn sẽ đối xử giống hệt nhau với mọi đứa con của mình. Mỗi đứa trẻ là khác biệt và sẽ muốn những thứ khác nhau, vì thế cần cách quan tâm không giống nhau. Quan trọng nhất là bạn phải giữ được sự cân bằng trong việc chăm nom và mức chi tiêu dành cho từng đứa trẻ mọi lúc. "Công bằng" được định nghĩa trong từ điển như sau:

Đặc trưng bởi "công bằng" hay "công bình"; "vừa đủ" và "đúng đắn"; "hợp lý": đối xử công bằng đối với mọi công dân.


Bạn cần đối xử công bằng, hợp lý với các con, với định hướng rằng con sẽ có được thứ cần thiết cho chúng và đúng với mong muốn cá nhân của con; nhất là đảm bảo không thiên vị cho bất cứ đứa con nào. Bọn trẻ không cần những món quà giống nhau trong các dịp lễ. Chúng cần thứ chúng muốn, nhưng hãy đảm bảo giá trị các món quà tương đồng. Như vậy bọn trẻ sẽ biết rằng dù các món đồ có khác nhau thì sự quan tâm của bạn đến chúng là như nhau, như mọi thành viên trong gia đình.

Sẽ có những lúc một đứa con của bạn sẽ cùng làm những điều đặc biệt nào đó với cha hoặc mẹ mình, và đứa trẻ còn lại sẽ phân bì vì sự ưu tiên đó. Hãy chuẩn bị lời giải thích hợp lý để giúp con hiểu được rằng rồi chúng cũng sẽ có một điều đặc biệt nào đó khác vào một lúc nào đó. Đừng quên giữ lấy lời cam kết này và dành cho con khoản thời gian đặc biệt đó, bằng không sự ganh ghét sẽ bắt đầu hình thành.

Một ví dụ tốt nhất của việc đối xử công bằng chính là thời gian cho con ngủ. Trẻ con ở những độ tuổi khác nhau sẽ đòi hỏi thời gian ngủ khác nhau. Bạn quy định giờ ngủ theo nhu cầu của độ tuổi các con và yêu cầu các con cùng tuân thủ. Các con sẽ hiểu rằng chúng đều phải đi ngủ khi đến một thời điểm xác định của một ngày. Đây chính là sự công bằng.

Trẻ em hiểu được sự công bằng, chúng đã được sinh ra như vậy. Đảm bảo mọi thứ đều công bằng và bạn sẽ tránh được việc xảy ra mâu thuẫn kể cả khi mọi thứ không thực sự bình đẳng. Chỉ cần được đối xử phù hợp, các con sẽ tôn trọng quyết định của bạn. Có thể bạn sẽ gặp phải một chút khó khăn ban đầu, nhưng về lâu về dài mọi chuyện sẽ ổn thỏa cả thôi.

3. Đừng dùng cách nói "yêu thích nhất"

Đừng bao giờ để các con bạn nghĩ rằng bạn có một tình cảm đặc biệt dành riêng cho một trong những đứa con của mình. Tôi biết rằng nhiều cha mẹ hay trêu đùa như vậy khi có một đứa con ngoan ngoãn, nghe lời hơn đứa trẻ còn lại và nghĩ rằng như vậy thật hài hước.

Tuy nhiên, bạn không thể để mình nói như vậy với con, bởi vì cách nói này được dùng để thể hiện tình yêu thương. Con bạn sẽ nghĩ rằng "vì ba nói rằng Charlottle là đứa con đáng yêu nhất của ba trong hôm nay, nên ba thương em ấy nhiều hơn". Sẽ thật đáng buồn khi con bạn nghĩ rằng chúng ít được yêu thương hơn vì sự thiên vị, nhưng thực sự đó chính là cách chúng hiểu lời cưng nựng ấy.

Bạn hãy nói rằng "Các con đều là những đứa trẻ đáng yêu của ba/mẹ" và luôn luôn nói như vậy. Như vậy các con sẽ hiểu rằng chúng được yêu thương như nhau và rằng tình thương của bạn dành cho mỗi đứa trẻ của bạn đều to lớn như nhau.

4. Tôn trọng sự khác biệt và cá tính của các con

Bạn cần hạn chế việc so sánh giữa các con. Mỗi đứa trẻ là độc nhất và đặc biệt, chúng cần được tôn trọng và cổ vũ cho cá tính của mình. Đừng so sánh đứa trẻ này với một đứa trẻ khác, đơn giản là vì chúng quá khác biệt để có thể so sánh.

