5 tháng trước
Perma - Cách Đơn Giản Để Tìm Hạnh Phúc
465

6158
Lượt xem
141
Lượt chia sẻ
6
Lượt bình luận

Con người luôn phấn đấu để đạt được cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Hơn bao giờ hết, hạnh phúc dường như là mục tiêu tối thượng mà con người luôn hướng tới. Tuy thuật ngữ hạnh phúc được cho là khá rõ nghĩa, nhưng đối với đa số người nó vẫn chứa ẩn ý hoàn toàn mơ hồ. Hãy hạnh phúc - Có phải chỉ đơn giản như thế? Quan trọng hơn là liệu chúng ta lúc nào cũng được hạnh phúc? Có phải vì cứ ráo riết theo đuổi hạnh phúc nên rốt cuộc chúng ta thường rơi vào tâm trạng chán chường, vô vọng? 

Định nghĩa được rõ ràng về điều gì làm nên hạnh phúc hoàn toàn là một thách thức không nhỏ đối với đa số chúng ta. Hơn thế nữa, không hề có một nhân tố phổ quát nào mang lại hạnh phúc cho con người. Đối với một nhân viên ngân hàng chẳng hạn, thành công trong sự nghiệp và có được mức thu nhập cao thì có thể mang lại hạnh phúc cho họ, trong khi đó một nhà văn lại cảm thấy hạnh phúc khi đọc được một tác phẩm vĩ đại. Dường như hạnh phúc là điều gì đó rất khó hình dung, khó xác định và khó làm cho nó bộc phát, tuy nhiên chúng ta vẫn có những kỹ thuật và cách thức nhằm gia tăng chất lượng cũng như triển vọng cuộc sống của mình. Và rốt cuộc điều này sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện hơn.

 PERMA - mô hình của sự hạnh phúc

Theo Martin Seligman, Cha đẻ của “thuyết tâm lý học tích cực”,  hạnh phúc có một công thức qua sự trình bày năm yếu tố cấu thành của PERMA, và những yếu tố này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức về hạnh phúc và sự thỏa mãn – Cảm xúc tích cực, Sự gắn kết, Các mối quan hệ, Ý nghĩa cuộc sống và Những thành tựu đạt được, tác giả đưa ra những hướng dẫn làm thế nào để đạt được hạnh phúc. Ông cũng đưa ra lời khuyên nên thấu hiểu năm yếu tố này và tìm cách cải thiện một vài yếu tố nhằm mưu cầu hạnh phúc.

PERMA consists of 5 core elements that contribute to our happiness

5 yếu tố cốt lõi của mô hình hạnh phúc PERMA

1. Cảm xúc tích cực (Positive emotion)


Chìa khóa để đạt được hạnh phúc là thái độ tích cực. Tuy nhiên, thái độ tích cực không có nghĩa là bạn phải luôn luôn mỉm cười, mà ngược lại, bạn không nhất thiết phải kìm nén cảm xúc của mình. Để trau dồi cảm xúc tích cực bạn cần phải hiểu biết và chấp nhận những suy nghĩ, những cảm xúc tiêu cực, tìm hiểu về cội rễ sâu xa và những nguyên nhân của nó. Để rồi bạn sẽ dễ dàng khám phá được những mặt tích cực dù trong bất cứ tình huống hay hoàn cảnh nào.

Muốn nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, chúng ta có thể áp dụng quy tắc 20/80. Quy tắc này thường có sự liên tưởng đến năng suất và thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm về mưu cầu hạnh phúc, ta có thể coi như con số 20% là khoảng thời gian dành cho những hoạt động nho nhỏ về mặt tinh thần như suy tưởng, đọc sách, liệt kê ra những khía cạnh tích cực, sự tri ân, v.v... Khoảng thời gian 20% này sẽ quyết định cảm xúc của chúng ta trong 80% thời gian còn lại trong ngày bất kể ta có lâm vào hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Người ta thường cho rằng cần phải có một sự thay đổi lớn lao mới có thể cảm nhận được hạnh phúc. Nhưng hoàn toàn ngược lại, chính những điều nhỏ bé hằng ngày như biết quan tâm, đánh giá cao và chăm sóc bản thân mới là yếu tố quyết định.


2. Sự gắn kết (Engagement)


Điều quan trọng là khi tham gia một hoạt động, nó sẽ khiến chúng ta cảm thấy mình hiện hữu, và do đó tạo nên cảm giác mình là người sung sướng, có tầm quan trọng, có mục đích sống và có hạnh phúc.

Hãy nhớ lại kỳ nghỉ của bạn. Khoảng thời gian đó trôi qua rất nhanh so với những ngày làm việc bình thường, hay “một ngày không có em trôi qua lê thê như thế nào? Điều khác biệt trong mỗi ví dụ chỉ là khác biệt nhận thức về mặt gắn kết và hưởng thụ mà thôi.

Nhằm tăng cường và duy trì mức độ hạnh phúc trong cuộc sống, chúng ta cần phải tự cho phép mình tìm tòi và khám phá những hoạt động nào có thể giúp cho chúng ta trong việc kết nối các nhận thức. Bạn cũng cần phải ưu tiên cho chính mình và từ chối những gì không mang lại cảm giác hoàn toàn hòa hợp, tạo cảm hứng và thôi thúc bạn trên bước đường tìm kiếm động lực và đam mê trong cuộc sống.


