4 tháng trước
Lỗi Quy Kết Cho Bản Chất: Một Trong Những Sai Lầm Chúng Ta Thường Mắc Phải Nhất Trong Cuộc Sống Hàng Ngày
325

4247
Lượt xem
102
Lượt chia sẻ
6
Lượt bình luận

Hãy nhớ lại lần cuối cùng một ai đó khiến bạn bực bội, như khi sếp bạn quát tháo bạn vì một điều gì đó không phải do lỗi bạn chẳng hạn. Bạn có nghĩ như thế này không?

“Cô ta thật nóng nảy.”

“Cô ta đúng là con người vô lý quá sức.”

“Cô ấy hoàn hoàn không thể kiềm chế cơn giận của mình.”

Nếu bạn từng nghĩ như vậy, thì bạn đã mắc lỗi quy kết cho bản chất rồi đấy.

Thế nào là lỗi quy kết cho bản chất?

Bạn mắc lỗi quy kết cho bản chất khi diễn tả hành vi của người khác, cho rằng tất cả là do những yếu tố bên trong con người họ (như là tính cách), thay vì suy xét xem những yếu tố bên ngoài có thể tác động đến hành vi của họ thế nào[1].

Ví dụ như, nếu một người bạn không thể hoàn thành bài tập của họ đúng hạn, bạn có thể nghĩ là, "Cậu ấy lười biếng quá!", trong khi thực tế thì cậu bạn ấy có thể đang phải làm thêm giờ ở chỗ làm thêm, vì thế cậu ấy không có thời gian cho bài tập ở trường.

Để nhận định được thấu đáo hơn, bạn có thể nghiên cứu các tình huống khiến bạn dễ mắc loại lỗi này sau đây:

  • Ở nơi làm việc. Thường xảy ra nhất khi chúng ta bất đồng quan điểm với ai đó, hoặc thái độ của họ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của ta.
  • Với gia đình. Chúng ta có thể đánh giá tính cách ai đó một cách bất công bởi vì ta nghĩ mình đã hiểu họ quá rõ.
  • Trong các mối quan hệ. Những tranh cãi có thể khiến chúng ta vội vàng kết luận về tính cách của người yêu mình.
  • Ở nơi công cộng. Khi chúng ta không hiểu rõ ai đó, rất dễ để chúng ta phán xét họ mà không suy xét đến những lý do đằng sau hành động của người đó.

Một số ví dụ về lỗi quy kết bản chất trong đời sống thường ngày:

Hãy thử xem các ví dụ sau, và nếu bạn thấy mình đã từng trải qua bất cứ tình huống nào trong đó, đừng lo lắng - bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách mình nhìn nhận về người khác.

  • Khi ai đó làm tổn thương cảm xúc của bạn. Thật dễ dàng để nhảy thẳng đến kết luận về bản chất một ai đó khi họ làm bạn tổn thương. Hãy giữ bình tĩnh và quan sát để nhận ra mọi chuyện thực hư thế nào.
  • Khi đối diện với người lạ. Chúng ta nhanh chóng phán xét những người mình chưa bao giờ nói chuyện. Lần tới nếu bạn thấy một người đang la mắng con nhỏ ở nơi công cộng, hãy thử nghĩ đến những căng thẳng họ đang chịu đựng thay vì mặc định họ là bậc cha mẹ tồi tệ.
  • Khi tranh luận với người yêu. Mắc kiểu lỗi quy chụp này rất dễ phá vỡ mối quan hệ của bạn, và khiến cho người ấy của bạn cảm thấy bị đả kích vô căn cứ. Bạn đã bao giờ tranh cãi về một vấn đề vô cùng nhỏ, và buông lời, "Anh/em thật thiếu suy nghĩ", hay "Anh/em không bao giờ lắng nghe, phải không?" Những lời nói này hiếm khi đúng, và là những nhận định thiếu công bằng đối với hành động của họ.
  • Khi bất đồng quan điểm với ai đó. Khi có người bày tỏ góc nhìn khác hoàn toàn với bạn, bạn thường nghĩ ngay, "Họ thật ngu ngốc." Tuy nhiên, kiểu nhận định trắng - đen rạch ròi này ngăn ta cởi mở đón nhận ý tưởng mới, và cho thấy bạn thật bất công khi nhận xét người khác như vậy.