Tôi có hai đứa trẻ sinh đôi, và chúng có thể khác biệt như thể ngày với đêm. Một bé thì dịu dàng, thấu hiểu và nhạy cảm. Bé còn lại thì sôi nổi và rất thích ôm và âu yếm tôi. Thật tuyệt vời khi chúng không giống nhau và có cách thể hiện tình cảm rất riêng. Tôi thường khen ngợi những khả năng và tính cách riêng của cả hai đứa. Sự không tương đồng ấy không khiến một đứa trẻ nào đặc biệt hơn. Chỉ đơn giản là chúng khác biệt và điểm khác biệt ấy cần được tôn trọng và khích lệ.

Cô con gái của bạn có thể là một vận động viên, và con trai bạn có thể yêu nghệ thuật biểu diễn. Chuyện đó hoàn toàn ổn. Đừng ép chúng trở thành những gì không phải bản chất của chúng. Như vậy chỉ khiến chúng xa cách, thậm chí trở nên ghét bạn hơn. Và hiển nhiên con bạn sẽ ghét cả anh chị em của mình nếu bạn cố so sánh chúng hay khả năng của chúng với những đứa trẻ còn lại.

Bạn càng sớm nhìn nhận, trân trọng và ủng hộ con mình sống đúng với con người thật của chúng thì anh, chị, em của chúng cũng sẽ như thế. Mục tiêu của bạn cần là tạo dựng sự hỗ trợ lẫn nhau trong gia đình, và điều đó sẽ khởi đầu với việc cha mẹ trở thành tấm gương đúng đắn và quan trọng nhất.

5. Khích lệ sự động viên, và nói không với sự cạnh tranh

Hãy khiến các con của bạn trở thành nguồn động lực của nhau. Nếu bạn có con tham gia nhiều môn thể thao và các hoạt động khác nhau, hãy sắp xếp thời gian để cả gia đình có thể cùng nhau lần lượt cổ vũ cho mỗi thành viên trong gia đình khi họ tham gia hoạt động nào đó.

Bạn cần dạy cho con bạn cổ động anh, chị, em mình bằng cách nói những lời đầy tính động viên như  "Em mong anh/chị sẽ chơi tốt hôm nay" hay "Em sẽ đón chờ bàn thắng của anh/chị hôm nay đấy" với anh/chị/em mình. Chỉ những lời nói nhỏ như vậy cũng sẽ giúp củng cố mối quan hệ gia đình dài lâu giữa những đứa con của bạn.

Thói quen này sẽ không tự nhiên có sẵn trong mọi đứa trẻ, vì vậy bạn sẽ cần dạy và động viên chúng tập nói những điều tử tế ấy. Theo thời gian, chúng sẽ học được thói quen này và sẽ duy trì khi chúng thấy rằng anh/chị/em mình vui vẻ đón nhận những lời khích lệ và cha mẹ chúng rất hài lòng khi thấy chúng có được thói quen tốt. Bạn sẽ từng bước thấy được mối quan hệ dựa trên sự hỗ trợ, động viên được hình thành giữa những đứa con của mình.

Những cuộc thi đua thân thiện trong gia đình là một điều tốt, và chỉ tốt khi chúng được giữ ở mức đấy. Với mọi trò chơi trong gia đình, trẻ em cần được dạy để chúc mừng nhau và tránh tỏ ra hả hê, tự mãn với anh, chị, em mình khi đang là người thắng cuộc. Bạn cần giúp con (nhất là khi còn nhỏ) hiểu rằng không một ai sẽ mãi mãi thắng cuộc, vì vậy chúng ta cần có thái độ chừng mực kể cả khi thắng hay thua cuộc. Khi thường xuyên gia đình được nhắc nhở, con bạn sẽ ghi nhớ thông điệp này vào tiềm thức.

Bạn cũng cần đảm bảo rằng con bạn hiểu được thông điệp đúng đắn, để củng cố mối quan hệ giữa các con được bền vững hơn thay vì chia rẽ, khiến chúng trở nên xa cách hơn.

6. Trò chuyện với con về mối quan hệ với anh, chị, em trong tương lai

Tôi thích kể cho các con của mình về những người anh chị em đã cùng tôi trưởng thành, những người đã trở thành cậu, dì của chúng. Tôi kể về mối liên kết tuyệt vời mà chúng tôi đã có khi còn là những đứa trẻ, và về cách mà chúng tôi hỗ trợ nhau, như khi tôi và em gái Rachel của mình đã giúp đỡ nhau khi cùng tham gia vào các cuộc thi tìm kiếm học bổng. Chúng tôi đã trở thành chỗ dựa vững chắc nhất của nhau. Tôi giúp con mình hiểu rằng Rachel là người bạn thân nhất đã lớn lên cùng tôi, và bây giờ vẫn thế bởi vì chúng tôi đã cùng có tuổi thơ thật đẹp. Sau đó, tôi bảo rằng các con tôi là những đứa trẻ may mắn vì có được nhau trong đời, trong khi một vài người bạn nhỏ khác lại không có được may mắn khi có anh chị em.