3. Những mối quan hệ (Relationships)


Con người là những sinh vật xã hội, vì thế khả năng cảm nhận sự thỏa mãn và hạnh phúc cá nhân phụ thuộc vào mối quan hệ xã hội và sự gắn bó với những người có cung bậc khác nhau về mặt trí tuệ, tinh thần, thể chất và cảm xúc. Việc kiến tạo và bồi dưỡng những mối quan hệ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi chính những mối quan hệ đó đem đến cho chúng ta lợi ích và ý nghĩa trong cuộc sống. Sự cô lập và xa lánh sẽ nảy sinh một số nguy cơ  lớn khiến cho nỗi sợ hãi, lo lắng và bất hạnh càng gia tăng.

Muốn áp dụng đầy đủ các yếu tố của mô hình hạnh phúc PERMA, ta cần phải suy xét lại những mối quan hệ và gắng sức cải thiện những mối quan hệ này. Thắt chặt hơn quan hệ với bạn bè, gia đình, họ hàng và người thân, về cơ bản, nó sẽ tạo nên một bệ đỡ vững chắc cho cuộc đời bạn khi cần đến sự trợ giúp và chăm sóc.

Tạo dựng các mối quan hệ tích cực và cải thiện những mối quan hệ hiện có chính là dành thời gian cho những người quan trọng đối với chúng ta. Việc  dành nhiều thời gian bên cạnh họ, trợ giúp họ và khiến cho người đó cảm thấy mình nhận được sự quan tâm sẽ tạo ra sự gắn bó tích cực và lành mạnh – điều này giúp cho chúng ta gia tăng ý thức về mục đích, hạnh phúc và cảm giác không thể thiếu nhau trong cuộc sống.

Hãy làm sáng tỏ và phân tích kỹ lưỡng những mối quan hệ của bạn. Đừng e ngại! Bạn sẽ có cơ hội trở thành một người bạn, người anh em, bậc cha mẹ hay một người cộng sự tốt hơn, đồng thời cũng góp phần khiến cho bạn và những người chung quanh được hạnh phúc.


4. Ý nghĩa cuộc sống (Meaning)


Hãy nghĩ đến những con người vĩ đại trong suốt chiều dài lịch sử và nguyên nhân tại sao họ lại được vô cùng ngưỡng mộ. Phần lớn những người trong số họ đều sống một cuộc đời có mục đích và có ý nghĩa cũng như có những đóng góp lớn lao cho nhân loại. Cuộc sống có mục đích và ý nghĩa có tác động rất nhiều đến cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc, vì từ trong sâu thẫm chúng ta ai cũng mong muốn dành cuộc đời mình cho những việc lớn lao hơn chính bản thân, những gì chúng ta đang theo đuổi phải vượt lên trên giá trị vật chất và những thú vui nhỏ nhặt.

Điều gì tạo nên động lực cho chúng ta? Nếu để ý ta sẽ nhận ra ngay là mình chỉ có động lực làm việc một khi có được mục đích lớn lao và cụ thể, ngược lại với việc hành động không hề có mục đích nào cả.

Muốn xác định mục đích của đời mình, bạn bắt buộc phải phớt lờ những thú vui nhỏ bé thoáng qua. Thay vào đó, hãy tập trung đến những gì quan trọng hơn đang chờ đón bạn. Hãy liệt kê những mơ ước và mục tiêu của bạn, rồi tự hỏi chính mình bạn sẽ để lại gì cho hậu thế, và điều gì sẽ khiến người đời tưởng nhớ đến bạn. Nếu những ước mơ của bạn có vẻ quá vĩ đại, có vẻ bất khả thực hiện ở thời điểm hiện tại. Đừng hoảng sợ! Hãy chia ra thành những bước đơn giản và khả thi. Tiến hành thong thả từng bước một tùy theo khả năng của bạn.


5. Thành tựu đạt được (Accomplishments and Achievements)


Chỉ khi nào chúng ta hoàn thành những mục tiêu khiến ta cảm thấy vui sướng và thỏa mãn, khi đó thành tựu mới có ý nghĩa. Ý nghĩa của thành tựu có liên quan trực tiếp đến yếu tố ý nghĩa cuộc sống và việc đặt kế hoạch trước đó. Khi bạn hoàn thành được mục tiêu dù lớn hay nhỏ có nghĩa là bạn đã có cơ hội khẳng định sức mạnh, khả năng và sự kiên trì của mình.

Hãy phân chia những mục tiêu lớn thành những bươc nho nhỏ và có tính thực tế - điều này rất quan trọng. Nó sẽ giúp chúng ta không bị mất động lực và chệch hướng trên bước đường thực hiện mục tiêu của mình. Nói chung, lòng kiên trì là một yếu tố góp phần vào việc chinh phục mục tiêu và đạt được hạnh phúc. Do đó, chúng ta sẽ có cơ hội đạt được thành tựu nhất định khi chúng ta quyết tâm không bỏ cuộc. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc gia tăng lên như một phần thưởng đối với việc cống hiến cho một sự nghiệp lớn lao chỉ khi chúng ta kiên trì theo đuổi và hoàn thành mục tiêu bằng tất cả sức lực, khả năng sáng tạo và thời gian của mình.


Martin Seligman giảng giải về mô hình PERMA

Để hiểu rõ hơn về mô hình đơn giản này và cách thức tất cả mọi người có thể bắt đầu áp dụng nó để tìm kiếm hạnh phúc cho mình, hãy lắng nghe bài giảng của chính tác giả.

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com