Tại sao chúng ta lại phạm sai lầm quy chụp bản chất người khác như vậy?

Có một lý do chung dễ hiểu nhất khiến chúng ta mắc lỗi này với người khác, nhưng lại không làm vậy với chính mình.

Chúng ta biết nguyên nhân, sự thật đằng sau hành vi của mình, nhưng với người khác thì ngược lại. Nếu bạn tới muộn trong buổi họp nào đó, thì là do bạn bận chăm sóc người thân bị bệnh, và bạn sẽ dễ dàng bỏ qua cho chính mình. Nếu đồng nghiệp đi trễ, bạn sẽ nghĩ rằng họ ngủ quên hay không quan tâm đến thời gian buổi họp.

Khi không biết lý do thực sự vì sao một người thực hiện điều họ làm có thể ảnh hưởng to lớn đến cách chúng ta phán xét người đó.

Làm sao bạn có thể ngăn mình mắc lỗi quy kết bản chất với người khác?

May mắn thay, bạn có thể tự ngăn cản bản thân lặp lại những sai lầm mình từng mắc phải. Bạn sẽ có được khả năng thấu hiểu hơn, từ đó xây dựng các mối quan hệ tốt hơn, và có thể ít cảm thấy tổn thương bởi hành động của người khác hơn.

Lần sau khi bạn phát hiện ra mình đang đánh giá vội vã một ai đó, hãy thử những kỹ thuật sau[2] để tránh được điều đó.

Tránh đánh đồng mọi hành vi của một ai đó

Bạn không nên dùng những từ ngữ như, "luôn luôn" hay "không bao giờ" khi diễn tả hành vi của một người. Thay vì nói với bạn đời mình rằng, "Anh/em không bao giờ giúp đỡ việc nhà", bạn có thể nói thành "Tuần này, anh/em chưa giúp anh/em việc nhà nhiều đâu nhé." Như vậy sẽ công bằng và hợp lý hơn.

Nhìn nhận điều tốt nhất ở mọi người

Chúng ta mắc dạng lỗi quy chụp này là do chúng ta chỉ nhìn thấy những điểm xấu nhất trong mỗi người. Chúng ta thường cho rằng người khác ích kỉ, ngốc nghếch hoặc thiếu suy nghĩ, trong khi đánh giá chính mình là tốt bụng và biết điều. Hãy thử nhìn nhận những điểm tốt nhất của mọi người thay vì chỉ tìm kiếm những khuyết điểm, lỗi lầm của họ.

Hãy thử nghĩ đến một vài lý do cho hành động của mọi người

Đặt bản thân mình vào vị trí của người khác, và xem thử bạn có thể nghĩ ra bất cứ lý do nào cho hành động của họ không. Ví dụ như, "Cô ấy nổi nóng với mình bởi vì cô ấy đã thức cả đêm chăm sóc cho em bé mới sinh," hoặc "Anh ấy chen vào đầu hàng là do anh ấy cần mua gấp dụng cụ y tế vì một lý do nào đó." Bài tập này sẽ giúp bạn cân nhắc mọi khả năng dẫn đến hành vi của mỗi người.

Hỏi lý do vì sao họ lại hành xử như vậy

Đôi khi giải pháp đơn giản nhất lại hiệu quả số một. Tại sao cứ băn khoăn cả ngày vì hành động của một người trong khi bạn có thể hỏi thẳng họ? Bạn có thể nhận được một câu trả lời như, "Xin lỗi bạn, tôi đã có một ngày dài. Tôi hiểu rằng mình đã sai rồi." Hãy đảm bảo rằng bạn dùng những từ ngữ chân thành, thấu hiểu khi đặt câu hỏi, đừng xúc phạm hay buộc tội họ vô cớ.

Đã bao nhiêu lần bạn đánh giá vội vàng, thiếu công bằng với ai đó? Bạn có thể dùng những cách trên để ngừng mắc lỗi quy kết cho bản chất với mọi người và bắt đầu học cách thấu hiểu lẫn nhau hơn.

Tài liệu tham khảo