Vài người sẽ gọi đó là tẩy não, nhưng tôi lại cho rằng đó là giáo dục đúng đắn. Khiến con mình có được niềm tin rằng anh chị em chúng sẽ ở bên để yêu thương và bảo bọc lẫn nhau cho đến cuối đời chính là một lời chúc phúc mà tôi nghĩ chúng sẽ cần.

7. Dạy con cách xin lỗi và lòng vị tha

Trong gia đình tôi, những lời xin lỗi không đơn thuần là "em xin lỗi". Người có lỗi phải nói được vì sao họ xin lỗi. Họ phải bước đến thành viên mà họ đã làm tổn thương, nói rõ vì sao họ xin lỗi rồi hỏi xin sự tha thứ, và rồi họ sẽ ôm nhau thật chặt. Quan trọng hơn hết, sau khi một trong những đứa con tôi nói lời tha thứ thì tôi sẽ yêu cầu chúng nói rằng "Chị/em là người bạn thân nhất của em/chị". Tôi xin nhấn mạnh, đây chính là cách hữu hiệu để nhắc chúng nhớ rằng chúng không chỉ là anh chị em mà còn là những người bạn suốt đời.

Thói quen xin lỗi vì những điều nhỏ bé khi còn nhỏ sẽ giúp chúng biết cách xin lỗi và thứ tha khi những vấn đề nghiêm trọng hơn xảy ra khi đến tuổi trưởng thành. Nếu chúng không học được cách tự giác xin lỗi khi còn bé, chúng sẽ khó để làm vậy khi đã lớn. Học được bài học này sẽ giúp chúng hàn gắn khi những xích mích xảy ra giữa anh chị em trong tương lai.

8. Dạy chúng trở thành điểm tựa cho nhau

Cha mẹ không nhất thiết phải luôn là những người giúp đỡ, chỉ dẫn ở trong gia đình. Những người anh, chị có thể giúp đỡ những đứa em của mình, cũng như sẽ có lúc những người em có thể đưa tay ra đỡ lấy anh chị mình.

Khi được dạy bảo cẩn thận, con của bạn sẽ có xu hướng trở thành điểm tựa cho nhau khi có vấn đề gì xảy ra. Nhất là khi bạn dần tập cho trẻ thói quen tìm đến nhau khi gặp khó khăn thay vì chỉ biết tìm đến cha hay mẹ.

Nếu một trong những đứa con sau của bạn cần giúp buộc dây giày hay mặc áo ấm vào, bạn hãy nhờ anh/chị chúng tới giúp em mình. Tập thành thói quen giúp đỡ nhau để sau cùng trở thành bản năng thì khi không có cha mẹ ở gần, chúng sẽ bắt đầu tìm anh chị hay em mình để nhờ giúp đỡ.

Đừng quên khen ngợi con mình khi chúng trông nom lẫn nhau, để chúng hiểu rằng đó là những việc cần làm đối với gia đình và khuyến khích chúng tiếp tục phát huy những điều vừa được học.

Một điều quan trọng chính là đừng áp đặt, thúc ép con bạn làm những gì chúng ghét. Bạn nên nhẹ nhàng đề nghị con giúp anh chị em mình, và đừng ngần ngại khen con ở những bước đầu tiên. Con bạn sẽ thấy hài lòng khi giúp đỡ, hiểu rằng chúng đã làm được việc có ích, cũng như tin rằng bản thân có khả năng đỡ đần gia đình và sẽ không ngần ngại làm vậy trong những lần tiếp sau. Bên cạnh đó, con bạn cũng có được cảm giác thân thuộc đối với gia đình khi cảm thấy được cần đến.

9. Đừng dung thứ cho những từ ngữ khó nghe

Lời nói có thể gây sát thương rất nặng nề, thậm chí còn hơn cả những tổn thương thể xác. Đừng để con bạn có thói quen dùng những cái tên khó nghe để gọi nhau hay cho phép chúng gây hấn với nhau. Bạn nên làm rõ rằng trong gia đình có những nguyên tắc và sẽ không có cảnh cáo nếu vi phạm những nguyên tắc ấy: Nếu cha hay mẹ nghe thấy những từ ngữ khó nghe, gây tổn thương cho người khác trong gia đình thì sẽ có những hình phạt thích đáng. Con bạn sẽ sớm nhận ra rằng lời nói gây tổn thương sẽ không được chấp nhận.

Hãy đặt ra nguyên tắc này từ thật sớm, bởi khi con bạn lớn hơn chúng sẽ thông minh hơn và trở nên xấu tính hơn. Đừng để tương lai mai sau bạn phải đối diện với những cuộc cãi vả toàn những lời nói cay đắng của con cái bạn.

Bạn cần dạy con nói chuyện với người khác bằng những lời nói tử tế, tích cực hơn. Nếu con bạn đang hình thành thói quen nói những lời khó nghe, thì bạn phải sửa ngay lập tức. Hãy sử dụng bữa ăn gia đình để mọi người cùng ngồi lại và nói những điều tử tế với người ngồi ở bên cạnh mình. Những lời nói hay sẽ đi vào trái tim của người nói và người nghe khi được nói ra thành lời.

Hãy thực hiện những việc này, kể cả khi bạn phải biến chúng thành những việc phải làm tại bàn ăn gia đình hay trong khi lái xe. Như vậy sẽ giúp tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến tâm hồn con bạn, nhất là khi nghe được những lời lẽ tốt đẹp từ anh chị em chúng.

10. Dạy con bạn cách giải quyết mâu thuẫn của chính mình

Nếu con bạn tìm đến bạn vì mọi vấn đề nhỏ nhặt giữa chúng thì rõ là con bạn không chủ động giải quyết mẫu thuẫn với nhau. Hãy dạy con bạn cách nhìn hướng mà chúng muốn để tự giải quyết những mâu thuẫn đó. Như thế thì những đứa trẻ của bạn mới có thể học được cách đàm phán và có được giải pháp hợp lý cho vấn đề đang gây tranh cãi.

Vấn đề sẽ không qua đi chỉ trong một đêm, nhưng với sự hướng dẫn cẩn thận từ cha mẹ, những đứa trẻ sẽ dần có thói quen tự nghĩ ra các lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn, sớm thôi chúng sẽ tự làm được việc này mà không cần sự can thiệp của cha mẹ. Đương nhiên sẽ có những lúc bạn buộc phải nhúng tay vào, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của những đứa trẻ. nhưng với từng bước một được hướng dẫn đúng cách, bạn sẽ thấy các con bạn có xu hướng tự hòa giải với nhau trong các cuộc tranh cãi diễn ra gần như hằng ngày.

Những bước đầu của quá trình này bạn có thể đề nghị hai hướng giải quyết tốt nhất rồi để chúng tự quyết định giữa hai lựa chọn đó. Như vậy con bạn sẽ có cơ hội để cân nhắc các hậu quả và chọn được hướng đi nào sẽ phù hợp nhất. Ví dụ nhé, nếu con trai tôi tìm đến tôi và nói rằng đã bị đứa em trai đã lấy mất đồ chơi, tôi sẽ hỏi rằng, "Vậy các con muốn làm thế nào về việc này? Chúng ta nên cất hẳn món đồ chơi ấy đi hôm nay hay các con muốn thay phiên nhau chơi món đồ chơi đó?"

Tạo điều kiện cho con bạn quyết định hướng giải quyết vấn đề sẽ giúp các con bạn sẵn sàng để tự nghĩ ra hướng giải quyết, rồi từ đó chúng sẽ tự thảo luận với nhau. Kết quả tuyệt vời của quá trình này chính là bạn sẽ không cần phải luôn đứng giữa để phân giải mọi cuộc tranh cãi từ lớn đến bé trong nhà, mà các bạn trẻ sẽ có cách để giải quyết mọi chuyện êm thấm và hòa thuận.

Một ngày nào đó bạn sẽ thấy may mắn vì bạn đã dạy con mình cách để tự giảng hòa giữa những anh chị em với nhau. Bởi lẽ bạn sẽ không bị mắc kẹt giữa những cuộc tranh cãi của những người trưởng thành, chỉ vì những "người trưởng thành ấy" đã không học được bài học quý giá này khi còn là những đứa trẻ.

Tình yêu chính là lời giải

Quan trọng hơn tất thảy mọi thứ chính là dạy cho con bạn yêu thương lẫn nhau. Bí quyết là hãy thể hiện tình yêu này đến mọi người trong gia đình bạn.

Tình yêu chính là sự tôn trọng, sự công bằng, sự tử tế, sự quan tâm và cả cam kết sẽ ở bên nhau cho đến cuối đời.

Việc giúp con bạn nuôi dưỡng tình cảm gia đình giữa anh chị em ngay trước khi đứa con kế của bạn ra đời sẽ đem lại một môi trường chứa đầy yêu thương và sự quan tâm có thể kéo dài cả một đời người. Sẽ không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, vậy nên hãy làm ngay trong hôm nay để con bạn có được mối liên kết yêu thương nhau bền chặt nhất với anh chị em mình.


Nguồn ảnh bìa: pixabay từ pixabay.com